Trang viết đầu tay
Sắc màu của biển
14:37 | 23/11/2010
PHÙNG TẤN ĐÔNG An cố hết sức ghìm nỗi xúc động. Chỉ còn lại một mình An trên con đường trở về xóm. Con đường mà những chiều cuối tuần thanh thản, An quen với tiếng sỏi nhộn nhạo, vang lao xao như niềm vui nho nhỏ dưới chân.
Sắc màu của biển
Ảnh: Internet
An đi dè xẻn như thả từng bước rón rén xuống mặt đường. An muốn cả ánh trời chiều đừng vội tắt; cũng như mình đang bước thật chậm đây. Như thế, hồi ức sẽ bớt nghiệt ngã hơn. Chiều nay, biển nhiều gió quá. Những ký ức chợt xa xôi. Và bài hát Tuyên thường vẫn hát ấy … Chiều nào vục đôi chân vào cát mịn, chạy lăng xăng quanh Tuyên cười nói râm ran như trẻ nhỏ. Đôi vai của Tuyên rộng, chấp chới nắng… Những ký ức về một thời đẹp đẽ hồn nhiên An đã từng chắt chiu và mong đợi. Chẳng còn gì từ lúc An quyết định và nói trắng ra cái quyết định ấy. Lúc này trong đầu An là cả một khoảng trống không, thời gian và không gian như đông đặc lại. Từng hình ảnh cứ chắp nối và chồng chéo lên nhau. Đến lối rẽ về xóm nhà dân nơi An ở trọ, An cắm cúi bước nhanh, gần như chạy. Không khí thân thuộc gợi nhắc quãng thời gian đẹp đẽ của cô. Những nụ cười học trò; những tối dạy bổ túc cho bà con dân biển; mái nhà lợp lá dừa nâu bóng mầu thời gian mỗi đêm cô nằm ngước nhìn lên vơ vẩn: Phải tiếp tục và sống trọn vẹn với niềm vui chính đáng hơn bao giờ, An nghĩ…

Chiều nay, nhà đi vắng hết. Yến cô bạn cùng nhà cũng sang bên anh chàng người tình “lính thủy” của nó mất rồi. An gần như trút mình lên giường. Mắt nhắm lại lơ mơ trong vạt tóc dồn chật cả mặt gối, An nghe tiếng xe máy dội vào xóm. Tuyên đã về. An cố hình dung chút nữa nhưng thôi, An thở phào… “Hết. Hết trơn trọi. Vậy cũng biết đủ mùi vị cô bé ạ, vui có, buồn có… mất có được có…”

An soát lại, sự thật vẫn là sự thật. An nào có lỗi. Có xót xa đến tận cùng An cũng chịu được. Tuyệt nhiên không một giọt nước mắt. An quen lầm lì và thẳng thắn. Cá tính của cô - cộng với một khuôn mặt ưa nhìn - là cái mà Tuyên thường “ca ngợi”… Đề tài của thơ mà! Tuyên có làm thơ đăng báo, bên cạnh công việc bề bộn của một anh kỹ sư “rau quả” anh vẫn hay nói đùa vậy. Anh được đi đây đi đó nhiều… Chiều nay. Tuyên đến với An, sau gần một năm anh công tác tận trên Đà Lạt. Mông Tuyền - bút danh của anh. Với An thật đúng với con người thứ hai, con người của thơ và của tình yêu (dòng suối mơ)… Dòng suối ấy đã cạn kiệt, trơ đầy sỏi đá vì nó không nhập với sông để về với biển. An chợt nghĩ đến Hân. Ước chi có Hân lúc này. Mãi mãi rồi, Hân đã nằm sâu trong lòng đất. An chợt nảy cái ý định so sánh. Vô lý… Hân ơi! Cứ là bạn bè nhau, mãi mãi dù không gặp lại bao giờ. Một thời Hân đã “si tình” và cũng đã tỏa vào đời mình một vệt màu sáng rỡ, lung linh. Tại sao lúc đó mình không yêu Hân? Chẳng lẽ chỉ vì cái vụng về “thô thiển” rất đỗi thực lòng ấy. An nhớ lại tuổi học trò sôi nổi của mình. Một lần, An được Hân mời đi chơi. “Ừ thì đi, một vòng phố thôi nghen” Hân gật đầu. Cho đến khi Hân trả tiền ở quầy thì An không chịu nổi. “An ơi còn tiền lẻ không? Café tăng giá đột xuất, khổ ghê”. Giọng Hân to oang oang mà tối ấy khách đầy quán. Tụi con trai cười ầm lên. An đỏ mặt. Suốt đường về, An không nói một tiếng, còn Hân thì cứ “tự nhiên”. Anh chàng “cù lần” bỏ xừ. Lần đi chơi núi ngũ hành lại một “vố” nữa… “An ơi. Chờ với, dép đứt quai rồi” Và.. An cứ muốn chui xuống đất khi nghe mấy tiếng rào rào từ trong nhà dân với ra: “Ê, cậu kia! Còn gì hàng rào người ta. Dép đứt thì mua quai mà thay chứ!” Anh giả lã như người ngoài cuộc khi cả đoàn người vãn cảnh cứ nhìn Hân cười ùng ục.

Hân cứ thản nhiên cúi tìm một sợi thép vừa đi vừa chữa, vừa cười “tỉnh không”. Hân vụng về thế đó. Nhưng Hân sống thật sự trong sáng. Nhà ở nông thôn, Hân phải xuống phố trọ học, tháng tháng leo xe đò về mang gạo sắn xuống “tự túc” ăn học, vậy mà anh học giỏi. Đang học dở năm thứ hai đại học, Hân vào bộ đội, anh đến từ giã An và nhìn như xoáy vào An mà vẫn giữ sự im lặng. Cho đến ngày nhận được tin anh ngã xuống ở một vùng Batđômbong nóng bỏng, bỗng vẳng lại bên tai An mấy câu ngắn ngủi cuối cùng của Hân “Phải đi chứ An! Không đi thì mình sống giả dối răng răng ấy ấy. An ở lại… nhớ viết thư cho dài thật dài”… An đã nín lặng trước cả bảy tám lá thư của Hân ngày Hân còn là sinh viên, còn bây giờ… An cứ đi ra biển, một mình… Chuyến xe nào gặp Tuyên tình cờ, tờ báo nào in bài thơ của Tuyên, Tuyên đề tặng An - Minh An. Lần hò hẹn nào, bao nhiêu là ký ức. Tâm hồn đa cảm của một cô giáo mới ra trường, đọc nhiều mơ ước nhiều. Vậy mà có một buổi chiều như chiều nay…

***

- Biển rồi. Biển hiền quá phải không anh. Em thấy nó màu nâu!

- Từ lúc nào?

- Từ lúc nào hả?... An đứng lại đặt hai cánh tay lên vai Tuyên - Từ lúc… “An cười nhỏ xíu - yêu anh”.

T cũng cười:

- Với anh thì biển suốt đời có màu trắng!

- Sao vậy? Em không hiểu!

- Vì nó không cùng. Nó như một trang giấy trắng mênh mông mà con người chẳng bao giờ dám viết một dòng nào khi chợt thấy mình nhỏ bé…

An lắc đầu nũng nịu. Mặt An nhăn lại một cách vờ vĩnh.

- Anh xài “triết lý” gì kỳ cục quá, em chịu thôi.

Chợt An An nhìn biển và nói xa xôi

- Biển xanh với mọi người. Biển ở vùng này hay có mầu nâu vì biển sâu vào nội địa. Còn khi nhớ nhau thì biển màu tím. Cô quay lại nhìn Tuyên đắm đuối: “phải không anh?” Tuyên cười. Anh đưa tay vén mấy sợi tóc vương trên mặt cô và lắng giọng.

- Em tôi mơ mộng quá. Phải “rất đời” mới sống nổi cô bé ạ! Anh “mơ” nhiều quá rồi!

An ngồi yên. Chiều thả những sợi nắng xuống mặt cát. Biển rì rầm ngoài kia. Bất giác Tuyên “ơ” lên một tiếng.

- Nè. Em bỏ cái túi du lịch đâu? Quà trong ấy! Em cứ ngơ ngẩn hoài vậy. Anh đã chuẩn bị đủ cả. Bánh mì, me chua nữa, kẹo sô-cô-la “ngoại” nữa. Chẳng thiếu gì đâu. Kẹo sô-cô-la làm nhớ đến một thời… Anh mua ngay ở bưu điện thành phố. Cũng buồn cười là kẹo cũng phải qua đường “bưu kiện”.

An sực nhớ đến chiếc túi nặng mà nãy giờ cô để nó lăn một bên chân. Tuyên ngả người trên cát với tay lấy chiếc túi.

- Nhấm nháp tí kẹo sô-cô-la đã. Màu nâu của em đó…

- Kể chuyện cho em nghe đi. Một năm rồi. Lâu lắc… Đà Lạt sao anh? Thơ về thành phố sương mù của anh đâu. Đọc em nghe đi. Nhanh lên.

Vòng tay Tuyên đã kết thật chặt. An vui đến ngột thở.

- Khoan đã. Làm gì gấp thế… Chuyện thì khối. Nhưng phải thong thả đã chứ. À, quà Đà Lạt của em đây. Một bức tranh trổ lửa trên gỗ thông thật hảo hạng đấy nhé! Anh chọn một bức họa của Picasso và phải mất cả một ngày để chép lại nguyên mẫu em xem. Tuyệt không?

An ngắm nghía bức tranh và thầm phục những “tài lẻ” của Tuyên quá chừng!

- Em sẽ treo nó đầu giường và ai hỏi em cũng hết sức kiêu hãnh mà nói về anh.

Tuyên cười:

- Chính vì những cái hay hay của anh mà tình yêu chúng mình bị “đe dọa” ghê gớm.

An phụng phịu:

- Không. Mình tin ở mình là chính chứ!

Tuyên gật gù:

- Nhưng sự đời lại không xuôi trôi thuận chiều như em nghĩ. Đà Lạt thì là đất thơ mộng, nhưng thực tế thì không thơ chút nào… Với anh một năm trôi qua hết sức tẻ nhạt. Tóm lại chỉ còn là sương mù và ngàn thông… Chút hứng cảm cho ngòi bút cũng như phấn hương đã gửi hết cho gió, như Xuân Diệu một thời.

Một lần nữa, An nhăn mặt với cái khang khác trong cách nói của Tuyên. Lúc đầu An chỉ nghĩ là Tuyên nói đùa pha một chút ẩn ý cho vui thôi. Có một cái gì như cách biệt giữa hai lần Tuyên đến với cô ở vùng biển này.

- Đúng. Nhưng anh còn có những công việc khác ngoài thơ chứ?

Tuyên đốt thuốc. Mùi thuốc lá thoang thoảng thơm trong không khí.

- Do vậy mới đáng buồn khi em hỏi những bài thơ. Thơ bây giờ hết đất sống rồi. Hoặc có hàng trăm bài nó vẫn cứ nhàn nhạt vì không chút gì là thực hết. Viết và “lách” mà… Hừ, còn lâu người ta mới trả thơ về với thơ.

- Em vẫn chưa hiểu hết ý anh nói.

Tuyên nằm ngửa người, hai tay vòng làm gối. Anh nhìn trời và nói rủ rỉ.

- Phải “sống” cái đã An ạ. Thơ và chỉ thơ thì thực nguy hiểm.

An vẫn ngồi. Cô như nhổm dậy:

- Em vẫn muốn anh vừa công tác vừa viết, có gì mâu thuẫn đâu?

- Em vẫn trẻ con quá chừng, tiền không mua được hạnh phúc nhưng một năm qua anh cũng suýt điên vì nó đó…

Tuyên chống khuỷu tay trên cát. Anh gần như muốn biện giải một điều ẩn kín gì.

- Vài đồng lương, mấy đồng nhuận bút thì có thấm tháp gì, so với giá cả hiện tại… Tuyên hất hàm: - Hônda hết xăng, tiền đâu mà “theo tình” em. Tiền đâu mà sống “nghệ sĩ” khi về thành phố. Công việc của anh em biết đó. Liên hệ công tác. Tiền. Ký hợp đồng. Tiền. Gặp bạn bè cũ. Tiền. Với tình yêu có lúc nó mất tác dụng nhưng với cuộc sống, thiếu nó quả là ghê gớm. Đôi lúc anh chợt thấy thương anh những ngày làm thằng sinh viên “khổ hạnh” dành từng hào mua sách, dè bỉu những người sống vì tiền một cách hăng hái, tội tình.

An im lặng. Cô cứ ngồi tay bấu lấy vạt tóc ngang vai và mắt cứ nhìn ra biển… Tuyên vẫn nói như gần, như xa.

- Cơ quan anh là một xã hội được thu nhỏ lại. Giám đốc thì có cách thu vén của riêng giám đốc. Nhân viên thì thang cấp nhân viên… Em biết không thật buồn cười, một cô kế toán, nói chẳng ra gì, cũng đã có thơ đăng báo đấy! Thật là thời kỳ những giá trị tinh thần đều tụt giá. Con người mang trong mình cùng một lúc nhiều khuôn mặt. Con người khi yêu, khác con người khi ứng xử việc đời. Con người khi ăn, khác con người khi mơ mộng…

Tuyên còn nói bao nhiêu nữa… An nghe. Cảm tưởng về một sự đổ vỡ và thất vọng cứ trải ra, lành lạnh. Tuyên đã là một người khác… Bỗng giọng cô như vút lên tức tối.

- Tại sao phải sống hai ba mặt trong một con người hả anh? Vô lý. Anh suy diễn từ anh ra nhiều quá...

- Em sao nóng nảy thế… Tuyên cắn gói kẹo và tìm cách trút vào tay cô - Nhai một chút… Đúng là không đâu cả. Với em anh vẫn cứ là anh… vẫn cứ là anh… Nào tươi một chút, đừng sa đà vào việc tiền nong quá, mệt óc. Anh nói là nói vậy. Em mà giận ai thì đôi mắt cứ như cửa sổ một lâu đài hoang… Khổ quá …

Như mọi lần An đã ngả đầu vào ngực Tuyên mà sung sướng trước những câu “khen tặng” rất chi là thơ đó của Tuyên. An vẫn ngồi. Cô nhẹ gỡ tay Tuyên ra khỏi vòng lưng mình. Tuyên càng ra sức năn nỉ, tình tứ, dịu ngọt…

- Ngoan một chút đi. An giận anh hả? Hãy giang tay xí xóa như em đã từng nói khi anh có lỗi, vì “thơ”, vì “nghệ thuật” đi chứ…

… Và cho đến cái khoảnh khắc mà mỗi lần nghĩ lại An thấy Tuyên quá sức tầm thường ấy thì An không chịu nổi. Tuyên giúi vào tay An một lô những lá thư tỏ tình của mấy cô gái Đà Lạt nào đó đã “cảm” anh. Tuyên muốn khẳng định cái tôi của Tuyên trước An. Tuyên đã lầm. Và anh chẳng còn gì để nói nữa khi làm cái việc mà An cho là hết sức “rẻ tiền” đối với người có văn hoá, có hiểu biết ấy.

- An. Em nói đi. Em không tin anh sao?

- Tin chứ. Tin nhiều hơn trước nữa là khác. Tiếc là em vẫn cứ giẫm chân hoài trong cái thường ngày vốn quen thuộc của em, với những niềm vui và vô số những điều mà anh cho là huyễn hoặc…

- Anh không hiểu!

- Rồi anh sẽ hiểu. Cũng như anh không hiểu hết chính anh khi nghĩ rằng anh đã hiểu hết người khác.

- Em “triết” quá. Anh chịu thôi. Soát lại anh thấy anh hoàn toàn chân thật với em… Sống sáng trong cùng tận cả đối với… “chuyện ngoại tình trong tâm hồn” nữa đó!

Khi Tuyên nói câu nói “thanh minh” tội tình đó thì An thoáng nghĩ đến Hân, một thoáng nghĩ thôi. Rồi An quả quyết bỏ đi. Sau khi nói với một giọng điệu hết sức lạnh lùng.

- Sẽ không còn rối rắm nữa đâu. Em về đây… Anh… Anh cũng đừng đến với An nữa. Thôi, cũng như có lần anh “dọa yêu” An… “Trả em về ngày tháng chưa quen..”

An nhích bàn chân trên cát. Như bắt đầu sống cho một cái gì khác. Lặng lẽ mà sâu lắng. Buổi chiều cũng bắt đầu khác, cái nhìn về chính An cũng đã khác. Có điều, rất mãnh liệt, rất “thực tế”. An thấy mình không hề vờ vĩnh với chính cuộc sống của mình, với đồng lương nhỏ bé của mình, tâm hồn của mình.

An tuyệt nhiên không quay lại. Tuyên đứng như bị chôn chân trên cát, trong cái ngơ ngác và rất đỗi bàng hoàng.

Chiếc túi du lịch nằm chỏng trơ trên bãi cát. Những chiếc kẹo sô-cô-la lạc lõng nằm trên mặt túi. Một cơn sóng bất thần ào lên suýt cuốn cái món quà gỗ thông rất đẹp mà An để lại, biển đã khoác mầu trắng. Tuyên cúi nhặt mọi thứ một cách chóng vánh, nhìn biển một lúc, cười một cách vô vị rồi lững thững lội qua triền cát.

Kỳ Hà- Huế, 1984
P.T.Đ
(Sinh viên Đại học sư phạm Huế)
(8/8-84)





Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Lời thanh minh (22/04/2010)
Đêm mưa (02/03/2010)