Nhìn ra thế giới
Bi kịch của Maxim Gorki
10:15 | 08/11/2016

TAMARA MOTYLEVA

Nhờ Tạp chí Văn học Obozreniye đăng tải "Những tư tưởng không hợp thời" của Maxim Gorky, chúng ta đã có thể hiểu nội dung sự khác biệt giữa ông với Lênin và những người Bônsêvích trước và sau cách mạng tháng 10.

Bi kịch của Maxim Gorki
Maxim Gorki và Lênin - Ảnh: internet

Sự khác biệt này đã lên tới đỉnh cao khi Gorky can thiệp cho những người Cách mạng xã hội chủ nghĩa bị kết án. Trong một bức thư gởi cho Bukharin đề ngày 7 tháng 9 năm 1922, Lênin đã gọi những lời phát biểu của Gorky là "đê tiện" nhưng đã bác bỏ ý kiến "phê phán ông trên báo chí"(1).

Rời nước Nga, Gorky cảm thấy cô đơn(2). Vào ngày 7 tháng 12 năm 1922 ông đã viết cho Romain Rolland: "Cuộc sống thật là khó khăn, ông bạn của tôi ạ, khó khăn một cách phi lý. Đặc biệt là vào những đêm khi đã mỏi mệt vì chuyện đọc sách mà lại không ngủ được. Nhớ lại quê nhà nơi mà những cơn bão tuyết và những người cọng sản đang nổi giận, tuyết đang rơi trên mặt đất, và nhân dân đang bị những lời lẽ phủ ngập. Đây là những lời lẽ tuyệt vời, nhưng cũng giống như tuyết, không phải bởi vì tại chúng nhiều vô tận, mà bởi chúng lạnh lẽo. Khi sự cuồng tín thành giá băng, thì nó còn lạnh hơn cả tuyết".

Tuy nhiên, mặc dầu căm ghét những người cọng sản "đang nổi giận" và "sự cuồng tín" của họ, Gorky đã công khai nhìn nhận sự ngạc nhiên mang vẻ hoan hỉ của mình: "Và tôi ca ngợi các nhà lãnh đạo cọng sản Nga vì sức mạnh kỳ lạ về mặt ý chí của họ... Đôi khi tôi cảm thấy tiếc rằng tôi không đồng ý với họ về việc loại trừ những người trí thức và rằng tôi sẽ không bao giờ có thể đồng ý".

Bức thư của Gorky gửi cho Rolland cho phép chúng ta cảm nhận chính xác hơn, chắc chắn như vậy, nỗi bất bình mà ông đã chịu đựng vào đầu những năm 1920. Càng đau lòng vì nỗi xa quê hương và khổ sở vì âu lo về tương lai của tổ quốc, ông càng cố gắng một cách bướng bỉnh nhằm tập cho quen dần cái tư tưởng rời xa nước Nga vĩnh viễn.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 1923, ông đã viết cho Rolland: "... Tôi cảm thấy không muốn trở về nước Nga chút nào cả. Ở đó tôi sẽ không thể viết được nếu như tôi cứ phải lặp đi lặp lại suốt ngày cái điệp khúc "đừng có giết".

Trong bức thư đề ngày 15 tháng 1-1924, ông lại nói: "Tôi sẽ không trở lại nước Nga, và càng ngày tôi càng cảm nhận như một kẻ không có quê hương. Tôi lại có chiều hướng suy nghĩ rằng ở nước Nga, ắt là tôi sẽ phải đóng một vai trò khủng khiếp, vai trò thù địch của mọi thứ và mọi người, và vì thiếu thận trọng trong ngôn ngữ, tư tưởng và hành động, tôi sẽ thấy mình trong cái tư thế phi lý của một con người tự đập đầu vào tường đá hầu mong phá sập bức tường ấy...". "Vào đầu năm 1918 tôi đã hiểu được rằng không một chính quyền nào có thể tồn tại lâu hơn ở nước Nga, và rằng chỉ có Lênin mới có khả năng chế ngự sự lớn mạnh vô chánh phủ của nông dân và binh lính. Tuy nhiên, điều ấy không quan hệ gì đến việc tôi theo Lênin. Trong nhiều năm trời tôi đã tranh luận với ông... Tôi đã chỉ ra rằng với việc phá hủy giới trí thức Nga, là ông ta đang phá hoại chính bộ não của nhân dân Nga. Mặc dầu tôi có những cảm nghĩ rất thân thiện với ông và ngược lại ông quí tôi, tôi tin rằng những cuộc tranh luận ấy đã tạo nên sự căm hận lẫn nhau trong tim của chúng tôi".

Bức thư này đã viết trong vòng 1 tuần trước khi Lênin mất.

Tin tức về cái chết của Lênin đến với Gorky như sét đánh ngang tai, mặc dầu ông vừa mới nhìn nhận "sự thù hằn về tư tưởng" đối với Lênin. Một sự thay đổi đáng ghi nhận đã có trong thái độ của Gorky đối với Lênin và tất nhiên, đối với nước Nga cách mạng. Bức thư của ông gởi cho Romain Rolland đề ngày 3 tháng 3 năm 1924 mang đầy một nỗi đau khổ sâu nặng. "Vâng, ông bạn ạ, sự ra đi của Lênin đối với cá nhân tôi là một đòn nặng nề, chưa nói rằng đó là một tổn thất lớn lao không gì thay thế được cho nước Nga... Tôi yêu quí ông ấy, tôi yêu quý ông ấy với một lòng căm hận. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông..."

"Ông là một người Nga vĩ đại. Tolxtôi và ông là hai người thực sự vĩ đại của nước Nga. Tôi hãnh diện rằng tôi đã gặp hai người ấy". Trong tác phẩm "Mười lăm năm tranh đấu", Romain Rolland đã định nghĩa một cách rất chính xác ý nghĩa cái chết của Lênin như một bước ngoặt trong công cuộc tìm kiếm tư tưởng của Gorky. "Sự bi quan của Gorky trước sự quan tâm về châu Âu và nước Nga chưa bao giờ đen tối như trong những bức thư của ông về Lênin, trước và sau tai biến, phản ảnh sự dữ dội trong tình cảm của ông. Ông đã yêu quý Lênin với lòng căm hận. Ông luôn luôn tranh cãi với Lênin. Cả hai người ấy, với tất cả lòng yêu mến lẫn nhau, chẳng chịu buông vũ khí. Nhưng trước khi chết Lênin đã nói lời cuối cùng, và Gorky đã nhìn nhận rằng Lênin đúng.
 

Lênin, Gorky cùng một nhóm đại biểu Hội đồng dân ủy lần thứ II ở Pêtôgrađ 19-6-1920

Gần đây sự phân tích của Rolland đã có được sự khẳng định bất ngờ trong hồi ký của Nina Berberova, nói về sự quen biết giữa bà và Gorky trong những năm ông sống ở nước ngoài. Trong tập sách "Người đàn bà bằng sắt" bà đã viết: "Cái chết của Lênin không những đã cảnh tỉnh Gorky, mà còn thay đổi tận gốc rễ thái độ của Gorky đối với Lênin. Gorky hối hận tràn trề..." Và hơn thế nữa, "cái chết của Lênin đã làm cho Gorky đánh giá lại thái độ của ông đối với cuộc Cách mạng tháng 10 và những năm đầu tiên của chủ nghĩa Bônsêvích, đối với vai trò của Lênin, đối với sự thể rằng Lênin đúng và Gorky là sai lầm. Gorky đã quên hết những khác biệt của họ, gạt hết mọi sự thù oán, mọi lời trách cứ, nhường chỗ cho tâm trạng chung là tôn vinh Lênin. Một cách thành thật, ông tin rằng đối với cả nước Nga, và có khi cả thế giới nữa, ông là kẻ mồ côi. Mỗi lần nói về Lênin, ông chảy nước mắt."

Sau nhiều phen lưỡng lự ông đã quyết định trở về nước Nga. Nhưng khi đã quyết định thì ông khư khư giữ lấy điều ấy. Năm 1925 ông đã viết cho Rolland về những cuộc công kích làm tiêu hao sức mạnh đối phương của các lực lượng phản cách mạng, và ông rút ra kết luận "Chắc chắn là chỉ có một cuộc cách mạng thế giới là có khả năng gỡ hết những nút thắt rối rắm nặng nề trong quan hệ của chúng ta. Nhưng khi ấy, Matxơva sẽ chứng minh một cách tiên tri là đúng, và người ta phải đi theo nó".

Rõ ràng là Gorky chỉ có thể nghĩ về một "cuộc cách mạng thế giới" trong những từ ngữ mơ hồ nhất, như một giấc mơ xa xôi. Nhưng đi theo Matxcơva và hợp tác với họ là điều đang trở thành ngày càng cần thiết đối với ông.

Tôi nghĩ rằng, nói Gorky trở lại nước Nga là vì những động cơ ích kỷ và tầm thường - lòng tham, cao vọng... - là sai. Đó là vì một ước muốn nội tại, nhớ nhà, một ý thức trách nhiệm đối với nước Nga. Và đó cũng là một ý thức trách nhiệm đối với những kỷ niệm về Lênin.

Khi đã trở về, lúc đầu Gorky có khuynh hướng "ca ngợi". Ông ca tụng các nhà máy và các thành thị mới xây dựng hoặc được hồi sinh, trái hẳn với sự hỗn độn của những năm đầu 1920. Ông thích thú với những cuộc gặp gỡ bạn đọc, và họ hoan nghênh ông một cách thân mật. Các bài báo và thư từ của ông hồi ấy hoàn toàn tốt đẹp. Dần dần về sau mới có một cái nhìn điềm tĩnh hơn. Không phải là chúng ta biết được hết toàn bộ thư từ của ông từ thời kỳ này. Trong số thư từ của ông có nhiều "khoảng trống". Chúng ta có thể tái tạo cái logic nội tại của diễn biến về mặt tư tưởng của ông được không?

Trong những năm cuối cuộc đời ông, người ta được biết là ông đã nhiều lần tự phê bình - Về cái vị trí mà ông nắm giữ trong thời kỳ sau cách mạng. Việc tự phê bình của ông rất thành thật.

Nhưng để sửa chữa cái thái độ bi quan và những lời tiên đoán được diễn tả trên tác phẩm "những tư tưởng không hợp thời" Gorky đã thành thật gạt bỏ tất cả những điều hệ trọng về sự buộc tội và về nỗi thống khổ, mà ông đã nói trên mặt báo vào đầu những năm 1920. Như vậy là ông đã trở lại với chuyện gạt bỏ bạo lực cách mạng và những hình thức cực đoan của nó. Ông rút lại những lời kêu gọi về việc không bỏ quên các giá trị nhân bản trong khi tiến hành đấu tranh giai cấp, và trung thành với những tiêu chuẩn đạo đức giản đơn muôn thủa.

Bầu không khí độc ác và hẹp hòi bao phủ đất nước dưới thời Xtalin cũng đã ảnh hưởng đến Gorky. Nhà văn Gorky, một người trong quá khứ đã bảo vệ những người tiếng tăm trong nền văn hóa Nga từ thời sau cách mạng, đã nhìn nhận việc thực thi pháp luật của Đảng là đúng, và đã thừa nhận việc đó trong những bức thư gởi cho Rolland. Công cuộc tập thể hóa bao gồm cả quá trình tước đoạt tài sản của những người Culắc một cách dã man, dưới ngòi bút của ông có vẻ như cũng hoàn toàn chất phác.

Chắc chắn là Gorky đã không biết hết mọi chuyện, hoặc là ông được thông tin sai. Dầu sao đi nữa thì ông cũng đã chịu thua trước sự thông tin lệch lạc. Tại sao? Có phải là ông hoàn toàn bịt tai nhắm mắt để cho tâm hồn được thanh thản? Có lẽ đúng hơn là ông đã tuân theo một ý thức trách nhiệm sai lầm đã làm cho ông im lặng và chịu đau khổ một cách im lặng vì sợ làm hại đến đất nước.

Trong một trang nhật ký viết vào năm 1933, Romain Rolland đã nói lên những sự ngờ vực của ông trước tình hình Liên Xô, mà theo như người bạn Nga của ông, là đáng phấn khởi. "Tôi cảm thấy rằng Gorky đã bị kích thích bởi cái không khí nhiệt tình làm việc, trong khi sự đau khổ và im lặng của nhân dân lại không đến tai ông được". Vào dịp gặp gỡ Gorky năm 1935, Rolland đi đến kết luận rằng Gorky biết nhiều thứ, và ông sống với một nỗi đau khổ thầm kín trong tim.

Chúng ta nên lưu ý đến những chứng cứ của một người bạn và cũng là người cọng sự của Gorky, I.S. Shkapa, người đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái: "Chúng ta phải khai mở những bí ẩn và phân tích tấn bi kịch của nhà văn lớn ấy, con người đã thấy ánh sáng và đã bị sự kinh hoàng đánh ngã... Xuyên tạc ông, sỉ nhục lên một nấm mồ là điều quá dễ..- Là người khôn nhất trong số những kẻ khôn ngoan, ông đã thấy trước những điều tất yếu xẩy ra".

"Người khôn ngoan nhất trong những kẻ khôn ngoan" chắc chắn điều ấy không hoàn toàn đúng. Gorky là đứa con của thời đại và tất nhiên không thoát khỏi những ảo ảnh của nó. Chắc chắn là ông đã bị không những sự khủng bố của Xtalin, mà còn cả mức độ kính trọng đối với người lãnh đạo đất nước, làm cho tê liệt. Chỉ dần dần sau đó, sự kính trọng của ông trở thành sự kinh tởm âm thầm mà ông phải giữ kín. Đến cuối đời, Gorky đã phải đau khổ khủng khiếp do nhân cách không toàn vẹn, đó là tấn bi kịch thật sự của ông.

Từ lâu các học giả phương tây đã biết đến các sự kiện đề cập trong tập "Những tội ác bí mật của Xtalin" của A.Orlốp. Sau khi Gorky mất, nhân viên OGPV đã tìm thấy những bản thảo chưa được xuất bản ở nhà ông. Sau khi đọc qua, Yagoda đã nói: "con báo không thể thay những đốm lông của nó". Những người đã khám xét ngôi nhà của ông đã buộc phải thề giữ im lặng, và theo chỉ thị của Xtalin các thứ giấy tờ ấy bị đốt cùng với cuốn nhật ký của Gorky.

H.H dịch
(Theo báo Tin Matxcơxa)
(TCSH41/02&03-1990)

-----------------
(1) Việc sử dụng bạo lực ở mức quyết liệt để giữ vững chính quyền Xô viết những ngày đầu vô cùng sóng gió có tác động trực tiếp tới một bộ phận quan trọng của giới tri thức Nga ban đầu còn đầy mơ hồ và ngộ nhận về cách mạng đã khiến chính Gorky hoang mang và phẫn kích. Chính nhờ thái độ vừa nguyên tắc vừa khoát đạt của Lênin, một lãnh tụ đầy trí tuệ và nhờ quan hệ tôn kính giữa hai con người vĩ đại với nhau, Gorky dần bình tâm hơn để suy ngẫm, đánh giá bản chất cuộc cách mạng (SH).


(2) Đi chữa bệnh phổi ở nước Ý cũng theo đề nghị của Lênin (SH).





 

Các bài mới
Các bài đã đăng