Văn nghệ trong nước
Vẫn "khát" các nhóm nhạc chuyên nghiệp
15:25 | 19/07/2013

Trong khi phong trào người người làm ca sĩ vẫn bùng nổ như "nấm sau mưa" thì lại tồn tại một nghịch lý là các nhóm nhạc đang ngày càng ít đi. Tình trạng tan rã liên tục hoặc giậm chân tại chỗ của các nhóm nhạc khiến cho đời sống âm nhạc Việt Nam đang mất dần sự cân bằng và phong phú vốn có.

Vẫn "khát" các nhóm nhạc chuyên nghiệp
Ban nhạc Bức Tường thời hoàn kim

1. Có thể nói, cách đây 10 năm là thời kỳ hoàng kim của các nhóm, các ban nhạc Việt. Những khán giả yêu nhạc không thể không nhớ tới những ban nhạc đã làm mưa làm gió trên các sân khấu lớn cũng như trên các chương trình truyền hình thời bấy giờ như "Bức tường", "Quả dưa hấu", "Tam ca Áo trắng", "Tam ca 3A", "Con gái", "Tik Tik Tak", "Ba con mèo", "Năm dòng kẻ"… Dù phong phú, đa dạng như vậy nhưng mỗi nhóm nhạc đều mang một phong cách riêng và hướng đến những nhóm đối tượng khán giả cụ thể nên sự phân khúc thị trường cũng khá rõ ràng. Nếu như "Bức tường" dành cho những khán giả yêu chuộng dòng nhạc rock thì "Quả dưa hấu" lại có sở trường là những ca khúc nhẹ nhàng, trữ tình. Nếu như nhóm "Mắt ngọc", "Mây trắng", "HAT" hướng đến khán giả lứa tuổi teen thì "Tam ca áo trắng", "Con gái" lại chọn cho mình dòng nhạc dành cho thiếu nhi và nhạc trẻ, trữ tình. Nhóm "3A" với những giọng hát nổi trội như Minh Ánh, Minh Anh, Ngọc Anh thành công với những ca khúc đậm chất trữ tình thì "Tik Tik Tak" lại thành công với nhiều ca khúc nước ngoài…

Một điều dễ nhận thấy là dù số lượng rất đông nhưng mỗi nhóm đều ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi những ca khúc "đinh" của mình. Sự tập luyện kỹ lưỡng về giọng hát, phong cách biểu diễn và chọn bài phù hợp luôn được thể hiện trong từng sản phẩm và là nguyên nhân quan trọng tạo nên sự thành công ở các ban nhạc này. Và, một điều quan trọng là hầu như các nhóm không có sự thay đổi thành viên. Những thành viên của các ban nhạc này đều đến với nhau từ sự đồng cảm trong âm nhạc và dường như tất cả đều  không có người đỡ đầu. Chỉ có tình yêu âm nhạc gắn kết những thành viên với nhau và họ làm việc khá hòa thuận, hiệu quả.

Nhưng khi các nhóm nhạc đình đám một thời chia tay khán giả bởi tuổi tác, phong cách không còn phù hợp với việc hát nhóm nữa, bởi có thành viên chuyển sang hát solo hay làm công việc khác thì thị trường nhạc Việt bộc lộ sự thiếu hụt nhóm nhạc kế cận xứng đáng.

Trước tình trạng này, một số nhóm nhạc trẻ lần lượt ra đời. Hiện tại, có thể kể tới một số cái tên như V. Music, The Men, 365... Còn không ít nhóm nhạc chỉ giữ được sự hăng say một thời gian ngắn, sau đó, họ lu mờ dần rồi mất hút từ lúc nào như La Thăng, Unlock band, PSS. Lại có ban nhạc vừa ra đời, chưa có bất kỳ sản phẩm âm nhạc nào đáng chú ý thì lại xảy ra những chuyện lùm xùm xung quanh việc liên tục thay đổi thành viên và những rắc rối mâu thuẫn giữa nội bộ các thành viên như Amigo G… Đó là những nhóm nhạc vừa ra đời, chưa kịp cho khán giả biết tên đã nhanh chóng mất hút khỏi làng nhạc Việt như chưa từng tồn tại.

Các nhóm nhạc còn tồn tại cũng lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Nhóm nhạc X5 gồm 5 thành viên nữ có xuất phát điểm từ chương trình tìm kiếm nhóm nhạc "Sáng bừng sức sống" nhưng sau gần 1 năm chính thức ra mắt, vẫn chưa có sản phẩm thật sự khiến khán giả chú ý ngoài MV "Nơi con tim bình yên". Ba hotgirl Hà Nội là Emily, Hạnh Sino và Huyền Baby cũng thành lập nhóm nhạc nữ mang tên B.sily. Tuy nhiên sau sản phẩm đầu tay "Dù em vẫn biết" thì làng nhạc vẫn không thấy có thêm bất kỳ một đóng góp gì của nhóm nhạc này. Nhóm "Artista" của bà "bầu" Hồ Quỳnh Hương cũng "im thin thít và lặn mất tăm" ngoài một vài lần hiếm hoi hát trong chương trình "Bài hát yêu thích". Nhóm "BOT" của Phi Thanh Vân dù khi ra mắt có rất nhiều dự định nhưng sự thực thì xuất hiện ở sự kiện nhiều hơn trên sân khấu ca nhạc.


Dù có ngoại hình bắt mắt mang phong cách các nghệ sĩ Hàn Quốc nhưng nhóm “BOT” chưa có nhiều đóng góp cho âm nhạc.


2. Vẫn biết ngày nay, công thức để một ca sĩ hay nhóm nhạc trở thành nổi tiếng rất khác so với trước đây. Nếu như trước đây, chỉ cần có giọng hát hay, ngoại hình ổn, ca khúc phù hợp là có thể tập hợp thành một nhóm nhạc. Nhưng hiện nay, ngoài những yếu tố trên, muốn chen chân được vào làng nhạc phải có người quản lý, có một đường lối phát triển hình ảnh, có chiến lược lăng xê và quan trọng nhất phải có tiềm lực kinh tế. Thế nên, trong thời buổi khó khăn hiện nay, không bầu sô nào mạo hiểm đầu tư cho cả một ban nhạc với kinh phí gấp nhiều lần so với đầu tư cho một cá nhân. Hiện nay, có khá nhiều những ban nhạc có sự đỡ đầu của các ca sĩ nổi tiếng như các chàng trai của nhóm 365 thuộc công ty giải trí VAA của Ngô Thanh Vân, V. Music có sự đỡ đầu của ca sĩ nổi tiến g "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" Hồ Ngọc Hà hay nhóm nhạc "Artista" gắn liền với ca sĩ Hồ Quỳnh Hương là một cách rút ngắn con đường, tận dụng sự nổi tiếng, fan hâm mộ của những người đứng đầu này.

Một điểm chung là các ban nhạc hiện nay đều có hình thức lộng lẫy bắt mắt nhưng điều gì đã khiến những nhóm nhạc không khẳng định được mình? Trước hết, các nhóm nhạc Việt đang phải chịu sự so sánh rất không cân xứng giữa họ và những nhóm nhạc đình đám của thế giới như Hàn Quốc, Anh, Mỹ.  Đặc biệt là Hàn Quốc với những nhóm nhạc vượt trội về hình thức và phong cách vũ đạo, cuốn hút khán giả. Trong khi các ban nhạc nước ngoài chuyên nghiệp từ việc biểu diễn trên sân khấu đến khâu trả lời phỏng vấn trong hậu trường thì các ban nhạc Việt bộc lộ rõ sự "nửa mùa". Cách ăn mặc, đầu tóc tuy thời trang nhưng thực ra là bắt chước các ca sĩ thần tượng nước ngoài.

Không tạo được dấu ấn riêng là điều khiến các ban nhạc hiện nay không ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Trước đây, chỉ cần nhắc đến "Quả dưa hấu" là khán giả nhớ tới những ca khúc như "Hè muộn", "Mặt trời dịu êm", "Hát với chú ve con", nhắc tới "Tam ca áo trắng" là "Bồ câu không đưa thư", "Góc phố dịu dàng", "Tam ca 3A" là "Mong ước kỷ niệm xưa"… nhưng hiện nay, thật khó có thể nhớ được nhóm nhạc này có được ca khúc gì. Hình thức đều na ná các ban nhạc Hàn Quốc, ca khúc cũng na ná nhau. Nếu không phải là những ca khúc rên rỉ ỉ ôi thì cũng là những ca khúc nhảy nhót tưng bừng. Họ quan tâm nhiều đến việc thay đổi trang phục, đầu tóc hơn là  đầu tư kỹ lưỡng cho những sản phẩm âm nhạc.

Không bắt kịp xu hướng khán giả, thiếu vốn đầu tư, không nhất quán về quan điểm nghệ thuật, thù lao, mâu thuẫn cá nhân là những nguyên nhân khiến các nhóm nhạc tan rã. Không ít minh chứng cho thấy, bất kỳ một sự xáo trộn nào về mă åt nhân lực cũng khiến các ban nhạc khó giữ được phong độ như ban đầu. Trước đây, "Mây trắng" và "Mắt ngọc" cũng đã từng rơi vào tình trạng năm lần bảy lượt thay đổi thành viên nên hoạt động của nhóm chìm dần. Gần đây nhất, khi Hồ Đức Lợi được thay thế cho Lê Thiên Bảo khi Bảo rút khỏi nhóm V. music thì nhóm cũng không đạt được phong độ như ban đầu.

Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta thiếu hụt các nhóm nhạc là thiếu sân chơi dành cho các nhóm ca. Hiện nay, trên sóng truyền hình tràn ngập các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nhưng mục đích chỉ là tìm những cá nhân đơn lẻ, chưa có một sân chơi nào dành cho các nhóm nhạc thể hiện. Gần đây nhất, đầu tháng 6 vừa qua, trong chương trình "Tôi là người chiến thắng", lần đầu tiên một chương trình thi hát lại có bảng dành cho các nhóm ca. Và các nhóm nhạc đã khiến khán giả thực sự bất ngờ khi mang đến những tiết mục đặc sắc như "Dòng thời gian" nhẹ nhàng mà cuốn hút với "Hương ngọc lan", "Leaders" với tiết mục rock sôi động hay “Cocoband” thì lại mang đến một không khí hoàn toàn khác biệt với âm nhạc Latin… Điều này cho thấy, khán giả luôn dành những tình cảm yêu mến cho những nhóm nhạc đúng nghĩa.

Việc tồn tại những nhóm nhạc là một điều cần thiết với âm nhạc Việt vì nó sẽ khiến đời sống âm nhạc phong phú hơn. Thực tế, ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như xa hơn là Anh, Mỹ đã từng thu bội tiền từ những nhóm nhạc đình đám. Hiện tại là thời điểm vàng để đầu tư vào các nhóm nhạc. Và rõ ràng, nếu được đầu tư đúng hướng, các nhóm nhạc sẽ có khả năng thu hút khán giả hơn bất kỳ ca sĩ đơn lẻ nhạt nhòa nào.

Theo Khánh Thảo - VNCA

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng