Trang viết đầu tay
Hạnh phúc
10:13 | 19/11/2008
LÊ PHƯƠNG THẢOSân ga thưa thớt bóng người. Vài chiếc xe đang nằm đợi khách trên nền gạch bỏng rát. Nắng hầm hập đỏ lửa. Quán xá vắng vẻ khách, bà chủ quán miệng móm mém nhai trầu, tay cầm quạt, quạt phành phạch để cố xua đi cái nóng đang bám lấy người.

- Khoảng một tiếng (1h) nữa mới có xe chị ạ! Đang lơ đãng nhìn quanh chị giật mình khi nghe bà chủ quán nói. Liếc mắt nhìn đồng hồ chị khẽ “vâng”! Mới 1h chiều, vậy là 2h xe mới chạy. Chị đón xe sớm quá!.
- Chị đi A Lưới mần chi?
- Dạ! Cháu đi nhận công tác.
- Răng buổi sớm nhiều xe lại không đón? Buổi chiều chỉ có một xe nứ thôi!
Chị bật cười trước cách nói chuyện của bà. Thật ra chị đi A Lưới là tình nguyện hay là vì cái gì đó chị cũng không biết nữa. Ở cơ quan chị ai cũng xì xào bàn tán việc chị tình nguyện đi A Lưới tăng cường bác sỹ cho tuyến xã. Người nói chị điên, chị ngu, người nói chị chơi trội. Còn mẹ chị khóc lóc, to nhỏ với chị rằng:
- Ở đây mi còn mong có tấm chồng chứ lên trên nứ có khỉ lấy mi.
Không ai hiểu được chị và cũng không ai ngăn được chị. 35 tuổi đầu chứ còn nhỏ dại gì đâu. Cầm quyết định đi A Lưới trên tay chị tự hỏi mình: “Không biết mình quyết định đúng hay sai?”

Khách bắt đầu lục tục lên xe. Chị tìm một chỗ ở trong góc phía bên trái sau cabin, ngồi ngoảnh mặt chếch xuống phía dưới xe. Chị bao giờ cũng thế, lên xe là tìm vị trí ấy vì ngồi ở đó chị có thể quan sát được toàn bộ những con người trên xe và phong cảnh hai bên đường khi xe đi qua.
Bác tài xế bắt đầu khởi động máy. Những người khách cuối cùng đang nán lại trong quán đều lật đật bước lên xe để tìm chỗ cho mình. Xe chật cứng người. Hàng hoá tấp lên nóc xe chưa đủ còn phải luồn xuống dưới gầm xe. Khách ngồi lên cả hàng hoá vì không còn chỗ trống. Đúng là cảnh ngồi xe “chất lượng cao” sức nóng cùng với hơi người, mùi mồ hôi quyện lại thành một mùi hỗn hợp đến khó tả.

Xe bắt đầu chuyển bánh. Giờ có gió hai bên cửa sổ lùa vào mới cảm thấy thoải mái hơn. Tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng còi xe inh ỏi. Thành phố lùi dần về phía sau, để lại trong chị một khoảng trống. Giờ đây chị mới cảm thấy cô đơn. Chị đi chẳng ai đưa tiễn, cha mẹ chị đã già, các anh chị và em út đều đã có gia đình, ai lo phận nấy, chỉ còn lại chị chông chênh. Người ta nói rằng ai cũng có số phận. Chị cứ ngẫm nghĩ về từ “số phận”.
Chỉ như mới đây thôi, chị tốt nghiệp Đại học Y khoa với tấm bằng đỏ nên chị xin được vào một Bệnh viện lớn của thành phố khá dễ dàng. Coi như “công thành danh toại”. Còn về hình thức, chị không đẹp nhưng cũng ưa nhìn. Người ta nói (lại là người ta nói) nếu ai gặp chị một lần thường khó quên, chị có đôi mắt biết nói và khuôn mặt phúc hậu.

Chị tận tụy với công việc, cùng sẽ chia nỗi đau đớn của người bệnh và cảm thấy có lỗi khi không thể cứu được người bệnh. Chị không để ý đến những ánh mắt của các chàng trai nhìn chị đầy khâm phục và ngưỡng mộ. Chị dửng dưng với họ vậy mà chị đã bị gục ngã trước Tuấn. Anh mới về nhận công tác ở bệnh viện. Lần đầu tiên nhìn thấy Tuấn chị nghĩ thầm “Gã này giống Ghecsandoes thế”? Như bao cô gái khác chị bị cuốn hút bởi nét đẹp ga lăng của Tuấn. Và rồi người con gái kiêu hãnh trong chị đã bị Tuấn chinh phục hoàn toàn. Chị quá hạnh phúc khi Tuấn ngỏ lời với chị. Bao cô gái thầm ghen với chị, trong đó có cả Thương người bạn gái chị thân. Thương đã cướp đi người yêu của chị cướp Tuấn của chị. Chị cảm thấy mất mát, đổ vỡ tình bạn? Tình yêu?..

Xe xóc mạnh. Mọi người đổ ùa vào nhau. Khuôn mặt ửng đỏ của cô gái trẻ ngồi cạnh chị khi bắt gặp cái nhìn tinh nghịch của anh chàng ngồi đối diện. Anh ta còn cao giọng nói to:
- Bác tài cho xe xóc mạnh đi!
Cô gái liếc mắt lườm chàng trai trông đến là yêu.
Bên cạnh cửa sổ ở giữa xe một cụ ông vừa ngủ vừa gục gặc theo nhịp xóc của xe, trông ông như một con rối bị người ta giật dây. Bên cạnh ông là hai bố con (chị đoán thế). Anh ta mặc bộ quân phục đã sờn, khuôn mặt vuông vức, đôi mắt sâu có lẽ do thiếu ngủ. Cô bé con ngồi trong lòng bố, hai tay xòe ra tập đếm.
- Bố ơi! Con đếm hết các ngón tay rồi!
Nghe tiếng nói ngọng nghịu của con bé làm ai nghe thấy đều cười. Lạ thật! Con bé chỉ nói bấy nhiêu thôi cũng làm cho không khí bớt ngột ngạt đường xa trông gần hơn. Nghe tiếng con nói anh liền xòe hai tay mình ra để cho con bé đếm tiếp. Chị nhìn thấy ánh mắt anh ngời lên khi ngắm con.

Chị bỗng ước ao mình cũng có một gia đình hạnh phúc bên cạnh người chồng yêu thương và những đứa con ngoan ngoãn.
Hạnh phúc cứ nghĩ rằng ở trong tầm tay vậy mà nó cứ vuột bay đi không thể níu giữ được.
Chị và Tuấn đã làm đám hỏi, chỉ còn đợi đến ngày mặc áo cưới vậy mà ngày ấy không đến được. Tuấn của chị đã ngã vào vòng tay của người khác mà người đó lại là bạn thân của chị. Thương tuy không có cái sắc sảo nhưng bạo dạn và khéo léo. Hơn cả là Thương có ông bố làm xếp to ở trên Tỉnh. Chị và Thương hai người cầm hai đầu dây chơi trò khéo co. Chị cầm phần nhiều, Thương cầm phần ít, chị nghĩ rằng mình đã thắng nên chỉ giữ dây chứ không kéo mạnh. Còn đầu kia tuy dây ngắn nhưng Thương cố sức kéo mạnh nên Thương đã thắng cuộc. Kết quả là Tuấn trả lễ hỏi lại cho chị với lời nói:
- Anh xin lỗi em! Do anh không tự chủ được mình nên đã là người của Thương.

Chị nhìn cái kiểu rúm ró của Tuấn trông không hợp tẹo nào. Bao đêm chị không ngủ được, bao đêm chị cay đắng, xót xa cho mối tình chết yểu. Giờ đối diện với Tuấn chị bình thản đến lạ lùng...
Chị làm việc như một cái máy, bao chàng trai gõ cửa trái tim chị nhưng không thể nào mở được. Tim chị đã hoá đá.
Tuổi xuân xồng xộc đi qua. Khi giật mình ngoảnh lại mới thấy mình đã già.
Theo chủ trương của Tỉnh đưa cán bộ đi xây dựng phong trào. Chị tình nguyện nộp đơn xin đi A Lưới.
- Đến rồi!
Tiếng anh chàng lơ xe cất lên, mọi người dáo dác đứng dậy. Ngoài xe trời đã nhá nhem tối. Xe dừng hẳn mọi người lần lượt xuống xe.
- Bố ơi! Lấy con chiếc dép.
Chị ngoảnh nhìn lại mới phát hiện ra anh (bố con bé) là thương binh, bước tập tễnh trên chiếc nạng gỗ. Chiếc dép của con bé bị người ta đi qua đá phải nằm gần nơi chị ngồi. Chị cúi xuống nhặt đưa lại cho con bé. Anh nhìn chị mỉm cười để cảm ơn.
Xuống xe chị đang lúng túng không biết đường về trạm xá mới. Thì nghe anh hỏi:
- Chị về mô?
- Em về trạm xá...
- Rứa về cùng đường tui rồi, chị chờ tui thuê xe ôm rồi về luôn thể.


Hóa ra anh làm bảo vệ ở trạm xá. Khi biết chị lên nhận công tác trên này nhìn mặt anh chị biết anh ngạc nhiên. Nhưng anh không hỏi.
Trạm xá nơi chị nhận công tác nằm ngay dưới chân một con đồi nhỏ, cây dại lúp xúp. Trạm xá đơn sơ, xa đường cái nên nhìn có vẻ heo hút. Trong phòng kê một chiếc bàn bằng gỗ mộc và một chiếc ghế băng dài. Phía góc phòng là một chiếc giường Inoc, trên cọc giường đang treo lủng lẳng một sợi dây dẫn truyền dịch thòng xuống. Không thấy bệnh nhân.
Đặt tạm cái túi xuống giường chị sang dãy nhà tập thể ngay bên cạnh trạm xá để xem xét nơi ở mới của mình.
Giờ đây bố con anh lại là hàng xóm của chị. Nói là dãy tập thể cho oai chứ thực ra chỉ có 3 phòng liền kề nhau, bé tẹo, mái ngói dột nát vì lâu không có ai đảo ngói. Cánh cửa ọp ẹp che hờ. Riêng chỉ phòng 2 bố con anh gọn gàng, đẹp đẽ nhờ bàn tay anh.

Không biết vì khí hậu hay mệt mỏi mà chị đã thiếp ngủ một cách ngon lành trên cái giường mốc, mọt... Tiếp đến những ngày sau chị vào bản vận động bà con đi khám, hướng dẫn bà con cách tẩm màn chống muỗi sốt rét. Vệ sinh nơi ăn chốn ở, diệt bọ gậy, cung quăng. Còn anh với chiếc mạng gỗ trên chân anh đi lại thoăn thoắt, sửa lại cho chị chỗ dột trên mái ngói. Đóng lại cánh cửa ọp ẹp.
Hoàn cảnh anh cũng khó khăn, bất hạnh. Vợ anh mất ngay sau khi sinh bé Lựu (Giờ đây chị đã biết tên con bé). Một mình anh nuôi nấng nó với đồng lương phụ cấp ít ỏi. Anh nhận thêm việc bảo vệ trạm xá để cho đỡ buồn và thêm thu nhập. Anh ít nói. Chỉ có bé Lựu là suốt ngày líu lo. Ngày chị bận công việc ở trạm còn đêm đến nếu không phải trực bệnh nhân chị bày cho con bé học, cắt tóc, tắm rửa, chị thay bàn tay vụng về của anh để chăm sóc nó. Quê anh cũng là quê chị. Hôm chị gặp bố con anh trên xe là hôm anh đưa con bé về thắp hương ngày giỗ bố của anh.

Không biết tự lúc nào anh và chị có tình cảm với nhau. Không ai nói việc này ra nhưng cả hai đều cảm nhận được trong từng cử chỉ và từng ánh mắt.
Hai con người đã đi đến nửa dốc cuộc đời mới gặp nhau. Đối với công việc hai người đều xông xáo, chu đáo bao nhiêu thì với tình cảm lại e dè, rụt rè bấy nhiêu. Phải chăng hai người đã từng đổ vỡ, mất mát, giờ họ sợ cầm phải bông hoa hồng làm bằng thủy tinh?
Hôm nay bé Lựu sốt, môi khô, đắp bao nhiêu chăn cũng không ấm. Bé bị sốt rét. Chị tiêm quinin cho nó. Lúc tỉnh táo nó nhìn chị và nói:
- Dì ơi! Nếu cháu còn mẹ, mẹ cũng sẽ chăm sóc cháu như dì phải không?
Chao ôi! Lòng con trẻ. Thật là thương khi không còn mẹ. Chị khóc! Cầm bàn tay xanh xao của bé Lựu chị khẽ vỗ về.
- Dì ơi! Hay là dì làm mẹ cháu đi?
Chị thoáng thấy anh nhìn chị thật ấm áp, đầy ý nghĩa. Bối rối trước câu hỏi bất ngờ chị chẳng biết làm sao?.
- Dì hứa đi dì?
- Ừ! Dì hứa!
...
Ngoài kia nắng đã lên. Vậy là đêm đã qua...
L.P.T

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Thơ đầu tay (19/11/2008)
Hai thằng bạn (30/10/2008)
Đi dọc phố (02/10/2008)
Khúc nghiệt ngã (02/10/2008)