Trang viết đầu tay
Câu chuyện của lòng tôi
11:03 | 27/08/2015

QUỲNH NHƯ

"…Chỉ một mình, đêm khuya thao thức vắt tay lên trán, nước mắt đầm đìa tôi mới khẽ gọi "Mẹ ơi, mẹ ơi" như một đứa bé. Những lúc ấy tôi cô đơn vô cùng. Không có gì trên trái đất nầy có thể lấp bằng được. Người ta dù lớn dù nhỏ đến đâu đều cần đến mẹ biết bao nhiêu…"

Câu chuyện của lòng tôi
Ảnh: internet

Không hiểu sao buổi chiều tôi hay buồn đến thế. Nhìn nắng phai dần trên hè phố tôi buồn đến muốn khóc. Đó là một thói quen, một thuộc tính của riêng tôi không ai biết, kể cả người gần tôi nhất. Một thói quen đã bắt nguồn từ thuở nhỏ cho đến bây giờ tôi đã là một bác sĩ có danh tiếng trong thành phố này. Tôi ba mươi tuổi, với sáu năm vào nghề - nhiệt tình với bệnh nhân, chăm nghiên cứu sách báo và luôn tiếp thu được lượng thông tin mới nhất nhờ vào vốn ngoại ngữ tuyệt diệu của mình. Đồng nghiệp nể trọng mến yêu tôi, bệnh nhân tin cậy tôi. Tôi tự bằng lòng bản thân tôi lắm. Chắc chắn rằng tôi còn tiến rất xa nữa trên đường đời. Năm tới tôi được đi nghiên cứu sinh và làm luận án phó tiến sĩ y khoa môn cơ học.

Thỉnh thoảng có vài cô gái xinh đẹp, trí thức, tự tin đến với tôi. Tôi yêu mến họ, lịch sự với họ, thậm chí có quan hệ thân thiết với một cô nữa. Nhưng nói cho cùng tôi chưa yêu hết lòng một ai trong số các cô ấy cả. Tôi chưa nghĩ đến việc lập gia đình.

Bởi có một người đàn bà tôi yêu vô cùng, có lẽ sẽ yêu suốt cuộc đời tôi nhưng không bao giờ tôi còn gặp gỡ để ôm ấp trìu mến nữa. Đó là mẹ tôi. Từ sâu trong tiềm thức, trong bản năng, tôi ao ước gặp được một thiếu nữ có nét mặt như mẹ tôi, thiếu nữ ấy dịu dàng, thân thật và yêu thương tôi như mẹ tôi đã yêu thương tôi vậy.

Làm sao tôi có thể tìm ra thiếu nữ ấy? Bởi quanh tôi, hào quang do chính tôi tự tạo ra đang tỏa sáng, nó thu hút các cô gái - Một bác sĩ có tài năng, gia đình giàu có, lại chưa có vợ, sống đàng hoàng nghiêm túc. Khi tôi lớn lên vào đại học, đất nước đã vào thời hòa bình, hình ảnh lý tưởng của người trai anh dũng hy sinh vì cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc đã được thăng hoa, đưa lên các tượng đài ở ngoài đời và trong trái tim các cô gái. Thì ở tôi, nơi tôi là một hình mẫu lý tưởng hiện đại. Ôi nơi tôi đầy đủ tiêu chuẩn của một người đàn ông lý tưởng có thật trong thực tế. Tôi thuộc lớp người đang thật cần thiết để xây dựng xã hội, tái thiết đất nước bây giờ.

Với một người khác, hẳn sự bằng lòng với chính mình là một trạng thái hạnh phúc. Thế mà tôi luôn cảm thấy buồn buồn thiếu vắng điều gì đó.

Hôm qua, Huyền đến. Lúc tôi ngủ cô ấy ngồi nơi bàn viết của tôi và tình cờ nhìn thấy ảnh mẹ tôi trong ví tôi đặt trên bàn.

Khi tôi mở mắt ra, đã thấy khuôn mặt cô ấy có một vẻ gì không bằng lòng, khó chịu dù cô ấy đang tự kiềm chế. Bao giờ cũng thế, bên tôi, để được có tôi, Huyền luôn ép mình lại, tỏ ra nhỏ nhẹ êm ái. Điều đó không thuộc bản chất của Huyền mà chỉ là một phương thức để chinh phục và giữ tôi. Tôi vừa thương vừa ghét cái thuộc tính ấy. Như một chú mèo óng ả xinh đẹp nằm sưởi mình trong nắng, mắt lim dim ngủ với dáng vẻ hiền từ, mọi móng vuốt thu lại để... theo dõi, và chờ đợi chú chuột từ xa. Huyền của tôi như thế đấy. Đã nhiều lần tôi bắt gặp cô ấy hằn học với bệnh nhân, đôi lông mày thanh tú nhíu lại một cách giận dữ. Huyền là đồng nghiệp trẻ của tôi, là người yêu xinh đẹp của tôi, nhưng thời gian qua đi, khoảng cách giữa cô ấy và trái tim tôi lớn rộng dần.

Nhìn cô ấy lúc lâu, bâng quơ tôi hỏi.

- Có chuyện gì vậy? Có chuyện gì Huyền không vui vì anh phải không?

Huyền đặt hai bàn tay trắng muốt lên bàn, vuốt nhè nhẹ cái ví và bất ngờ lật ra, cầm tấm ảnh lên hỏi tôi.

- Ai thế hở anh?

Tôi không trả lời ngay vì bực bội sự tò mò thái quá của Huyền. Suốt bao năm qua, tôi chưa hề đưa ảnh mẹ tôi cho ai xem và không thích ai tự cho phép họ lục lọi sách báo giấy tờ trong phòng riêng của mình. Cô ấy chực vò nhàu tấm ảnh. Bao giờ cũng thế, người ta chỉ yêu thương chính mình, chỉ đòi hỏi người khác phải yêu thương mình, phải đầy đủ với mình mà không cần biết người ấy sẽ ra sao, mình đã đầy đủ cần thiết cho họ chưa. Tình yêu là bảo vật rất dễ bị hao mòn rạn nứt theo năm tháng nếu không biết nâng niu gìn giữ. Tôi hỏi Huyền thay vì trả lời:

- Thế Huyền thấy cô ấy có đẹp không? Huyền ngước nhìn tôi, mắt thoáng giận dỗi nhưng rồi cũng trả lời ngay:

- Vâng, em thấy cô ấy rất đẹp, đẹp và sống động như người thực chứ không như người trong ảnh.

Tôi hỏi tiếp.

- Rồi sao nữa, Huyền nhận xét tiếp đi.

- Cô ấy có cái nhìn lạ lùng quá, Huyền sợ.

Tôi cười:

- Mẹ anh lúc anh được hai tuổi đấy Huyền ạ.

- Thế ư? sao chẳng giống anh chút nào...

Huyền thảng thốt và nhìn tấm ảnh lần nữa.

Phải lắm, Huyền nhận xét đúng lắm. Tôi không giống mẹ tôi chút nào trên nét mặt. Ngoại trừ đôi nét lãng mạn, nhạy cảm trong tận sâu tâm hồn tôi giống bà, điều đó Huyền làm sao nhìn thấy được.

Mẹ tôi có gương mặt tỏa sáng, thanh thanh với chiếc cằm bầu bĩnh, đôi mắt ánh buồn phản chiếu xuống chiếc mũi cao thẳng và mảnh mai với đôi môi mòng mọng duyên dáng và mái tóc xõa thơ mộng. Thân hình bà không cao lớn, nhưng vừa phải cân đối với những đường nét chắc chắn tròn đầy trong tấm áo, khi bà đứng trên đồng cỏ xanh biếc trong một tấm ảnh tôi vẫn cất giữ yêu quý. Từ trong ảnh, ở mẹ tôi đã toát lên sức quyến rũ, cuốn hút lạ lùng. Đối với tôi, mẹ tôi là hình ảnh của tuổi thanh xuân vĩnh cữu.

Khi qua đời mẹ tôi còn trẻ lắm. Trẻ đến nỗi nếu không biết, hẳn người ta không thể tin mẹ tôi đã có một đời chồng, một đứa con là tôi và có cả một chuỗi ngày dài đi từ sai lầm nầy đến sai lầm khác của tuổi trẻ. Mỗi sai lầm kèm theo sự đau khổ cùng tận, để rồi phải trả giá suốt cả đời mình. May mắn thay cuộc sống mẹ tôi ngắn ngủi, và trong đời tôi nếu có một lần tin vào một tín điều thuộc về duy tâm, tôi tin là thiên đường có thật. Thiên đường có thật, để những tâm hồn cao quý như mẹ tôi về trú ngụ. Mẹ tôi chắc hẳn phải ở một nơi nào đẹp nhất của thiên đường.

Tôi yêu mẹ tôi vô cùng. Khi ôm một cô gái nào trong tay, vuốt tóc cô ấy, tôi hình dung đến mẹ tôi thời son trẻ và cảm thấy buồn thấm thía. Tôi đi tìm nửa người còn lại của mình nhưng chẳng bao giờ gặp được cả. Các cô ấy hoặc là kiêu kỳ hoặc là điệu bộ quá làm tôi chán nản. Tôi muốn bóc lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài, mở rộng trái tim tôi cho các cô ấy biết tôi chỉ là một đứa trẻ cô đơn và thèm muốn tình yêu chân thành đến như cơn mưa giữa mùa hè. Nhưng không cô gái nào biết cả, các cô ấy mãi miết tự hào vì được đi với tôi, vì tôi khỏe, đẹp và đầy danh vọng.

Thế mới biết người ta lớn bao nhiêu cũng cần có mẹ.

Huyền nhận xét đúng quá. Mẹ tôi tượng trưng cho vẻ đẹp gần như tuyệt đối của nữ tính, còn tôi - tôi giống bố tôi, cao lớn, trán dô, mũi gồ, miệng rộng đầy tham vọng.

Tôi đứng dậy, xin lỗi Huyền đi thay quần áo và chở Huyền đi chơi. Suốt tuần tôi bận bịu chỉ có hôm qua là rảnh rỗi đôi chút.

Buổi chiều nắng nhạt, đường phố đông đúc, tôi lái xe đưa Huyền đến quán kem nổi tiếng nhất ở đây, Huyền rất thích, vì hầu như giới trí thức thành phố thường lui tới. Lúc ngồi ở quán, tôi cảm thấy đã đến lúc chấm dứt quan hệ giữa hai đứa mà lâu nay tôi không dám nói. Tôi cầm tay Huyền bảo:

- Huyền ạ, anh rất thương Huyền, suốt những năm tháng quen nhau, Huyền thấy đấy, anh rất thương Huyền, lo lắng cho Huyền nhưng đến giờ phút nầy anh thấy chúng ta phải chia tay nhau thôi. Xin Huyền bình tĩnh nghe anh nói hết. Từ tình thương đến tình yêu xa lắm. Anh chưa yêu Huyền và có lẽ chưa yêu ai cả. Hãy tha lỗi cho anh. Chúng ta chia tay nhau như những người bạn tốt nhé. Anh không thể đem lại hạnh phúc cho Huyền...

Khỏi phải kể tiếp, nhắc lại làm gì. Tất nhiên thoạt đầu Huyền đau khổ, sau đó cô ấy chuyển sang oán ghét căm thù tôi. Cái vẻ êm ái mượt mà bên ngoài rơi xuống, gặp tôi, đôi mắt cô ấy quắc lên, lạnh lùng, kiêu hãnh.

Một làn sóng dư luận dấy lên chống đối lại tôi, bao vây tôi. Không ai không bảo tôi kiêu ngạo, tôi đểu giả, tôi ích kỷ và bất bình thường. Tại sao yêu một cô gái đến bốn năm trời rồi lại bỏ. Mà cô gái ấy vừa đẹp, vừa là đồng nghiệp và vừa là con gái ông chủ tịch thành phố. Chúng tôi là một đôi cân xứng.

Tôi chỉ biết cười và im lặng trước các câu hỏi ấy. Tôi thương Huyền, không hề muốn làm tổn thương cô ấy, song biết sao bây giờ? Bên cô ấy tôi vẫn thấy thiếu vắng một cái gì đó. Và cô ấy rồi sẽ chóng quên tôi. Chắc chắn vậy!

Bà nội tôi, một con người kỳ vĩ luôn tôn trọng tự do của tôi đã phải gọi tôi lại vỗ bàn mà nói:

- Anh Trung, tại sao anh lại làm cái điều thất đức đến như vậy. Tôi nuôi anh ăn học, tôi thay mẹ anh chịu cực, chịu khổ với anh cho đến ngày hôm nay đây anh thành tài, tôi mong muốn gì hơn anh lập gia đình, đẻ con sinh cái cho tôi yên lòng nhắm mắt lìa đời. Sao anh nỡ làm khổ tôi, khổ cái Huyền, và việc nầy cũng sẽ lụy đến anh nữa đấy. Anh sẽ không được đi nước ngoài nghiên cứu sinh đâu, bố cái Huyền là chủ tịch thành phố, một lời của ông ấy là anh đi đời sự nghiệp. "Trời nào gió ấy", xã hội nầy cũng thế thôi "cái ô nó che cái cán". Mà cô ấy là cái gì để anh bỏ cô ấy chứ?...

Tôi nhìn bà nội tôi thao thao bất tuyệt mà thương quá. Gần 80 tuổi bà vẫn minh mẫn, tráng kiện và sáng suốt lạ lùng. Mái tóc bà đã bạc trắng, da nhăn nheo tuy vẫn hồng hào và đôi mắt còn tinh. Bà tôi nuôi tôi từ dạo tôi còn là đứa bé lên hai. Tôi thấy lòng mình chùng xuống.

Có lẽ thời trẻ bà sẽ không nói như vậy nhưng năm tháng qua đi bà yếu ớt dần dần và không còn tin vào sức trỗi dậy chính nghĩa của bản thân con người nữa. Tự nhiên tôi thấy cay cay ở mắt:

- Nội ơi, thôi để từ từ rồi con dàn xếp, có sao đâu mà nội lo quá vậy! Nội yên tâm, con sẽ không để ai buồn đâu.

Bà nội tôi còn nói năng hăng hái, cố thuyết phục tôi một lúc nữa rồi mới tin vào câu trả lời của tôi. Bà gật gù ra dáng tin tưởng là tôi đã hiểu biết ra. Bà tôi nói đúng, bà có quyền lo cho tương lai đang trên đà phát triển tươi sáng của tôi. Thế hệ trước đòi hỏi thế hệ sau phải tiếp bước chắc chắn hơn, rạng rỡ hơn. Huống gì bà tôi vào Nam, ra Bắc theo hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, lội núi băng đèo nuôi bố tôi rồi lại nuôi tôi. Ông nội tôi mất sớm. Trong trận Điện Biên Phủ ông đã hy sinh anh dũng, và đã được truy tặng huân chương danh dự nhất. Bà nội tôi ở vậy nuôi con, nuôi cháu. Bà làm ở Ty Thông tin, là cán bộ giỏi song ít được thăng lương tiến chức vì tính khí ngang tàng nóng nảy đến mất cả nữ tính. Bây giờ về hưu, nhờ của cải gia tộc xưa để lại, nhờ hết sức tiết kiệm, bà tôi có nhà cửa tiện nghi tươm tất, chút ít của cải - cho tôi tất. Tôi biết Huyền rất được lòng bà, nhưng làm sao đây?

Tôi vẫn buồn khi có cô ấy. Cái buồn đeo đuổi lấy tôi, từng giờ từng phút, ngoài những giờ làm việc căng thẳng với bệnh nhân, đọc sách báo, tôi luôn như người đang chờ đợi một cái gì đó, ai đó sẽ đến. Khoảng không gian chiều tan ca như rộng thênh và buồn bã quá. Tôi vẫn rất cô đơn.

Năm lên hai tuổi, mẹ tôi đưa tôi về sống với bố tôi và bà nội. Bố tôi ly dị mẹ tôi, và mẹ tôi không đủ sức nuôi tôi chăng? Đến bây giờ nghe kể lại không sao tôi hình dung hết sự thật. Tôi tin rằng mẹ tôi bắt đầu chết dần từ cuộc chia tay đau đớn ấy.

Bố tôi đã là một cán bộ thuộc loại tai to mặt lớn trong thành phố, ông đã có gia đình khác. Vợ bố tôi cũng là cán bộ cấp cao, họ đã có con cái với nhau hằng chục năm nay rồi. Tôi không đặt lại vấn đề cũ kỹ đó làm gì. Thỉnh thoảng bố tôi về thăm tôi hay tôi đến chỗ bố tôi, gặp mấy đứa em cùng cha khác mẹ lòng tôi nhoi nhói. Vì thế bố con ngày càng xa nhau và tôi không bao giờ hỏi lại cội nguồn đời tôi nữa.

Chỉ một mình, đêm khuya thao thức vắt tay lên trán, nước mắt đầm đìa tôi mới khẽ gọi "Mẹ ơi, mẹ ơi" như một đứa bé. Những lúc ấy tôi cô đơn vô cùng. Không có gì trên trái đất nầy có thể lấp bằng được. Người ta dù lớn dù nhỏ đến đâu đều cần đến mẹ biết bao nhiêu. Mẹ là cả bầu trời, là cả năm tháng mà đời người không thể tự tạo ra như công danh, như sự nghiệp, như tiền tài. Vì thế tôi thường ghét lũ trẻ con ngày nay hay hỗn đẩu với bố mẹ - Chúng không biết sung sướng, nâng niu tình cảm với mẹ cha. Vì trường học thiếu giờ giáo dục tình cảm gia đình, và vì mẹ cha bận chạy chọt thăng quan tiến chức, bận lo lót cho con ăn học, mà quên rằng một mái ấm gia đình là cần thiết cho con người hơn cả. Từ đó tình cảm chân chất tốt đẹp mới hình thành trong bản thức của con người, như nụ hoa cần sương mai và gió sớm.

Tôi tin là mẹ tôi không như thế. Vẻ mặt ánh mắt, mái tóc... của bà, tất cả toát nên sự cao quý, nhân ái, và lòng chân thành. Nghe đâu, thời ấy mẹ tôi rất đẹp, đẹp lãng mạn như người trong tranh. Tính cách mẹ tôi cũng khác người quá lắm. Bà là hiện thân của niềm đam mê, khát vọng chân thành đến cháy bỏng. Khi lấy bố tôi rồi vẫn không ngớt người theo đuổi. Mẹ tôi lại quá trẻ trung nên sống phóng túng, buông thả bản năng không tự kìm chế mình, ham đua đòi bạn bè không chịu ăn học. Bà nội tôi không chấp nhận có con dâu như vậy, nên mâu thuẫn gay gắt giữa mẹ tôi, bà nội tôi và mẹ tôi, bố tôi… Cuối cùng là mẹ tôi phải ra khỏi nhà về sống với ông bà ngoại. Ông bà ngoại tôi nhục nhã với họ hàng nên không chấp nhận mẹ tôi trở về.

Bố tôi tuy rất yêu mẹ tôi nhưng lúc ấy ông hãy còn là anh học trò không xu dính túi, tất cả tiền bạc đều do bà nội tôi chu cấp nên cuối cùng đành xuôi tay.

Mẹ tôi thức tỉnh. Với lòng yêu bố tôi mãnh liệt, bà cố gắng hết mình để kêu gọi bố tôi đến với bà. Một đêm tuyệt vời của tình yêu thương, lòng ăn năn hối tiếc và sự bao dung cao đẹp, tôi đã hình thành và góp mặt với đời. Bao nhọc nhằn khốn khó, mẹ tôi, sinh tôi ra, bà phải thốt nên lời: "Xin số phận cho mẹ được may mắn có con và tái lập hạnh phúc gia đình".

Số phận không đáp lại lời cầu xin ấy. Thời gian hai mẹ con tôi nương náu ở nhà dì tôi, bố tôi đã yêu một người phụ nữ khác. Người phụ nữ đã đem lại vinh dự cho bố tôi, cho bà nội tôi, cho họ hàng. Một người phụ nữ khá xinh xắn, học thức, và điều quan trọng là con của một vị tai to mặt lớn trong xã hội đương thời. Bố tôi càng cương quyết bỏ mẹ tôi. Và mẹ tôi buồn khổ tuyệt vọng đến lâm bệnh nặng thổ huyết mà chết.

Bi kịch ấy, tưởng ra thì thời đại nào cũng có. Riêng với mẹ tôi, lại còn nặng nề khốc liệt hơn.

Thời ấy là cái thời mà Nam Bắc vừa thống nhất, cái chung cái riêng vừa gặp gỡ nhập nhằng. Bố tôi thuộc lớp quý tộc cách mạng đang lên, mẹ tôi thuộc lớp quý tộc cũ đang tan rã, khắc khoải chờ đợi cái hộ chiếu đi nước ngoài. Hai con người ấy yêu nhau tha thiết nhưng không thể sống với nhau. Bố tôi thích phải có tiền tài, danh vị chức tước... Mẹ tôi thích những buổi chiều lang thang dạo chơi trên biển nhìn mặt trời lặn và vầng trăng vừa lên...

Nhưng dù lãng mạn xa rời thực tế đến đâu, khi sinh tôi ra, mẹ tôi là một người mẹ tuyệt vời. Rất mực yêu thương tôi. Bị mẹ chồng xua đuổi, chồng lạnh lùng, mẹ tôi bế tôi về ở với dì trong bao lời thị phi cay đắng. Từ lúc tôi lọt lòng cho đến lúc hai tuổi, mẹ tôi đặt trọn cả thời gian cho tôi. Tóc bà thường rối bời, đôi tay thoăn thoắt giặt giũ chăn tả trong những ngày đông giá rét...

Mẹ tôi ấp iu tôi bằng cả tấm lòng. Đến khi ông bà ngoại và các cậu dì tôi có hộ chiếu đi nước ngoài thì mẹ tôi ở lại.

Tại sao mẹ tôi gởi tôi cho bà nội? Cho bố tôi? Đến nay tôi không bao giờ hiểu được, giải thích được. Và muốn tự do yêu đương chăng? Không, tôi không tin mẹ tôi như thế. Vì muốn tôi giữ chân bố tôi chăng? Không, không thể tin mẹ tôi dùng tôi làm thể nghiệm.

Có lẽ mẹ tôi nhìn thấy xa hơn, mong ước tôi như ngày nay đây, được bà nội tôi nuôi dạy nên người, trở nên ông bác sĩ Trần Đức Trung tài năng đạo mạo, danh tiếng, có nhà riêng, có xe riêng, phòng khám riêng, và sẽ có một cô vợ trí thức con ông lớn, nay đi nước nầy mai đi nước khác? Một con người cần thiết cho xã hội, niềm vinh dự cho gia đình, họ hàng.

Chao ôi, mẹ ơi, con buồn lắm. Ngày nay con đã có tất cả như ý mẹ muốn, nhưng con không bao giờ được hạnh phúc. Con nhớ mẹ, con muốn gần mẹ, con muốn có mẹ ở bên con trong những năm tháng sung sướng hay cực nhọc của cuộc đời. Tại sao mẹ lại bỏ con, tại sao mẹ lại buông tay ra, xa rời con khi con còn quá bé bỏng? Không ai có thể thay thế mẹ trong trái tim con. Vì thiếu mẹ, con trở nên con người khô cằn, buồn bã: Không ai có thể khơi nguồn yêu thương nơi con, con đã trở nên là một sản phẩm máy móc của xã hội. Mẹ, mẹ thân yêu của con ơi, con dứt khoát chia tay với người con gái lâu nay tưởng đã thân thiết còn phải phân vân gì nữa không mẹ? Con không yêu cô ấy, con đã sống tất cả cho lý trí, xin lần này cho con sống theo tình cảm chân thật của lòng mình. Con chỉ nhớ mẹ, yêu mẹ thôi mẹ ơi!

Tấm ảnh mẹ tôi rời ra nằm trên mặt bàn. Đôi mắt mẹ tôi thăm thẳm sống động nhìn tôi, môi phơn phớt một nụ cười dịu dàng như đang mấp máy điều gì đó với tôi…

Ngoài kia, nắng đã tắt dần, đèn trong nhà đã bật sáng, tôi sắp rửa tay để vào ăn cơm với bà nội, sau đó sẽ nhắc cái túi da đen đựng đồ dùng y học ra khỏi thành ghế và đi trực bệnh viện. Một đêm sẽ đi qua, một ngày sẽ tới. Bóng hai bà cháu tôi hiu hắt đổ lên tường từng giờ phút theo nắng sáng hay đèn khuya. Trái tim tôi vẫn khô cằn phiền muộn như chưa bao giờ đập và thở trong con người tôi cả.

Lá vàng bắt đầu rơi, hình như mùa thu đang tới, và tôi vẫn chờ đợi...

Q.N
(SH37/05&06-89)







 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Hối (08/10/2012)
Miền mơ tưởng (04/10/2012)