Văn nghệ trong nước
Trang phục trong phim: Cần sự đầu tư thỏa đáng
09:44 | 13/09/2013

Trang phục khắc họa bản sắc, tính cách nhân vật và làm giàu có miền ký ức của khán giả nhưng trang phục cũng có thể làm ký ức ấy bị tổn thương. Đó là chia sẻ của TS Vũ Ngọc Thanh tại hội thảo “Tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” do Hội Điện ảnh Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cùng Hội đồng lý luận Văn hóa nghệ thuật Trung ương tổ chức mới đây.

Trang phục trong phim: Cần sự đầu tư thỏa đáng

Cụ thể hơn trang phục điện ảnh là quần áo, trang sức của nhân vật trong phim tạo nên tính cách, diện mạo, hoàn cảnh xuất thân của nhân vật. Đơn cử như nhắc đến nhân vật vua hề Saclo (Charlie Chaplin) người xem sẽ hình dung về nhân vật đàn ông nhỏ bé với bộ vest rộng thùng thình, chiếc mũ phớt màu đen và cây gậy batoong… Tất cả đã trở thành thương hiệu vua hề Saclo mà chỉ cần nhìn trang phục là có thể biết và không thể nhầm lẫn với bất cứ nhân vật nào.

Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam từ trước đến nay cũng luôn xem trang phục là yếu tố quan trọng tạo tính cách nhân vật cũng như văn hóa của vùng miền. Điều này được thể hiện rất rõ qua những bộ trang phục nông dân Nam Bộ trong nhân vật Ba Đô trong Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên… Những bộ trang phục nông dân Nam Bộ còn là nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất. Và nếu ai từng xem Đến hẹn lại lên, Bến không chồng… sẽ thấy rất rõ trang phục của Đồng bằng Bắc Bộ trong từng nhân vật… Trong bộ phim Vợ chồng A Phủ, bộ quần áo dân tộc Mông cũng mang nét đặc trưng rất tiêu biểu cho văn hóa dân tộc này.

Tuy nhiên, cũng theo TS Vũ Ngọc Thanh, thời gian gần đây có không ít bộ phim dù được đầu tư lớn song vẫn mắc lỗi ở khâu trang phục như Đừng đốt, Hoa ban đỏ, Đường thư… Người xem không chỉ thất vọng bởi sự thiếu chân thực khi các chú bộ đội mặc trang phục chiến đấu trên chiến trường xong trang phục vẫn còn nguyên nếp gấp, không hề có dấu vết của khói lửa, bụi đất chiến trường.

Theo TS Vũ Ngọc Thanh, có phim đạo diễn giao cả cho diễn viên, ai lo trang phục người ấy, nên trang phục không thích hợp là lẽ đương nhiên. Mỗi diễn viên có một tủ trang phục và họ cứ thế bê nguyên từ phim này qua phim khác… Với tư duy như vậy nên chuyện thiếu kinh phí dành cho phần trang phục trong mỗi bộ phim là điều cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, có nhiều bộ phim kinh phí tiền tỷ nhưng “giám đốc vẫn ăn mặc xoàng”. Ở đây, suy cho cùng lại vẫn là trách nhiệm làm nghề của các đạo diễn với đứa con tinh thần của mình. 

Nhiều đạo diễn làm phim đã tìm cách kêu gọi các nhà thiết kế thời trang bù đắp cho phần trang phục vốn ít được đầu tư trong mỗi bộ phim. Bộ phim truyền hình Dốc tình là bộ phim đầu tiên được hãng Nino Max tài trợ 3.000 bộ trang phục, còn phim Công ty thời trang thì được hãng Sadin bảo trợ vài trăm trang phục công sở. Ở mảng phim điện ảnh, Võ Việt Chung là nhà thiết kế tiên phong cho phim Lọ lem hè phố với 50 bộ trang phục. Đến bộ phim 2 trong 1, nhà thiết kế trẻ Đức Duy được giao thiết kế phục trang cho phim đã phải chuẩn bị khoảng hơn… 70 bộ chỉ tính riêng nhân vật của diễn viên Thành Lộc… Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các nhà thiết kế thì bài toán cái được, cái mất luôn được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều nhân vật vốn đang độ tuổi trẻ đẹp bỗng trở nên già dặn với bộ trang phục tài trợ lỗi mốt, không đẹp… Còn các nhà làm phim lại kỳ vọng ở việc sẽ hút khán giả hơn nếu có thương hiệu thời trang tham gia bộ phim. Đó là cách hợp tác “đồng sàng dị mộng” giữa thương hiệu và phim Việt nên hiệu quả chưa cao cũng là điều dễ hiểu. 

Trang phục điện ảnh cần phải chân thực và phù hợp với hoàn cảnh xã hội và xuất thân của nhân vật. Với những nhà làm phim việc lựa chọn trang phục phù hợp văn hóa, tính cách nhân vật là công việc không hề đơn giản. Nữ đạo diễn Nguyễn Minh Hải từng chia sẻ: trong phim ngắn Khê, tôi đã rất may mắn khi được cô Phương Khanh ở Hãng phim truyện 1 không quản ngại vất vả, đi tìm và thuê ở khắp Hà Nội để được trang phục những năm 50 cho nhân vật. Và chúng tôi may mắn đã tìm được cả bộ áo dài cho nữ nhân vật Khê có từ 50 năm trước. 

Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự may mắn thì sẽ rất khó chủ động đối với các nhà làm phim, đặc biệt là những bộ phim lịch sử, những bộ phim mang ý tưởng độc đáo riêng… Chia sẻ tại Hội nghị, TS Vũ Ngọc Thanh đưa ra một kinh nghiệm của điện ảnh thế giới: trong phimAnh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là ba câu chuyện khác nhau, được kể từ các cách suy luận khác nhau, mỗi câu chuyện đều có màu sắc riêng là đỏ, trắng và xanh. Emi Wada, nhà thiết kế trang phục nổi tiếng người Nhật Bản đã thử không dưới 30 màu và nhuộm bằng tay từng mẫu riêng biệt. Và để đảm bảo màu sắc chuẩn, nhà thiết kế phải mang thuốc nhuộm từ Anh, Nhật và dùng nước khoáng để nhuộm một số loại sợi và làm ra hàng nghìn mét vải. Và màu đỏ được tạo ra dựa trên 54 màu sắc khác nhau, để có thể tạo nên những trang phục khắc họa được tính cách của từng nhân vật…

Từ đó có thể thấy, dù trang phục chỉ là một trong những yếu tố của quá trình sản xuất phim, song lại chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Để làm tốt điều này đòi hỏi các đạo diễn, nhà làm phim cần đầu tư tiền bạc, công sức hơn nữa, hay chính xác hơn là một tư duy chuyên nghiệp trong sản xuất phim.

Theo Minh Anh - ĐBND
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng