Văn hoá nghệ thuật
Sơ lược các kỳ đại hội và sự kiện chính từ Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên đến Liên Hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế
16:38 | 14/08/2015


HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ XII

Sơ lược các kỳ đại hội và sự kiện chính từ Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên đến Liên Hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế
Cột tin trên báo Quyết Chiến ngày 28/9/1945 đăng tin về Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên thành lập - Ảnh: vannghehue.vn

Hội nghị thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc

Tối 18/9/1945, 50 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa đã họp tại Sở Tuyên truyền thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên. Liên đoàn gồm 4 ban: Văn học, Hội họa, Điêu khắc và kiến trúc, Âm nhạc, Ca kịch. Ủy ban chấp hành lâm thời được bầu gồm 5 vị: Hoài Thanh (Chủ tịch), Đào Duy Dếnh (Phó chủ tịch), Thanh Tịnh và Hà Huy Hạnh (Thư ký), Quốc Thuận (Thủ quỹ).

Đại hội nghị Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc

Tối 22/9/1945, Đại hội nghị Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên được tổ chức tại trụ sở Ban Tuyên truyền Trung bộ. Bầu ủy ban chấp hành chính thức bao gồm: Hoài Thanh (Chủ tịch), Đào Duy Dếnh (Phó chủ tịch), Thanh Tịnh và Hoàng Hữu Xứng (Thư ký), Quốc Thuận (ủy viên tài chính). Liên đoàn chuẩn bị xuất bản tờ tuần báo Đại Chúng, lập đoàn tuyên truyền lưu động hoạt động khắp các huyện trong tỉnh. Trụ sở tạm thời của Liên đoàn đóng ở số 2 đường Nguyễn Tri Phương (Thuận Hóa).

Ngay sau Đại hội nghị, Ban Hội họa đã tổ chức triển lãm tranh chào mừng. Đây là cuộc triển lãm mang tính lịch sử đầu tiên của giới họa sĩ Huế sau Cách mạng Tháng 8.

Ba tháng sau, do tình hình nhân sự có thay đổi, một số cán bộ Liên đoàn được điều động nhận công tác (như Hoài Thanh chuyển ra Hà Nội), Liên đoàn đã tổ chức Đại hội nghị vào tối 20/12/1945 để bầu lại Ban Chấp hành. Ban Chấp hành mới bao gồm: Hải Triều (Chủ tịch), Nguyễn Xuân Dương (Phó chủ tịch), Tôn Thất Dương Kỵ (Thư ký), Vương Tứ Ba (Phó Thư ký), Trần Đình Giám (Thủ quỹ).

Hội nghị Họp Bạn gặp mặt văn nghệ Thừa Thiên năm 1950

Hội nghị Họp Bạn gặp mặt văn nghệ toàn tỉnh Thừa Thiên gồm hơn 50 văn nghệ sĩ tại nhà thờ họ Lê, xã Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc. Đáng lý còn có thể đông hơn (dự kiến một trăm rưỡi) nhưng trước đó Pháp lùng ở Phú Vang nên một số người ở Bắc Thừa Thiên không vào dự được. Cuộc họp diễn ra trong 5 ngày, thảo luận về đủ các môn văn, thơ, nhạc, kịch, có phát giải thưởng, có tổ chức một đêm kịch (diễn cả Nhật Xuất) và sau đó có tổng kết và bầu ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên do Trịnh Xuân An làm Phân hội trưởng.

Đại hội Văn nghệ Trị Thiên - Huế

Năm 1969, do nhu cầu phát triển của phong trào, tại chiến khu TT - Huế đã tiến hành tổ chức thành công Đại hội Văn nghệ Trị Thiên - Huế.

Đại hội đã quyết định thành lập Chi hội văn nghệ giải phóng Trị - Thiên - Huế với Ban chấp hành gồm 21 vị. Đại hội đã bầu vào Ban chấp hành 15 vị, và để dành 6 chỗ cho các lực lượng văn nghệ khác tham gia Chi hội trong quá trình phát triển của phong trào.

Ban Thường trực của Chi hội gồm 5 vị: Chi hội trưởng: Hồ Thuận An, nhạc sĩ; Chi hội phó kiêm tổng thư ký: Thanh Hải, nhà thơ; Chi hội phó: Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn, giáo sư trường Quốc Học và Đồng Khánh (Huế), Tổng thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế, chủ bút báo Cứu lấy quê hương, cơ quan tranh đấu của liên minh; Chi hội phó: Thanh Huyền, nhà viết kịch và đạo diễn; Ủy viên thường trực kiêm Phó Tổng Thư ký: Nguyễn Tuyến Trung, nhà viết kịch.

Các ủy viên khác gồm có các vị: Thuận Yến, nhạc sĩ trong Quân giải phóng; Nguyễn Hữu Vấn, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, giáo sư Trường Quốc gia âm nhạc Huế; Thu Lưỡng, diễn viên dân ca Trị - Thiên; Ku Lai, dân tộc Pa Kô, đội trưởng Đội văn công miền Tây Trị - Thiên; Trần Vàng Sao, nhà thơ, giáo sư trường trung học Truồi; Phong Hải, nhà văn trong Quân giải phóng; Phương Nhi, diễn viên múa Đoàn văn công Quân giải phóng Trị - Thiên - Huế; Trần Phương Trà, nhà văn; Lê Khánh Thông, họa sĩ báo Cờ giải phóng Huế; Văn Dung, nhạc sĩ.”

Riêng Huế, năm mùa hè 1970 đã thành lập Hội Văn nghệ Thành phố Huế. Trong kỳ Đại hội này có các văn nghệ sĩ sau: Doãn Yến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Khánh Thông, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Đắc Xuân, Tống Hoàng Nguyên, Văn Thái…

Cuộc gặp mặt hợp nhất văn nghệ sĩ sau ngày giải phóng Huế

Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Chính quyền Cách mạng Lâm thời Thừa Thiên Huế tiếp quản cơ sở 26 Lê Lợi Huế làm trụ sở của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Nhà thơ Thanh Hải làm thủ trưởng cơ quan Hội. Thời kỳ này Hội tập trung vào việc tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ từ chiến khu TT - Huế về, từ miền Bắc vào và lực lượng tại chỗ: Thanh Hải, Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Hà Khánh Linh, Nguyễn Tuyến Trung, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Nguyễn Hữu Ngô, Trần Công Tấn, Quế Lâm, Trần Thanh Lâm, Trần Phá Nhạc, Lê Khánh Thông, Nghiêm Sĩ Thái, Phạm Đăng Trí, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Đinh Cường, Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Khắc Cầm, Hoàng Đăng Nhuận, Thái Ngọc San, Nguyễn Đông Nhật, Ngụy Ngữ, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Đặng Mậu Tựu, Võ Quê, Trần Đình Sơn Cước...

Tối 14/4/1975, tại Viện Đại Học Huế có cuộc họp mặt của giới văn nghệ sĩ tại thành phố Huế và văn nghệ sĩ Giải phóng Thừa Thiên Huế. Nhà văn, dịch giả Lê Khắc Cầm thay mặt văn nghệ sĩ thành phố Huế phát biểu cảm nghĩ về những năm tháng sống dưới chế độ Mỹ - Thiệu và niềm phấn khởi trong những ngày giải phóng. Sau đó nhiều văn nghệ sĩ khác của thành phố Huế và của Hội Văn nghệ Giải phóng phát biểu những cảm xúc của mình, xác định nhiệm vụ của người nghệ sĩ là đem tài năng, sức lực phục vụ đất nước, xây dựng lại thành phố Huế. Toàn thể văn nghệ sĩ có mặt đã thông qua danh sách Ban Điều hành công tác văn nghệ thành phố Huế thời gian trước mắt gồm 7 người, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Trưởng ban.

Năm 1976 hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên

Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Trị Thiên làm Trưởng ban chỉ đạo hợp nhất lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên.

Ban Vận động thành lập Hội do nhà thơ Thanh Hải làm Trưởng ban, nhà thơ Xuân Hoàng, nhà thơ Lương An làm Phó trưởng ban.

Hoạt động của Hội trong giai đoạn này tập trung vào việc tập hợp đội ngũ hội viên của ba tỉnh, xây dựng chương trình hoạt động chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ I.

Đại hội Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ I

Tổ chức vào các ngày 3-5/7 /1978, tại thành phố Huế.

Hội có 285 hội viên (trong đó có 68 hội viên trung ương). Đại hội lần thứ I đã bầu Ban Thường trực gồm: Chủ tịch Hội - nhạc sĩ Trần Hoàn; các Phó Chủ tịch: nhà thơ Thanh Hải, nhà thơ Xuân Hoàng, nhà thơ Lương An.

Năm 1978: Thành lập Phân hội Mỹ thuật, Phân hội Nhiếp ảnh Bình Trị Thiên; 71 hội viên được trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên lần thứ I; nhà thơ Thanh Hải được tặng giải đặc biệt. Nhiệm kỳ này Hội đã xuất bản 20 tác phẩm văn học. Khoảng 359 bài thơ và trên 100 tác phẩm văn xuôi được công bố trên tạp chí Bình Trị Thiên.

Tháng 6/1983 Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập.

Đại hội Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ II

Tổ chức vào các ngày 1-3/8/1983, tại thành phố Huế.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành 23 người, Ban Thường vụ 11 người. Chủ tịch: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm kiêm Tổng Thư ký, kiêm TBT Tạp chí Sông Hương. Các Phó Chủ tịch: nhà thơ Xuân Hoàng, đạo diễn sân khấu Xuân Đàm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, họa sĩ Vũ Trung Lương. Các Phó Tổng Thư ký: Ông Phan Văn Khuyến, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các Ủy viên thư ký: Ông Minh Hằng, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, họa sĩ Bửu Chỉ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô.

Tháng 4/1986 nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, TBT Tạp chí Sông Hương chuyển công tác. Nhà thơ Xuân Hoàng giữ chức vụ Quyền Chủ tịch, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên kiêm TBT Tạp chí Sông Hương.

Ban Chấp Hành đã thành lập Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên (20/11/1984); tổ chức Hội Nghị thơ văn yêu nước của tuổi trẻ trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước (25/3/1985).

Năm 1987, Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế được thành lập. Cũng năm này, Chi hội Kiến trúc Việt Nam tại Thừa Thiên Huế gia nhập làm thành viên của Hội. Trên 40 văn nghệ sĩ TT - Huế nhận giải thưởng Bông Sen Trắng. (Quyết định tổ chức giải thưởng Bông Sen Trắng số 1280-QĐ/UB ngày 2/11/1987).

Đại hội Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ III

Tổ chức năm 1988, tại số 3 Lê Lợi - Huế. Đại hội đã bầu nhà văn Tô Nhuận Vỹ làm Tổng thư ký. Các nhà văn Nguyễn Quang Lập, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô làm Phó Tổng thư ký. Nhiệm kỳ này chỉ hoạt động một năm thì chia tỉnh Bình Trị Thiên (1989).

Ngày 15/7/1989 Thường vụ Tỉnh ủy TT - Huế đã ra quyết định số 18 QĐ- TV về việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật TT - Huế trên cơ sở số hội viên văn nghệ sĩ sau khi chia tỉnh còn công tác, sinh sống tại TT - Huế (gồm 270 hội viên trong đó có 70 hội viên các chuyên ngành trung ương); sáp nhập Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Huế và cử Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật TT - Huế lâm thời gồm 17 thành viên. (Quyết định ngày 20/7/1989).

Theo đó, Ban Thư ký Hội bao gồm: Tổng Thư ký: nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Phó Tổng Thư ký: nhà văn Hồng Nhu. Các ủy viên thư ký: họa sĩ Bửu Chỉ, nhà văn Trần Thùy Mai, nhà thơ Võ Quê.

Giai đoạn này Hội tập trung thống kê lại danh sách hội viên; xây dựng chương trình hoạt động chuẩn bị tổ chức Đại hội Văn học nghệ thuật TT - Huế đầu tiên sau khi tách tỉnh.

Đại hội Hội VHNT Thừa Thiên Huế (nhiệm kỳ 1990 - 1994)

Tổ chức vào tháng 12/1990. Hội có 283 hội viên (trong đó có 96 hội viên các hội chuyên ngành trung ương). Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 người. Ban Thường trực Hội: nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Tổng Thư ký; nhà văn Hồng Nhu, Phó Tổng Thư ký kiêm TBT Tạp chí Sông Hương; họa sĩ Bửu Chỉ, Ủy viên.

Trong nhiệm kỳ này Hội tham gia vận động, sáng lập viên Nhà trưng bày Nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị (1993).

Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh nhận được 30 giải thưởng khu vực, toàn quốc, quốc tế.

Trên 40 hội viên công bố công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật.

Hội đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng Nghệ thuật tỉnh TT - Huế, tổ chức giải VHNT Cố Đô 5 năm/lần (lần thứ I); đã có 40 hội viên nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ I (Quyết định số 612/QĐ-UB ngày 16/6/1993).

- Tổ chức đoàn ca Huế giao lưu tại Thái Bình, Quảng Ninh (1993).

- Tạp chí Sông Hương tổ chức kỷ niệm 10 năm ra số đầu tiên (6/1983 - 6/1993)

Đại hội Hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ VII (nhiệm kỳ 1994 - 1997)

Lúc bấy giờ, do tìm thấy tư liệu Hội nghị Họp Bạn thành lập Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên năm 1950 tại Mỹ Lợi - Phú Lộc; căn cứ vào quá trình hình thành và phát triển tổ chức Hội từ năm 1950; thể theo nguyện vọng của hội viên, Ban Chấp hành Hội VHNT TT - Huế nhiệm kỳ 1990 - 1994 đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND TT - Huế tổ chức đại hội nhiệm kỳ 1994 - 1997 với tên gọi là Đại Hội VHNT TT - Huế lần thứ VII (lần I tính từ 1950).

Tổng số hội viên đến cuối nhiệm kỳ là 288 (trong đó có 111 hội viên các hội chuyên ngành trung ương).

Cơ cấu tổ chức của Hội VHNT tỉnh gồm 7 Phân hội chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian.

Đại hội bầu ra Ban Chấp Hành gồm 16 người, Ban Thường vụ 5 người. Chủ tịch Hội là nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Các Phó Chủ tịch: nhà thơ Võ Quê, nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Các ủy viên Thường vụ: nhà văn Hồng Nhu, họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng.

Trong nhiệm kỳ này Hội đã phối hợp với các hội chuyên ngành trung ương thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, thành lập Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế; Chi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Thừa Thiên Huế; đề nghị làm thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật TT - Huế.

Nhiều hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT đã diễn ra. Các hội viên đã xuất bản 40 tác phẩm văn học; 50 hội viên nhận giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội chuyên ngành TW và quốc tế. Để xúc tiến quảng bá các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, Hội tổ chức khai trương Gallery tại trụ sở Hội (26 Lê Lợi, Huế). Việc giao lưu được đẩy mạnh, Hội đã đón tiếp và làm việc với 31 đoàn văn nghệ sĩ, nhà văn hóa đến thăm và làm việc từ các nước Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Pháp, Israel, Thụy Điển, Anh, Australia…

Đại hội Hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1997 - 2000)

Tổ chức vào ngày 6-7/6/1997. Hội VHNT tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức 7 Phân hội chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân Khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Văn nghệ Dân gian. Tổng số hội viên đến cuối nhiệm kỳ là 308 người.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 17 người, Ban Thường vụ 5 người. Chủ tịch Hội là nhà thơ Võ Quê, Phó Chủ tịch: nhà văn Nguyễn Quang Hà kiêm TBT Tạp chí Sông Hương. Các ủy viên: họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần II đã trao cho 41 hội viên. Trong nhiệm kỳ này có 16 hội viên được nhận giải thưởng của các Hội chuyên ngành trung ương. Đặc biệt, hội viên Hội Nhiếp ảnh đã nhận 90 giải thưởng địa phương, khu vực, quốc gia và 10 giải thưởng quốc tế về nghệ thuật nhiếp ảnh.

Hội tổ chức một đoàn ca Huế dự Festival Âm nhạc dân tộc châu Á tại Đài Loan (1998). Hội đã làm thủ tục giới thiệu cho hội viên các Hội chuyên ngành tham dự triển lãm, biểu diễn, hội nghị chuyên đề ở các nước Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan... Hội cũng đã tham gia phối hợp tổ chức thành công Trại điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Việt Nam - Huế lần thứ II (1998).

Hội đã phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế; phối hợp Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam thành lập Chi hội Múa Việt Nam tại Thừa Thiên Huế.

Đại hội Hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ IX

Tổ chức vào ngày 18-19/8/2000. Đại Hội đã nhất trí đổi tên từ Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Về công tác tổ chức, Đại hội đã nhất trí nâng các phân, chi hội lên thành Hội với 8 Hội chuyên ngành: Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian. Tổng số hội viên đến ngày 30/1/2005 là 432 người (trong đó có 188 hội viên các hội chuyên ngành trung ương).

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành 18 người. Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch: nhà thơ Võ Quê; Các Phó Chủ tịch: nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch kiêm TBT Tạp chí Sông Hương, họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Các ủy viên: nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Trong nhiệm kỳ, Hội đã tham gia các chương trình biểu diễn, triển lãm tại các kỳ Festival Huế 2000, 2002, 2004; tổ chức 14 trại sáng tác văn học nghệ thuật; tham gia phối hợp tổ chức trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Việt Nam - Huế lần thứ III (2002), lần thứ IV (2004); tổ chức 46 cuộc triển lãm (38 mỹ thuật, 8 nhiếp ảnh).

Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ III đã có 35 tác giả được trao giải.

Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ X

Đại hội có sự góp mặt của toàn thể hội viên thuộc 8 chuyên ngành: Hội Nhà văn, Mỹ thuật, Âm nhạc, Kiến trúc, Sân khấu, Văn nghệ dân gian, Nhiếp ảnh, Nghệ sĩ múa.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 21 thành viên: NSƯT Ngọc Bình, Trần Thanh Bình, Nguyễn Minh Dũng, Việt Đức, Dương Bích Hà, Hồ Thế Hà, Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Việt Hùng, Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Triều Nguyên, Lê Phùng, Võ Quê, Văn Thanh, Nguyễn Khắc Thạch, Phạm Bá Thịnh, Phạm Nguyên Tường, Phạm Văn Tý, Đặng Mậu Tựu, La Cẩm Vân. Ban Thường trực gồm: nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - Chủ tịch, các Phó Chủ tịch gồm: họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch.

Nhiệm kỳ 2005 - 2010, Hội đã đẩy mạnh hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật bằng nhiều hình thức lẫn phương pháp tổ chức như phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các địa phương nhằm xã hội hóa các hoạt động sáng tác và nâng cao chất lượng trại sáng tác theo hướng chuyên biệt hóa kết hợp giữa các loại hình: văn học, âm nhạc, kết hợp văn học với âm nhạc, nhiếp ảnh với mỹ thuật...

Hội cũng đã tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hội thảo chuyên ngành và xuất bản các công trình lớn như: 700 năm thơ Huế, 30 năm Văn học Thừa Thiên Huế, 30 năm Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, thiết kế Trang thông tin điện tử, đồng thời thời hỗ trợ hơn 30 đầu sách cho các hội viên không có điều kiện xuất bản tác phẩm và hỗ trợ một phần kinh phí công bố gần 60 tác phẩm cho hội viên.

Từ mùa xuân năm 2009, Tạp chí Sông Hương tổ chức chương trình Viếng mộ Thi nhân vào dịp Nguyên Tiêu; viếng mộ và dâng hương tại phần mộ các chí sĩ, nhân sĩ trí thức, thi nhân đang nằm ở Huế, Nhà thờ Phan Bội Châu, Nghĩa Trang Phan Bội Châu, Nghĩa trang Đồi Từ Hiếu, Nghĩa trang Nhân dân… Sau này, chương trình được Liên hiệp Hội đưa vào hoạt động chính của Liên hiệp Hội trong dịp Nguyên Tiêu hàng năm.

Đại hội Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ XI

Diễn ra vào ngày 23/10/2010. Đại hội đã có phiên họp nội bộ Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế vào chiều ngày 22/10/2010. Phiên họp này đã biểu quyết thông qua bản Điều lệ sửa đổi hoàn chỉnh. Theo Điều lệ sửa đổi, tên gọi mới của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế là LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ.

Tại Đại hội, lãnh đạo tỉnh trao tặng Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế bức trướng với dòng chữ: “Đoàn kết - Bản lĩnh - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”.

Đại hội đã tiến hành hiệp thương Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới với 15 thành viên. Tại phiên họp lần thứ nhất, Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (LHCH VHNT TTH) cũng như giới thiệu và đề cử thành các thành viên Ban Kiểm tra, Hội đồng nghệ thuật nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ban chấp hành khóa XI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) bao gồm: nghệ sĩ Nguyễn Đình Dũng, KTS Nguyễn Minh Dũng, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, nhạc sĩ Dương Bích Hà, nhà thơ Đông Hà, nhà thơ Hồ Thế Hà, biên đạo múa Cao Chí Hải, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, nhà nghiên cứu Triều Nguyên, nhạc sĩ Lê Phùng, nghệ sĩ Nguyễn Văn Thanh, nhà văn Thái Cẩm Thủy, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Phạm Nguyên Tường, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Tý. Ban Thường vụ: họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Chủ tịch; nhạc sĩ Lê Phùng - Phó Chủ tịch Thường trực; nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm TBT Tạp chí Sông Hương; biên đạo múa Cao Chí Hải; nhà thơ Phạm Nguyên Tường.

Ngày 30/5/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1082/ QĐ- UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa ký, quyết định “Lấy ngày 18 tháng 9 năm 1945 - Ngày thành lập Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên là Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế”.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp Các Hội VHNT Việt Nam có công văn số 308/CV-LH ngày 4/9/2014 nhất trí với quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 18 tháng 9 năm 2014, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Lễ Công bố Quyết định mang tính chất lịch sử này.

Trong những năm qua, đã có nhiều hoạt động nổi bật: tổ chức nhiều trại sáng tác ở các vùng miền; tham gia các kỳ Festival Huế; tham dự các chương trình hoạt động của các vùng kinh đô Việt Nam xưa và giao lưu với nhiều tổ chức quốc tế; tổ chức nhiều cuộc liên hoan Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc khu vực bắc miền Trung và cả nước; tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn như “Văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế”; tìm ra ngày thành lập tổ chức tiền thân của Hội - Liên đoàn văn hóa Cứu quốc 18/9/1945; xuất bản nhiều công trình lớn như Tuyển tập 30 năm tác phẩm và tác giả (Mỹ thuật), Tổng tập văn học dân gian, bộ sách kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương xuất bản số đầu tiên…

Đặc biệt, có thêm 4 văn nghệ sĩ được Giải thưởng Nhà nước (Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Trần Hồng Nhu, Triều Nguyên), lần đầu tiên văn nghệ sĩ Huế có 2 nghệ sĩ nhân dân (Ngọc Bình, Bạch Hạc).

Nhiều văn nghệ sĩ được giải thưởng trung ương và địa phương, giải thưởng từ cuộc vận động sáng tác đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một số văn nghệ sĩ được giải thưởng quốc tế quan trọng: Bửu Ý, Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai, Hoài Nguyên,...

B.B.T

------------------------
Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà thơ Võ Quê, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, cuốn “Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam”, Nxb. Hội Nhà văn 2013.
 

(SH318/08-15)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng