Nhìn ra thế giới
Mẹ tôi chưa hề nói từ ấy
09:56 | 07/09/2023

A THỊNH (Đài Loan)

Thuở sinh viên, tôi được thầy kể chuyện Hồng Thừa Trù(1). Làm quan cuối thời Minh, ông đã từng nói: "Quân ân tự hải, thần tiết như sơn" (Ơn đức nhà vua mênh mông tựa biển, khí tiết bề tôi vững chãi như non).

Mẹ tôi chưa hề nói từ ấy
Ảnh: tư liệu

Sau đó, họ Hồng thua trận ở Tùng Sơn, đầu hàng và làm quan với nhà Thanh, trở thành nhân vật trong truyện Nhị Thần. Người đời bèn thêm hai chữ "hỹ" "hồ" vào câu nói cũ để nhạo báng: "Quân ân tự hải hỹ, thần tiết như sơn hồ?" (ơn đức nhà vua đã mênh mông tựa biển, khí tiết bề tôi hẳn vững chãi như non?). Kể xong, thầy tôi cảm thán: "Ôi, ngòi bút như mũi dao".

Mẹ tôi lại cho rằng: "Đôi môi là hai lưỡi dao". Câu nói đó, hồi bé tôi thường nghe nhắc đi nhắc lại. Mỗi khi lũ nhỏ liến thoắng lắm lời, mẹ tôi khuyên bảo: "Còn trẻ con, nên nghe mà chưa nên nói". Gặp kẻ ưa đại ngôn khoác lác, nói lời đường mật, bà thầm cảnh giới: "Tác nhân a? trọng tâm bất trọng chủy!" (Làm người ư? cốt ở tấm lòng, chuộng chi mồm mép!).

Bấy giờ tôi chưa hiểu thế nào là "trọng tâm bất trọng chủy", sau này lớn lên, có đủ trí khôn, vào đời, nghĩ suy thế sự, nhớ lại mẹ, tôi nhận ra mẹ tôi quả thật là người nói, làm như một. Và cũng từ khi hiểu được nhân tình thế thái, tôi mới để ý thấy rằng, mẹ tôi chưa hề nói đến từ "ÁI" (yêu).

Như thể mẹ tôi không biết từ "yêu" ấy. Bà sinh dưỡng bảy mặt con, trừ tôi đã hoang nghịch lêu lổng tự thuở học sơ trung(2), còn các anh, chị, em tôi đều thuận buồm xuôi gió, học hành cẩn thận để thành người hữu dụng cho nước nhà. Tâm huyết của mẹ tôi dẫu không nên so sánh với sông nước Hoàng Hà, nhưng chí ít cũng cuộn chảy bất tận như con suối nhỏ ở làng quê - nơi tôi ra đời, thế mà bà chỉ âu yếm anh chị em chúng tôi với một câu nói mà bà cho là hết lời: "A mẫu ngận đông nhĩ môn" (Mẹ rất thương các con).

Trong Hán ngữ, "thương" là nghĩa thứ nhất của chữ "đông" - thương xót, thương mến, thương tiếc, còn nghĩa thứ hai của chữ "đông" lại là "đau" - làm cho đau, đánh đau. Như đã kể, khi còn học sơ trung tôi thường nghịch ngợm lêu lổng, hay la cà cùng đám đông trước rạp hát, một vài tuần lại ẩu đả. Bấy giờ ở Đài Loan kinh tế chưa cất cánh, bọn trẻ chưa dùng súng, dùng gươm, chỉ đấm qua, đá lại rồi kêu la chửi bới đôi lời. Khốn nỗi dân làng tôi thích tò mò, lắm miệng, mỗi lần như vậy, chưa về đến nhà, mọi "thông tin cuộc chiến" mẹ tôi đã biết cả. Trước hết bà bảo tôi treo cặp sách lên móc, cởi áo khoác ngoài, đứng úp mặt vào tường, kể lại mọi sự việc vừa xảy ra, rồi bà mới đánh. Nếu mà khóc thì không cho ăn cơm, dù là cơm cháy, và cuối cùng bảo chị cả xoa dầu xức thuốc cho tôi, còn bà vào buồng đóng cửa khóc một mình.

Mệnh của mẹ tôi không may, nhưng bà là người tâm đức. Tuy luôn bị mẹ đánh đau nhiều nhất, nhưng tôi lại là đứa con được bà thương mến hơn ai hết. Mới bốn tuổi tôi đã vẽ được tượng ba ông Phúc Lộc Thọ, năm lên bảy tôi viết chữ Hán còn đẹp gấp nhiều lần so với chú tôi đang học cao trung(3), bằng khen, cờ thưởng các kỳ thi đơn ca, làm văn mà tôi mang về treo kín cả mấy bức tường. Mẹ tôi đặt nhiều hy vọng và thầm mong qua thi tài, đua sức tôi sẽ đem vinh quang về cho gia đình. Và cứ sau mỗi lần đòn roi bà lại nói với tôi: "Thịnh à, bỏ qua cho mẹ đã làm con đau".

Tôi cũng là người biết thương tâm, nên cuối cùng đã quyết không trở lại "con đường giang hồ", dẹp lại những mong muốn "xưng hùng xưng bá" của một thời ngây ngô thơ dại. Chăm chỉ học hành, thành tích tốt dần lên trừ hai môn số học và tiếng Anh, cuối cùng tôi theo đòi nghề văn, luyện tập sáng tác. Sau khi tốt nghiệp Khoa Trung văn, tôi trở thành "tác gia" như hôm nay, mẹ tôi không hề biết "tác gia" là gì? nhưng cứ mỗi lần bà con lối xóm đưa xem bài văn, bài báo ký tên tôi là bà mừng lắm. Mấy tấm hình chụp tôi đang phỏng vấn làm báo bà luôn mang theo người, hễ gặp ai là khoe ngay: "Ông xem, bà xem, thằng Tư nhà tôi đấy"(tôi là con thứ tư trong gia đình).


Bốn năm sau, tôi có con đầu lòng. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, cháu đã biết đi, biết nói, chạy nhảy nô đùa. Tôi đem cháu về quê thăm bà nội, mẹ tôi vui sướng vô cùng, ngày nào bà cháu cũng chuyện trò ríu rít. Một hôm, tôi lắng nghe - "Cháu ăn cơm nhé?", "Cháu chưa đói, mà bà vừa đánh cháu, đánh ở tay đây này, bà không yêu cháu, cháu không ăn cơm nữa".

"Ôi, thằng ngốc của bà, bà thương cháu đấy", mẹ tôi cười sảng khoái và tự nhiên tôi nghĩ đến ông quan cuối Minh đầu Thanh đã tận trung với nước, chứ đâu dám khoác lác "tự hải như sơn" mà người đời từng nhạo báng.

Thái Nguyễn Bạch Liên dịch

(Theo nguyên tác Trung văn
MU THÂN BẤT THUYẾT NA CÁ TỰ
trong Độc giả văn trích số 5-1992).

(TCSH54/03&4-1993)

--------------------
(1) Hồng Thừa Trù (1593 - 1665)
(2), (3) sơ trung, cao trung - bậc trung học của nền giáo dục ở Trung Hoa tương tự như cấp hai, cấp ba của Việt Nam.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Andrée Chedid (07/10/2022)