Văn hoá nghệ thuật
Phát huy trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ trong tình hình mới
15:26 | 25/06/2021

VŨ NHƯ QUỲNH   

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, văn học và văn hóa luôn giữ vai trò quan trọng, làm nòng cốt xây dựng nền văn hiến lâu đời và đặc sắc của dân tộc.

Phát huy trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ trong tình hình mới
Các nhà văn Thừa Thiên Huế tham dự Trại sáng tác tiểu thuyết và thăm Di tích Suối Lê Nin ở Cao Bằng năm 2009

Tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp, trước yêu cầu của tình hình mới, trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục là những chiến sỹ xung kích, xây dựng các giá trị mới của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nhìn lại chặng đường cách mạng của dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có những đóng góp to lớn và quan trọng. Trước cách mạng Tháng Tám, đông đảo văn nghệ sĩ đã hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Hưởng ứng lời kêu gọi tham gia phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đông đảo văn nghệ sĩ đã tham gia góp sức cho Đảng, Chính phủ từng bước chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chống lại “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đã phát huy vai trò tiên phong sáng tạo trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn dân tộc tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Đoàn văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế đi thực tế sáng tác về Biển đảo quê hương và giao lưu với các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng


Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hòa cùng không khí sục sôi kháng chiến của cả dân tộc, lớp lớp văn nghệ sĩ đã hăng hái tình nguyện nhập ngũ, lên đường chiến đấu, cùng với quân dân cả nước tham gia kháng chiến. Mỗi văn nghệ sĩ tự đứng vào một vị trí, tự gánh lấy một trách nhiệm, tự làm đầy một lẽ sống. Với khẩu hiệu “Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá; cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt”, văn nghệ sĩ nước ta đã tiến hành một cuộc dấn thân triệt để. Lớp thì tòng quân, lớp thì luồn sâu vào các vùng sau lưng địch, bộ đội bám địch, văn công bám bộ đội, dâng lên cả một phong trào sáng tác và biểu diễn, huấn luyện đội ngũ, vừa đưa đến cho chiến sĩ, đồng bào những sáng tác mới nhất, vừa tổ chức dịch thuật những tinh hoa của các nền văn nghệ tiên tiến trên thế giới. Từ một dòng văn nghệ cách mạng đã trở thành một nền văn nghệ mới: dân tộc, dân chủ, tràn đầy sức sống và triển vọng. Lớp lớp các văn nghệ sỹ - chiến sỹ, hăng hái tham gia, phục vụ cách mạng một cách tận tụy, hết mình. Nhiều nhà văn trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu Đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… Trong số đó có nhiều người đã hy sinh anh dũng như các nhà văn - chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh…

Có thể khẳng định, các thế hệ văn nghệ sỹ đã tiếp nối nhau trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, bằng sức lao động sáng tạo, sự đam mê của mỗi người nghệ sỹ, đã có rất nhiều tác phẩm có giá trị đích thực, mang tầm vóc lịch sử đất nước dân tộc, đề cao giá trị nhân văn, có sức lan tỏa và khơi dậy tinh thần nồng nàn yêu nước. Kế thừa những truyền thống vẻ vang đó, trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, đất nước có nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ phải tiếp tục là đội ngũ tiên phong của đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, tạo động lực quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bốn nhà văn tham dự Trại sáng tác Nha Trang năm 1995. Từ trái qua phải: nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Nguyễn Gia Nùng


Từ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết 33 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã và đang là kim chỉ nam để các văn nghệ sỹ lao động sáng tạo trên cơ sở quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Đây chính là những quan điểm mang tính chỉ đạo, là nguyên tắc, cũng là không gian rộng lớn, đẹp đẽ nhằm thúc đẩy văn học, nghệ thuật - với tư cách là động lực tinh thần vô cùng to lớn và quan trọng của cả xã hội, của sự phát triển. Mong muốn về một nền văn học, nghệ thuật “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “vươn tầm thời đại” với nhiều kết tinh tư tưởng và nghệ thuật cao đẹp là mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Để làm được điều cao cả đó, rất cần sự sáng tạo, lao động, cống hiến cao độ của người nghệ sĩ. Phải gắn bó máu thịt với sự nghiệp đổi mới, đi sâu vào thực tiễn, dám đổi mới một cách mạnh mẽ nhưng đúng đắn, tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng. Người nghệ sĩ phải không ngừng bám sát thực tiễn, sống cùng đất nước mình, nhân dân mình, như con ong ngày ngày tích lũy và trau dồi vốn sống, vốn văn hóa, trau dồi bản lĩnh và tài năng. Lao động nghệ thuật là một lĩnh vực đầy tinh tế, đòi hỏi sự sáng tạo cao độ và sự hy sinh thầm lặng.

Đây cũng là trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, đội ngũ văn nghệ sĩ cần tiếp tục phát huy vai trò dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên mạnh mẽ.

V.N.Q
(SHSDB41/06-2021)

----------------------
Ảnh trong bài: Ảnh tư liệu của nhà văn Nguyễn Khắc Phê




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng