Văn hoá nghệ thuật
Hai mốc son của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
20:21 | 03/02/2019

DƯƠNG PHƯỚC THU    

Thực hiện chủ trương của Đảng, đầu tháng 8/1945, từ Huế, Nguyễn Vịnh và Trần Quý Hai, đại diện cho Xứ ủy Trung Kỳ lên đường ra dự Hội nghị cán bộ Đảng họp ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Hai mốc son của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: wiki

Theo Văn kiện Đảng toàn tập, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15/8/1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền, thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương giải giáp quân Nhật… Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; từ đây Nguyễn Vịnh mang tên mới là Nguyễn Chí Thanh (đã có nhiều tài liệu thời ấy ghi tên ông là Nguyễn Chí Thành; chúng tôi cũng đã sưu tầm được một số bài phát biểu của đại diện Việt Minh Trung Bộ Nguyễn Chí Thành; tại Thành ủy Đà Nẵng hiện nay vẫn còn lưu giữ lá thư của Bí thư Xứ ủy Trung Bộ gửi ông Lê Văn Hiến theo chỉ thị của Bác Hồ mời ông Hiến ra Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Lao động… lá thư ấy được ký tên Nguyễn Chí Thành).

Cũng tại Tân Trào, sau Hội nghị của Đảng, ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu quốc dân đã khai mạc, có hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái yêu nước, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo trong nước và có cả đại biểu kiều bào ta ở Lào và Thái Lan về dự.

Đại hội Đại biểu quốc dân đã quyết định: Nhất trí tán thành chủ trương phát động khởi nghĩa của Đảng, của Tổng bộ Việt Minh “Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”…

Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Ủy ban này có tính chất như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong quá trình sưu tầm tư liệu, chúng tôi thấy cần thiết phải công bố lại và rộng rãi hơn về một số tư liệu dưới đây có liên quan đến Nguyễn Chí Thanh:

1. Về các ủy viên của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, từ trước đến nay, đa số tư liệu chỉ mới công bố tên tuổi của 5 vị ở cơ quan Thường trực gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Trần Huy Liệu và các ủy viên Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. Trên thực tế, Ủy ban này có 15 người, ngoài 5 vị thường công bố còn có 10 người nữa là: ông Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang.

Như vậy, hiểu theo nghĩa khai mở thì Nguyễn Chí Thanh là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập và là 1 trong 15 thành viên “khai quốc” của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960 - Ảnh: wiki

2. Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, diễn ra từ ngày 5 đến 10/9/1960, với sự tham dự của 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 50.000 đảng viên của cả hai miền Nam Bắc. Đại hội đã bầu ra một Ban Chấp hành gồm 43 ủy viên chính thức, 28 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, bầu Ban Bí thư gồm 7 người, đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Thứ nhất. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương.

Tại Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ngày 23/01/1961, đã ban hành Nghị quyết số 06/NQTW về vấn đề phân công; trong đó có “quyết định bổ sung thêm người vào Ban Bí thư, tổ chức Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quân ủy Trung ương và phân công một số đồng chí ủy viên Trung ương giữ những chức vụ mới. Theo Nghị quyết này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Đảng phân công làm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương.

Ban Công tác Nông thôn Trung ương bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có cả quân sự, văn hóa, giáo dục, y tế, văn nghệ, thể thao, nông nghiệp, thủy sản, giao thông, thủy lợi, xây dựng... bao trùm lên tất cả nông thôn miền Bắc. Đến cuối năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Bác Hồ cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương cục, kiêm Chính ủy quân Giải phóng miền Nam thì Ban Công tác Nông thôn cũng kết thúc nhiệm vụ chuyển sang mô hình mới.

Mấy chục năm qua, đã có rất nhiều công trình viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là “làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương?”, viết như vậy không đúng với Nghị quyết “về vấn đề phân công” của Đảng. Thực ra, Ban Nông nghiệp Trung ương có quy mô, phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn hoạt động hẹp hơn nhiều so với Ban Công tác Nông thôn Trung ương và đồng chí làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương thường là ủy viên Trung ương. Trong thực tế, chưa bao giờ Đảng phân công một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Chính vì thế, các tài liệu đã viết về Nguyễn Chí Thanh giai đoạn này rất cần phải đính chính lại. Trả lại những gì đúng với sự thật trên cương vị, chức trách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị tướng của Nhân dân được Đảng phân công làm “Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương”.

D.P.T
(TCSH360/02-2019)

..........................................
Tư liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị QG, 2010.
2. 60 năm Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) Nxb. Thông tấn, 2005.
3. Văn bản số 6/NQTW Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ III, ngày 23/1/1961.  






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng