Văn nghệ trong nước
Không có chuyện tăng lên 200 kịch bản
15:16 | 10/04/2009
Trước những phản ứng khá phức tạp về dự án dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu, cũng như những thông tin về việc mở rộng danh sách các kịch bản được dàn dựng, TT&VH đã có cuộc trao đổi với NSND Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (đơn vị hiện đang quản lý dự án này).
Không có chuyện tăng lên 200 kịch bản
NSND Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

* Vừa qua, có một số thông tin cho biết: Cục sẽ xem xét việc mở rộng danh sách kịch bản được chọn lên 200 kịch bản để các đoàn có thể lựa chọn chủ động hơn…
 
- Không, thông tin như vậy là thiếu chính xác. Tôi khẳng định danh sách kịch bản ban đầu vẫn được giữ nguyên. Hiện, dự thảo đề án, cùng bản tổng hợp ý kiến của các đơn vị sân khấu, đã được trình lên Bộ VH- TT&DL. Chúng tôi vẫn phải chờ Bộ cho ý kiến chỉ đạo, rồi mới có thể tiếp tục bàn thảo về dự án này.

* Thời gian qua, đã có khá nhiều ý kiến nghi ngờ về tính tích cực của dự án này. Quan điểm của ông ra sao?

- Tôi cho đó là bình thường, vì mỗi đơn vị đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là có nhiều người hiểu sai về dự án này, dẫn tới những phát biểu chưa chính xác. Chẳng hạn, khởi nguồn của dự án là việc Nhà hát Tuổi Trẻ đề xuất lên Bộ kế hoạch dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu theo hình thức xã hội hóa, có nghĩa là tự huy động các nguồn lực hỗ trợ khác nhau. Thấy hợp lý, Bộ đồng ý thì lập tức có hàng loạt thắc mắc: tại sao chúng tôi lại ưu ái và đầu tư kinh phí riêng cho kịch Tuổi Trẻ để làm dự án quá lớn này? Hiểu như vậy là hoàn toàn sai.

Rồi, khi dự án được mở rộng thành việc dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu cho nhiều Nhà hát, chúng tôi phải đặt ra những tiêu chuẩn và quy chế riêng để chọn những Nhà hát có đủ trình độ và năng lực. Nói thẳng, Nhà nước bỏ tiền thì một đồng cũng phải có hiệu quả chứ? Khi ấy, nhiều đơn vị lại kêu rằng tại sao không có phần cho chúng tôi- trong khi dự án chưa hề động tới một đơn vị cụ thể nào...


Một cảnh trong Âm mưu và tình yêu- vở diễn đầu tiên của dự án được dàn dựng


* Về vấn đề kinh phí đầu tư, nhiều người cho rằng mức tiền hỗ trợ 100 - 120 triệu cho một vở diễn là không hợp lý?

- Thứ nhất, kinh phí hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ. Thứ hai, tất cả mới chỉ là dự kiến. Chẳng hạn, một vở diễn sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… thì có yêu cầu khắt khe về những loại trang phục và đạo cụ riêng. Vì vậy, chúng tôi dự kiến hỗ trợ 120 triệu đồng cho một vở diễn truyền thống, chứ không phải là 100 triệu như kịch nói.
 
Xin nhớ cho, đây chỉ là kinh phí hỗ trợ cho từng vở diễn, đơn vị dàn dựng cần huy động thêm nguồn vốn để dàn dựng. Cách đây vài năm, khi họp trong , anh Huỳnh Anh Tuấn (giám đốc Nhà hát kịch IDECAF) có nói với chúng tôi: “Các đoàn xã hội hóa chỉ cần Nhà nước đầu tư 20, 30 triệu đồng cho một vở là phấn khởi rồi. Chúng tôi có cách để dựng vở với nguồn vốn đầu tư ban đầu không lớn, sao không giao việc cho chúng tôi làm? Vậy nhưng đọc báo, tôi lại thấy nhiều người kêu rằng hỗ trợ 100 triệu/vở là quá bèo bọt. Như vậy là nói thế nào cũng được…

* Xin cảm ơn ông!

                                                                                                                   Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng