Nhìn ra thế giới
Trung tâm William Joiner - Nhịp cầu nối giao lưu, quảng bá văn học Việt Nam tại Mỹ
16:28 | 06/01/2023


BÙI NHƯ HẢI

Trung tâm William Joiner - Nhịp cầu nối giao lưu, quảng bá văn học Việt Nam tại Mỹ
Các nhà văn Tô Đức Chiêu, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà văn Trung Trung Đỉnh (từ trái qua) cùng bạn văn Mỹ tại Trung tâm William Joiner - Ảnh: nongnghiep.vn

1. Trung tâm William Joiner (Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh và những hậu quả xã hội thông qua văn học) - nay là Viện William Joiner được thành lập vào tháng 10 năm 1982, do nhà thơ, GS. TS. Kevin Bowen đảm trách nhiệm làm giám đốc. Trung tâm William Joiner được đặt theo tên của một cựu binh Mỹ trở về từ chiến tranh Việt Nam, là trung tâm nghiên cứu có một mà không thể có hai trên toàn thế giới, bởi trung tâm này trực thuộc trường đại học công, đó là Đại học Massachusetts, nhận tiền tài trợ của ngân quỹ tiểu bang nhưng lại mang màu sắc phản chiến.

Ngay sau khi mới thành lập, Trung tâm William Joiner bắt đầu có những hoạt động đầu tiên, đặc biệt là tổ chức hội nghị quốc tế về chất độc da cam và tổ chức một chuyến sang Việt Nam sau lễ Giáng sinh năm 1985. Sau chuyến đi trở lại Việt Nam lần thứ hai năm 1986, các nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ như Kevin Bowen, Bruce Weigl, Larry Heinemann, Carolyn Forché,… đã có những thay đổi, nhận thức sâu sắc về Việt Nam khi trực tiếp chứng kiến đất nước Việt Nam thời hậu chiến với nhiều vết thương, nỗi đau mất mát cả vật chất lẫn tinh thần không thể lấy gì bù đắp được. Trước hiện thực ấy, các nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ suy nghĩ cần phải làm một điều gì đó để sửa chữa những lỗi lầm mà đất nước của mình đã gây ra cho người dân Việt Nam, hầu mong hàn gắn lại vết thương giữa hai quốc gia, giữa những người lính ở hai đầu chiến tuyến,… Để phần nào xóa đi mọi giới hạn, chia cắt, biên giới, mới hiểu và phát hiện ra những vẻ đẹp của con người và văn hóa Việt Nam thì chỉ có cái Đẹp của văn chương nên Trung tâm William Joiner đã mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm hành động, bắc nhịp cầu khai mở nhằm xoa dịu những vết thương của chiến tranh và hòa giải hận thù thông qua văn học.

Trong suốt hơn 30 năm qua, đặc biệt những năm đầu mới thành lập, trong bối cảnh chính phủ Mỹ vẫn còn áp đặt lệnh cấm vận hà khắc đối với Việt Nam (kéo dài từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 2 năm 1994), vì thế những nỗ lực hàn gắn cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt - Mỹ qua con đường văn học của Trung tâm William Joiner đã bị một bộ phận không nhỏ người Mỹ bảo thủ chống đối giao lưu với Việt Nam, gây áp lực nội bộ nhằm cắt giảm ngân quỹ của Trung tâm, đe dọa, rải thơ rơi vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh - “Diệt cộng”. Đặc biệt là, dịch thuật “văn chương cộng sản” được cho là phản bội lại những hi sinh, mất mát của người Mỹ ở Việt Nam,… Cộng đồng người Việt ở Mỹ cho rằng Trung tâm William Joiner là một “tổ chức nằm vùng” của nhà nước Việt Nam nên họ ghét bỏ, bôi nhọ, kỳ thị, biểu tình, tấn công, kiện tụng trên toàn thế giới, thậm chí đe dọa đến tính mạng nữa. Nhà thơ Kevin Bowen - nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner trong một bài viết đã kể lại rằng: Đã có những nỗ lực trong việc thành lập một trung tâm mang tên William Joiner để tiếp tục công việc bảo vệ những người lính giải ngũ - còn nhiều dang dở (vì William Joiner qua đời năm 1981), đồng thời phát triển các nghiên cứu và tài liệu giáo trình để giúp cho nước Mỹ hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam và những hậu quả của nó, song không hề dễ dàng”. GS., dịch giả Nguyễn Bá Chung tâm sự về những khó khăn, nan giải đó rằng: “Từ lúc đồng hành cùng Viện Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội William Joiner, dịch các tác phẩm văn học Việt để giới thiệu tại Mỹ, tôi bị gắn mác “tuyên truyền cho Cộng sản”. Họ ghét bỏ, kỳ thị, bôi nhọ, chẳng thiếu thứ gì”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã kể lại hành trình các nhà văn ở cả hai phía trong chặng đường “đi qua biển” để kiếm tìm sự thấu hiểu và sẻ chia rằng: Những chuyến đi mở đầu thực sự quá nhiều khó khăn. Khi các nhà văn Việt tiếp đón các nhà văn cựu binh Mỹ, không ít người Việt, kể cả nhà văn, không chấp nhận sự đón tiếp nồng ấm ấy,… các nhà văn Việt Nam đã bị biểu tình, bị tấn công”.

Tận dụng thời cơ phong trào phản chiến ở Mỹ vẫn đang phát triển, được một số người ủng hộ, cùng với sự kiên trì, bất chấp mọi rào cản, trở ngại, đối phó với bao đe dọa, Trung tâm William Joiner đã đánh đổi sự an toàn để bảo vệ tính mạng cho những văn nghệ sĩ Việt Nam sang thăm và giao lưu với công chúng Mỹ; các hoạt động giao lưu, quảng bá văn học của Trung tâm William Joiner vẫn diễn ra ngày càng mạnh mẽ, rộng rãi. Đồng thời, các nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ đã kêu gọi Chính phủ Mỹ phải bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, tiến tới bình thường hóa quan hệ và làm thay đổi cách nhìn của người Mỹ đối với Việt Nam bởi vì Việt Nam là một đất nước của văn hóa chứ không phải là một dân tộc hiếu chiến. Việc làm đầu tiên của Trung tâm William Joiner sau khi thành lập, là đã trực tiếp mời nhà văn Lê Lựu - nhà văn Việt Nam đầu tiên sang để trao đổi, giao lưu với công chúng Mỹ. Là một cựu binh, một nhà văn đầu tiên, là sứ giả hòa bình đầu tiên của Việt Nam được đặt chân đến nước Mỹ sau chiến tranh, Lê Lựu rất vinh dự, tự hào: “Tôi thật may mắn là nhà văn Việt Nam đầu tiên được Trung tâm William Joiner mời đến Mỹ. Lúc đầu tôi đi là do hào hứng mà đi chứ chưa biết thế nào là trách nhiệm. Nhưng sau này nhận thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề, ngoài sức của mình. Khi dự Hội thảo với các nhà văn Mỹ cùng nhiều giáo sư, sinh viên, họ đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều người hỏi về đất nước Việt Nam với cái nhìn miệt thị. Có người lại bới móc, khơi dậy hận thù. Có người đả kích để tìm hiểu thái độ của các nhà văn Việt Nam với Chính phủ ta như thế nào. Khi ấy mình mới tỉnh ngộ rằng, mình không phải đến để chơi mà còn một trách nhiệm lớn lao đang đè nặng. Bởi mình đang đại diện cho cả một đất nước. Đứng trước hoàn cảnh ấy mình mới ý thức được điều đó…”. Sau chuyến đi “mở đường” của nhà văn Lê Lựu, trong suốt 35 năm qua Trung tâm William Joiner vẫn kiên trì, bền bỉ mở rộng con đường giao lưu văn học Việt - Mỹ, đó là đưa hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam sang thăm, giao lưu cùng với công chúng và các văn nghệ sĩ; tham gia các diễn đàn, hội thảo tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm văn hóa, truyền thông Mỹ như các nhà văn nhà thơ: Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Sáng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái,…

Trong số những nhà văn, nhà thơ Mỹ đặt nền móng, thành lập, xây dựng và phát triển Trung tâm William Joiner và gặt hái được nhiều thành quả như ngày hôm nay, đó là cựu binh - nhà thơ Kevin Bowen. Kevin Bowen chính là người Mỹ đầu tiên truyền bá văn học Việt Nam vào nước Mỹ một cách bền bỉ nhất, dũng cảm nhất. Bằng trí tuệ, tài năng, sự nhiệt huyết, trong nhiều năm qua Kevin Bowen đã tập hợp được rất nhiều cây bút có tên tuổi trên văn đàn Mỹ như Grace Paley, Tim OBrien, Philip Caputo, Bruce Weigl, Nguyễn Bá Chung,… cùng tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật, góp phần không nhỏ vào việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ; có những đóng góp quan trọng trong việc dịch, giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam đến với độc giả Mỹ; tổ chức các cuộc hội thảo và giao lưu văn học ở hai quốc gia góp phần trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, tạo nhịp cầu để công chúng Mỹ thấu hiểu và cảm mến về đất nước Việt Nam,… Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đánh giá rất đúng về Kevin Bowen khi cho rằng: “William Joiner là trung tâm xây cầu bền bỉ và dũng cảm nhất trên đất Mỹ và nhà thơ Kevin Bowen là một trong những kiến trúc sư làm nên cây cầu đó”. Ghi nhận, vinh danh công lao to lớn đó, nhân dịp Trung tâm William Joiner kỷ niệm 30 năm hợp tác văn học giữa những nhà văn cựu binh Mỹ và nhà văn Việt Nam tại Thư viện Boston, chính quyền thành phố Boston, bang Massachusetts đã công bố quyết định của Thị trưởng thành phố Boston vinh danh nhà thơ Kevin Bowen cho những thành tựu trong mấy chục năm qua của ông trên cương vị là Giám đốc Trung tâm William Joiner và tuyên bố: “Ngày 27/06/2017 là Ngày Kevin Bowen tại thành phố Boston”. Nhà thơ Kevin Bowen cũng rất vinh dự khi được vinh danh tại Việt Nam với Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, được Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

2. Để công chúng Mỹ thực sự hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, thật sự có một cái nhìn đúng đắn về ý nghĩa của cuộc chiến tranh, về văn hóa và con người Việt Nam thông qua văn học; dịch giả Nguyễn Bá Chung khẳng định rằng: “Việc dịch văn học [Văn học Việt Nam - BNH nhấn mạnh] có một giá trị lớn, một phần nào đó đã củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Mỹ và khó có thể phản bác được. Đó là đóng góp rất lớn của Viện William Joiner đối với công cuộc hòa giải này”. Nhìn lại trong hơn 35 năm qua, Viện William Joiner đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, với một số nhà văn, nhà thơ của cả hai nước Việt - Mỹ đã dày công biên soạn, dịch sang tiếng Anh hoặc song ngữ và đã xuất bản, giới thiệu với công chúng Mỹ hàng chục tác phẩm, tác giả văn học Việt Nam nổi tiếng từ cổ điển đến đương đại qua hệ thống các nhà sách, thư viện, viện, trường đại học, cao đẳng như: Viết giữa hai dòng - Về Chiến tranh và Hậu quả Chiến tranh (Writing Between the Lines - Writings about War and Its Social Consequences) do Kevin Bowen, Bruce Weigl dịch; Sông núi - Thơ Việt Nam qua những cuộc chiến 1948 - 1993 (Mountain river: Vietnamese poetry from the wars 1948 - 1993; 1998) do Kevin Bowen, Bruce Weigl, Nguyễn Bá Chung dịch; Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ (Poems from the Captured documents; 1994) do Bruce Weigle, Kim Thanh dịch; Sáu nhà thơ Việt Nam (Six Vietnamese Poets) do Kevin Bowen, Bruce Weigl, Nguyễn Bá Chung dịch; Đường Xa: Tuyển Tập Thơ Nguyễn Duy (Distant Road: Selected Poems of Nguyen Duy) do Kevin Bowen dịch; Thơ Thiền Lý Trần (Early Zen Poems from Viet Nam; 2005) do Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Duy dịch; Người đàn bà gánh nước sông - thơ Nguyễn Quang Thiều (The women carry river water, 1997) do Kevin Bowen, Martha Collins dịch; Từ góc sân nhà em - Thơ Trần Đăng Khoa (From the corner of my yard, 2006) do Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung dịch, Những người đi qua biển (Those who cross the ocean; 2017) - tập hợp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của hai nước như Kevin Bowen, Thomas T.Kane, Bruce Weigl, Larry Heinemann, Martha Collins, Sam Hamill, Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Sáng, Lê Minh Khuê,… Thơ Thiền Lê Nguyễn (Le Nguyen Zen Poems; 2019) do Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Duy, Sam Hamill dịch; Sông núi trên vai (Carrying the Mountain and River on Our Shoulders; 2019) do Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung dịch,… Tiểu thuyết Thời xa vắng (A time far past) của Lê Lựu là cuốn sách văn học Việt Nam đầu tiên được Trung tâm William Joiner chọn dịch và giới thiệu tại Mỹ sau chiến tranh. Cuốn tiểu thuyết này do nhóm tác giả gồm bốn người, đó là Kevin Bowen, David Hunt, Ngô Vĩnh Long và Nguyễn Bá Chung dịch, được Nhà xuất bản University of Massachusetts Press ấn hành vào tháng 4 năm 1997. Tác phẩm vừa mới phát hành đã được bạn đọc tại Mỹ nồng nhiệt yêu mến, đón nhận. Tạp chí phê bình Kirkus Review đã có nhận xét rất chính xác khi cho rằng: Cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu đã “miêu tả chân thực về cuộc sống ở Bắc Việt từ những năm 1950 đến những năm 1980, cung cấp những chi tiết hấp dẫn về văn hóa làng xã”, “là tác phẩm hay nhất  và hấp dẫn nhất mà chúng ta đã thấy từ phía bắc Việt Nam”. Tập thơ song ngữ Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ (Poems from the Captured documents) do nhà thơ Bruce Weigle và Tiến sĩ Kim Thanh dịch, được Nhà xuất bản Báo chí thuộc Đại học Massachusetts ấn hành vào năm 1994. Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ là tập thơ hiện đại đầu tiên tập hợp nhiều tác giả của Việt Nam được dịch và giới thiệu tại Mỹ sau chiến tranh. Dấu ấn đặc biệt của tập thơ này, là các tác giả không phải là những nhà thơ chuyên nghiệp, mà đó là những người lính giải phóng Việt Nam bình thường thực thụ. Tập thơ ra đời không chỉ được độc giả Mỹ yêu mến, đồng cảm, đón nhận, đọng lại trong trái tim người đọc Mỹ, mà còn làm gây “chấn động”, vô cùng bất ngờ bởi “tập thơ là một sự phát hiện lớn nhất về chiến tranh Việt Nam”, những bài thơ trong tập thơ “không nói về cái chết hay nỗi sợ hãi, không mang nỗi thù hận hay nguyền rủa những kẻ xâm lược [nước Mỹ - BNH nhấn mạnh]” mà chỉ thể hiện “tình cảm về đất nước, làng quê, về mẹ, vợ, về người yêu và giấc mơ lớn nhất hiện lên trong những bài thơ ấy là giấc mơ được trở về cày cấy, gieo hạt, dựng cửa dựng nhà, lấy vợ sinh con sau khi chiến tranh kết thúc; như tổ tiên, ông bà họ từ ngàn đời nay trên dải đất hình chữ S này”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn nhận xét rất chính xác khi cho rằng: “Những tác phẩm văn chương của cả hai phía là chiếc chìa khóa vàng mở tung cánh cửa hai nền văn hóa trong suốt cuộc chiến tranh. Để rồi con đường mà các nhà văn cựu binh Mỹ và nhà văn người lính Việt đã khai mở và dấn bước là con đường không thể khác giữa các dân tộc, nhất là các dân tộc từng là kẻ thù của nhau”. Những người đi qua biển (Those who cross the ocean) là cuốn sách song ngữ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành nhân kỷ niệm 30 năm (1987 - 2017) chương trình Hội thảo văn học đầu tiên giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam của Viện William Joiner. Cuốn sách tập hợp 21 bài viết, tiểu luận của các tác giả có tên tuổi của hai nước Việt - Mỹ. Tác phẩm ra đời đã “góp phần nối nhịp cây cầu văn chương giữa hai đất nước từng đối diện với nhau bằng súng đạn. Những câu chuyện của 30 năm qua được kể bằng lời tâm sự chân thực, mộc mạc và đầy xúc cảm của nhiều tác giả mà một số người trong số họ từng ở hai đầu chiến tuyến”. Cuốn sách dẫu rằng không thể nào bao chứa hết nhưng lại như “một “biên bản” đặc biệt cho khát vọng hòa bình, hữu nghị 30 năm qua của các nhà văn, cũng là ánh lửa gửi đến chặng đường trước mặt, khi tiến trình kết nối văn học Việt Nam - Mỹ cần phải có những đôi vai, bàn tay của lớp người tiếp theo gánh vác”.

Trong hơn 35 năm qua, Trung tâm William Joiner đã mời nhiều đoàn nhà văn, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ Việt Nam sang giao lưu, trao đổi với bạn đọc, với các giảng viên, sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng của nước Mỹ. TS. Thomas T. Kane - Giám đốc mới của Viện khẳng định rằng: “Sự giao lưu văn học là minh chứng mạnh mẽ trong việc trao đổi văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, hàn gắn vết thương chiến tranh. Điều này đã đạt được thông qua những sáng tạo của các nhà văn Việt Nam và nhà văn Mỹ. Trong tương lai, Viện sẽ tiếp tục quảng bá, dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam; tổ chức một số hội thảo về văn học giữa hai bên và về văn học Việt Nam; tổ chức nhiều chuyến thăm, giao lưu giữa các nhà văn Mỹ đến Việt Nam,…”. Trong thời gian này, cũng có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của văn đàn Mỹ sang Việt Nam giao lưu theo chương trình làm việc của Trung tâm, hoặc tham gia các hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, phối kết hợp với Trung tâm. Sau những chuyến đi đó, các nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ “sẵn sàng làm nhiều hơn nữa vì Việt Nam” (Carolyn Forché), “đến Việt Nam để được thanh thản” (Larry Heinemann), “Việt Nam là cuộc sống của chúng tôi” (Kevin Bowen),… nên đã sáng tác rất nhiều các tác phẩm hay, có ý nghĩa, để đời, qua đó góp phần giúp công chúng Mỹ hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong hơn 35 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã mời các thành viên, các cộng tác viên của Trung tâm William Joiner sang Việt Nam dự các chương trình văn học, các sự kiện văn hóa, các hội thảo, hội nghị về dịch thuật, xuất bản các tác phẩm giữa hai nước. Tính đến thời điểm này, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm William Joiner tổ chức được 4 cuộc Hội thảo Văn học Việt - Mỹ, đó là vào các năm 1987, 2010, 2012 và 2017. Năm 2012, nhân kỷ niệm 20 năm mối quan hệ hợp tác Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner phối kết hợp tổ chức hội thảo tại Hà Nội, Huế và Quảng Trị. Tại cuộc Diễn đàn văn học Việt - Mỹ: Nhìn lại và phát triển vào ngày 9 - 10 tháng 03 tại Cố đô Huế, hai bên đã cùng nhau đánh giá lại việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam đến với bạn đọc Mỹ trong hơn 20 năm qua; trao đổi về sự hợp tác dịch và giới thiệu văn học Việt Nam tại Mỹ trong thời gian tới; đồng ý hợp tác, ưu tiên dịch và xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu, xuất sắc của cả hai nước; bồi dưỡng lớp người kế cận, huy động các dịch giả giỏi, đẩy mạnh các chương trình giao lưu văn học,... Trong bài viết về Hành trình của Trung tâm William Joiner nhân 20 năm hoạt động trao đổi nghệ thuật, nhà thơ Kevin Bowen đã nói về Việt Nam, về các nhà văn Việt Nam đã từng gặp gỡ, giao lưu, hợp tác rằng: “Điều đã thay đổi nhiều nhất qua năm tháng, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong cách tôi cảm nhận Việt Nam, từ một nơi của chiến tranh và những người lạ nguy hiểm trở thành một nơi giống như ngôi nhà thứ hai, nơi có bạn bè và gia đình, nơi khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần. May mắn là tôi có nhiều bạn bè. Và chúng tôi có Việt Nam. Trong nhiều năm, những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa “hồi phục” cho chúng tôi rất lớn. Nhìn thấy bạn bè, cùng nghe nhạc, nghe thơ ở sân sau, thăm đền chùa, thắp hương, nhìn thấy con của những người bạn lớn lên, bạn bè tôi trở thành ông bà. Nói về đất nước của chúng tôi, những cái đúng và sai của họ. Việt Nam đã trở nên một nơi giống như để hành hương. Tôi không chắc là chúng tôi tìm kiếm cái gì. Có thể là sự hiểu nhau. Hòa bình. Tình yêu. Sự mở mắt. Chúng tôi mắc nợ Việt Nam và các nhà văn của họ rất nhiều. Sự rộng lượng của họ luôn làm tôi kinh ngạc. Sự dũng cảm, cởi mở, kiên nhẫn, tử tế luôn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi”. Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam lại phối hợp với Viện William Joiner tổ chức Hội thảo 30 năm giao lưu văn học Việt - Mỹ tại Hà Nội. Hội thảo lần này, là một trong những hoạt động rất thiết thực, đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động giao lưu, quảng bá văn học nói riêng và văn hóa nói chung giữa hai nước Việt - Mỹ đã từng trải qua nhiều năm tháng ở hai đầu chiến tuyến. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định rằng: Để hàn gắn vết thương chiến tranh, để đất nước đứng lên và phát triển, Việt Nam đã chọn con đường ngắn nhất - con đường văn hóa với sự nỗ lực vươn lên và sự hợp tác của nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có Trung tâm William Joiner. Chính vì thế, “Hội thảo là dấu mốc đáng ghi nhớ trong quan hệ hợp tác 30 năm qua giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner cũng như giao lưu văn học Việt - Mỹ"; hy vọng trong thời gian tới, “người cầm lái mới của con tàu văn học Viện William Joiner là TS. Thomas T. Kane sẽ đưa quan hệ hợp tác giữa Hội và Trung tâm phát triển lên một tầm cao mới”.

3. Những việc làm, những hoạt động của Viện William Joiner hơn 35 năm qua, nhất là trong khoảng thời gian 20 năm cấm vận thật sự rất thiết thực, có  ý nghĩa to lớn, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc giao lưu văn hóa, văn học giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. Đặc biệt, giữa hai nước đã từng là địch thù, đối đầu nhau bằng súng đạn ở hai đầu chiến tuyến, thì nay đã hàn gắn những vết thương chiến tranh, người Mỹ hiểu hơn về phong trào đấu tranh của Việt Nam, hiểu hơn về tâm hồn, về tính cách của con người Việt Nam.

Hơn 35 năm qua, từ cả hai phía Trung tâm William Joiner và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức các hoạt động, hội thảo, dịch thuật và quảng bá, văn học nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung ngày càng hiện diện sâu rộng trong đời sống văn học Mỹ, góp một phần không nhỏ trong việc đặt những viên gạch đầu tiên tiến đến tình hữu nghị, vững chãi giữa hai dân tộc Việt - Mỹ, mở ra những cánh cửa để người Mỹ hiểu hơn, “phát hiện” về nền văn hóa và con người Việt Nam. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Hội Nhà văn Việt Nam và Viện William Joiner tiếp tục xây dựng cây cầu nối giữa hai bờ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục bám rễ, phát triển, trường tồn, đưa lịch sử của sự hợp tác, quảng bá văn học Việt Nam - Hoa Kỳ đơm hoa, kết trái, lên một tầm cao mới.

B.N.H
(TCSH406/12-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Andrée Chedid (07/10/2022)