Văn nghệ trong nước
Truyện ngắn, những tín hiệu mới
09:10 | 16/08/2013

Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng tôi tin rằng hàng năm, nếu tính trên đầu sách được in ra, xét riêng ở lĩnh vực văn xuôi, chắc chắn các tập truyện ngắn sẽ vượt trội tiểu thuyết. Bởi, do tính chất đặc trưng của chúng - chủ yếu là về dung lượng tác phẩm và về phương thức chiếm lĩnh hiện thực - truyện ngắn thường dễ viết (hay dở lại là chuyện khác) và dễ được gắn với nhau theo nhiều cách để trở thành các “tuyển tập truyện ngắn”.

Truyện ngắn, những tín hiệu mới

Những năm vừa qua, ở Việt Nam, sự xuất hiện của đủ các loại tuyển tập truyện ngắn có lẽ cần phải được hình dung bằng hình ảnh “như nấm sau mưa”. Nhưng có gì đáng chú ý? Phải nói thật là rất ít. Ngoài một vài tác giả (đếm trên đầu ngón tay) xây dựng được phong cách truyện ngắn đặc dị, số còn lại đều chìm vào mẫu số chung tầm thường, nhàn nhạt, đều đều. Mà ngay cả những tác giả kia, khi cứ kéo dài mãi phong cách đặc dị của mình, thì rồi cũng khiến cho truyện ngắn quay trở lại thời kỳ thiếu muối.

Trong bối cảnh như vậy, đáng mừng là đã xuất hiện vài tín hiệu mới. Tôi muốn nói tới hai tập truyện ngắn được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành giữa năm 2013: tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí, và tập Cõng nhau trong một cõi người của Hoàng Công Danh. Cái mới ở đây thể hiện trên cả hai phương diện: 1. chúng đều là tập truyện đầu tay của những tác giả còn khá lạ lẫm trên văn đàn; 2. chúng khai thác những vùng đất mà chưa mấy người viết đặt chân tới và thể hiện ra bằng những giọng điệu văn xuôi mang được nét riêng, ít gặp.

Từ Lời giới thiệu trong tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương và Thay lời tựa trong tậpCõng nhau trong một cõi người - đều do nhà văn Hồ Anh Thái viết - chúng ta có một vài thông tin về lý lịch trích ngang của hai tác giả: Nguyễn Trí sinh năm 1956 tại Bình Định, quê gốc Quảng Bình, phiêu bạt từ Huế lên Tây Nguyên, vào Sài Gòn, hiện định cư ở Đồng Nai. Ông từng làm đủ nghề như tìm trầm, đào đãi vàng và đá quý, chặt củi đốt than, dạy tiếng Anh, thậm chí làm cả nghề đồ tể. Hoàng Công Danh sinh năm 1987 tại Quảng Trị, tốt nghiệp ngành Vật lý tại Đại học tổng hợp Quốc gia Belarus. Từ nhỏ anh hay được ông nội đưa đi thăm viếng các chùa, được nghe ông cùng các sư thầy đàm đạo. Những bản lý lịch trích ngang này, một cách khách quan, như lời cắt nghĩa cho việc tại sao hai tác giả lại tập trung đi sâu đến thế vào hai mảng hiện thực cụ thể. Với Nguyễn Trí, đó là cuộc sống của những con người len lỏi nơi rừng xanh núi đỏ, chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình trong công việc đào đãi vàng, đá quý, tìm trầm. Để sống. Còn với Hoàng Công Danh, đó là cuộc sống của những người xuất gia tu Phật và những sinh hoạt thường nhật trong khuôn viên một ngôi chùa làng. Theo sự quan sát của tôi về truyện ngắn Việt Nam những năm gần đây - dĩ nhiên còn xa mới có thể khẳng định được là vừa bao quát vừa cặn kẽ - thì hai mảng hiện thực này, xin nhắc lại điều đã nói ở trên, là hai vùng đất mà chưa mấy người viết đặt chân tới. (Tôi chợt nhớ đến một trường hợp tương tự: Trương Anh Quốc, tác giả của tập truyện ngắn Sóng biển rì rào và tiểu thuyết Biển. Xuất thân là một thủy thủ tàu viễn dương, Trương Anh Quốc có lẽ là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam viết về cuộc sống của những người thủy thủ quanh năm suốt tháng theo hải trình lênh đênh đi đến những bến lạ bờ xa). Sự mới lạ của cái được viết, xét cho cùng, hẳn sẽ mang lại điều gì đó thích thú cho cái đọc của người đọc. Nhưng cũng không chỉ có thế.

 Trước hết là tập truyện ngắn của Nguyễn Trí. Trên một phương diện nhất định, chuỗi truyện gây ấn tượng mạnh nhất trong tập (nửa đầu) có thể được đọc như một phóng sự điều tra về những chuyện bếp núc của việc đào đãi vàng, đá quý, tìm trầm hương. (Nửa sau của tập là những truyện về công nhân khu công nghiệp, gái làng chơi… tạm thời không nằm trong sự quan tâm của người viết bài này). Tác giả Nguyễn Trí miêu tả rất chi tiết những “công đoạn chuyên môn” như đào hầm, cừ hầm, khui hầm, đánh bổi, đánh sái, phân kim, cắt rừng, lập bầu, đi địu, nghệ thuật cầm rìu, nạo trầm, xỉa trầm v.v… Rồi cuộc sống tối tăm của những kẻ giang hồ tứ xứ, lấy việc khoét rỗng ruột gan trời đất làm kế sinh nhai, cũng được ông kể lại rất sinh động: kéo bè kết nhóm, cờ bạc, nhậu nhẹt, đĩ điếm, ăn cướp, ăn chặn, lừa đảo, thanh toán lẫn nhau v.v… Không phải người trầm mình trong thế giới ấy, không thể có những trang viết “sống” như vậy được. Nhưng Bãi vàng, đá quý, trầm hươngvẫn đậm phẩm tính của một tác phẩm văn chương. Bởi, trước hết, nó thành công trong việc phác lên một mẫu nhân vật đặc biệt: những con người mang sẵn trong mình chất phiêu bạt chân trời góc bể, sự can đảm đến mức liều lĩnh, sự ngang tàng đến mức lỳ lợm, tinh thần hảo hớn nghĩa hiệp kiểu “giữa đường thấy sự bất bằng mà tha”. Và… khá “sến” (dường như “hảo hớn” và “sến” là những phẩm chất thường hay kề vai sát cánh với nhau thì phải?). Họ có thể coi cái chết nhẹ như không, họ có thể lao vào những trận huyết chiến một cách điên cuồng, nhưng cũng luôn sẵn nước mắt để mủi lòng trước những cảnh mẹ góa con côi, sẵn lòng ra tay cứu độ những thân phận gái làng chơi đến hồi bướm chán ong chường. Bặm trợn đấy, rồi lại u sầu rũ rượi khi ôm đàn ngâm nga mấy câu vọng cổ não nề, mấy câu nhạc bolero khóc than cho kiếp nghèo, đời bạc, tiền hết, tình tan. Khóc, cười, tất cả đều có… Sau nữa, phẩm tính văn chương của Bãi vàng, đá quý, trầm hương nằm ở cách kể chuyện của tác giả, một cách kể chuyện tưởng như có gì nói đấy, tiện đâu kể đấy, nhưng đầy chủ ý. Câu chuyện được dẫn dắt bằng giọng của người kể chuyện ở ngôi thứ ba số ít, nhưng nhiều khi người kể chuyện lại phân thân thành một vai khác, tạo nên sự đối đáp bên trong, “làm mồi” cho chuyện kể: “Sao mà bẩn thế? Đàn anh ai lại dấn thân vào lãnh vực này? Sao lại sợ bị xù? Cứ làm như phố thị đưa tiền cho má mì, má mì sẽ điều gái cho anh, quỵt làm sao được? Phố khác, rừng khác. Bộ tưởng rẻ lắm sao? Xuống hầm một ca khổ như trong Papillon người tù khổ sai, được chỉ vàng, chung hai phân cho nửa tiếng ôm ma nữ. Đưa tiền trước, chưa kịp làm ăn gì thằng chồng nó xuất hiện, đã mất hết còn bị bạt tai. Ngu à? Chưa kể ba cái bệnh xã hội…” (Truyện Bãi vàng Tr. 27). Cứ thế, câu chuyện trôi đi, sinh động, cuốn người đọc về phía những cuộc đời giang hồ bị khuất lấp nơi góc rừng.

Tập truyện ngắn Cõng nhau trong một cõi người của Hoàng Công Danh lại gây ấn tượng theo một cách khác: nó nêu vấn đề rất nhẹ nhàng nhưng “bắt” người đọc phải vướng víu suy nghĩ mãi sau khi đã gập cuốn sách. Nhà văn Hồ Anh Thái viết: “Tập truyện này cho ta ấn tượng như đọc một tiểu thuyết. Một ngôi chùa ở đâu đó giữa miền Trung. Một nhà sư, một chú tiểu và thấp thoáng một chị bán vải là Phật tử”(Thay lời tựa: Từ nơi có bóng mát. Tr. 5). Quả đúng như vậy. Tập truyện của Hoàng Công Danh có cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết, trong đó, mỗi chương chính là một truyện ngắn độc lập. Các chương ấy (hai mươi ba chương cả thảy) liên kết với nhau không phải bởi những yếu tố như chi tiết, sự kiện, biến cố… mà là bởi sự xuyên suốt của ba nhân vật: sư thầy, chú tiểu (điệu) Sanh và chị bán vải. Chỉ ba nhân vật thôi, và chỉ dưới mái chùa ấy thôi, nhưng cả một thế giới đã hiện ra. Cái thế giới được nhìn qua cặp mắt một đứa trẻ, vậy nên nó “Ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, nhưng sáng rõ, rành mạch”(Thay lời tựa. Tr. 5). Tuy nhiên, đây lại là một đứa trẻ học Phật, vì thế mà, dù muốn hay không, cái nhìn của nó đã không thể còn là cái nhìn “trong suốt” đến mức không tải như của một đứa trẻ bình thường. Đọc truyện, dễ nhận thấy ở nhiều trường hợp, ngay trong những suy nghĩ bất chợt hoặc những câu nói được thốt ra hết sức hồn nhiên của điệu Sanh, đã ngầm ẩn những công án Thiền. Khi các đệ tử bỏ chùa đi vì nghi ngờ sư thầy vướng tơ lòng với chị bán vải, không còn ai nhặt lá si rơi đầy trong sân chùa, câu hỏi của điệu Sanh đặt ra quả đúng là một nan đề: “Thế ai sẽ nhặt hả thầy? Các sư huynh đi cả rồi. Có phải thầy sẽ nhặt không?” (Ai nhặt lá? Tr. 26). Trò chơi đồng âm ở đây, tự nó, đã khởi động một liên tưởng: làm thế nào để cho sạch Sân, Si trong tâm mình? Hoặc, sau một ngày vào thành phố cùng sư thầy, ấn tượng đọng lại trong điệu Sanh đã được chú bật ra thành một câu hỏi, mà chắc rằng sẽ khiến cho các Thiền giả phải lắc đầu chịu thua: “Con thấy dưới phố ai cũng đeo theo mình một cái bóng đen, cả thầy cũng có. Làm sao dứt được cái đó hả thầy?”(Bóng đổ trên đường đi. Tr. 38). Nhưng đáng chú ý hơn nữa ở tập truyện của tác giả còn rất trẻ này, là sự biểu hiện của một tinh thần phản tư. Phản tư trước định lực của con người trên đường học Phật. Phản tư không phải để đánh đổ hay nhạo báng, mà là để nhận chân sức trì níu của ngoại giới và sức trì níu ngay trong chính cái tự ngã của mỗi người tu tập, cũng là để có cái nhìn nhân ái hơn. Ví như truyện Lạc, kể về việc sư thầy và chị bán vải đi tìm điệu Sanh, trời tối, bị lạc trong rừng. Tác giả kết truyện bằng lời của người kể chuyện như sau: “Vẫn may là còn một đống lửa, không thôi có khi nửa đêm trời lạnh phải ôm chầm lấy nhau cho đỡ rét. Mà biết đâu được? Một khi đã lạc thì khó ai lường trước chuyện gì sẽ xảy ra” (Lạc. Tr. 157). Đáng ngạc nhiên, vì thật ra đó là cái nhìn của một con người đủ từng trải để trở nên đủ độ lượng.

Người nào đó từng cho rằng, có những cuốn sách được viết ra từ những cuốn sách, và có những cuốn sách được viết ra từ bản thân cuộc đời. Nếu là như vậy, tập truyện của Nguyễn Trí và tập truyện của Hoàng Công Danh thuộc về loại sách thứ hai. Một sự may mắn, vì không phải ai cũng có những cuộc đời như vậy, và quan trọng hơn, không phải ai cũng đủ năng lực và ý chí, sự thôi thúc muốn biến những trải nghiệm đời sống của mình thành tác phẩm mang lại chút ít cái mới cho đời sống văn chương trong hiện tại. Vấn đề còn lại chỉ là: hai tác giả mới này, sau tập truyện đầu tay, sẽ tiếp tục cái mới của mình như thế nào?

Theo Hoài Nam - ĐBND
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng