Trang viết đầu tay
Đứa con
09:46 | 17/02/2012

LƯƠNG DUY CƯỜNG

Nhà chú ở tận rìa làng. Ở quê tôi, trước khi thông với cánh đồng, làng được rào quanh bằng một vòng tre đủ loại cao lớn, nhỏ to, xương xóc khác nhau. Những nhà đi rìa làng coi như chia nhau giữ phần rào đó cho làng.

Đứa con
"Thiếu nữ gảy đàn" sơn dầu của Nguyễn Quân

Nhà chú Tư cũng vậy. Tới nhà chú phải đi vòng trong làng. Muốn vô cổng chính diện - cái cổng chú phải chui dưới rào tre đó, phải được người nhà rút cái chốt an toàn cho mới vô được. Nhà chú quay mặt ra cánh đồng nên hứng trọn khói của mùa đốt rạ. Lưng nhà dựa vô tường một cái miễu thờ cổ xưa. Cụ ông ngày còn sống đã chăm giữ cái miễu như bàn thờ gia tộc vậy. Thuở tôi còn nhỏ cứ để trâu bò lỡ lạc dấu chân vô khỏi bờ rào là coi như trăm phần trăm sẽ phải ăn đòn của ông ngoại! Mẹ tôi chắc chắn rằng ngày xưa đó là nhà ông thổ công đã sinh ra cái làng tôi … Nhưng khi tôi lớn lên thì thấy thờ đủ cả. Từ bà Lài buôn thúng bán mẹt tối ngày nào cũng có nải chuối với mấy nén nhang vô khấn khứa gì trong đó dưới chân ông tượng, đến lão Hai thợ rèn phải thời làm ăn lận đận cũng vác hương đèn đến lễ. Rồi thì con cái đi thi đi cử, người đau kẻ ốm… đều tới lui đó cả. Hỏi ra, ai cũng chỉ biết rằng vì miễu thờ linh thiêng lắm lắm (!). Linh thiêng từ cục đất hòn đá đến mấy cây bàng cổ thụ. Còn hỏi thờ cúng ai thì người ta kiêng cử không dám nói, cứ như nói tên người khuất mày khuất mặt e phạm phải một tội lỗi gì ghê gớm lắm.

Tôi vào thăm không gặp được chú Tư. Vô mùa cày ải, chú phải đuổi trâu ra đồng từ khi còn gà gáy hồi thứ ba. Chỗ gia đình tôi với chú dù không là ruột thịt nhưng là láng giềng cả. Thím Tư thấy tôi sang thăm thì mừng quýnh lên, bỏ cả đống rau heo đang thái dở để vào tiếp chuyện. Lúc này tôi được dịp nhìn kỹ thím. Một khuôn mặt nhân hậu với đôi mắt hơi buồn. Dáng dấp thím hãy còn chắc đậm, nhanh nhẹn đúng kiểu con nhà cày sâu cuốc bẩm. Nhưng qua cái cười của thím, tôi biết thím cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Cho đến hôm đó, tôi mới biết rõ chuyện gia đình chú Tư như thế này:

Ngày tôi ra đi, đứa con gái duy nhất của chú là cô Luyến cũng xin được việc làm đâu tận trên lâm trường Ba Rền. Chú Tư đi tập kết hơn hai chục năm trời về rồi vợ chồng cũng chẳng sinh nở gì thêm ngoài cô gái đã tròn hai mươi tuổi. Đoàn tụ chưa được bao năm, thím Tư sinh bệnh và chết, để lại đứa con gái duy nhất cho chú. Ông bà cụ thân sinh ra chú sầu phiền lắm vì đời ông bà cũng chỉ được có chú Tư là con trai mà giờ ngót nghét trăm tuổi cũng chưa có thằng cháu đích tôn nào. Con dâu chết chưa được bao lâu, ông cụ cũng chết, ông cụ chết đi và cái miễu thờ cũng mất luôn linh thiêng, và bà con nay lo chuyện làm ăn đồng áng đầu tắt mặt tối. Với lại mùa màng nghe ra không cần cúng vái mà cũng được lắm. Người ta đưa luôn cái phần thánh thần của mình về ngay trên bàn thờ gia đình, rồi bát cơm chén chè hương khói … gì đó người ta tự bày biện luôn. Ngôi miễu trở thành nơi cho mấy lão nông kém chịu nắng buổi trưa ghé gốc bàng hút thuốc tán gẫu chơi. Trẻ em đuổi bắt vào cả trong chỗ có ông tượng đứng trên cao. Thím Tư tức thím Xanh vốn là người gốc gác làng tôi nhưng vô lấy chồng mãi tận đâu trong cầu Hiền Lương. Thím lấy chồng đẻ được thằng con, chồng thím đi tập kết. Thím nuôi con, nuôi mẹ chồng cho đến khi giải phóng, thấy người ta đoàn tụ mừng vui, riêng thím nhận được giấy báo tử chính thức chồng mình. Đến khi con trai lớn đi học đại học ở xa, mẹ chồng mất thì thím trở về làng với cái túi cói cỏn con. Đời thím gói tròn trong cái túi đó với tấm ảnh chồng và đôi bộ quần áo nâu giản dị.

Chú Tư, thím Xanh gặp nhau âu là duyên số. Sau một bữa cơm họp mặt giản đơn giữa hai bên nội ngoại, thím Xanh về ở với chú Tư. Ừ! Thì cho có bạn soạn tuổi già vậy. Cô con chú Tư và anh con trai của thím tại nguyện hỏi tuổi nhau mà xưng chị gọi em, xưng ba gọi mợ cứ ngọt xớt. Có đôi có cặp hôm sớm, chú thím coi cứ như trẻ ra hàng chục tuổi và lại còn mong có với nhau một mặt con cho nó vui. Chú Tư kỳ cạch đóng ba cái ghế ăn cơm cho ba người trong nhà, và đóng thêm một cái nho nhỏ xinh xinh mà bữa ăn nào cũng dọn ra bỏ không đó. Trên đầu giường nằm của hai vợ chồng có một cái gối nhỏ thêu viền cẩn thận, đêm nào nó cũng nằm giữa chú và thím. Nó cứ nằm vậy như sự có mặt của một con người thực sự.

Rồi chuyện có thực đó xảy ra một cách hẳn hoi sau hai mùa lúa. Một bữa, tự nhiên thím đang nhổ mạ bỗng dưng thấy trong người choáng váng, rồi muốn nôn thốc nôn tháo cả ra. Chú cõng thím đưa về nhà, và bà cụ tuyên bố sau khi đã kiểm tra chứng bệnh của con dâu:

- Con Xanh có thai nghe!

Chú Tư mừng quýnh, làng xóm thân tình thì thào to nhỏ cứ như nín thở chờ đợi một cái gì hết sức thiêng liêng và hệ trọng vậy! Ngay chiều hôm sau, mấy ông lão hay tạt qua miễu cũng như lũ trẻ ngạc nhiên nhìn thấy ngôi miễu sạch bong cỏ rác, và hương đèn trong đó, là vì đêm qua bà cụ mơ thấy đức thổ công hay là ông lão gì đó, râu dài tới ngực cưỡi mây về báo mộng cho bà, sai bà quét dọn đình miễu.

Lâu rồi, tự nhiên thấy ngôi miễu có hương khói nghi ngút cả ngày đêm, người ta cảm thấy lạ. Ông chủ nhiệm hợp tác xã tưởng nhân lực lao động nào có ma chay nên vào cúng trong đó, thì đánh tiếng và tạt qua, nhưng khi biết bà cụ trăm phần trăm ứng mộng thím Xanh xin con thì cũng bỏ qua. Thím Xanh thì được nuông chiều coi như hết cỡ. Chú Tư giành hết công việc của thím ngoài đồng. Nhưng khi nấu cơm hay thái nắm rau cho lợn, thỉnh thoảng cao hứng thím ngẫm nghĩ mấy câu ru, câu hát hồi xưa. Đôi lúc thím còn đàn thử giọng nữa:

À… ơ… ờ! (chơi) bắt lấy tay… ờ… (mà) quân tử.

Hỏi thử ư… ư (mà) vài ờ… ơ… ơ… lời.

(Chơ) ai đào sông (mà) cho… ờ… cá lội…

Có đoạn thím quên mất hẳn. Hơn hai mươi năm rồi còn gì. Nhưng học mãi cố nhớ mãi, nhẩm nha mãi, rồi thím cũng nhớ lại cả. Có đêm, chú nghe thím đàn suốt cả đêm. Chú Tư mừng hơn người được của. Chú làm mãi tận ngoài đồng xa, bữa trưa thím gọi cơm đem theo cho rồi, mà vẫn tranh thủ về xem cái bụng có lơn lớn thêm chút nào không. Thân thuộc họ hàng từ khi thấy cái bụng thím hơi có chiều hướng to lên đã ngấp nghé dạm mừng rồi. "Ừ! Có ăn chung niêu chung bát cũng bằng chi có đứa con". Mấy mệ mấy bà có tuổi thì cho như thế mới phải. Đời lấy chồng không sinh con thì thà bỏ. Mấy cụ mấy ông thì nhất nhất cho là tại nhờ cái phước lộc cụ ông phù trợ, nhờ cái thuở cụ hương đèn đình miễu mà trời đất trợ phù cho.

Giữa lúc mọi người trong gia đình đang ngóng đợi sự ra đời của một con người thì có tin đột ngột: "Cô Luyến chuẩn bị sinh con". Chuyện thế mới kỳ quái chứ! Cô Luyến chưa chồng lại chửa. Khi biết đích xác tin con đã sinh chuyện "bậy bạ" và cơ quan nơi cô Luyến làm việc chuẩn bị để thải hồi cô ra, thì chú Tư lồng lộn lên. Nó là giọt máu duy nhất của vợ để lại! Kệ, nên thì thương, hư thì bỏ! Chú hứa là từ hẳn cô Luyến không xem là đứa con trong nhà nữa! Thím Xanh hiểu những gì đang xảy ra trong lòng chú, còn chuyện cô Luyến không chồng mà chửa, thì thím là đàn bà con gái thím thừa hiểu nó tai hại đến chừng nào. Vậy rồi đêm hôm đó, khi nghe thím đề nghị đưa cô Luyến về sinh nở cho nó vuông tròn: "Ấy! Dẫu sao cũng là con cái mình, còn đó là chuyện riêng đời nó", chú Tư dãy nãy lên. Theo chú, có cái ngốc nào bằng cái ngốc vác mặt ra cho thiên hạ chửi. Thím thì đã đến tháng thứ tư rồi. Ngoại trừ chú Tư ra, còn bà con chẳng ai ngạc nhiên chi chuyện thím Xanh sẽ đón cô Luyến về sinh nở. Thím thuê một chuyến đò lên tới lâm trường Ba Sao đón cô Luyến về. Rồi cô Luyến sinh thằng con trai đúng bốn ki-lô. Chẳng ai đón sự ra đời của nó cả. Chú Tư tối ngày vẫn bám lấy đồng đất, mặc cho thím Xanh lo chợ búa cơm nước lại thêm phần động viên cô Luyến nữa. Ngày hết cữ cô Luyến bồng con ra đi khóc đứng khóc ngồi trước tình cảm của thím Xanh.

Chuyện cũng chẳng có gì để nói thêm, nếu không vì sự xảy ra sau khi cô Luyến đi được mươi lăm ngày. Đang hôm chú Tư cày dở bữa đất, có người hớt ha hớt hải gọi chú về. Về tới nhà, thấy người đông như ăn cỗ, mới hay thím Xanh bước qua cái ngạch bếp thế nào mà rớt cái thai ra. Nghe cứ tưởng chuyện chơi: chi mà dễ như đùa vậy? Nhưng nghe ra thì ớn thiệt. Thím Xanh mặt không còn hột máu, đang lả đi trên tay mấy bà mụ lối xóm, còn cái cục nhầy nhầy đỏ choét, mường tượng như hình con người thì đang để nằm trên tấm chiếu giữa nhà. Người ta tính chôn phứt nó đi cho chú khỏi biết, mà không kịp.

Sau vụ đó, trong nhà mỗi người có cách xử thế riêng của mình. Bà cụ thì tức khắc đủ hết hương đèn cúng bái trong cái miễu sau câu chửi thề âm dương ma quỷ là kẻ ăn hại, có mắt có hồn mà như đất như đá. Người ta thấy bà thôi không quét dọn giữ gìn cái miễu như trước nữa. Chú Tư thì đi vô ngó nhìn thím, đi ra nhìn thím cứ chăm chắm như nhìn một cái gì lạ lắm. Thiệt tình thì chú thương thím. Thương nhất là sau cái bữa thím sẩy thai đó chú mới hay thím có vô vàn những cái sẹo dài vằn vện chồng chéo đằng sau lưng. Chú được nghe thím kể về gốc tích của mấy cái lằn roi đó do hồi Mỹ ngụy càn bắt và đánh đập thím dở sống dở chết vì có ông chồng cộng sản. May thay hồi này việc làm thủy lợi ở xã tôi lôi cuốn xã viên ghê gớm lắm, mà chú Tư lại trong chi ủy công trường, nên công việc đã làm chú nguôi đi đôi phần sầu muộn. Chỉ riêng thím nằm ru rú ở nhà, đi ra thấy mẹ chồng, đi vô cũng gặp nguyên bà cụ thì đâm buồn bã đến biếng ăn biếng ngủ. Đời thím mong một lần sinh nở vào tuổi đó, mà bị hỏng là coi như thôi rồi. Tiếng tăm bên ngoài bắt đầu đến tai thím. Theo bà con, ấy là vì thím đưa cô Luyến về sinh mà cơ sự thím phải gánh. Chà! Nói vậy chớ trông thằng cháu mà phát thèm cái to khỏe, chắc chắn của nó. Nếu như con thím mà đẻ ra được vậy thì hạnh phúc biết nhường nào! Nhưng tiếng tăm vô ra lắm cũng làm thím hoảng. Chú Tư thôi tin hẳn chuyện cúng bái, mặc dầu thím đi coi thử một quẻ, nghe người ta nói tại mả ông nội bị động, mà chưa đầy một tuần sau đúng là phải bốc đi thật, vì có con mương thủy lợi phải đi băng qua đó. Nhưng bốc cất rồi việc vẫn cứ xảy ra như nó đã xảy ra thôi. Tuy không tin nhưng khi ngắm địa thế hướng con mương băng qua làng là phải đi băng qua ngôi miễu, thì chú Tư cũng ớn người. Mặc dù chú không phải là người duy nhất quyết định hướng đi con mương, nhưng mà ngôi miễu nó lại gắn bó với gia đình tộc trưởng Lương Duy này từ đời nào đời nào kia. Cho nên, ngôi miễu trong vườn tộc trưởng kể cũng đáng thông qua đôi điều. Ấy nhưng không biết tính toán lợi lộc cho xã thế nào mà trong cuộc họp sau, chú Tư quyết định "cứ đào" là lập tức dân công xắn tay áo lên liền. Bà cụ can ngăn không được đành phải chịu. Một năm sau, con mương thẳng tắp từ ngoài Vực Tròn băng qua làng, để ra sau cánh đồng đã dẫn nước đi khắp nơi. Khu nhà tả của ngôi miễu không còn nữa. Khu chính của miễu nằm soi mình xuống lòng nước trong xanh. Có ai hỏi về chuyện sắp tới nó có cơ sụt lở đè xuống dòng mương không, thì chú Tư cười bảo "Hắn sập xuống ta hốt luôn".

Cũng chẳng phải chờ đợi lâu gì. Khi mọi người không còn nhắc đến chuyện con cái của chú Tư nữa, thì đột ngột thím Xanh có thai. Lần này ai cũng lo thay cho thím, nên nhóm tổ lao động ưu tiên để thím nghỉ việc đồng từ khi thím bấm ngày đúng tròn ba tháng. Bà cụ và chú Tư đều mừng ra mặt mà cứ làm lơ đi, lơ đi kẻo sợ lại mất. Kỳ thực chú chẳng phải lơ đi làm gì cả, vì sau đó đúng chín tháng hai ngày thằng Tư con ra đời. Trái chín cuối mùa nó cũng không được ngọt ngào cho lắm, nhưng mà quý. Thằng cu nhỏ nhắn vừa cân đúng hai ki-lô rưỡi nhưng mái tóc, khuôn mặt trông sáng sủa ra phết. Đến bây giờ nó cứ lẳng nhẳng bám theo bà đi nhổ cỏ khắp vườn. Thím Xanh cười kết thúc câu chuyện bằng một câu rất hóm: Đó là kết quả khai thông long miếu của chú Tư bây đó!

L.D.C.
(Trường Đại học Tổng hợp Huế)
(SH20/8-86)







 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Lúm đồng tiền (04/11/2011)
Chuyện Lão Khứ (31/10/2011)
Định mệnh (01/07/2011)
Mưa Huế (30/06/2011)
Hương lục bình (14/02/2011)