Nhìn ra thế giới
Công lý vẫn chưa thắng thế
09:55 | 13/03/2017

LTS: Daniil Granin là một trong những tài năng xuất chúng của nền văn học Nga Xô viết hiện đại, ông đã được tặng giải thưởng Quốc gia (Liên Xô), tác phẩm tiêu biểu “Bò tót”, “Xông vào dông bão” (đã được dịch ra tiếng Việt)... là thành viên của Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô. Dưới đây là bài trả lời của Granin với phóng viên báo tin Matxcơva.

Công lý vẫn chưa thắng thế

DANIIL GRANIN

Hỏi: Ông có đối thủ chính trị không?

Đáp: Nếu tôi không có đối thủ chính trị thì thật đáng buồn. Tôi nhận biết những phản lực và những sự công kích của họ. Nhưng tôi không có khả năng cũng như ý muốn tham gia các cuộc bút chiến. Những cuộc tranh chấp cá nhân thường hủy hoại tâm hồn, ngoài ra, đây là một điều nguy hiểm cho cơ thể của nhà văn. Sự độc ác và lòng thù hận cũng tai hại cho các nhà văn. Hơn thế nữa, những cuộc tranh luận và cãi cọ thường không được nhắm vào việc tìm ra chân lý, mà là để khuất phục, để chiến thắng. Tôi đã cố gắng hành động theo nguyên tắc giao lưu trong các cuộc bút chiến - Hãy thử đặt mình vào vị trí của đối thủ.

Hỏi: Ông có thái độ như thế nào đối với sự kiện rằng nhân dân đang thay đổi vị thế chính trị của họ?

Đáp: Ở đây cần phải phân định ranh giới giữa những kẻ gió chiều nào che chiều ấy và những người thực sự xem lại vị thế của mình. Trong những người thứ hai, Trarđốpxki là một thí dụ, ông đã vì lòng trung thực và sự xác tín mà đánh giá lại thái độ của ông đối với Xtalin một cách đau khổ và bi thảm, tôi không tin tưởng lắm vào những người chẳng bao giờ thay đổi quan điểm và biết trước mọi chuyện.

Hỏi: Ông nghĩ gì về bước đầu sự nghiệp của chính ông?

Đáp: Tôi đã viết những tác phẩm kém về mặt nghệ thuật. Nhưng tôi chẳng có điều gì để phải xấu hổ. Tất cả mọi thứ tôi viết ra đều có liên hệ với cuộc đời tôi. Có những bài báo và những bài diễn văn mà chủ đề đã không còn dùng được nữa. Không phải vì chúng bị lột bỏ các thứ nghi thức, mà tại vì tôi đã suy nghĩ một cách giáo điều, vì tôi là một sản phẩm của thời đại ấy, và tôi không thể bay lên, thoát ra được, như Anđrây Xakharốp đã định làm.

Hỏi: Hội nhà văn giữ vai trò gì trong trào lưu xã hội hiện nay?

Đáp: Đã lâu hội Nhà văn thất bại trong việc thỏa mãn các nhu cầu của Hội viên bởi vì nó giữ mãi cái cấu trúc đã hóa thạch kể từ những năm 1940 - Một cái cấu trúc đã được củng cố và cứng ngắt trong cái vỏ quan chức của nó. Perestroica cũng không thể ảnh hưởng đến nó. Các Hội nhà văn - nếu như các Hội ấy là thực sự cần thiết - cần phải phân quyền. Cần phải có những nhóm, những xa lông theo lối tự do, và những hội sáng tác. Hội Nhà văn Liên Xô tồn tại như một cơ quan hành chính, nơi mà người ta chỉ đến vì những yêu cầu của họ; Hội Nhà văn thì hoàn thành nhiệm vụ này, trong lúc đời sống sáng tạo lại tụ tập quanh các tờ báo. Một tờ báo thường được một nhóm nhà văn, công tác viên, và một khuynh hướng văn học chung tạo nên. Chỉ cần chừng ấy. Câu chuyện về tờ “tháng 10” là một thí dụ tiêu biểu. Đó là một cơ quan của Hội Nhà văn Nga, nhưng người ta chỉ nhớ ra điều này khi thấy cần thay thế một tổng biên tập bất đồng ý kiến.

Hỏi: Và báo chí? Chúng ta có cần các tờ báo độc lập không?

Đáp: Đảng phải có tờ báo riêng, Công đoàn phải có tờ báo riêng, và tất nhiên các nước cộng hòa luôn phải có báo riêng. Nhưng cũng cần phải có những tờ báo độc lập, là những thứ mà hiện nay chúng ta không có. Tự do ngôn luận không thể thuộc về các cơ quan nhà nước. Báo chí phải được tự do.

Hỏi: Nhưng cũng như trước đây, những quyết định như thế này tùy thuộc sự lãnh đạo tối cao của đất nước. Tôi biết rằng ông đã gặp ông Goocbachốp.

Đáp: Vâng, tôi đã gặp ông ta nhiều lần.

Hỏi: Và ông có thể nói gì về ông ta?

Đáp: Dĩ nhiên là ông ấy đã làm được nhiều chuyện. Và chúng ta phải tin tưởng ở ông với những kết quả mà chúng ta đã có - Sự công khai và sự dân chủ hóa, mặc dầu người ta vẫn thường nghe nói rằng cho đến nay chưa có kết quả thực. Sau cùng, đời sống của nhân dân bao gồm cả các lĩnh vực tinh thần và vật chất, và sự phong phú về mặt tinh thần hiện nay không phải là để so sánh với quá khứ.

Tôi tin rằng ông Goocbachốp là một người phản ứng nhanh và là một nhà chính trị tốt. Ngoài ra, ông còn là một con người với một nền tảng luân lý vững chắc. Ông có được tất cả những thứ mà mọi người đang đòi hỏi: Sự rộng lượng, tính kiên nhẫn, và ý muốn thuyết phục, chứ không phải cưỡng bách, trấn áp, ông thích hành động bằng cách sử dụng các phương pháp chính trị chứ không phải bằng phương pháp độc tài. Tuy nhiên tôi muốn được thấy những sự giải quyết lớn hơn về phần ông. Đôi lúc trông ông thật mệt mỏi. Tôi lấy làm bối rối trước sự công kích thô bạo chống lại ông, sự công kích ấy có thể làm tổn thương và mỏi mệt tất cả mọi người - Tất cả chúng ta đều là con người.

Hỏi: Ông không sợ phải ca ngợi vị tổng bí thư à? Nói cho cùng thì việc ca ngợi như thế này thường được dùng theo kiểu nịnh bợ.

Đáp: Ngay cả trong cách hiểu như thế này của chúng ta cũng đã có tàn tích của tư tưởng quân chủ phong kiến. Chúng ta bị buộc phải quan tâm và đặt tầm quan trọng lên vị nguyên thủ của đất nước. Những vấn đề tập trung trên con người này vượt xa khả năng của người ấy và làm cho chúng ta lo âu. Chúng ta ý thức được vấn đề sùng bái cá nhân, và chúng ta không thể nói lên điều này một cách tự do, mà không chịu sự căng thẳng. Chúng ta thiếu các nhà lãnh đạo chính trị, không có đủ các đối thủ cho ông Goocbachốp.

Hỏi: Có cần thiết phải học cách phát biểu việc này một cách tự do không?

Đáp: Vâng, cần. Nhưng phải hiểu rằng sẽ tạo ra một sự sùng bái mới.

Hỏi: Có phải Xtalin đã chết như một khuôn mặt chính trị không?

Đáp: Tôi nghĩ là không. Chúng ta chưa nói đến các thử thách lịch sử. Chưa kể đến sự kiện rằng cái phương pháp hợp pháp thuộc về những khuôn mặt này không hề tồn tại.

Hỏi: Trong trường hợp này ý muốn trả thù sẽ không thắng thế trước ý thức về công lý chăng?

Đáp: Không. Một tư tưởng như thế này về nhân dân sẽ xúc phạm đến họ. Nhiều động cơ và đòi hỏi cao cả đang hiện diện. Cho đến nay chúng ta chưa hề mở một phiên tòa công khai và trung thực nào để xét xử các viên chức cao cấp đã bị buộc cho nhiều chuyện- không hề có một vị bộ trưởng, một vị bí thư BCH Trung ương hoặc BCH khu vực, một ủy viên Bộ chính trị nào phải ra tòa. Tuy vậy, chúng ta thừa biết rằng nhiều vị đã vi phạm pháp luật một cách thô bạo. Và sự bất công kéo dài này làm cho nhân dân phiền lòng vì trong điều kiện của đất nước chúng ta phần lớn những tội lỗi này không tồn tại trong các cơ quan, trong các mệnh lệnh mà trong các cá nhân.

Bất kỳ sai lầm nào xảy ra ở đất nước chúng ta trong những năm 1930 và sau đó đều được xem như phạm pháp. Chủ yếu là những người vô tội bị đưa ra tòa. Nhưng nay vấn đề là ở chỗ đối với những người có tội. Công lý tùy thuộc vào luật pháp. Nhưng trên công lý là lòng nhân ái, và chúng ta phải hiểu và tha thứ cho một vài người. Tuy vậy pháp luật vẫn phải đóng vai trò của nó. Ở lối vào tòa nhà Quốc hội Mỹ có một câu chữ khắc bắt đầu như thế này: Lòng trung thực đối với pháp luật cao hơn cả lòng trung thực đối với đất nước và nhân dân.

H.H dịch
(Theo báo Tin Matxcơva)

(TCSH42/04&05-1990)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng