Văn nghệ trong nước
Quản lý phim “ngoại” trên truyền hình: Nên thế nào khi “trống đánh xuôi”, kèn lại “thổi ngược”?
15:12 | 13/04/2009
Thực tế đang tồn tại một nghịch lý: phim A không được cấp phép phát hành tại rạp nhưng lại “có phép” lên sóng truyền hình; hoặc nhiều cảnh bạo lực, cảnh nóng bị yêu cầu cắt khi ra rạp nhưng trên truyền hình thì “vẹn nguyên”.
Quản lý phim “ngoại” trên truyền hình: Nên thế nào khi “trống đánh xuôi”, kèn lại “thổi ngược”?

Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi:  Phải chăng có sự khác biệt về tiêu chí đánh giá, gu thẩm định của hai hội đồng duyệt phim (điện ảnh & truyền hình)? Còn phía nhập phim chiếu rạp thì bức xúc: “Chúng tôi bị đối xử không công bằng”.

Không có ở rạp thì chờ... truyền hình

Đó là suy nghĩ của một bộ phận khán giả trẻ  về  nhiều bộ phim nhạy cảm  được quảng cáo trên “Net”. Và thực tế đã diễn ra một phần đúng với suy nghĩ này. Đơn cử như trường hợp bộ phim Wedding Crashers  mà Megastar nhập về và trình duyệt dưới cái tên Những kẻ phá đám cưới. Bộ phim này đã không được cấp phép vì có nhiều cảnh “nóng” và lời thoại liên quan đến vấn đề tình dục. Nhưng chỉ sau đó ít lâu,  Wedding Crashers  có mặt trên kênh HBO và được phát lại nhiều lần. Tương tự  Tell me you love me- một phim bị các nhà phê bình đánh giá chẳng khác gì phim sex hạng nhẹ với  những cảnh nóng đến “chóng mặt” cũng đã “ngự” trên sóng HBO nhiều lần. Nói về điều này, bà Thuỳ Vân, một  đại diện  của Megastar ở Hà Nội cho biết: “Trên các kênh  HBO,  Cinemax,  Star Movies v.v... không hiếm những phim đã bị “từ chối” phát hành tại VN. Những cảnh “nóng”, cảnh bạo lực bị hạn chế, thậm chí cắt tả tơi” khi chiếu rạp nhưng vẫn được giữ nguyên trên sóng truyền hình. Ví dụ như  phim Heartbreak Kid (Khi nàng quá yêu),  Sex and the city... Và trong lúc các nhà làm phim và các  đơn vị nhập phim VN  được khuyến cáo hạn chế  sản xuất và nhập  phim kinh dị thì trên các kênh phim truyện  “ngoại” nói trên đầy ắp loại này. Chỉ riêng ngày 5.4.2009, Cinemax chiếu tới 3 phim kinh dị, 5 phim ly kỳ và 3 phim hành động liên quan đến bạo lực, chém giết”.   

Không riêng Megastar, Galaxy, BHD cũng đã “nếm” vị “phim bị từ chối” và bị “cắt” mới được ra rạp nên  đều chung bức xúc khi sự “rộng cửa” của truyền hình ít nhiều đã ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của họ đối với các đối tác nước ngoài. Và, người “chịu trận” của  việc “trống đánh xuôi”  nhưng  “kèn thì  thổi ngược” trong công tác thẩm định phim không ai khác chính là chủ rạp và khán giả xem truyền hình. Không ít lần, các chủ rạp bị khán giả phản ứng vì “phim khó hiểu” do “nhảy cóc” vì bị cắt quá nhiều. Còn các bậc phụ huynh thì lo ngại khi con cái họ hằng ngày luôn đối diện với nhiều cảnh nhạy cảm, bạo lực mà chỉ cần... “bật ti vi là thấy”.

Quản thế nào?

Những bất cập  trong công tác phổ biến phim ngoại tại VN (rạp chiếu bóng và truyền hình), cũng như công tác thẩm định, cấp phép của Hội đồng duyệt phim (điện ảnh & truyền hình) đã được Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội thể hiện rõ trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. Theo đó, việc quản lý nội dung phim trên truyền hình còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Các hội đồng duyệt có cách nhìn nhận đánh giá khác nhau, không có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá dẫn đến tình trạng,  có những phim bị cấm, hoặc bị cắt những cảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN nhưng lại được chiếu rộng rãi trên truyền hình. Từ thực tế này,  Uỷ ban đề nghị Chính phủ phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa Bộ VH,TT&DL là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền hình trong công tác quản lý phổ biến phim trên truyền hình; quy định rõ chức năng, trách nhiệm, cơ cấu của Hội đồng thẩm định phim và tiêu chí đánh giá phim để góp phần thống nhất  quản lý hoạt động điện ảnh trên toàn lãnh thổ quốc gia.  Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban VH,GD,TN,TN &NĐ, Bộ VH,TT&DL cho biết sẽ  phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông ban hành quy định cụ thể trách nhiệm của các đài truyền hình và trách nhiệm của mỗi Bộ  trong lĩnh vực quản lý  nội dung phim truyền hình  đặc biệt đối với các phim phát trên truyền hình cáp.

Trong lúc các cơ quan chức năng đang tìm kiếm giải pháp phối hợp để “quản” phim ảnh “ngoại” trên truyền hình, thì hằng ngày các kênh HBO, Cinemax, Star Movies vẫn  tràn ngập các cảnh  “nóng”, những bộ phim có chủ đề về tình dục, những cảnh bắn giết, bạo lực v.v... Trước thực tế này, nhiều ý kiến từ phía khán giả phát biểu trên các diễn đàn chuyên đề điện ảnh cho rằng, thay bằng việc “cấm” và “cắt”, nên tìm cho những  phim nhạy cảm  một giờ phát thích hợp. Theo đó, giờ thích hợp cho loại phim không dành cho “đại chúng” sẽ là sau 22h và có những khuyến cáo về  phim  để các bậc phu huynh thuận tiện trong việc định hướng và lựa chọn “thực đơn” xem cho con cái họ. Với phim chiếu rạp, việc cắt xén  các chi tiết nhạy cảm cũng nên cân nhắc. Bởi, phim là một sự liền mạch, nếu bị cắt quá nhiều, các tình huống nhảy cóc sẽ khiến  hành xử của nhân vật trở nên khó hiểu và người xem đôi lúc hiểu không đúng về ý tưởng của đạo diễn và giá trị của bộ phim. Vì thế, nên phân loại phim theo độ tuổi và có những chế tài xử nghiêm đối với những vi phạm của các chủ rạp về việc này có lẽ hiệu quả hơn là “cấm” và “cắt”. Và như thế, sẽ không có ai bị “choáng” và “sốc” khi xem những cảnh mà độ tuổi họ không nên xem kể cả ở rạp lẫn trên  truyền hình. Tất nhiên, với những cảnh quá nhạy cảm, quá phản cảm, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, độc hại... thì  việc loại bỏ bộ phim A, B nào đây phải được “thống nhất” ngay từ đầu ở các hội đồng duyệt- điện ảnh và truyền hình. Đừng để tái diễn cảnh “điện ảnh cấm”... truyền hình “thông qua”  và người xem thì hoài nghi: cơ quan quản lý đang lúng túng?

                                                                                                                      Theo VHO

Các bài mới
Các bài đã đăng