Nhìn ra thế giới
Valentin Raxputin và tác phẩm "Đám cháy"
09:38 | 02/03/2012

Tại Đại hội nhà văn Liên Xô lần VIII, một trong những bài phát biểu được hoan nghênh nhất là của nhà văn Valentin Raxputin. Đáng chú ý là trong bài này, tác giả hầu như không nói gì về nghề văn, mà chỉ đề cập vấn đề bảo vệ môi sinh.

Valentin Raxputin và tác phẩm "Đám cháy"
Nhà văn Valentin Rasputin - Ảnh: peoples.ru

Và điều đáng chú ý nữa là trong tất cả các văn kiện chính thức của đại hội, từ báo cáo tổng kết đến báo cáo chuyên đề và lời phát biểu của các đại biểu, đều có nhắc đến truyện vừa "Đám cháy" của Raxputin, coi đây là một trong mấy thành tựu lớn nhất của văn học Xô-viết hiện đại.
 

Nxb Tác phẩm mới & Hội Nhà văn VN, 1985 - Ảnh: sachxua.net

Đối với đông đảo độc giả nước ta, tác phẩm của Raxputin đến hơi muộn mằn. Cuốn "Hãy sống và nhớ lấy" - ông viết năm 1974, được tặng giải thưởng Quốc gia Liên Xô - do Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ấn hành mới đây, là tác phẩm duy nhất của ông được dịch ra tiếng Việt. Thực ra, ở Liên Xô, Raxputin nổi tiếng từ năm ông tròn ba mươi tuổi, khi truyện vừa "Tiền cho Maria" ra mắt bạn đọc (1967), mặc dù trước đó ông đã có mấy tập truyện ngắn có giá trị. Ba năm sau, truyện vừa "Thời hạn cuối cùng" ra đời, đưa ông vào số những nhà văn được đọc nhiều nhất ở quê hương ông. Đến truyện vừa "Hãy sống và nhớ lấy" (1974) rồi "Chia tay với Matiôra" (1976) thì, không còn nghi ngờ gì nữa, - như nhận xét của nhà phê bình Xô viết Iuri Xeleznev - Raxputin đã trở thành "một trong những sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ nhất của văn học Xô viết và thế giới".

Vốn sinh trưởng ở vùng Xibir (làng Uxti - Uđa thuộc Irkut), học khoa lịch sử - ngôn ngữ học ở trường Đại học Tổng Hợp Irkut, rồi có mặt ở khắp các công trình xây dựng lớn tại Xibir với tư cách phóng viên báo chí. Raxputin quan tâm trước hết đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong điều kiện xã hội hiện tại. Không phải ngẫu nhiên, khi nói về cuốn "Chia tay với Matiôra" của mình Raxputin đã nêu rõ: "Nó nói về những đổi thay đang diễn ra ở Xibir ngày nay, về những đổi thay tôi nhìn thấy không phải bằng con mắt của người xa lạ đến để như người ta thường nói - chinh phục, cải tạo cái miền đất hoang sơ và lạ kỳ này, mà bằng con mắt của người Xibir đích thật, sống và yêu miền đất này bằng một tình yêu chân chính, nghĩ về nó không chỉ như về một công trường xây dựng mà như về quê hương, về miền đất tổ tiên từng sống và con cháu họ sẽ sống".

Với ý thức trách nhiệm này, trong khoảng mấy năm trở lại đây, qua những bài phát biểu trên vô tuyến truyền hình, in trên các báo Tin Tức, Văn Học... Raxputin đã bày tỏ mối lo lắng trước hiểm họa tàn phá thiên nhiên của con người.

Vấn đề này được đề cập một cách khẩn thiết và trọn vẹn trong tác phẩm "Đám cháy" - lần đầu ra mắt độc giả trên tạp chí "Người cùng thời với chúng ta" (số 7-1985). Có thể coi truyện vừa này là phần tiếp theo của "Chia tay với Matiôra". Vẫn là các nhân vật đó chuyển tới vùng đất mới, sau khi làng quê đã chìm xuống đáy biển nhân tạo. "Đám cháy" bầy tỏ mối lo lắng đối với trạng thái tinh thần của người dân Matiôra cũ đang xây dựng làng mới Xoxnovka. Mối lo lắng này là kết quả của sự mất mát nhiều phẩm chất quan trọng của người dân Xoxnovka- những tiêu chuẩn và luật lệ của đạo đức được hình thành qua nhiều thế kỷ nay từ lao động của con người trên đất đai, trước hết là ý thức chủ nhân ông, - mối quan hệ tinh thần giữa con người và lao động của mình. Tổn thất của trạng thái tinh thần con người này sẽ có sức mạnh đặc biệt trong những tình thế "bùng nổ" - đám cháy các kho thực phẩm ở Xoxnovka. Trong khi một số ít con người chân chính xả thân cứu những thứ hàng thiết yếu thì số đông chỉ chăm chăm cứu các... chai rượu (!) hoặc lo hôi của, thậm chí gây ra án mạng.

Sự tổn thất này bắt nguồn từ sự thay đổi môi trường sống, từ sự thay đổi tính chất lao động. Người ta đốn rừng, chỉ đốn là đốn, chẳng hề chú ý đến việc sau đó có gì mới mọc lên hay không. Có nghĩa là đã có sự đứt đoạn giữa lao động con người và kết quả của lao động đó. Họ chỉ biết có mỗi một con đường dẫn đến quán nhậu, giết thời gian trong quán nhậu nhẹt và tán chuyện tào lao.

Sự thiếu vắng ý thức chủ nhân ông trong lao động cá nhân, sức ép của lối sống tiêu thụ kéo theo tệ nghiện rượu, hủy hoại ý thức giác ngộ của quần chúng- đó là tiếng kêu vang lên từ "Đám cháy". Như nhận xét của nhà phê bình văn học Xô viết nổi tiếng Felikx Kuznetxov, đây là "một trong những lời cảnh cáo đáng lưu tâm nhất trong văn học Xô viết, một trong những lời kêu gọi lớn tiếng nhất, thẳng thắn nhất, mang tính chính luận nhất, đòi hỏi những thay đổi tận gốc rễ, tẩy sạch toàn bộ xã hội chúng ta khỏi những điều xấu xa ngăn cản chúng ta sống".

Nội dung sâu sắc này được thể hiện bằng một bút pháp rất độc đáo. Raxputin có biệt tài khai thác "dòng ngầm" trong những sự kiện bình thường, bề sâu tâm lý trong những chi tiết đơn sơ. Từng câu từng chữ đều là sự chắt lọc tinh tế. Mọi sự việc đều "sống" như những con người thật sự. Người đọc bị cuốn hút vào cái dòng trôi của tác phẩm để biến thành người trong cuộc.

Tác động của "Đám cháy" của những bài báo về Xibir của Raxputin và những "lời cảnh cáo" tương tự của các nhà văn Xô viết nổi danh Xergêi Zalưghin, Đanil Granin... lớn lao đến mức chính phủ Liên Xô đã phải xem xét lại các đề án chinh phục thiên nhiên và quyết định đình chỉ một số công trình cải tạo hồ Baikan có thể dẫn đến hậu quả tai hại, phá vỡ sự cân bằng sinh thái Xibir.

Chúng tôi xin trích giới thiệu một đoạn trong truyện vừa "Đám cháy".



 

NXB Trẻ 1987 - Ảnh: sachxua.net

Đám cháy

(Trích)

10

Ngọn lửa đã vượt ra khỏi kho thực phẩm số một. Nó lan sang kho số hai. May là mái cả kho số một lẫn kho số hai đều đã sập nên lửa mới bị kềm bớt lại. Nó cháy từ góc cao bên phải và vượt qua lớp ván trần. Khi Ivan Petrovic ghé chỗ này lần đầu, thì ở đây nóng ran và đặc khói, song lửa còn ít và căn phòng bên trong còn đứng vững trên bốn bức tường. Ở đây hóa ra, thật đáng ngạc nhiên, còn có người, ở đây người ta ơi ới gọi nhau, âm thanh trầm bổng không đứt đoạn. Ivan Petrovic không phải ngó thấy ngay hàng người đang chuyền tay nhau những thùng hàng được ưa chuộng nhất - vốtka. Trong hàng người có cả dân ngụ cư lẫn dân tứ chiếng. Ivan Petrovic lúng túng dậm dậm chân rồi, để tránh tình trạng tay không, cũng bê một thùng chạy trở lui và tin rằng dù không có ông thì người ta vẫn chẳng để cho thứ hàng này mất đi. Trong thinh không hắt xuống người ông ánh hồng nóng hực, mang theo từ đâu đó tiếng la của Valia - thủ kho, vừa yêu cầu vừa nài van đưa dầu thực vật đi. Valia la rằng, cái món dầu thực vật ấy, tới mùa thu thì đừng có hòng mà tìm cho ra. Và Ivan Petrovic bị những lời đó ong ong dội vào, đầu óc lại không ra làm sao, chẳng thể nào nhớ ra được bây giờ đang là mùa đông hay mùa hè.

Chỉ một thoáng thôi, ngọn lửa đã xuyên qua góc bên phải.

Lửa càng phì phào giận dữ thì tiếng từ hàng người vượt ra càng thêm vui, càng thêm ồn ã, tiếng chai đụng nhau rổn rảng, lại còn một thứ tiếng động nữa cứ lặp lại hoài trong cái mớ âm thanh hỗn tạp ấy - thứ tiếng gì đó vừa như róc rách êm tai lại vừa như òng ọc thô kệch. Òng ọc hay róc rách đều rất nhẹ, khó mà nhận ra được. Ivan Petrovic áp tới bức tường nóng bỏng, chỗ thứ tiếng đó vang ra, và ở ngay chỗ để những thùng rượu vang ngoại, ông thấy ra sự thể: nút bật khỏi chai. Trước đó, ông không để ý lắm tới chúng, cứ cho rằng có khả năng hơn cả là chúng nảy sinh từ thứ tiếng reo của bình nước hoa đậm đặc hoặc thứ gì đó cùng loại. Gần đây thứ nước hoa đậm đặc được xếp vào loại nguyên chất hàng thực phẩm thay cho thứ rượu vang Hungari hay Bungari - do mùi vị riêng chúng đã bị cánh mugich chê là quá chua và không đủ độ cay.

Ivan Petrovic kiếm dầu thực vật trong các chai nhưng hóa ra nó lại được để trong thùng sắt. Ông khó nhọc mới vật ngã được thùng xuống, tay bỏng rát, cái thùng thì lớn, bên sườn lại phình ra và móp méo đã cố mà không thể lăn đi được, dùng sức mấy nó vẫn chỉ lắc lư thôi. Ông vội tới chỗ hàng người và, chẳng nhìn cũng chẳng chọn lựa, kéo ra "mắt xích" đầu tiên lọt vào tay ông. Lại đúng là gã trai đã cùng ông kéo đổ mái kho xuống và loan báo cái tin về chiếc mô tô "Ural" đã tìm thấy. Từ người gã trai bốc ra mùi vốtka đun sôi, chẳng biết nếp tẻ ra sao cũng chẳng phản đối, anh ta cứ nhảy tưng tưng theo Ivan Petrovic. Cả hai, chỗ dùng tay chỗ dùng chân lăn chiếc thùng.

- Đằng kia còn một thùng nữa kia! Ivan Petrovic, đằng kia còn có một thùng nữa đấy! - Valia - thủ kho la lên và chạy bổ đến, chỉ chỏ. - Nó đằng kia kìa! đằng kia kìa!

Ivan Petrovic giữ Valia lại và xô cô ta ra khỏi cánh cửa, cô ta có ở đây với cái ý thức trách nhiệm của mình trước của cải vật chất có thể hóa ra mạnh hơn sự sáng suốt, cũng chẳng giải quyết được gì. Cô ta không cần thiết phải thấy những gì đang xảy ra ở đây. Loáng một cái Ivan Petrovic đã mất tay trợ thủ đang cùng ông lăn thùng, anh chàng này, cố nhiên, không hề trùng trình, đã đứng vào hàng người. Lúc để ý tìm chàng ta, Ivan Petrovic nhận thấy hàng người không chỉ chuyển những thùng mà còn cả

những chiếc chai mất nút, lấp loáng dưới ánh lửa hệt như những cây đèn bấm.

- Chuyển đi! Chuyển đi! - Một người bắt đầu, vung tay chuyền chiếc thùng cho người đứng bên, hàng người liền hưởng ứng: - Chuyển đi! Chuyển đi!

- Chuyển đi! Chuyển đi! - Chiếc chai lượn trên cái đầu đang ngửa ra. - Chuyển đi! Chuyển đi!

Nhưng ngọn lửa cũng chuyển đi: lách được vào bên trong nó liền làm chủ nửa dãy tường phía sau, lan nhanh sang trần, từ đó nó thè những cái lưỡi dài liếm xuống dưới trong cái tiết tấu riêng của mình.

Mỗi lúc thở một khó thêm, đây đã không còn là hơi thở, cũng chẳng còn là không khí để người ta thở, mà là sự hối hả và hỗn độn chiếm lĩnh những khoảng không đang bị thiêu cháy. Có ai đó, chả còn phân biệt được đàn ông hay đàn bà nữa, cất cái giọng trần trụi, đứt đoạn mà gọi một cách âu lo:

- Petca! Petca! Có ở đây không?

Đâu mất tăm rồi?

- Chúng tôi nhắm cậu Petca của người rồi! - Từ trong hàng người vọt ra lời đáp, giọng nói như sợi dây thép bị cháy xém, xuyên những từ này qua cái nóng.

Ivan Petrovic lại lật đổ thùng dầu xuống, thùng nầy ít móp méo hơn thùng đầu, và dường như nó ngoan ngoãn thì phải, ông lại gắng lăn một mình. Rồi có người khác lại phụ giúp ông. Đến nơi, Valia - thủ kho thấy cái thùng liền ré lên mà than trời: thùng chẳng còn nút đậy. Ivan Petrovic, ngơ ngẩn, hết nhìn vết dầu uốn lượn từ nhà kho lại ngó Valia đang vô cùng sầu não, cứ như thể hai - ba lít dầu sánh ra ngoài là mất mát lớn nhất trong ngày hôm nay ấy.

Afonia Bronnikov nắm lấy bên người Ivan Petrovic. Rảo bước ra khỏi đám lửa về góc bên trái sân, và lôi Ivan Petrovic theo mình, Afonia giải thích:

- Cần phải thu dọn bột, Ivan Petrovic ạ, trong lúc còn chưa muộn. Còn ba cái thứ này... - Ông hất tay tỏ ý khinh bỉ về phía sau, chỗ đang cháy. - Chúng ta mà không còn bột thì... Không thể thiếu bột được.

Ở kho thứ ba, trẻ em, phụ nữ đang khuân ra những loong sữa đặc, những hộp đựng đủ thứ loong nhỏ xíu như đồ chơi và thứ quỉ quái gì đó không biết trong những chiếc hộp chằng dây kim loại kỹ lưỡng. Phía sau kho thứ ba, ở sát ngay hàng rào là căn nhà thấp, không có ván lát sàn, được dùng để chứa bột. Hai cánh cửa rộng rinh, mở toang hoác.

Bóng của Ivan Petrovic và Afonia cứ dài ra, đổ dài thành hình cong kỳ quặc, nhảy qua hàng rào và trùm lên cả xóm.

- Chá - á - áy! - Vang lên đâu đó ở các phố mạn trên.

Ivan Petrovic hoảng hốt nghển đầu ngó về phía tiếng la.

- Đã thức dậy rồi cơ đấy! - Afonia bình phẩm mỉm cười chua chát - sắp cháy thiêu hết cả thì anh mới sực nhớ ra. Nào người anh em, chạy lẹ ra lên, kẻo lại bị trễ đấy. Ngày mai thì xong xuôi mọi chuyện rồi, ngày mai thì khỏi có nhậu với nhẹt.
 

Minh họa: BỬU CHỈ


18

Cái kết thúc đang đi tới với mọi sự. Cái đêm khủng khiếp ấy đã qua đi, ban mai đã thức dậy và dưới ánh sáng ban ngày, ngọn lửa lụi thấp dần và im tiếng, cố giữ cho được phần còn sót lại. Buổi sáng ấm và ẩm, màn khói cay sè không dâng lên cao được, cứ bọc lấy làng xóm, chẳng chịu dời đi. Dọc bờ sông, dọc băng giá là những mẩu gỗ cháy dở xậm đen và bốc khói, cái sân lầy bẩn bị cắt hẳn làm đôi bởi vệt tro rộng, nghi ngút khói, tự tạo ra cái gì đó cùng tột và vô vọng tới mức khủng khiếp. Cái quầy hàng bách hóa xanh lợt nho nhỏ còn nguyên vẹn, không hề làm dịu đi mà ngược lại, dáng vẻ của nó càng làm tăng thêm vị đắng cay, nỗi đau thương và cơn say.

Dưới tấm vải bạt lớn mới, đang nằm giữa sân là số của cải được cứu thoát. Và dưới tấm vải bạt, vẫn nằm cho đến lúc này, bác Misa Khampo và Xonia không tách rời nhau. Và ở chỗ này chỗ kia, đứng trên tấm vải bạt là đội bảo vệ, không cho ai tới gần, cũng không cho ai bắt chuyện.

Người ta chờ đợi công an và dự thẩm. Người ta chờ đợi các đoàn thanh tra - một đoàn, rồi đoàn thứ hai, rồi đoàn thứ ba, giờ thì sẽ không có kết thúc đối với họ... Người ta đợi cấp trên trực tiếp và cấp cao hơn đến. Ngay từ giờ làm việc đầu tiên sẽ có những bức điện đánh đi khắp các nơi. Còn lại đủ thứ công việc, êm ả tiến hành ở nhà để xe và ngoài đường phố, và chẳng có một âm thanh nào vọng từ nhà kho dưới. Người ta chờ đợi.

Người ta chờ đợi: rồi sẽ ra sao đây?

***

Ivan Petrovic từ đám cháy trở về, không đi ngủ. Bếp lò đã được nhóm lên khi ông về tới. Sau trận tàn phá, Alena không quên thu dọn nhà cửa và nhuế nhóa dọn bàn ăn. Xong xuôi, Alena òa khóc cay đắng, ngã vật xuống giường.

Ivan Petrovic cứ ngồi đấy, ngồi mà chẳng ngó ngàng gì đến đồ ăn, rồi thay giầy, ngó ra phía cửa sổ coi khói từ bờ sông thổi vào, rồi đi ra ngoài. Ông tới chỗ Afonia cho kịp trước lúc Afonia chìm vào giấc ngủ. Nhưng Afonia còn chưa tính tới chuyện đi nằm... Cô con gái đang rửa sạch và dán thứ gì đó lên hai vết trầy sâu trên trán và cằm, đã khô máu. Khi cô con gái bỏ tay ra, ông nhấp từng ngụm nước trà trong chiếc ly lớn bằng kim loại.

Ivan Petrovic hỏi:

- Ta sẽ làm gì đây, Afanaxi? Anh có biết bây giờ phải làm gì không?

- Ta sẽ sống.- Afonia nói, mặt nhăn lại vì vết thương nó hành hoặc vì lương tâm nó hành. - Ivan Petrovic ạ, sống trên cõi đời này là một việc nhọc nhằn đó, nhưng dù sao... dù sao cũng vẫn phải sống thôi.

Nhấp ngụm nước trà xong, ông hỏi lại:

- Còn anh, định làm gì nào?

- Ta sẽ sống. - Ivan Petrovic đáp, lặp lại chính những lời đó theo một trật tự khác.

HOÀNG ANH trích dịch và giới thiệu
(SH22/12-86)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cõi người ta (22/12/2011)