Văn nghệ trong nước
Đổ xô xem kịch Lưu Quang Vũ
09:48 | 13/09/2013

Một cảnh tượng rất ít gặp ở sân khấu Hà Nội: khán giả nườm nượp đổ tới xem LH các vở diễn của Lưu Quang Vũ (bắt đầu từ 9/9). Rạp Công nhân, rạp Tuổi trẻ và rạp Đại Nam đều rơi vào tình trạng quá tải vì đặc kín người.

Đổ xô xem kịch Lưu Quang Vũ
Cảnh trong vở Ông không phải là bố tôi

“25 năm nay, chúng ta vẫn thường trực cảm giác day dứt, tiếc thương khi nghĩ tới sự ra đi đột ngột của gia đình Vũ. Số phận thiếu công bằng tới mức bất cứ khán giả nào yêu quý Vũ cũng tự thấy áy náy vì không bù đắp được cho anh” - nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành nhận xét.

Sốt vé kịch Lưu Quang Vũ

Đêm khai mạc liên hoan, vở diễn Ông không phải là bố tôi (Nhà hát Kịch Hà Nội) chỉ có giấy mời. Thế nhưng, trên hè phố Tràng Tiền người ta thấy không ít tấm giấy mời đã được bán với với mức giá 120.000 - 150.000 đồng. 500 chỗ ngồi trong khán phòng không đủ, ghế nhựa được xếp kín các lối đi cũng không đủ nốt.

Cảnh tượng ấy được tái diễn với “độ nóng” giảm bớt đôi chút vào sáng hôm sau tại rạp Đại Nam, rồi lại tăng vùn vụt trong buổi tối với Điều không thể mất (Nhà hát Kịch Quân đội). Vé được bán hết, cũng với mức giá từ 100.000 đến 150.000 đồng. Thậm chí, cảnh chen chúc ở đây còn diễn ra với mật độ dày hơn, khi rất đông khán giả ở tầng 2 ngồi so le trên bậc xi măng giữa 2 hàng ghế.

Trên phần đại sảnh của rạp Đại Nam là ảnh Lưu Quang Vũ trong không khí trang nghiêm. Trước và sau mỗi đêm diễn, rất đông khán giả bước tới, lặng lẽ thắp hương cho anh... Rất đông khán giả lớn tuổi, nhưng cũng không thiếu những người mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi - những người chắc chắn không có dịp chứng kiến thời hoàng kim của kịch Lưu Quang Vũ.

“Đi xem vì tâm lý hoài cổ đã đành. Nhưng cần nhớ, Lưu Quang Vũ là một cái tên  lớn của sân khấu kịch. Đặt trong bối cảnh các vở diễn hiện nay phần nào bị thờ ơ, việc khán giả trẻ một lần tìm đến với thương hiệu kịch Lưu Quang Vũ cũng là dễ hiểu thôi” - nhà phê bình Nguyễn Văn Thành nhận xét.

“Lưu Quang Vũ, chúng tôi nhớ anh”

Những vở diễn đầu tiên trong liên hoan Kịch Lưu Quang Vũ được xem với tâm thế ấy. Nghĩa là, rất khó để tách bạch rạch ròi giữa một bên là việc thưởng thức vở diễn đơn thuần, với một bên là những xúc cảm về Lưu Quang Vũ, về một tác giả luôn bênh vực những người chịu thiệt thòi trong thực tiễn cuộc sống một giai đoạn của xã hội. Ông không phải là bố tôi vẫn được vỗ tay nhiệt liệt, cho dù có khán giả cũ còn băn khoăn về việc thêm, bớt một số lời thoại so với nguyên bản. Ngọc Hân công chúa cũng vậy, cũng được hoan nghênh, dù cắt bớt hẳn lớp thoại đầy chất triết lý về cuộc gặp gỡ giữa Ngô Thì Nhậm và công chúa Ngọc Hân. Ở Điều không thể mất, dù nhân vật nam chính bỗng trở nên yếu đuối, bạc nhược tới mức thảm hại trong phần kết của bản dựng này, rất nhiều khán giả nữ vẫn bước khỏi rạp với dòng nước mắt lăn dài...

“Kịch bản vẫn hay, vẫn xúc động. Nhưng ở vài vở diễn vừa qua, người xem vẫn thấy thấp thoáng không khí của một xã hội trong những năm 1980. Nếu khai thác một cách khác, hẳn liên hoan sẽ còn thành công hơn nhiều...” - một đạo diễn nhận xét.

Nhưng, chuyện dựng lại kịch Lưu Quang Vũ thế nào để có hiệu quả đối với lớp khán giả hôm nay là một câu chuyện khác, rắc rối và phức tạp hơn nhiều - nhất là khi nhìn vào những hạn chế của sân khấu hiện tại. Còn trước mắt, hãy cứ xúc động với những gì đang diễn ra tại liên hoan đã, chẳng hạn như chút ngẫu hứng của đạo diễn NSƯT Chí Trung trong Mùa Hạ cuối cùng (Nhà hát Tuổi trẻ). Ở đó, cuối buổi diễn, các diễn viên xếp hàng, đặt bàn tay lên trái tim, ngước mắt và đồng thanh “Lưu Quang Vũ, chúng tôi nhớ anh” giữa những tràng vỗ tay rào rào từ khán giả.

Theo Cúc Đường- Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng