Nhìn ra thế giới
Một nửa Moskva
09:46 | 23/12/2014

NGUYỄN VĂN DŨNG

Thời trai trẻ tôi yêu nước Nga qua tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi. Lớn lên tôi càng yêu nước Nga hơn bởi lịch sử hào hùng và nền văn hóa phong phú với những con người Nga nhân hậu, dễ thương. Nay về già, tôi quyết tâm đi thăm nước Nga cho bằng được. Tất nhiên Moskva là chọn lựa đầu tiên.

Một nửa Moskva
Moskva - Ảnh: wiki

Chiếc EK 133 của Hãng hàng không Emirates đáp xuống phi trường Domodedovo lúc 15g30 ngày 23/9/2014. Gần nửa giờ mà du khách vẫn nhớn nhác chưa được rời máy bay. Thế rồi, dọc theo hai lối đi, xuất hiện hai nữ nhân viên an ninh mặt lạnh như tiền, tay cầm camera quay hết mọi người. Tôi đáp lễ bằng nụ cười thật tươi, lòng thầm nhủ, một nửa Moskva chiến tranh đang đón tiếp mình.

Vào khu vực kiểm tra an ninh, tôi quá ngạc nhiên, nước Nga rộng lớn thế mà sao dành cho khách thập phương không gian chào đón chật hẹp và thấp lè tè thế. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi dành một thoáng lượng định tình hình, rồi chọn xếp hàng trước quầy có cô nhân viên an ninh xinh đẹp, phúc hậu, và tươi cười. Anh chàng an ninh bên cạnh mặt mày sáng sủa, đẹp trai, quả xứng đôi vừa lứa. Thỉnh thoảng anh ta quay qua âu yếm vuốt tóc cô gái, như thể trong mắt anh hàng ngàn người đang chờ đợi ngoài kia chẳng có ki lô gram nào. Không nghi ngờ gì nữa, họ, hình như là tình yêu. A, thế thì mọi chuyện chắc sẽ suôn sẻ với mình thôi, bởi khi yêu trái tim con người ta luôn rộng mở.

Đến lượt tôi, cô nhân viên an ninh bỗng nghiêm sắc mặt, soi rất kĩ từng trang hộ chiếu. Cô hỏi tôi có phải từ Dubai sang không? Cô đòi tôi cung cấp cả ticket của chuyến bay (may mà tôi còn giữ). Riết rồi cô cũng gấp cuốn hộ chiếu của tôi lại, tươi cười chìa qua ô cửa, nhưng không phải cho tôi mà cho một nhân viên an ninh khác đang đứng sau lưng tôi không biết từ lúc nào. Theo lệnh của anh ta, tôi đi vào một khu vực cách ly, ở đó đã có năm bảy người mặt mày xanh như tàu lá.

Tôi muốn báo tin cho người học trò chờ đón bên ngoài. Nhưng ôi thôi, cái điện thoại tôi chưa kịp mua sim mới, còn cái ipad không hiểu sao không vào mạng được. Lòng tôi nóng như lửa. Đúng là tôi đang lọt thỏm giữa một nửa Moskva chiến tranh. Tôi trấn an mình “Gay go rồi, phải bình tĩnh, bình tĩnh”.

Hơn một giờ sau, có tiếng gọi nguyenvandung. Tên Dũng bị đọc lơ lớ như tôi là cư dân ấp Tà Rầu, nhưng sao nó vẫn lấp lánh niềm vui. Anh nhân viên an ninh trao cho tôi hộ chiếu, dẫn tôi đến quầy tiếp tục làm thủ tục, tiếp tục chờ. Riết rồi tôi cũng qua được cửa khẩu. May quá, người học trò cũ vẫn đợi. Thầy trò gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Chao ơi, “thời gian sao mà xuẩn ngốc”, mới chưa tới canh giờ cứ tưởng như là cả thiên thu. Sau này nghiệm lại, tôi ngờ rằng do cô nhân viên an ninh thấy trong hộ chiếu, tôi đã từng đi qua nhiều nước Mỹ, Canada, Brasil, Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, mấy nước Bắc Âu… là những nước đang nóng lạnh với Nga. Tôi suýt bật cười khi chợt nghĩ, sao cô ta chỉ nhìn vào hộ chiếu mình mà không nhìn vào trái tim của mình nhỉ.

Quảng trường Đỏ - Ảnh: internet


Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm Quảng trường Đỏ. Trời bỗng đổ mưa, mưa dầm dề, mưa lê thê, mưa đầy trời. Với cây dù trên tay, tôi tha thẩn từ đầu nọ đến cuối kia, lòng bồi hồi cảm xúc, không ngờ có ngày tôi được đến đây. Tôi thấy mưa sa trên Quảng trường Đỏ vừa thấy phố thấy nhà, đó là những công trình kiến trúc hoành tráng, độc đáo, và tuyệt đẹp. Dưới màn mưa, chúng khoác lên mình lớp áo huyền ảo và lãng mạn đến nao lòng. Tôi còn trở lại nơi đây vài lần. Cho đến khi rời Moskva, tôi tự hào đã nếm trải đủ mọi cung bậc của cái quảng trường lịch sử này từ sáng, trưa, chiều, tối, đêm, và nắng, và mưa.

Buổi trưa, mưa tạnh, chúng tôi thăm Bảo tàng lịch sử, mấy thánh đường nổi tiếng, thăm Điện Kremlin, nghiêng mình bên Ngọn lửa vĩnh cửu hình trái tim những chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc, tha thẩn bên bờ con sông Moscow huyền thoại - tôi sẽ chia sẻ cảm xúc về con sông này trong bài “Đi qua những dòng sông”.

Thánh đường St. Basil - Ảnh: internet


Tôi đặc biệt ấn tượng với Thánh đường St. Basil. Về cuối phía nam Quảng trường Đỏ, St. Basil được xây dựng năm 1555, thời Sa hoàng Ivan. Đó là một công trình kiến trúc nhiều màu sắc, gồm 9 ngôi tháp chóp hình củ hành, trên đỉnh có dấu thập thánh giá. Toàn bộ công trình được xây bằng gạch đỏ rực rỡ, theo phong cách Byzantine nổi tiếng ở Nga. Vốn đã độc đáo, lộng lẫy, và lung linh, nhiều truyền thuyết quanh Thánh đường St. Basil khiến công trình càng lung linh hơn. Chuyện kể rằng, sau khi công trình hoàn thành, Sa hoàng cho chọc mù đôi mắt kiến trúc sư Postnik Yakovlev để ông không thể tiếp tục sáng tạo, cho không còn công trình nào có thể sánh được với St. Basil. Và rằng, trước vẻ đẹp ngất ngây của Thánh đường St. Basil, Napoleon quyết định đưa St. Basil về Paris. Khi biết quyết định ấy không thể thực hiện được, ông ra lệnh cho nổ tung thánh đường. Thuốc nổ đã được gài, ngòi nổ đã được châm, lửa bắt đầu cháy. Đúng lúc ấy, một trận mưa lớn dập tắt ngọn lửa, Thánh đường St. Basil được giải cứu. Lần thứ hai St. Basil được giải cứu, đó là vào năm 1930, Stalin quyết định xóa sổ Thánh đường St. Basil. Lần này thì không phải trời cứu mà là kiến trúc sư Baranovsky, ông đã dũng cảm can ngăn Stalin và thề, ông sẽ tự tử nếu nhà thờ bị giật sập. Sau cùng, Stalin đành thay đổi quyết định, nhưng Baranovsky phải ngồi tù 5 năm. Nếu bạn có duyên đến thăm Thánh đường St. Basil, xin đừng quên leo lên tầng tháp cao nhất của thánh đường để ngắm toàn cảnh Quảng trường Đỏ, nơi thành thành bại bại, được được mất mất, có có không không nối tiếp nhau diễn ra trong suốt mấy trăm năm lịch sử. Chẳng lạ gì khi người ta cho rằng, Thánh đường St. Basil là biểu tượng của Moskva.

Điện Kremlin - Ảnh: wiki


Điện Kremlin, một trong những địa điểm cổ xưa nhất của thành phố, là trung tâm địa lý và lịch sử của Moskva, bên bờ sông Moscow, trên đồi Borovitskii. Kremlin là một quần thể kiến trúc vĩ đại gồm cung điện, thánh đường, lăng mộ sa hoàng, tháp chuông, tháp canh, tường thành… Trước đây, Kremlin là hoàng cung của Nga hoàng. Ngày nay, Kremlin là nơi làm việc của chính quyền trung ương Nga, là nơi sống và làm việc của Tổng thống Nga. Du khách chỉ được tham quan một phần Điện Kremlin. Tôi đặc biệt ấn tượng hai thứ. Một là, cứ tưởng chỉ dân Tàu mới thích cái gì cũng to, nào dè Nga chẳng hề kém cạnh. Cái chuông điện Kremlin (chuông Vua) dày và to như một ngôi nhà nho nhỏ, còn khẩu đại bác (đại bác Vua) bự đến mức viên đạn của nó tròn và to như một cái thúng lớn. Hai là, một nơi uy nghiêm và lạnh lẽo thế nhưng lại có nhiều cây xanh và hoa. Thử hình dung, dưới bóng cây cổ thụ, bên khóm hoa hồng, và dòng sông Moscow lặng lẽ chảy, ai dám nói đó không là thứ vũ khí lợi hại góp phần bảo vệ Moskva.

Vườn Aleksandrovsky - Ảnh: internet


Ra khỏi Điện Kremlin, tôi đứng lặng khá lâu trước Ngọn lửa vĩnh cửu trong khu vườn Aleksandrovsky. Đây là đài kỷ niệm tôn kính nhất ở Nga tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc (1941 - 1945). Cuộc chiến kéo dài suốt 1.418 ngày đêm, hơn 27 triệu dân thường và hơn 8 triệu chiến sĩ hy sinh. Chao ơi, cái giá của độc lập tự do sao mà đắt đỏ. Lành thay, nhân dân Nga không quên họ. Hơn 45 năm qua, ngọn lửa ấy không bao giờ tắt, và chắc sẽ còn mãi cho đến mai sau. Cảm ơn nước Nga. Trong những lý do để tôi yêu các bạn, giờ có thêm lý do này, các bạn không phải là loại người vong ơn bội nghĩa, các bạn đã không bao giờ quên đồng bào chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh cho tổ quốc mình.

Thời gian còn lại, chúng tôi lang thang qua những con đường dành cho người đi bộ. Trung tâm Moskva có nhiều những con đường đi bộ. Đi cho chán chê ê ẩm, rồi dừng chân nơi nhà hàng nổi bên đường, nhâm nhi cốc bia đặc sản, nhìn nhân loại nhởn nhơ, cũng là một cái thú. Tôi thích con đường Arbat. Dọc theo con đường nổi tiếng này có vô số những cửa hàng bán đồ lưu niệm, những cửa hiệu thời trang, những họa sĩ vẽ chân dung, những quầy bán sách cũ, và người ơi là người. Ngày nay, thời đại internet, chỉ cần nhấp chuột con người ta có thể dễ dàng tiếp cận bất cứ kho tri thức nào của nhân loại, nên ít ai còn muốn khệ nệ bê đống sách cũ về nhà. Tuy thế, tôi vẫn thích la cà một chút quanh đống sách cũ, ngắm cái màu của nó, ngửi cái mùi của nó, cho dù nội tên cuốn sách thôi tôi cũng chẳng hiểu mô tê gì. Hình như là thế, sách vở bao giờ cũng toát ra cái mùi quyến rũ không thua gì hương con gái.

Cuối con đường Arbat có nhà lưu niệm văn hào Puskin, nơi lưu giữ nhiều di vật của người thi sĩ tài danh. Bên kia đường, đối diện với căn nhà có bức tượng cỡ lớn Puskin cùng người vợ yêu. Người nghệ sĩ điêu khắc thật tinh tế khi tạc pho tượng hai người mà Puskin chỉ đứng kề phía bên như là một nhân vật phụ. Thi sĩ luôn yêu cái đẹp, nhưng người đẹp của Puskin thì lại đẹp kinh hoàng. Người ta nói, nàng là giai nhân đẹp nhất nước Nga thời ấy. Thế là hạnh phúc từ đó, và niềm đau cũng từ đó. Puskin chết trong cuộc đấu súng với người tình địch. Có một câu thơ của ông làm tôi xao xuyến mãi đến giờ, “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”. Ôi Puskin, tài hoa là thế nhưng chấp nhận đấu súng với một sĩ quan tùy viên. May quá, bù lại ông không phải là một thằng hèn.

Hình như mấy nàng kiều Moskva cũng thích nhơn nhơn trên con đường này. Tôi vốn có thành kiến với phụ nữ Nga, nhưng giờ trước họ tôi phải thừa nhận họ đẹp. Dáng cao cao, người thanh thanh, da trắng trắng, môi mỏng mỏng, sống mũi thon thon, chóp mũi nhọn nhọn, đôi mắt sâu sâu, mái tóc hung hung, đó là cái đẹp không thể lẫn lộn. Và còn điều này, không biết các cô có lượng thứ, rằng đó là cái đẹp khiến người ta tôn kính mà không gợi dục. Vì các cô thích sự kín đáo chăng, vì không có điều kiện làm đẹp chăng, hay vì tôi đã già. Trên các toa tàu điện ngầm, tôi thường chú tâm quan sát mấy nhan sắc Nga. Họ, cốt cách đoan trang, đôi mắt có thần, lặng lẽ, và xa xăm. A, đúng rồi, đó chính là đôi mắt của Maria trong Chiến tranh và hòa bình. Tôi cố tìm xem cái gì bên sau đôi mắt ấy đã giúp người phụ nữ Nga có đủ sức mạnh tiễn đưa chồng con, hết thế hệ này đến thế hệ khác lên đường ra trận; rồi cái gì bên sau đôi mắt ấy giúp họ bền gan chờ đợi khi người thân yêu của họ không trở về. Lại thêm một lý do nữa vì sao tôi yêu nước Nga, đó là vì tôi yêu đôi mắt của người phụ nữ Nga, và tôi yêu những bà mẹ Nga.

Có một điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi ở Moskva, đặc biệt các vùng ven, bên cạnh những tòa nhà hiện đại và đẹp, vẫn còn tồn tại vô số những chung cư loại nhân bản kiểu đặc trưng thời Xô Viết - nghe đâu có đến 13.000 chung cư loại ấy. Cái nào cũng cao từ chín, mười, đến hai mươi lăm tầng. Kỳ cục nhất là cái nào cũng giống cái nào, căn hộ nào cũng giống căn hộ nào, nội thất nào cũng giống nội thất nào, đến chìa khóa cửa cũng cùng một loại. Không hiểu người ta trở thành cái gì khi sống trong những căn hộ như thế? Không hiểu vì sao người ta có thể sống được trong những căn hộ như thế? Là sản phẩm của Liên bang Xô Viết, nay Liên Xô đã sụp đổ nhưng nó vẫn còn tồn tại? May quá, tôi chưa có dịp trải nghiệm trong những căn hộ ấy. Nhưng xem bộ phim hài nổi tiếng thời Xô Viết Số phận trớ trêu hay chúc xông hơi nhẹ nhõm tôi cũng hiểu ra, rồi ôm bụng cười ngất. Một điều kỳ cục nữa là người ta thích số hóa mọi thứ. Ví dụ, đường những nhà xây dựng số 3, khu nhà số 25, căn hộ số 13, tầng 4. Còn nhớ, hồi sau năm 1975, một giáo viên trường tôi hùng hồn đề nghị nên đổi tên các trường và đường trong thành phố theo thứ tự các con số, như trường số 1, trường số 2, đường số 5, đường số 7… cho nó văn minh hiện đại như đồng chí Liên Xô.

Điều thú vị là Moskva không sính ngoại. Từ cửa hàng cửa hiệu, các bảng chỉ dẫn, kể cả chỉ dẫn nơi hệ thống tàu điện ngầm, tất cả đều bằng tiếng Nga. Về điểm này, Moskva giống To- kyo. Nhớ bên mình, đâu đâu cũng chữ Tây, chữ Tàu. Hết tên công ty, khách sạn, nhà hàng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, gần đây nhiều bảng hướng dẫn, thông báo bằng chữ Tàu to đùng, chỉ dành bên dưới cho hàng chữ Việt nhỏ xíu mặc dù đã có quy định rất rõ ràng. Nhiều người nói một câu tiếng Việt chưa chuẩn mà cứ thích chêm thêm tiếng Anh tiếng Pháp tía lia. Hình như với họ, như thế mới sang, mới oai, mới đẳng cấp. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh là công cụ giao lưu hội nhập. Tiếng Anh còn là chìa khóa để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại. Nhưng giỏi tiếng Anh để giao lưu hội nhập hay giỏi tiếng Anh để khoe mẽ, giỏi tiếng Anh để làm ông chủ hay giỏi tiếng Anh để làm thuê. Nội hàm tuy khác nhau nhưng chỉ cách nhau một sợi tóc. Cũng cần nói thêm ở Moskva, trong các giao dịch mua bán, người ta chỉ dùng đồng rúp chứ không dùng ngoại tệ. Người Nga có tinh thần tự hào dân tộc rất cao - một dân tộc như thế thì lo chi thiên tai, dịch họa hay chiến tranh.

Đừng quên ở Moskva, tàu điện ngầm là một trong những điểm du lịch hấp dẫn. Gồm 12 tuyến, tổng chiều dài 313,1 km, 188 nhà ga, thu hút hơn 10 triệu lượt khách mỗi ngày. Đó là một trong những hệ thống tàu điện ngầm nhộn nhịp nhất thế giới, chỉ sau Tokyo, Seoul và Bắc Kinh. Đặc điểm nổi bật không nơi nào sánh được, đó là các ga tàu điện ngầm của Moskva như là những cung điện lộng lẫy dưới lòng đất. Nhiều nhà bác học, kỹ sư, kiến trúc sư và họa sĩ tài danh đã tham gia xây dựng công trình. Đá cẩm thạch, đá hoa cương và nhiều loại đá quý khác được tận dụng. Những bức họa khổng lồ trên trần, các pho tượng, biểu tượng, hoa văn, họa tiết cả cổ kính lẫn hiện đại đan xen cùng màu sắc hài hòa, tuyệt mĩ. Mỗi ga mang phong cách riêng, không ga nào giống ga nào. Đã thế, tàu điện ngầm ở đây được xếp vào hàng nhanh (40km/1giờ), liên tục (50 giây/1 chuyến), rẻ (30 rúp cho một tour du hành), và cực kỳ sạch sẽ - người ta nói tìm cho ra một tàn thuốc trên toa tàu điện ngầm Moskva còn khó hơn trúng số độc đắc. Năm 2008 sang thăm thủ đô Anh quốc, tôi thất vọng bởi tàu điện ngầm của Luân Đôn sao mà tệ. Giờ với Moskva, tôi khẳng định, tàu điện ngầm Moskva đẹp nhất thế giới.

Chỉ tiếc, vẫn còn đôi điều lợn cợn khiến lòng không vui. Tại một số đường hầm dẫn xuống nhà ga, tôi thấy có nhiều cụ bà bán hàng rong. Trên tay các cụ là con búp bê Nga, tấm bản đồ thành phố, mấy cuộn chỉ màu, mấy món hàng lưu niệm… Ông đi qua bà đi lại, xem ra chẳng mấy ai quan tâm. Trông các cụ lặng lẽ và buồn thiu. Bằng tuổi ấy, ở Mỹ hay các nước phương Tây, các cụ được vui sống cùng con cháu trong gia đình, hoặc được chăm sóc chu đáo trong các viện dưỡng lão. Các cụ, đã một thời sinh ra, lớn lên, học hành, ước mơ, yêu thương, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, lao động, chiến đấu góp phần dựng xây quê hương đất nước. Giờ lẽ nào quê hương đất nước đành để các cụ tự kiếm ăn một mình! Không biết vì sao lúc ấy tôi không mua gì. Giờ nhớ lại lòng cứ ray rứt hoài. Nước Nga là dồn mọi tiềm lực đầu tư cho chiến tranh và cho công nghệ chiến tranh mà lơ là việc đầu tư cho dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đừng quên, mọi vinh quang đều trở nên vô nghĩa nếu trẻ em không có tuổi thơ và người già lây lất ngoài đường.

Hôm đợi tàu đi Saint Petersburg. Bỗng thấy hai nhân viên an ninh xuất hiện, họ rảo rảo quanh phòng đợi, nhìn chăm chăm từng mặt người, lách vào một dãy ghế, ra lệnh cho một ông khách đứng dậy rồi dẫn đi đâu không biết. Tôi lạnh người. Mấy anh bạn Việt ở Moskva từng cảnh báo “Coi chừng bị cảnh sát Nga thộp cổ. Hoặc có chi trong túi chúng lột hết rồi thả đi, hoặc nhốt luôn”. Tôi sợ nhất tình huống sau. Đang có cuộc chiến tranh mini phía Tây, không khéo người ta nghi mình là gián điệp này nọ thì nguy to, biết kêu ai. May quá, hơn mười ngày long nhong khắp Moskva, tôi không gặp trục trặc gì. Đi du lịch, đến Pháp và Ý đi đâu cũng sợ bị móc túi, sang Nga đi đâu cũng sợ bị cảnh sát thộp cổ, dù cố xả bỏ hết nhưng rồi vẫn thấy bất an. Biết làm sao hơn, đã chiến tranh dù kiểu này hay kiểu khác chẳng bao giờ mang lại điều gì tốt lành.

Trước khi sang Nga, tôi có ý định sẽ viết “Mùa thu Moskva”, nhưng sang đây thì mùa thu đang thì con gái. Trên cây lá mới chỉ một nửa vàng một nửa xanh. Tôi từng ngất ngây dưới trời thu Canada, thu Paris, thu Madrid, thu Stockhom… giờ đi giữa một nửa mùa thu Moskva, lòng vẫn thấy nao nao. Ai đó đã nói “Một nửa chân lý không phải là chân lý”, nhưng một nửa mùa thu vẫn cứ là mùa thu. Với lại, xem ra với một nửa mùa thu, bạn mới có thể cảm nhận trọn vẹn quá trình chuyển hóa của cả một mùa thu, từ lá xanh, lá vàng, lá rụng, chồi non. Bởi không lá xanh thì làm sao có lá vàng, không lá vàng thì làm sao lá rụng, không lá rụng thì làm sao có chồi non. Có gì vĩnh cửu trường tồn đâu, đổi thay là tất yếu. Chao ơi, chân lý giản đơn thế mà sao nhiều người không nhận ra! Tôi còn tự động viên mình, thà không được đắm đuối với mùa thu vàng nước Nga còn hơn phải thừa nhận, hóa ra Levitan - người họa sĩ tôi yêu quý, chỉ thành công một nửa.

Tôi dành thêm một buổi chiều - buổi chiều cuối cho Quảng trường Đỏ trước khi rời Moskva. Đó là một buổi chiều vàng hươm và mộng mị. Nhiều người nghĩ gọi là Quảng trường Đỏ vì liên quan đến màu gạch đỏ bao quanh hay màu đỏ và chủ nghĩa cộng sản. Thật ra Quảng trường Đỏ bắt nguồn từ chữ krasnaya, tiếng Slava cổ có nghĩa là đẹp (chỉ từ thế kỷ 19, từ này mới mang nghĩa màu đỏ như hiện nay). Bao quanh Quảng trường Đỏ là những kiệt tác kiến trúc gồm Điện Kremlin, Trung tâm thương mại GUM, Bảo tàng Lịch sử, Thánh đường St.Basil. Quảng trường Đỏ hình chữ nhật, không bè bè như Thiên An Môn mà nghiêng nghiêng về phía hai đầu Bắc - Nam, khum khum như cánh hạc bay. Quảng trường Đỏ không mang lại cảm giác lạnh lẽo và đe dọa như Thiên An Môn mà đánh động trường liên tưởng và gợi những giấc mơ. Giữa Thiên An Môn, ta dễ rùng mình nghĩ đến vụ tắm máu năm 1989, trên Quảng trường Đỏ ta không thể không nhớ về cuộc diễu binh lịch sử ngày 7/11/1941, đó là cuộc diễu binh vô tiền khoáng hậu. Trong khi thành phố bị quân Đức bao vây, từ cuộc diễu binh này các chiến sĩ đi thẳng ra mặt trận. Cuộc diễu binh vì thế không chỉ để biểu dương lực lượng mà còn là một cuộc tiễn đưa. Không biết ai trong số họ đã về và ai không trở lại. Bỗng nhớ bài thơ “Đợi anh về” từng làm xao động tâm hồn bao thế hệ, “Em ơi đợi anh về. Đợi anh hoài em nhé. Mưa có rơi dầm dề. Ngày có buồn lê thê. Em ơi em cứ đợi”. Niềm tin và tình yêu bao la còn được thể hiện qua mấy khổ thơ cuối: dù cho biệt tin anh, dù cho ai đó lạt phai, dù cho mưa bom bão đạn… xin em cứ đợi; để rồi khẳng định, anh sẽ về, vì chúng ta biết chờ nhau. Hèn chi. Đối mặt với những người lính chiến đấu vì tình yêu và chiến đấu để sớm được trở về với người yêu, thì Hitler thua là cái chắc.

Vẫn còn nguyên cái cảm giác lâng lâng khi thong dong đếm bước trong lúc dưới chân từng viên đá thi nhau kể chuyện, hay cái cảm giác dịu ngọt lúc ngồi ở nhà hàng Bosco café, nhâm nhi cốc vang Chardonnay di Nonino dìu dặt tiếng dương cầm, ngắm hoàng hôn rải vàng trên Quảng trường Đỏ. Tuyệt đến không còn chi nói nữa. Dịp cuối tuần, trời đẹp, nên thiên hô vạn hán là khách. Đông nhất vẫn là khách Tàu - rất dễ nhận ra họ vì họ không giống ai, nhưng khách Tây thì hình như vắng. Tôi từng được xem cuốn băng video năm 1963, dưới tuyết lạnh, hàng ngàn người rồng rắn xếp hàng vào thăm Lenin, nhưng hôm nay không hiểu sao lăng của Người vắng hoe. Chắc tại đã hết giờ mở cửa.

Chiều tối, gió lớn và trời lạnh, từ phía dòng sông từng tốp người lặng lẽ đi qua quảng trường, có cảm tưởng như đó là những bóng ma lỡ cuộc hẹn năm 1945, nay mới có cơ hội trở về cùng những ai bền gan chờ đợi. Và khi hệ thống đèn chiếu từ Trung tâm thương mại GUM bật lên, quảng trường hiện ra như từ trong câu chuyện cổ tích, sáng láng, lộng lẫy, và đẹp mê hồn. Tôi thầm nghĩ, là trung tâm của Moskva , là “Trái tim của nước Nga vĩ đại”, và là Di sản Văn hóa thế giới (1991), Quảng trường Đỏ là công trình kiến trúc, nghệ thuật tuyệt luân mà người ta chỉ có thể sáng tạo trong tình yêu và hòa bình.

Với tôi Moskva là thế đấy - một nửa chiến tranh một nửa hòa bình, một nửa cũ một nửa mới, một nửa đáng ghét một nửa đáng yêu, một nửa đáng quên một nửa nhớ mãi. Hôm chia tay Moskva, tôi dặn mình chỉ giữ lại một nửa sau, còn nửa kia cứ để cho nó trôi theo dòng sông Moscow, đổ vào sông Volga, rồi tan vào biển cả. Một nhà văn Nga đã viết, năm tháng sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ qua đi, những cuộc cách mạng sẽ qua đi, chỉ tình yêu và lòng bao dung còn mãi. Mà hình như đó mới là thông điệp của muôn đời.

N.V.D  
(SH310/12-14)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng