Văn nghệ trong nước
DỰ THẢO QUY CHẾ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HÓA CÔNG CỘNG: Cấm nhảy khi hát karaoke
15:40 | 13/04/2009
Nghiêm cấm khiêu vũ tại phòng karaoke - là một trong các điều mới tại dự thảo nghị định kèm quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Bộ VHTT&DL vừa trình Thủ tướng phê duyệt.
DỰ THẢO QUY CHẾ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HÓA CÔNG CỘNG: Cấm nhảy khi hát karaoke
Nếu vũ trường các khách sạn được phép hoạt động đến 2 giờ sáng sẽ kích cầu du lịch

Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng kèm Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ban hành cách đây hơn hai năm, theo tổng kết của Bộ đã “ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn sử dụng thuốc lắc và nhiều hiện tượng tiêu cực trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng...”.

Bộ cũng chỉ ra nhiều quy định trong Nghị định 11/2006/NĐ-CP không còn phù hợp.

Sau việc một số cơ quan, tổ chức để xảy ra sai phạm trong hoạt động văn hoá nội bộ gây dư luận tiêu cực, một khoản được bổ sung vào điều 1: “Người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá thuộc phạm vi quản lý của mình”.

Theo tờ trình của Bộ, thời gian hoạt động của vũ trường, phòng karaoke không quá 12 giờ đêm - gây trở ngại cho khách du lịch. Vì vậy, dự thảo cho phép, phòng karaoke cũng như vũ trường thuộc khách sạn năm sao trở lên tại Hà Nội và TPHCM, khách sạn bốn sao trở lên tại các địa phương khác được hoạt động sau 12 giờ đêm, không quá hai giờ sáng. Đặc biệt: “Nghiêm cấm các hành vi khiêu vũ, khiêu dâm và mua bán dâm, mua bán, sử dụng ma túy tại phòng karaoke”.

Một điểm nhỏ đáng chú ý: “Các điểm karaoke hoạt động ở nông thôn, vùng dân cư không tập trung không phải thực hiện quy định về âm thanh...”. Tức là không phải theo quy định tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép. Phải chăng ngưỡng chịu tiếng ồn ở nông thôn cao hơn thành thị, trong khi nông thôn hiện nhiều nơi nhà cửa cũng san sát?

Khắc phục thực trạng một số người kinh doanh karaoke nằm trong vùng cấm, tuy trả lại giấy phép kinh doanh hoặc tháo biển hiệu nhưng vẫn tổ chức hoạt động, dự thảo nghị định mới bổ sung: Phòng khiêu vũ, phòng karaoke cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hoá, cơ quan hành chính nhà nước từ 100m đến dưới 200m đã được cấp phép kinh doanh trước ngày Nghị định 11/2006/NĐ-CP có hiệu lực và có đáp ứng đủ các quy định khác của quy chế mới, sẽ được tiếp tục hoạt động, tối đa đến hết 2020.

Ngày 25-5-2005, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg, quy định tạm ngừng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường; tạm ngừng cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên phạm vi cả nước.

Nay điều 3 dự thảo nghị định khẳng định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt quy hoạch vũ trường, karaoke theo quy định... được tiếp tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt”. Đến nay, có 48/63 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch karaoke, vũ trường của địa phương. 

Nghị định mới có hiệu lực từ 1-9. Hiện dự thảo được gửi các cơ quan quản lý địa phương, các bộ, ngành, và đăng trên trang web Bộ VHTT&DL cũng như báo Văn hóa điện tử lấy ý kiến của mọi đối tượng trước 30-4.

                                                                                                                    Theo TP

Các bài mới
Các bài đã đăng