Văn nghệ trong nước
Cuộc sống ở bên cạnh
10:48 | 16/07/2013

Cuốn tiểu thuyết thứ tư của họa sỹ - nhà văn Đỗ Phấn, Gần như là sống (NXB Trẻ, 2013), cũng gần như là lời xác nhận cho sự định vị một phong cách tiểu thuyết. Hay dở chưa vội bàn, nhưng nó thống nhất từ cuốn đầu tới cuốn mới nhất, và nó, có thể nói, “biệt ra một phái”. Cả về cái viết, cả về cái được viết, cả về kiểu nhân vật với kiểu tâm thế của một giới xã hội đặc thù.

Cuộc sống ở bên cạnh

Gần như là sống được mở ra bằng một không gian biển và khép lại bằng một không gian núi. Còn khoảng giữa, chiếm hầu hết dung lượng cuốn sách, là không gian đô thị. Là Hà Nội của ngày hôm nay, trên và dưới, trước và sau, hùng hục, sùng sục, quần quật trong công cuộc mưu sinh, làm giàu, hưởng thụ, và cả tự hủy. Có gì để nói về Hà Nội? Hàng ngày, nếu không ra đường để tự mình trải nghiệm, chỉ cần lật giở báo giấy hay bấm vào báo mạng, ta đã có thể có hình dung của mình về bức tranh đô thị Hà Nội: vẻ đẹp của sự hài hòa cân đối đang ngày một rút giảm, thưa vắng. Cũng có nghĩa rằng: cái xấu của sự bấn loạn, xộc xệch, nhớn nhác, nhem nhếch, lôi thôi đang ngày một loang rộng. Nhưng đó là kết quả của phản ánh báo chí, và nếu chỉ coi thế là đủ, là hết kiệt, thì sự tồn tại của người sáng tác văn chương đương nhiên sẽ trở nên vô nghĩa. May thay, vẫn có những người viết văn không chấp nhận sự đương nhiên ấy. Họ, bằng sự mẫn cảm riêng có của mình, cho ta được cách hình dung khác trước những hình ảnh mà ta tưởng đã quá đỗi quen nhờn. Ở Hà Nội, chẳng ai lạ cảnh những đường phố nhộn nhịp đến mức hỗn loạn. Nhưng trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn, nó đã có lúc trở nên một hình ảnh thật kinh dị: “Chợt thấy con phố không hình thù. Không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Tất cả như rơi xuống từ trời vào một chiếc túi cao su co giãn trong suốt bùng nhùng quẫy đạp dưới tinh khôi nắng sớm… Thấy mọi người như dính vào nhau trong chiếc bào thai khổng lồ giữa con đường hai cạnh sắc. Rùng rình rùng rình. Tràn vào từng ngôi nhà qua những khuôn cửa tối không định hình. Mất hút. Gồ cao và lõm sâu như sóng. Lao nhao như gạo sôi trong nồi cơm thủy tinh. Lật đật như đám cung quăng trong bể cá” (tr 212, 213). Đó là ảo giác đột hiện khi không gian đô thị được nhìn ở dưới thấp, theo chiều ngang. Còn khi không gian đô thị được nhìn xuống từ chiều cao của các khu chung cư, “niềm tự hào quái dị bằng bê tông đúc sẵn có trổ những lỗ vuông nghìn cái như một”, thì đây: “Nhìn qua ô cửa kính lắp chết không thể thấy được con phố dưới chân tòa nhà tọa lạc. Chỉ thấy xa xa là một vài building như chính hình ảnh của mình trong gương. Ký ức về ranh giới thành phố nơi mình ở hoàn toàn bị xóa sạch. Chỉ còn lại một hỗn mang vô bờ bến” (tr 268). Và đây nữa: “Những tòa nhà cao ốc mọc lên bên ngoài cửa kính với mật độ dày như rau mầm. Chỉ nhìn thấy phần chóp ngang tầm lấm chấm những ô cửa đều đặn như mắt lưới. Kheo khư nhẹ rỗng. Bên dưới là mông lung một biển bụi bao la. Im lặng. Những con chim bồ câu bay ngược sáng đen sì chốc chốc lại buông mình mất hút trong mờ mịt bên dưới” (tr 315, 316). Có thể nói, trong cảm nhận của nhân vật Gần như là sống, không gian đô thị là một thế giới không thân thiện. Nó xa lạ và vô cảm với con người. Thậm chí, nó thù địch với con người. Thế nhưng, trong thế giới ấy, người ta vẫn cứ phải sống, phải xác lập những mối quan hệ xã hội nhất định để có thể sống. Nhiều khi là phải chấp nhận những mối quan hệ ấy, như không thể khác. Tự do duy nhất mà người ta có trong trường hợp này chỉ là cái quyền được gán cho nó thứ giá trị nào đó, theo cách của mình. Đó cũng chính là vấn đề của Thành, nhân vật người kể chuyện xưng Tôi trong Gần như là sống.

Thành thuộc một kiểu người luôn ý thức được về tình thế tồn tại của mình, không chỉ ở những bước ngoặt cuộc đời lớn lao, mà cả ở từng vết rạn, từng mấp mô tinh vi nhất. Anh luôn có xu hướng tự tách bản thân thành hai cái tôi: một cái tôi hành động; và một cái tôi quan sát, chiêm nghiệm, nhận định, bình giá về cái tôi hành động này. Anh biết rằng mình đang làm những công việc “gần như là làm”; đang có những người bạn “gần như là bạn”; anh đến với đàn bà hoặc đàn bà đến với anh, đến rồi đi, theo cái cách “gần như là yêu”. Tóm lại, đây là tình thế tồn tại “gần như là sống”. Nghĩa là sống đấy mà như chưa hẳn là sống, chưa hoàn toàn là sống. Cái tình thế tồn tại nước đôi, chênh vênh, chập chờn này bắt rễ từ mối quan hệ cũng đầy tính chất nước đôi của Thành với chính không gian sinh tồn: đô thị Hà Nội ngày hôm nay (tôi nhấn mạnh chữ hôm nay). Thành, như chính anh tự nhận, là “dân phố lâu đời”, là “thị dân cũ” của Hà Nội. (Một vài nhà Hà Nội học quen tính sốt sắng lại thích thay những cụm từ này bằng một cụm từ khác, sang hơn, nhưng cũng đáng nghi hơn: dân Hà Nội gốc?) Anh được hấp thụ một sự dạy dỗ khác, quen với một nền nếp sinh hoạt khác, neo bám vào một bảng đánh giá các giá trị đời sống khác. Khác với các lớp “thị dân mới” từ hơn nửa thế kỷ nay đã và vẫn đang ào ạt từ khúc ruột miền Trung tràn ra, từ rừng núi đi xuống, từ đồng bể đi lên, chiếm lĩnh và nhào nặn nên chính một đô thị Hà Nội phồn và tạp của ngày hôm nay. Một Hà Nội mới. Thành là người cũ trong cái mới đó. Với nó, anh vừa bị hút vào lại vừa bị đẩy ra. Thành chấp nhận những quy tắc thành văn và bất thành văn của Hà Nội mới, thậm chí anh cũng chẳng chối từ tham gia vào những trò vui mà nó bày ra. Nhưng đến cùng thì anh vẫn không sao hòa nhập được vào trong nó như một thể thống nhất, hữu cơ. Cái cảm giác hụt hơi của một người cũ trước sự chuyển vận của cái mới, cái mặc cảm của kẻ bị gạt ra bên lề, bị bỏ lại đằng sau luôn trở đi trở lại với Thành. Sau một cuộc ăn chơi phóng túng hình hài cùng đám bạn doanh nhân: “Thành phố đã âm thầm thay đổi ngay trước mắt tôi từ bao giờ không biết nữa. Bắt đầu từ chốn ăn chơi này. Có vẻ như nó đã bỏ tôi ì ạch chậm lại trong thành phố cũ. Rêu phong tựa như đã lan man bén rễ trên từng ngón tay tôi suốt một buổi chiều” (tr 265). Trong một buổi sáng mùa đông không mùi: “Buổi sáng với tôi như chưa có buổi sáng. Cắm cúi đi trên đường chỉ để chứng tỏ mình vẫn là một phần của thành phố. Mình thuộc về nó nhưng nó đã thuộc về những ai ai…” (tr 328). Sự nhạt nhẽo, rời rạc, ơ hờ như thế này, giữa con người với môi trường sống, tìm được ảnh xạ trung thành nhất của nó trong quan hệ nam nữ của Thành. Thành có nhiều đàn bà (không tính cô vợ cũ), hết người nọ đến người kia. Người đến thoáng qua, người lâu hơn một chút, mức độ tình cảm cũng đậm nhạt khác nhau tùy từng người, song với anh thì tất cả, đến cùng, vẫn chỉ gần như là yêu. “Yêu với tôi có nghĩa là từng cuộc riêng lẻ chứ không bao giờ trở thành một giai đoạn. Xong một cuộc cũng chưa bao giờ ấn định thời gian cho cuộc sau. Không băn khoăn cân nhắc gì nhiều” (tr 190). Không còn đâu huyền thoại “Tại thiên nguyện vi liên dực điểu/ Tại địa nguyện vi liên lý chi”. Hai con người khác giới tìm đến với nhau, đó chỉ là “một sự việc” giữa trăm nghìn sự việc khác vẫn xảy ra hàng ngày trong cái đời sống đô thị bộn bề này…

Tuy nhiên, cái gốc gác “thị dân cũ” cũng chính là một thứ vũ khí mà Thành sử dụng để đạt được thắng lợi tinh thần trước những “thị dân mới” đầy hãnh tiến. Sự cao ngạo ngầm lướt cái nhìn kẻ cả của nó lên tất cả các phương diện sinh hoạt của thị dân mới ở Hà Nội: ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, thưởng ngoạn nghệ thuật v.v… Và ở đâu, nó cũng bắt gặp những biểu hiện của sự lệch chuẩn, lố lăng, đáng buồn cười. Về điểm này, có thể khẳng định rằng đó chính là sở trường của Đỗ Phấn. Vốn sống, sự trải đời đến lọc lõi và con mắt quan sát tinh tế đến mức tinh quái của một dân phố chính hiệu luôn giúp tác giả tìm thấy “con mồi” của mình. Ông không lên án, đả kích hay phê phán. Qua miệng nhân vật, ông chỉ tung ra những câu bình luận đủ khiến người ta phải bật cười. Về cung cách uống rượu phổ biến của người thành phố bây giờ: “Rất hùng dũng tự tin. Đã nâng lên là cạn. Nhiều khi còn hô hoán một hai ba vui bầy đàn. Về đến tận thành phố mà vẫn tơ tưởng bầy đàn? Hay thành phố là nơi rất cần có bầy đàn?” (tr 42). Về cái lối cứ trưng ra những chiếc túi xách hàng hiệu của vài quý bà khi tiếp đón khách quan trọng trên tivi: “Trông rất ngộ nghĩnh nhí nhảnh và không khỏi liên tưởng đến tình hình trị an nước nhà có kém phần tin cậy” (tr 139). Về giới họa sỹ thời thượng và những câu chuyện xoay quanh rặt nhãn mác quần áo và xe hơi của họ: “Họa sỹ nước mình thì tất cả những người không có mặt ở đây đều đứng sau những ông này. Hội họa quả là một ngành nghệ thuật đáng để dấn thân. Đã vào đấy là không có chuyện xếp thứ nhì” (tr 130). Những câu bình luận kiểu như vậy rải suốt cuốn tiểu thuyết. (Theo tôi, có lẽ cần phải xem đây như một lịch sử được lặp lại: giữa thế kỷ XIX, nhà nho Cao Bá Quát đã chẳng từng kiêu kỳ mà “bái ngảnh cùng anh hàng phố” đó sao?). Nhưng thú vị nhất là những câu bình luận về quan hệ yêu đương nam nữ. Tôi sẽ trích dẫn hai câu. Nó đúng hay sai, xin nhường lời cho các nhà đạo đức học hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Tôi chỉ mạn phép nói rằng đây là những cố gắng của tác giả trong việc minh bạch hóa phần nào một cõi vốn tồn tại rất nhiều mù mờ. Một: “Tôi chẳng biết câu thành ngữ Việt “hoa có chủ” là ngợi khen đàn bà hay cảnh báo đàn ông. Chỉ thấy nó vô nghĩa. Ngợi khen kiểu ấy là hạ thấp đàn bà như nô lệ. Còn đàn ông xưa nay thường vẫn vượt qua cảnh báo ấy một cách dễ dàng. Bởi có đàn bà giúp sức” (tr 22). Hai: “Loài người chưa bao giờ chế tạo ra những loại rượu để uống với nhau. Rượu luôn được uống với những thứ không phải là rượu. Nhưng làm tình thì đừng nói rằng không làm với những thứ không có tình. Nói thế là đạo đức giả” (tr 190).

Gần như là sống của Đỗ Phấn, theo tôi, là một kiểu tiểu thuyết - tản văn. (Đỗ Phấn vốn rất sở trường ở thể tản văn). Tiểu thuyết có chuyện mà không có truyện. Nó miên man trôi đi theo nhịp sống bình thường hàng ngày và dòng ý thức của nhân vật. Sự kiện chỉ được kể lướt qua. Nhưng cảm giác của nhân vật về sự kiện xảy ra với mình, trên mình thì được viết rất kỹ bằng một lối hành văn tinh tế, giàu biểu cảm. Theo ý chủ quan của tôi, sẽ không quá nếu dùng lại ở đây một câu mà nhà phê bình văn học Pháp Georges Bataille đã dùng, khi nói về Marcel Proust: một năng lực quan sát đắm mình vào sự quan sát. Cách viết ấy tô đậm thêm một tâm thế sống, dẫu chỉ là tâm thế sống của một thiểu số, đang hiện diện giữa đời sống: cuộc sống không ở trước mặt (nhan đề một tác phẩm của Romain Gary), mà nó ở bên cạnh.

Theo Hoài Nam - ĐBND

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng