Văn hoá nghệ thuật
“Cuộc hội ngộ đầy sáng tạo dưới mái nhà chung”
15:43 | 17/08/2015

Tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế là Liên đoàn văn hóa cứu quốc Thừa Thiên, được thành lập ngày 18/9/1945. Quá trình 70 năm (1945 - 2015) hình thành và phát triển, văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng các giai đoạn lịch sử của đất nước. Tiến tới Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2015 - 2020, phóng viên của Tạp chí Sông Hương đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Lê Phùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

“Cuộc hội ngộ đầy sáng tạo dưới mái nhà chung”
Nhạc sĩ Lê Phùng

@ Thưa nhạc sĩ Lê Phùng, xin ông cho biết những điểm nổi bật mà Liên hiệp các Hội VHNT đã đóng góp vào dòng chảy văn học nghệ thuật nói chung?

Trân trọng giữ gìn và phát huy những giá trị to lớn của vùng đất có tính chất hết sức đặc biệt về văn học nghệ thuật, với chiều dài lịch sử trên 700 năm hình thành và phát triển của Thuận Hóa - Phú Xuân xưa và Thừa Thiên Huế ngày nay, đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) Thừa Thiên Huế đã không ngừng vun đắp và góp phần làm tỏa sáng những giá trị ấy trên cả hai bình diện: phát triển về tổ chức và sáng tạo nhiều sản phẩm VHNT có chất lượng. 40 năm qua, kể từ sau ngày quê hương giải phóng, giới VNS Thừa Thiên Huế từ nhiều vùng miền khác nhau về đây, người thì đi tập kết từ miền Bắc trở về quê hương, người thì tham gia kháng chiến trên rừng về, người thì hoạt động tại chỗ mà đa phần là những anh chị em tham gia phong trào đô thị, tất cả đều cùng nhau đoàn kết, tập hợp dưới Mái Nhà Chung Hội Văn học Nghệ thuật. Tùy thời điểm và yêu cầu mang tính lịch sử của từng giai đoạn, mô hình tổ chức và tên gọi hành chính có khác nhau, nhưng tính chất của Hội không thay đổi - đó là triển khai nhiều hoạt động VHNT có hiệu quả thiết thực, sáng tạo những sản phẩm VHNT cách mạng mang hơi thở nồng nàn của cuộc sống mới, với những cung bậc cảm xúc được trào dâng từ nhịp đập rộn ràng của đời sống đã góp phần chuyển đổi những quan niệm, nhận thức của xã hội trước những đổi thay lớn lúc bấy giờ.

Điều đặc biệt trước nhất, như chúng ta biết, nhiều VNS xuất sắc nắm trọng trách của Hội sau này đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, như nhạc sĩ Trần Hoàn (Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế - 1969, Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên - 1978); nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên - 1983, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương từ 1983 - 1986), v.v. Họ là những người từng tham gia cách mạng; khi đảm trách sứ mệnh văn học nghệ thuật ở vùng đất có bề dày văn hóa, đã phát huy được năng lực lãnh đạo và tinh hoa sáng tạo của mình. Và rất nhiều những nhà văn nhà thơ, nhà phê bình khác đã đến và ở lại Thuận Hóa, tạo nên sức hút mạnh mẽ giới VNS tụ về. Từ trước cách mạng tháng Tám 1945 cho đến nhiều năm tiếp theo, Huế đã đóng vai trò là một trong những trung tâm báo chí của cả nước.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của LHH, Tạp chí Sông Hương từ lúc ra đời cho đến nay luôn có một dòng chảy văn hóa nghệ thuật rõ nét tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả, được đánh giá là diễn đàn chất lượng hàng đầu trong các tạp chí văn nghệ địa phương. Từ số báo đầu tiên (6/1983), Sông Hương đã đăng tải nhiều tác phẩm VHNT xuất sắc của hội viên cùng những cây bút có tên tuổi lớn trên cả nước và quốc tế. Những năm 80 của thế kỷ trước, Thừa Thiên Huế đã chọn mô hình VHNT để làm cầu nối ngoại giao và Sông Hương là sự kết nối nghĩa tình quê hương của những người con Huế xa quê, và cũng qua Sông Hương đã giúp cho bà con Việt kiều hiểu hơn về những đổi thay của đất nước.  

@ Từ Liên đoàn Văn hóa Cứu Quốc Thừa Thiên (sau khi tỉnh Bình - Trị - Thiên tách trở lại thành ba tỉnh, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ra quyết định thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế), đến năm 2000, Hội Văn học Nghệ thuật đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Nếu xem đây là hai thời kỳ, vậy VHNT Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển hướng mục tiêu hoạt động mạnh mẽ nào thưa ông?

Khi chính quyền vừa mới về tay nhân dân trên đất Huế non một tháng, ngày 18/9/1945 được đánh dấu cho sự ra đời của Liên đoàn văn hóa cứu quốc Thừa Thiên, chính là tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế ngày nay. Tuy nhiên cũng phải đến năm 2014, ngày rất ý nghĩa này mới được phát hiện, và đã nhận được quyết định của Tỉnh chính thức thừa nhận là ngày thành lập LHH; và trung tuần tháng 9 tới đây chúng ta sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.

Nếu nói về sáng tạo, cơ bản giai đoạn nào cũng lấy chất lượng tác phẩm làm đầu, mang đến những tác phẩm có tính nhân văn, với tinh thần yêu nước, hướng đến giá trị chân thiện mỹ. Khác là giữa lúc đất nước đang trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, VNS trước hết là một chiến sĩ, nên trong tác phẩm của họ đề cao tinh thần phục vụ cách mạng, chống giặc ngoại xâm. Còn trong thời bình, tính nghệ thuật sẽ được ưu tiên; tất nhiên tính tư tưởng trong sáng tạo nghệ thuật trong những năm vừa qua luôn được chú trọng, và đó cũng chính là yếu tố tiên quyết để tồn tại. Nghĩa là tác phẩm phải đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung thể hiện, bắt nhịp với các luồng tư tưởng thế giới. Đó cũng là hướng đi của các VNS mà Tạp chí Sông Hương đã cổ súy, tiên phong, được nhiều bạn đọc và giới VNS ủng hộ nhiệt thành.  

@ LHH có 8 tổ chức hội thành viên với gần 600 hội viên (trong đó có 276 hội viên thuộc các hội chuyên ngành Trung ương); trong nhiệm kỳ qua, yếu tố nào góp phần vào sự phát huy khả năng sáng tạo của VNS thưa ông?

Giới VNS nói chung luôn tự vượt qua hoàn cảnh để sáng tạo. Tuy nhiên với tư cách hội viên của LHH, sự hỗ trợ luôn góp phần kích thích sự sáng tạo của họ. Từ hỗ trợ có nhiều nghĩa, chẳng hạn như hỗ trợ kinh phí sáng tạo, hỗ trợ về mặt tinh thần, v.v. Nhưng theo kết quả đạt được nhiều năm qua, phương thức mở trại sáng tác vẫn rất hiệu quả. Các hình thức tổ chức tập trung như điền dã, thâm nhập thực tế... là thế mạnh và cũng là sự nổi trội của hoạt động VHNT Thừa Thiên Huế. Chỉ tính 3 năm trở lại đây, hoạt động này đã thực hiện một kết quả ấn tượng về tổ chức trại sáng tác và thâm nhập thực tế sáng tác cho VNS, với: 8 trại sáng tác VHNT, 14 trại sáng tác chuyên ngành, 02 trại sáng tác trẻ; phối hợp tổ chức 3 trại sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi; thu về một lượng tác phẩm VHNT khá phong phú: gần 100 truyện vừa, ghi chép, bút ký, truyện ngắn; hằng trăm bài thơ, gần 50 ca khúc; hàng trăm tác phẩm nhiếp ảnh và nhiều tác phẩm hội họa. Có những chuyến đi đặc biệt quan trọng như thâm nhập thực tế ở các chiến khu xưa, các căn cứ địa cách mạng ở Mường Phăng - Điện Biên (đủ lượng bài vở làm thành chuyên đề “về nguồn” trên Sông Hương), Đỉnh Chư Yang Sin - Tây Nguyên, đồi Abia ở A Lưới, chiến khu Dương Hòa; đến các huyện đảo xa như Cồn Cỏ, Phú Quốc, Lý Sơn... Thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa của đất nước, trên Biển Đông, thái độ của VNS Thừa Thiên Huế đã biểu thị tinh thần dân tộc rất cao bằng việc xuống đường, tuần hành để phản đối; Tạp chí Sông Hương dịp này đăng tải những bài viết, những bài thơ mang tính thời sự và nhiều cảm xúc, giành được nhiều cảm tình của bạn đọc trong và ngoài nước.

Điểm lại, có nhiều tác phẩm VHNT sáng tác tại các trại sáng tác tham gia Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ V và dự các Giải thưởng quốc gia, phần nhiều đạt thứ hạng cao. Thành tựu nổi bật trong những năm gần đây phải kể đến: Nhà văn Hoài Nguyên qua đầu sách Lào - đất nước và con người vinh dự được Nhà nước Lào trao tặng Huân chương Tự do hạng Nhất, năm 2013; Nhà văn Trần Thùy Mai được tặng thưởng vì những đóng góp cho văn học, điện ảnh và văn học dân gian của Hội Hữu nghị San Francisco - TPHCM, 2011; Dịch giả, nhà văn, nhà giáo Bửu Ý được Bộ Giáo dục Quốc dân Cộng hòa Pháp, thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, trao Huân chương Cành cọ hàn lâm, dành cho những đóng góp của ông trong cầu nối văn hóa, giáo dục giữa hai nước Việt - Pháp, quảng bá văn hóa Pháp tại Việt Nam và giảng dạy tiếng Pháp; Tiểu thuyết Nụ cười Ápsara của nhà văn Hà Khánh Linh được Giải thưởng vùng sông Mê Kông; trong năm 2012, có 4 văn nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT (Tô Nhuận Vỹ, Trần Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Triều Nguyên); tiếp đó là 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; nhiều tác phẩm của các hội viên Hội Nhà văn được chuyển ngữ để giới thiệu đến bạn đọc trên thế giới, như các tác giả: Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vỹ, Hoài Nguyên, Võ Quê, Hồ Đăng Thanh Ngọc... Nhiều hội viên Hội Mỹ thuật đã có tranh được các nhà sưu tập nước ngoài chọn mua và sưu tập, như: Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Đình Sang, Vĩnh Phối, Trương Bé, Ngô Tâm, Lê Văn Nhường, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Thiện Đức,... Các hội viên Hội Nhiếp ảnh được trao tặng các tước hiệu quốc tế, cụ thể: Phạm Bá Thịnh, E.FIAP/s - Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc hạng bạc; Hoàng Xuân Trí, E.FIAP - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc, và 5 nghệ sĩ nhiếp ảnh được tặng tước hiệu A. FIAP - Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nhưng hơn hết, những ai từng nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô, với họ vẫn là một niềm tự hào lớn.  

@ Với tính đặc thù về văn học nghệ thuật, nhiều năm qua LLH đã góp công sức xứng đáng vào văn hóa của Huế. Thưa nhạc sĩ Lê Phùng, Ban Thường vụ LHH có những dự định gì để phát huy hơn nữa vai trò của các hội chuyên ngành trong các sự kiện văn hóa trọng đại của tỉnh, chẳng hạn như lễ hội Festival?

Nhờ phương pháp điều hành mang tính công khai, minh bạch, dân chủ, tạo dựng được một cơ chế làm việc vừa tôn trọng vừa có tính chủ động cao, LHH đã phát huy tốt năng lực của các hội chuyên ngành, động viên được sự nỗ lực tham gia hoạt động và sáng tạo của toàn thể hội viên. Ngoài những hoạt động VHNT có tính định kỳ, như các cuộc Liên hoan: Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh khu vực Bắc Trung bộ hay các cuộc triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, giới thiệu tác giả, tác phẩm mới... nhiều năm qua LHH cũng luôn đồng hành với những sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn.

Phải nói rằng vai trò tham mưu của LHH với Tỉnh trong một số dự án văn hóa rất quan trọng. Qua các kỳ Festival Huế hoặc Festival Nghề truyền thống Huế, LHH đã tham gia tích cực và có hiệu quả thiết thực, không chỉ vận động trong giới VNS tỉnh nhà tham gia mà còn mời gọi các VNS khắp mọi miền đất nước về Huế cùng tham gia Festival. Tiêu biểu như dịp Sông Hương tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tạp chí. Qua các sự kiện văn hóa lớn ở tỉnh nhà, mối quan hệ giữa các tổ chức Hội của các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay, giữa các tổ chức hội chuyên ngành kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Thừa Thiên Huế cũng làm phong phú thêm đời sống VHNT, thắt chặt hơn mối quan hệ kết nghĩa sâu đậm và là cơ hội cho VNS các vùng miền có điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau để nâng cao chất lượng sáng tạo.  

@ Nhạc sĩ cho biết những mục tiêu lớn mà Đại hội lần thứ XII Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2015 - 2020 hướng đến?

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong bối cảnh 5 năm tới là thời kỳ có nhiều sự kiện chính trị - lịch sử trọng đại của quê hương, đất nước, LHH không ngừng phấn đấu với phương hướng mục tiêu: Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo; bám sát mục tiêu và nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XV và Nghị quyết 23 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (khóa XIV) để xây dựng những đề án về văn học nghệ thuật có tính khả thi, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất có chiều dài lịch sử văn hóa, văn học nghệ thuật trên 700 năm, của 70 năm tổ chức Hội VHNT.

Trên tinh thần Nghị quyết và tranh thủ sự lãnh đạo của tỉnh trong việc xây dựng thiết chế văn hóa tỉnh nhà, chương trình hành động của 8 hội thành viên, Ban Chấp hành LHH khóa XI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xây dựng những mục tiêu trọng điểm:

- Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của bộ máy lãnh đạo LHH, chú trọng phát triển đội ngũ VNS trẻ có trình độ chuyên môn, có uy tín về nghề nghiệp, có tri thức, có tâm huyết với hoạt động Hội, có bản lĩnh chính trị tham gia bộ máy lãnh đạo. Mở rộng mối quan hệ nối kết hoạt động với các ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn cũng như với các tổ chức hội khắp cả nước, các tổ chức hội kết nghĩa, nhất là các tổ chức hội của các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay để thắt chặt mối quan hệ, nhằm để trao đổi, giao lưu, giới thiệu về văn học nghệ thuật.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cạnh đó là những sáng tác và nghiên cứu có chất lượng về Bác Hồ (như đã từng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen trong dịp Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03/BCT, v.v).

- Phát huy nguồn năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ, phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị nghệ thuật và tính tư tưởng đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, tạo nên những giá trị tinh thần hướng tới chân - thiện - mỹ, góp phần thực hiện có hiệu quả về xây dựng những chuẩn mực về đạo đức, lối sống của con người Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tập trung tổ chức có hiệu quả thiết thực các Trại sáng tác, các hoạt động VHNT hướng về đề tài ngợi ca những đức tính tốt đẹp của con người trên quê hương Thừa Thiên Huế; tổ chức các hoạt động VHNT hướng về các đề tài: Biển đảo quê hương, Nông thôn mới, Chiến tranh cách mạng của Dân tộc, Thiếu niên Nhi đồng...

- Xây dựng các đề án có tính khả thi về VHNT, chú trọng đến các loại hình có nguy cơ mai một hoặc sớm có thể bị lãng quên bởi sự phát triển của yếu tố đô thị, như: Dân ca, dân vũ, Tuồng Huế, Làng quê và các dòng họ xứ Huế, Tập tục, lễ hội, Tinh hoa của văn hóa ẩm thực Huế... Tổ chức điền dã để lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn Thừa Thiên Huế; Duy trì và phát triển Festival Thơ Huế với nhiều hình thức và nội dung phong phú hơn.

- Tổ chức có hiệu quả chuỗi hoạt động VHNT và Gặp mặt Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trên thực tế, những công việc cụ thể hơn còn được phân nhánh ra nhiều nữa, LHH sẽ có kế hoạch cụ thể trong và sau Đại hội nhiệm kỳ này.  

* Cảm ơn nhạc sĩ Lê Phùng đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

PV
(SH318/08-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng