Văn nghệ trong nước
Đua nhau đổ tiền cho hòa nhạc cao cấp
08:27 | 13/04/2009
 - Sau đêm hòa nhạc Hennessy đầu tháng Ba năm nay, công chúng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với những chương trình nghệ thuật đỉnh cao khi được xem những nghệ sĩ tài danh của thế giới nhạc cổ điển cả trong và ngoài nước biểu diễn.
Đua nhau đổ tiền cho hòa nhạc cao cấp
Chương trình độc tấu piano của NSND Đặng Thái Sơn tại Hà Nội do Techcombank bảo trợ.

Rót tiền tấn vào các chương trình hòa nhạc
 
Càng ngày càng có nhiều chương trình nghệ thuật, chủ yếu là âm nhạc đỉnh cao của thế giới đến với công chúng Việt . Nếu như nhiều năm trước đây muốn tiếp cận với những dàn nhạc hay các nghệ sĩ biểu diễn tài danh trong làng nhạc cổ điển thế giới, chúng ta chỉ có thể trông cậy vào các chương trình hòa nhạc do các đại sứ quán tại Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ của những hoạt động văn hóa ngoại giao.

Nhưng cục diện đang dần thay đổi với sự xuất hiện của hàng loạt các chương trình nghệ thuật đỉnh cao không qua con đường văn hoá ngoại giao như trước đây mà do các doanh nghiệp lớn tài trợ.


 Nghệ sĩ cello nổi tiếng thế giới, Julian Lloyd Webber trong chương trình hòa nhạc Hennessy lần thứ 13 tại HN.


Với việc mời những tài năng âm nhạc  đẳng cấp thế giới tới Việt Nam trình diễn các tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc thiên tài, Hennessy Concert Series được đánh giá là sự kiện âm nhạc đỉnh cao được chờ đợi nhất hàng năm kể từ 1996 đến nay. Chương trình hòa nhạc Toyota Classic cũng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1997 và cũng đã kịp khẳng định vị trí của mình trong việc tôn vinh nhạc cổ điển tại Việt Nam.

Thời gian gần đây công chúng Việt chứng kiến sự xuất hiện dồn dập của các chương trình nghệ thuật đỉnh cao do các doanh nghiệp trong nước tài trợ. Nếu như Hennessy Concert Series và Toyota Classic là các chương trình gắn liền với các doanh nghiệp nước ngoài thì nay có "Vietnam Airlines Classic", BIDV Concert for talented pianists và chương trình độc tấu piano của NSND Đặng Thái Sơn do các doanh nghiệp trong nước đứng ra tổ chức. Để mời được các tài năng âm nhạc thế giới, dĩ nhiên các doanh nghiệp phải chi ra những khoản tiền tấn.

Và bên cạnh các chương trình mời các nghệ sĩ nổi tiếng của nước ngoài tới Việt biểu diễn đã có những chương trình chỉ dành riêng cho việc tôn vinh các tài năng nhạc cổ điển Việt .

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các chương trình hòa nhạc đỉnh cao gần đây còn do nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt là Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD).

Trung tâm Tổ chức biểu diễn Nghệ thuật (Cục NTBD) đã được giao phối hợp thực hiện rất nhiều chương trình hòa nhạc lớn mà tiêu biểu là Hennessy Concert Series và Totoya Classics. Đây cũng chính là đơn vị đề nghị mời nghệ sĩ violin Bùi Công Duy biểu diễn trong chương trình Toyota Classic 2004.

Cần phải nói thêm, Nghị quyết T.Ư 5 và chủ trương của Bộ VH-TT-DL về việc cân bằng  ba loại hình nghệ thuật: Dân gian dân tộc, Âm nhạc bác học và Nhạc trẻ, cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sự xuất hiện của các chương trình âm nhạc đỉnh cao gần đây.

"Lùi lại 15 năm trước, khán giả của ta hầu như rất thờ ơ với các chương trình nhạc cổ điển. Sau sự xuất hiện của hòa nhạc Toyota, Hennessy, các chương trình hòa nhạc cổ điển do các đại sứ quán tổ chức và những chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội và TP.HCM... đã nâng được tầm thưởng thức nghệ thuật của công chúng", ông Đỗ Quang Quý, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn Nghệ thuật (Cục NTBD) cho biết.

Ai được hưởng lợi từ các chương trình nghệ thuật đỉnh cao?

Không có doanh nghiệp nào đứng ra bảo trợ cho một sự kiện lại không tính đến lợi ích của họ. Việc bảo trợ này không mang lại lợi nhuận tức thì cho doanh nghiệp bởi tất cả các chương trình này đều không bán vé.

Tuy nhiên, đầu tư cho các hoạt động văn hóa, đặc biệt là các chương trình nghệ thuật đỉnh cao lại là cách quảng bá thương hiệu tốt nhất cho doanh nghiệp. Chương trình tổ chức càng lớn, càng nhiều nghệ sĩ lớn tham gia, càng khẳng định đẳng cấp của nhà tổ chức và nhà bảo trợ. 

"Nghệ thuật là loại hình phát triển về văn hóa  và dân trí cho xã hội. Đưa được nghệ thuật cao cấp đến công chúng, cũng có nghĩa giơi thiệu được hàng hóa cao cấp đến với họ. Nói đến các doanh nghiệp, các đơn vị làm kinh tế, phải nói đến lợi nhuận. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư cho loại hình âm nhạc đỉnh cao bởi họ cho rằng các chương trình như vậy ít khán giả, như ở Nhà hát lớn thì chỉ có chỗ dành cho 800 người.

Nhưng tôi cho rằng, 800 người đó là hạt nhân của xã hội tiêu thụ hàng hoá cao cấp. Khi dân trí phát triển đến một giai đoạn nào đó thì họ sẽ tìm đến một loại hàng hóa có chất lượng cao. Đó là lý do vì sao các hãng lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao", GS.TS. Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt nhận xét.

"Làn sóng" các doanh nghiệp bảo trợ cho các sự kiện văn hóa, đặc biệt là các chương trình hòa nhạc đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng yêu nghệ thuật, qua đó nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc thế giới nói chung và nhạc cổ điển nói riêng.

"Với những chương trình hoà nhạc như đã nói ở trên, khán giả Việt được thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật đỉnh cao bình đẳng như khán giả thế giới. Rất nhiều người nói rằng, ngay cả ở nước ngoài họ cũng không có điều kiện thưởng thức những chương trình như thế. Có nghĩa là công chúng ở Việt Nam đã có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với những đỉnh cao âm nhạc của thế giới", ông Đỗ Quang Quý, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn Nghệ thuật (Cục NTBD) nhận định

                                                                                                           Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng