Trang thiếu nhi
Trí tưởng tượng và kỷ niệm tuổi thơ - đôi cánh nâng đỡ con người
10:31 | 24/06/2022

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Cuộc thi viết văn cho tuổi thiếu nhi hè 94 của tỉnh ta do điều kiện tổ chức có hạn, chỉ tập hợp được các em ở địa bàn thành phố Huế. Tuy vậy, cuộc thi đã đạt được những thành quả đáng mừng, đã khẳng định và phát hiện thêm một số em có năng khiếu sáng tác văn học.

Trí tưởng tượng và kỷ niệm tuổi thơ - đôi cánh nâng đỡ con người
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê thời trẻ - Ảnh: tư liệu

Các em dự thi được chọn một trong hai đề. Đề 1: "Hãy tả lại nỗi phập phồng của giọt sương trên lá cỏ khi mặt trời sắp lên." Và đề 2: “Em hãy viết về tuổi thơ của mình - những người thân yêu và những con vật mà em gần gũi, gắn bó. Hình bóng nào đã khắc đậm và có ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống tình cảm của em."

Một đề đầy sức hấp dẫn nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với trí tưởng tượng của tuổi thơ, còn một đề gợi nhắc các em nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Những tưởng hầu hết các em sẽ chọn đề 2 - tuổi thơ nào mà chẳng có những kỷ niệm vui buồn đáng nhớ. Vậy mà có trên 40% các em dự thi đã chọn đề 1 - cũng có thể nói là các em đã tỏ ra không muốn đi con đường dễ dàng, dám chấp nhận thách thức để chứng tỏ khả năng của mình. Và quả là trí tưởng tượng của trẻ thơ thật phong phú. Chỉ với hạt sương bé tí và mong manh trên lá cỏ, các em đã dựng nên những câu chuyện, những cuộc đối thoại kỳ thú giữa giọt nước nhỏ nhoi sắp biến hình, khi thì với một em bé tha phương, khi với chị Gió hoặc bác Cổ Thụ... Điều đáng nói nữa là các em đã không để trí tưởng tượng của mình lạc hướng. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng một lẽ sống cao đẹp - nói cách khác là dù trong bước chập chững đầu tiên, các em đã biết hướng công việc sáng tạo của mình tới Chân-Thiện- Mỹ.

Em Nguyễn Thanh Nhật đã mượn lời một cô bé tha phương nói với hạt sương: "... Không vật gì có thể sống mãi cả em ạ. Nhưng hình ảnh em sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người, nếu em làm điều tốt". Và điều tốt có thể chỉ giản dị là "khi mặt trời lên, hạt sương sẽ là một hạt ngọc sống động tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm đẹp." Nhưng chính nhờ vẻ đẹp ấy thu hút các bạn nhỏ tới mà em bé tha phương sắp đói lả đã được cứu sống. Em Võ Thị Diệu Hương và Dương Thảo Nguyên đã thể hiện nỗi niềm của giọt sương lo sợ khi mặt trời lên sẽ tan biến mất, tỏ ý muốn được sống lâu hơn - ít ra thì cũng như lá cỏ, để được nhìn ngắm vạn vật xung quanh; nhưng khi hiểu ra "một giọt sương bốc hơi sẽ là một giọt mưa tưới mát góp ích cho đời" thì trong lòng "lo sợ xen lẫn một niềm vui nho nhỏ." Và khi mặt trời hé rạng, giọt sương đã có thể "mỉm cười trong gió sớm mai."

Khác với đề 1, các em chọn làm đề 2 có thể đưa ngòi bút "tung hoành" một cách thoải mái hơn. Tuy vậy, phần lớn các em đã viết về người mẹ chịu thương chịu khó đã nuôi dạy các em nên người cùng với con chó nhỏ Minô biết chơi đùa và cả biết chia sẻ nỗi buồn cùng em.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù đề tài, nhân vật không có gì mới lạ, lại giống nhau, nhưng bằng những kỷ niệm chân thật của tuổi thơ - cũng có khi là từ những câu chuyện nghe kể lại, các em đã dựng được những cảnh đời sinh động, giàu tính nhân văn. Cuộc đời một em bé không may bên ông ngoại và cây hoa quỳnh đêm đêm đáp lời nguyện ước của em, do em Tôn Nữ Nam Giao thuật lại, như một huyền thoại làm xúc động lòng người. Các em Võ Thị Nhật Hà, Bùi Thị Ngọc Hương, Lê Xuân Lộc cũng dựng chuyện từ những mất mát của tuổi thơ - một người bố tu nghiệp nước ngoài trở về bỏ mẹ con bơ vơ bán vé số; em bé khác thì mất cha vì một tai nạn giao thông, rồi cảnh bố mẹ li dị, mẹ ghẻ con chồng... Những cảnh đời này không khỏi làm chúng ta day dứt nghĩ tới trách nhiệm của người lớn đối với hạnh phúc của trẻ thơ. Cho dù là cuộc đời không thiếu những con người nhân hậu, rút cục rồi các em cũng tìm được nơi nương tựa - khi là bà ngoại, khi là người bố dượng hoặc cô giáo..., nhưng những mất mát của tuổi thơ là vết sẹo đeo đẳng suốt cuộc đời mỗi con người.

Tất nhiên là không phải các em đều viết về những kỷ niệm buồn. Em Nguyễn Minh Phương đã kể lại những ngày hè về quê ngoại thật lý thú với đủ thứ trò chơi, với những món quà bất ngờ ngày chia tay đậm đà hương vị và tình cảm quê hương. Em Nguyễn Thị Bích Thảo trong bài viết kín đặc 5 trang giấy cũng đã kể lại một cách sinh động những kỷ niệm thật dễ thương của tuổi thơ mình...

Không thể nhắc lại đầy đủ những nét đặc sắc trong các bài viết đạt giải của các em ở đây. Hy vọng là chúng ta sẽ cùng được thưởng thức những tác phẩm này trên các trang báo trong một ngày gần đây. Và sau hai cuộc thi trước, hai tập sáng tác "Tiếng chuông ngũ sắc", "Con ốc biển" đã ra đời, thì lần này, những sáng tác chọn lọc hẳn cũng sẽ làm nên tập sách mới, có thể là với cái tên khá gợi cảm: "Những giọt sương sớm long lanh".

Cuộc thi hè 94 đã kết thúc.  Có thể năm sau, các em sẽ lại tham gia cuộc thi khác, với đề tài khác. Cũng có thể sẽ có em "chia tay" với công việc sáng tác văn học sau cuộc thử sức đầu tiên để tập trung sức trau dồi toán học, tin học hoặc là ngoại ngữ... Cho dù vậy, mong rằng các em mãi mãi nuôi dưỡng được trí tưởng tượng và những kỷ niệm tuổi thơ. Có thể nói đó là đôi cánh huyền diệu luôn nâng đỡ con người những lúc gặp khó khăn thử thách và giúp cho con người bay tới mục tiêu cao đẹp của mình.

N.K.P
(TCSH67/09-1994)

 

 

 

Các bài mới
Hoa Lục Bình (15/04/2024)
Dì tôi (19/03/2024)
Dưới gốc cau (29/09/2023)
Các bài đã đăng
Còng biển (30/05/2022)
Có một cô bé (27/05/2022)
Ánh dương (07/07/2021)