Nhìn ra thế giới
Giấc mơ Mỹ và người Mỹ da đen trong tiểu thuyết Toni Morrison
15:31 | 30/09/2016

NGUYỄN THỊ TUYẾT

Từ những chuyến tàu cưỡng bức xuyên Đại Tây Dương, người da đen đặt chân lên đất Mỹ với một nhân vị mới: người nô lệ. Toni Morrison ý thức sâu sắc về những cướp đoạt ấy, toàn bộ tác phẩm của bà không chỉ là lịch sử của người da đen (hơn ba thế kỷ) với tất cả những vấn đề khởi đi từ hệ lụy của màu da, mà quan trọng hơn, là nỗ lực mở ra một phả hệ mới, phả hệ của lòng nhân; và trên nền tảng bảo bối là bản sắc văn hóa, lịch sử tổ tiên, mỗi cá nhân phải giải thoát nhân vị nô lệ trong chính bản thân mình.

Giấc mơ Mỹ và người Mỹ da đen trong tiểu thuyết Toni Morrison
Ảnh: internet

Khi nói đến nước Mỹ người ta nghĩ đến miền đất hứa, mà ở đó con người có cuộc sống đáng mơ ước về sự tự do và bình đẳng, sự giàu có, sự thịnh vượng của hào quang vật chất và thành công nếu họ có ý chí và đạo đức. Đó là giấc mơ Mỹ mà con người luôn khao khát, nhưng giấc mơ ấy có dành cho người da đen và người da đỏ, khi Nữ thần Tự do quay lưng, bỏ mặc họ trong sự nô dịch và hủy diệt? Có lẽ chỉ có thể bước qua dã man con người mới đến được văn minh. Hành trình của người da đen trên đất Mỹ là hành trình tìm lại chính mình, bước qua sự man rợ của chế độ nô lệ người da đen có thể nuôi chung một “giấc mơ Mỹ” như người da trắng, đó là điều Toni Morrison luôn trăn trở.

Trước hết, tôi muốn gọi người Mỹ gốc Phi thay vì gọi người Mỹ da đen, nhưng tất cả bản sắc của vấn đề nằm ngay trong màu da nô lệ ấy! Dù được khắc họa hay tự thuật, người Mỹ da đen luôn hiện diện khác biệt và bị đối xử bất công, ngay trong cộng đồng Mỹ luôn tôn vinh sự bình đẳng. Nhiều thế hệ nhà văn như J. Hammon (1711-1806), H. Beecher Stowe, W.E.B. Du Bois (1868-1963), Z.N. Hurston (1891-1960), M. Mitchell, L. Hughes (1902-1967), và đặc biệt là J. Toomer (1894-1967), J. Fauset (1882-1961), T. Morrison,… đã chọn vấn đề người da đen như một chủ đề trung tâm, hình thành nên một dòng văn học nhân văn đặc sắc: văn học viết về người Mỹ da đen.

Đến nay, Morrison đã xuất bản mười một cuốn tiểu thuyết, tất cả chúng như một cuốn hồi ký ghi lại hành trình của người da đen trên đất Mỹ. Nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết của T. Morrison là người da đen nhưng nằm trong trường tương tác với người da trắng, và mỗi tác phẩm của bà là một nỗ lực đấu tranh để tách văn hóa Mỹ gốc Phi vượt thoát sự phong tỏa của văn hóa Âu châu. Tuy nhiên các nhân vật của bà đang giằng xé giữa các bảng giá trị: đen và trắng, như Pauline, Pecola (The Bluest Eye, 1970) sống với mặc cảm tự ti, họ khao khát đôi Mắt biếc thể hiện nỗi đau đớn tột cùng của những bản sắc tự gạch xóa nguồn cội; hành trình ấy đến Jadine (Tar Baby, 1981) như là sự chối bỏ “gia phả” thẳng thừng vì cuộc sống văn minh của cá nhân; hoặc họ quằn quại dưới gánh nặng của quá khứ, bóng ma của thời kỳ nô lệ vẫn chưa thôi ám ảnh Sethe, Paul D (Beloved, 1987); Morrison ngược dòng lịch sử, lật lại những trang sử đen tối và đầy tủi nhục của một chủng tộc bị đọa đày và bị giáng cấp trong thời đại vinh danh con bê vàng (A Mercy, 2008); quá khứ ấy cũng hé lộ lịch sử đau đớn của cả cộng đồng thời thiên đường đã mất (Paradise, 1997) con người sống trong sự thiếu vắng tình yêu (Love, 2003), sự lầm lạc thiện-ác, tốt-xấu trong mỗi bản thể, lẫn trong khế ước xã hội (Sula, 1973)…; trải qua những đắng cay, miệt thị, vượt qua bên kia thiện ác, con người vẫn luôn hoài vọng những giá trị nhân văn sâu sắc như sự trở về cõi thiện tất yếu (Home, 2012); đó cũng là bài ca bất diệt mà nữ văn sĩ cất lên cho tất cả chúng ta trong thời đại hôm nay: giữ vững bản sắc cội nguồn là căn cước của sự sống (Song of Solomon, 1977), và một niềm tin khởi thủy Thượng đế cứu vớt nhân sinh (God Help the Child, 2015). Tiểu thuyết của T. Morrison như một quá trình giải cấu trúc bản sắc con người cho nên thu hút không chỉ người da đen mà còn hấp dẫn đối với người da trắng trong việc đặt ra mối quan hệ giữa con người với con người.

Khi quyết định cầm bút viết là khi Morrison muốn đi tìm câu trả lời: Người da đen sinh sống trên đất Mỹ, họ là ai? Người da đen họ là những người bị cướp đoạt khỏi quê hương, gia đình để đến những thành đô không chấp nhận ta đồng hành, trở thành những kẻ không quê hương ngay tại chốn này. Người da đen là những người bị tước đoạt tên tuổi và thân phận trở thành những công cụ nô lệ, vô bản sắc, vô sở hữu ngay cả thân xác mình… Người da đen là những người bị cưỡng đoạt ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng tổ tiên trở thành những kẻ không nguồn cội… Sống sót sau những chuyến tàu buôn nghiệt ngã, khi đặt chân lên “miền đất hứa” họ mất tên tuổi, cái tên mà người da đen có được là do người da trắng đặt cho ví như năm người đàn ông tên Paul chỉ khác nhau chữ cái A, B, C, D, E để phân biệt trong Beloved, hoặc Jack cũng được gọi là Macon Dead I (cha của Macon Jr. cũng được gọi là Macon Dead II, và ông nội của Milkman cũng được gọi là Macon Dead III) trong Song of Solomon đã không còn nguồn gốc khi anh đổi họ (Solomon thành Dead) để quên đi quá khứ nô lệ buồn tủi, cũng là lúc nguồn cội không còn và mở ra những lầm lạc cho tương lai. Suốt cuộc đời sống ở “Sweet Home”, Baby Suggs, trong tiểu thuyết Beloved, luôn được ông chủ Garner, gọi là Jenny và bà không hiểu vì sao bà lại được gọi như vậy. Cho đến khi con trai bà mua được sự tự do cho bà bằng những ngày Chủ nhật lao động cực khổ, ông Garner mới cho bà biết rằng Jenny là tên ghi trên phiếu bán hàng, nó có nguồn gốc từ tên của một người chồng bà. Và ông Garner khuyên bà nên giữ lại “cái tên da trắng” ấy, vì tên Baby Suggs không phù hợp với một phụ nữ nô lệ trưởng thành đã được tự do. Baby Suggs có tám người con của sáu người chồng khác nhau, bà cũng không biết người nào tên là Jenny, bởi bà và tám người con của bà chỉ là tài sản vật chất và tình dục của bọn chủ nô… “Mỗi cái tên là một cái tôi”, vì vậy, để có thể tìm lại bản sắc cá nhân và kết nối với cội nguồn, người Mỹ gốc Phi trước nhất phải lựa chọn được một cái Tên riêng (Identity) như là sự tự đánh dấu căn cước của mình.

Toni Morrison ý thức sâu sắc cội nguồn của chủng tộc mình nên toàn bộ tác phẩm của bà như những thước phim về hành trình Người da đen trên đất Mỹ. Tác phẩm của bà là lịch sử của người da đen (hơn ba thế kỷ) với tất cả những vấn đề chủng tộc, giới tính, chấn thương tinh thần, bạo lực, của người da đen. Như những thân phận chịu hệ lụy của “văn hóa nồi hầm nhừ” (Melting- pot) mang tính chất mỵ dân của giới cầm quyền da trắng, người da đen, người da đỏ bản địa trở thành “con mồi non” của “cái bẫy”(1) được giương lên như cách diễn đạt của Jean Pierre Fichou trong cuốn Văn minh Hoa Kỳ. Cái bẫy ấy được Morrison thể hiện trong Tar Baby, như một câu chuyện dân gian của người châu Phi, con thỏ bị đánh lừa và dính chặt vào con búp bê bằng hắc ín, có lẽ Jadine là con thỏ đã bị cột chặt bởi cái bẫy vật chất văn hóa châu Âu và đã quên đi cội nguồn?

Với người da đen Huyền thoại “nồi hầm nhừ” như một cơ hội mở ra để hoàn thành Giấc mơ Mỹ, để rũ bỏ quá khứ đen tối và đạt được sự giàu có, thành công. Như Jadine trong Tar Baby được thụ hưởng nền giáo dục Tây Âu, cô trở thành người mẫu da đen đầy triển vọng cho các tạp chí người da trắng nhưng liệu cô có được hạnh phúc?; hay như Dr. Foster (ông ngoại Milkman) là bác sĩ da đen đầu tiên trong thành phố Michigan (Mercy Hospital), thành công của ông được mọi người ngưỡng mộ nhưng ông là kẻ kiêu ngạo, tự ghét chủng tộc mình và gọi những người cùng màu da với mình là kẻ ăn thịt người (“cannibals”); hoặc như Macon Dead II (cha của Milkman) là một trong nhưng doanh nhân giàu có nhất thị trấn nhưng y lại mang tâm lý của một chủ nô da trắng khi y nói với con trai mình về sự chiếm hữu: “Sở hữu mọi thứ. Và để cho những thứ con sở hữu, sở hữu những thứ khác. Sau đó, con sẽ là ông chủ của chính con và những người khác nữa(2)”. Giàu có về vật chất nhưng gia đình Macon Dead là một dinh thự trống rỗng, Dr. Foster và Jadine thành công trong sự nghiệp nhưng chối bỏ cội nguồn, liệu đó có phải là đích đến của con người?

Hệ thống nhân vật người da đen trong tiểu thuyết Morrison vô cùng phong phú, và họ mang những tâm thức khác nhau. Có kẻ sùng bái văn hóa da trắng, xem da trắng là biểu tượng của cái đẹp, đó là những kẻ tự-si-mê-màu-trắng và tự-ghét-bản-thân mình, chủng tộc mình như Pauline, Pecola (The Bluest Eye) Jadine (Tar Baby), Helene Wright (Sula)… Có người sống với tâm thức kép, nhìn bản thân mình bằng đôi mắt của kẻ khác (Double Consciousness) và mạng che mặt (The Veil) như W.E.B. DuBois đã khái quát nên bản chất của người Mỹ gốc Phi trong cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, The Souls of Black Folk (Tạm dịch là Những linh hồn dân da đen)(3). Kiểu tâm thức này chiếm số lượng rất lớn trong hệ thống nhân vật Morrison như bà MacTeer (The Bluest Eye), Nel (Sula),... Hoặc họ lựa chọn con đường khác, như Solomon, Pilate, Milkman (Song of Solomon), Son (Tar Baby)… Với con đường này người Mỹ da đen mới thực sự tìm được bản sắc và vị trí của mình, đó là trở về với Đất Mẹ Phi châu, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, trong sự kết nối bản sắc văn hóa, bằng tình yêu thương và cố kết cộng đồng.

Morrison luôn có ý thức truy tìm lịch sử của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng người da đen như một cách tìm lại bản thể, trong mỗi tác phẩm, nhân vật thường được đặt trong những bảng phả hệ nhiều đời. Bản sắc của nhân vật chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nguồn gốc tổ tiên, và phần lớn nguồn gốc ấy luôn là ẩn số, đòi hỏi nhân vật phải truy tìm nguồn gốc, hoàn thành quá trình đó cũng là lúc nhân vật tự tìm thấy chính mình. Quá trình tìm kiếm ấy thường rất khó khăn vì những chia cắt của tội ác và lầm lạc, vì vậy rất cần những chỉ dẫn của những bậc tiền bối trí huệ, thông thái như Pilat, Circe (Song of Solomon), Eva Peace (Sula), Baby Suggs (Beloved), Lone DuPres (Paradise)… Nếu Milkman (Song of Solomon) có một phả hệ khá rõ ràng thì Joe Trace (Jazz) phải lần ra từng “dấu vết” mới biết được nguồn gốc gia đình mình; hoặc cũng giống như Milkman chỉ có được “vàng” khi trở về “nhà”, miền Nam, thì Son (Tar Baby) chỉ có thể hiểu được chính mình khi anh trở về với mảnh đất quê hương Eloe, Florida... Lịch sử của từng cộng đồng nhiều lúc còn gắn bó mật thiết với từng địa điểm đặc biệt như Bottom (Sula), Eloe và Isle des Chevaliers (Tar Baby), Ruby và Haven (Paradise)… những địa danh ấy như những di chỉ của kí ức cộng đồng và phảng phất hơi thở của huyền thoại cổ xưa. Mỗi cuốn tiểu thuyết của Morrison như một mảnh ghép khảm thành lịch sử người da đen trên đất Mỹ, từ địa danh tới thân phận và văn hóa.

Ý tưởng về lòng nhân như là tư tưởng trung tâm trong các tác phẩm của Toni Morrison, như nhan đề cuốn tiểu thuyết thứ tám của bà, A Mercy (2008), chỉ với tình yêu và lòng thương xót thì mới có thể khép lại những tủi nhục của lịch sử nô lệ mà tác phẩm đã đặt ra trong lịch sử ba trăm năm (bối cảnh tác phẩm năm 1692). Bất cứ nhân vật nào họ đều tin rằng chính họ đi tìm tình yêu thương, chỉ có sức mạnh của lòng nhân từ mới chữa lành mọi vết thương cá nhân và cộng đồng, đó không chỉ là giải pháp cho các vấn đề người Mỹ gốc Phi mà là cho loài người tiến bộ.

Vì sao cùng độ tuổi, cùng màu da chủng tộc nhưng Claudia lại phá tan con búp bê màu trắng như sự lý tưởng hóa hình ảnh tài tử Shirley Temple đương thời, còn Pecola luôn khao khát uống sữa trong cái cốc có hình Shirley Temple, ăn những chiếc kẹo vỏ bọc có hình ảnh Shirley Temple? Khi ăn những viên kẹo ấy Pecola đê mê trong nỗi ngọt ngào mình đã trở thành Shirley Temple, khi uống những ly sữa ấy cô bé tưởng mình đang uống cô tài tử xinh đẹp ấy. Shirley Temple là biểu tượng của vẻ đẹp da trắng mà Pecola khao khát, vì cô muốn sống trong tình yêu thương và được yêu thương, cô nghĩ rằng nếu mình xinh đẹp thì mọi người sẽ yêu thương cô. Đối lập với cảnh gia đình bạo lực, thiếu tình yêu thương của Pecola, thì cha mẹ Claudia rất quan tâm và yêu thương con cái nên Claudia có một nhận thức sâu sắc về giá trị của bản thân, hành động rạch bụng con búp bê và xem kĩ từng chi tiết như là một cái nhìn khác, một cách “giải vẻ đẹp da trắng”. Cũng vậy, trong Beloved, nếu Beloved là bóng ma của đứa con gái nhỏ bị Sethe giết để không phải sống kiếp nô lệ thì vì sao sau gần hai mươi năm nó trở về và đòi hỏi tình yêu thương? Và sau tất cả chỉ có tình yêu thương (của Paul D, của Denver, của cả cộng đồng) mới giúp Sethe vượt qua bóng ma của quá khứ và hòa hợp với cộng đồng.

Nếu hành trình của Milkman trước nhất là đi tìm vàng, nhưng trước khi anh tìm được vàng thật sự chính là bản sắc cá nhân, nguồn gốc gia đình và huyền thoại tổ tiên thì Milkman nhận thức được tình yêu, tình yêu đối với bản thân và tôn trọng những người phụ nữ mà anh đã tổn thương họ. Sự nhận thức này đánh dấu sự kết thúc những xa lạ của anh đối với gia đình và cộng đồng, và hành động ấy là một sự nhận thức sâu sắc về giấc mơ Mỹ của người da đen: bản sắc văn hóa cộng đồng.

Morrison rất coi trọng nền tảng gia đình đối với sự phát triển tâm thức con người và nói rộng ra là tương lai đất nước. Nếu Pecola đứa trẻ xấu xí, bị cha cưỡng hiếp và bị mẹ bạc đãi, mang trong mình nỗi đau khổ của một chủng tộc đứng bên lề với tâm thức lưu vong, người da đen bị ám ảnh, kỳ thị, và nhìn bằng đôi mắt của người khác, thì Milkman cũng đánh mất bản sắc và tâm trí lệch lạc khi cha (Macon Dead II) theo đuổi sự giàu có vật chất vì lợi ích cá nhân vô nghĩa, khi mẹ (Ruth Foster) rơi vào phức cảm Electra với ông ngoại (Dr. Foster) và với cả chính anh, cái tên Milkman là bằng chứng cho sự lạm dụng đó.

Nếu Alex Halley với tác phẩm Roots (Gốc rễ) khao khát viết lịch sử của dân tộc mình, dù cho từ cảm quan của kẻ chiến bại, thì Morrison trong cùng khát vọng đó trong suốt nghiệp văn chương của mình, đặc biệt nhất là Song of Solomon. Morrison cho rằng chế độ nô lệ đã hủy hoại bản sắc của người Mỹ gốc Phi, chỉ khi con người hiểu biết đầy đủ di sản quá khứ của ông cha thì mới khôi phục được bản thể trong sự gắn kết với cộng đồng. Tiểu luận Toni Morrison’s Song of Solomon and the American Dream của Aimable Twagilimana trong The American Dream, cho rằng khát vọng của người Mỹ gốc Phi là được trở lại quê nhà, bằng huyền thoại bay của người châu Phi. Với họ, giấc mơ về sự giàu có mà mỗi con người khi đặt chân lên đất Mỹ luôn nuôi mộng là không đáng để theo đuổi, mà quan trọng là di sản tổ tiên: “việc tìm kiếm bản sắc là quan trọng hơn việc đạt được sự giàu có”(4). Điều này cũng được Ủy ban Giải thưởng Nobel thừa nhận, khi họ cho rằng: Morrison “coi sự hiện diện của người châu Phi ở đất nước bà là một điều kiện cần thiết nhưng không được xác định rõ ràng đối với sự hoàn thiện của giấc mơ Mỹ”. Khi giáo sư Sture Allén phát biểu như vậy, có lẽ ông cho rằng giấc mơ Mỹ trọng tâm là hướng tới sự giàu có vật chất!

Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Morrison cũng nuôi giấc mơ Mỹ như người da trắng như bà MacTeer (The Bluest Eye), một người vợ, người mẹ da đen nghèo vẫn cố gắng mua những con búp bê baby như là biểu tượng của vẻ đẹp da trắng cho con là Claudia và Frieda, nhân dịp Giáng sinh. Jadine (Tar Baby) nỗ lực trở thành người mẫu trên các tạp chí người da trắng, bác sĩ Foster nuôi giấc mơ giàu có, thành đạt, Milkman, Guitar Bainer (Song of Solomon) khao khát tìm vàng,… điều đó chứng tỏ Morrison đã chạm đến giấc mơ Mỹ trong văn học thế kỷ XX với những cái tên quen thuộc như F. Scott Fitzgerald, Arthur Miller,… Tuy nhiên tâm thức của Morrison không dừng lại ở đó bà muốn tìm về miền Nam như là một căn cước để lý giải tâm tính người da đen.

Tuy lớn lên ở Ohio thuộc vùng Đông Bắc Mỹ nhưng những câu chuyện nô lệ ở miền Nam, quê hương của cha mẹ bà (bang Georgia và bang Alabama) luôn là bối cảnh bao trùm tiểu thuyết Morrison. Trong lịch sử Mỹ, miền Nam là nơi người da đen trở thành nô lệ, và tâm điểm của những cuộc xung đột sắc tộc, nơi có những quan điểm trái ngược ngay cả cha mẹ Morrison: Mẹ bà rời khỏi bang Alabama với lòng hận thù và không bao giờ trở lại, cha bà, từ Ohio vẫn thường xuyên thăm viếng quê hương Georgia với lòng yêu mến nhất định. Những quan điểm đối lập đó có lẽ đã trở nên sắc nét hơn khi để người miền Bắc và người miền Nam thể hiện, khi hai tác phẩm kinh điển cùng viết về chế độ nô lệ miền Nam là Túp lều bác Tom Cuốn theo chiều gió lại có những cái nhìn khác nhau: Harriet Beecher Stowe xem hành trình về phương Nam của bác Tom là hành trình vào vũng lầy của nô lệ, của sự đọa đày, còn Margaret Mitchell lại vẽ lên một cuộc sống chủ tớ hòa hợp với những đồn điền trù phú và hoa lệ.

Khác với hai nữ văn sĩ da trắng trên, Toni Morrison có cái nhìn khác về miền Nam và chế độ nô lệ, miền Nam vừa là nơi khởi đầu lịch sử của người da đen, cũng là nơi gợi lên nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ (Beloved) nhưng đồng thời cũng là nhà, là nơi để xóa bỏ hận thù và chữa lành vết thương(5). Phần đầu Song of Solomon, tâm lý Milkman phát triển lệch lạc, và anh nuôi giấc mơ tìm vàng, trở về phương Nam kết nối với quá khứ tổ tiên, với huyền thoại bay của người châu Phi, “vàng” mà anh tìm được không chỉ là di sản và truyền thống dòng họ mà còn chữa lành vết thương tâm lý, anh trở thành một người đàn ông thực thụ, một hậu duệ chân chính của Solomon. Trở về miền Nam như biện pháp hữu hiệu để người da đen tìm thấy giấc mơ của mình đã trở thành motif quen thuộc trong nhiều tác phẩm không chỉ riêng Morrison, như The Autobiography of an Ex-Colored Man (Tự truyện của một người da màu, 1912) của James Weldon Johnson, Invisible Man (Người vô hình, 1952) của Ralph Ellison, hay trong “Of the Coming of John” (là một tác phẩm hư cấu trong tập tiểu luận The Souls of Black Folk 1903) của W.E.Burghardt Du Bois,… Morrison còn đi xa hơn, khi xem miền Nam là “Thiên đường” thời hậu chế độ nô lệ, bà đã mở ra những thách thức mới của người Mỹ gốc Phi nếu cứ tiếp tục sống trong sự cô lập và hận thù (“Họ bắn cô gái da trắng đầu tiên...”) thì sẽ tự suy vong và hủy diệt, những câu chuyện của hai thị trận Haven và Ruby xây dựng “thiên đường riêng rẽ” như một ẩn dụ về lịch sử và tương lai của Mỹ.

Trong bài diễn từ đạt giải Nobel năm 1993, Toni Morrison nhấn mạnh, ngôn ngữ là một nguồn chính trị văn hóa sống: “Ta không biết con chim ở trên tay các anh sống hay chết, ta chỉ biết nó đang ở trên tay anh. Trên tay của anh”(6). Viết bằng ngôn ngữ của chủng tộc mình, bằng ngôn ngữ biểu tượng, huyền thoại và âm điệu của dòng nhạc Jazz… Morrison bằng cách riêng của mình đã làm tròn đầy hơn những giấc mơ người Mỹ gốc Phi, những trăn trở khi cầm bút viết và bà đã tìm thấy câu trả lời: Người da đen họ là một bộ phận trong cộng đồng đa chủng tộc cùng sinh sống trên đất Mỹ, họ có nguồn gốc riêng, bản sắc riêng và những di sản người ấy góp vào văn hóa Mỹ nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung. Người Mỹ gốc Phi không thể quên quá khứ nô lệ, nhưng để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, trước nhất, họ phải tự giải thoát bản thân thoát khỏi quá khứ đau buồn, tủi nhục ấy!
 

Tổng thống B.Obama trao Huân chương Tự do Tổng thống (presidential medal of freedom) cho bà Toni Morrison năm 2012

Mỗi người là tù nhân của chính mình, đương kim tổng thống Mỹ, ông Barack Obama cũng khẳng định tiểu sử, lịch sử giống nòi, nguồn gốc chủng tộc đã đóng vai trò nhất định trong hành trình hướng tới sự tiến hóa, dân chủ tự do: “Tôi không thể không nhìn nhận kinh nghiệm Mỹ qua lăng kính của một người Mỹ da đen với di sản pha trộn, mãi mãi không quên bao nhiêu thế hệ những người có màu da giống tôi đã bị bắt làm nô lệ, bị bôi nhọ, và không quên sự khác biệt về chủng tộc, giai cấp tiếp tục định hình cuộc sống của chúng ta như thế nào”(7). Có thể chính từ căn gốc đó Obama luôn nỗ lực mở ra cơ hội cho tất cả mọi người. Giấc mơ Mỹ của người da đen trong tiểu thuyết của Morrison là vượt qua được nỗi tự ti trong chính bản thân mình, giữ gìn và bảo vệ bản sắc của dân tộc, vinh quang của những chiến công của Obama, của Morrison là minh chứng sáng chói.

Nếu giấc mơ của các chủ nô da trắng là làm giàu trên xương máu của người nô lệ thì bị cướp đoạt khỏi quê hương và sống dưới gầm trời nô lệ đối với người châu Phi là cơn ác mộng khủng khiếp. Tiểu thuyết của Toni Morrison không chỉ thể hiện được những giấc mơ của những cộng đồng chủng tộc khác nhau mà quan trọng hơn là sự dung hòa, và mở rộng “Giấc mơ Mỹ”: liệu người da đen và da trắng có thể sống hòa bình cùng với nhau khi dòng máu đã không thật sự thuần chủng trong huyết quản mỗi người Mỹ?; liệu văn hóa Mỹ có tiếp tục bị ám ảnh bởi khái niệm màu da và con người bị giới hạn trong tầm nhìn của sắc tộc, khi Mỹ tự xưng là một cộng đồng đa chủng tộc, và mang sứ mệnh soi sáng thế giới như ngọn đuốc rực cháy trên tay Nữ thần Tự do? Tiểu thuyết của Morrison đã làm mới nội hàm Giấc mơ Mỹ theo hướng nhân văn và sâu sắc hơn, như một cách hiện thực hóa niềm tin mà nhân dân Mỹ đã mơ ước từ 240 năm qua, kể từ ngày Thomas Jefferson viết bản Tuyên ngôn Độc lập gợi cảm hứng cho loài người tìm tự do.

N.T.T  
(TCSH331/09-2016)

------------------
(1) Morrison T. (1987), Song of Solomon, Plume, New York, tr.55.
(2) W.E.Burghardt Du Bois (1903), The Souls of Black Folk, A. C. McClurg & Co., Chicago,  United States.
(3) Aimable, Twagilimana (2009), Toni Morrisons Song of Solomon and the American Dream in  The American Dream, Edited by Harold Bloom, New York, tr.205.
(4) Catherine Carr Lee, “The South in Toni Morrison’s Song of Solomon: Initiation, Healing and  Home”, Studies in the Literary Imagination, V031, N02 (Fall 1998), Pp. 109-124.
(5) Morrison T. (1998), Paradise, Knopf, New York, Pp.5.
(6) Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình (biên soạn, 2002), Những bậc thầy văn chương, Nxb. Văn  học, Hà Nội, tr.259.
(7) Obama, Barack (2008), Hy Vọng Táo Bạo - Suy Nghĩ Về Việc Tìm Lại Giấc Mơ Mỹ, Nguyễn  Hằng dịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.19-20.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng