Văn nghệ trong nước
Thuận: 'Khi viết tôi không mặc cảm'
15:10 | 21/04/2009
Định cư tại Pháp, viết bằng tiếng Việt, 5 cuốn tiểu thuyết của Thuận đã lần lượt chinh phục độc giả Việt Nam và đang bắt đầu thu phục người đọc trên đất Pháp. " Chinatown " - cuốn sách vừa được NXB Seuil dịch và ấn hành tại Pháp - là hy vọng đầu tiên để Thuận mở rộng lối đi cho các tác phẩm của mình.
Thuận: 'Khi viết tôi không mặc cảm'
Nhà văn Thuận tại buổi giao lưu. Ảnh: Hà Linh.

Chinatown do Đoàn Cầm Thi - chị gái của Thuận dịch và ra mắt tại Pháp vào hồi tháng 2. Trong buổi trò chuyện và giới thiệu về tác phẩm tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace (Hà Nội) tối 20/4, Thuận đã đặt Chinatown cạnh Người tình - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Marguerite Duras, nhà văn mà chị rất yêu mến. Câu chuyện của Chinatown diễn ra trong vòng hai tiếng đồng hồ, khi hai mẹ con nhân vật chính (Phượng) bị kẹt lại trên một chuyến tàu điện ngầm vì tàu bị nghi ngờ có khủng bố. Trong khoảng thời gian ấy, nhân vật đã lần theo ký ức, nhớ tiếc quá khứ với những đoạn đời chị đã đi qua, từ Hà Nội, Leningrad, Nga rồi Paris , Pháp. Xen giữa những ký ức là các mối tình, trong đó ám ảnh và day dứt là câu chuyện với Thụy - một người đàn ông Trung Hoa về sau trở thành chồng Phượng.

Nhưng sự hội ngộ tiểu thuyết giữa Người tìnhChinatown không chỉ nằm ở mối quan hệ yêu thương giữa một người phụ nữ Việt và người đàn ông Trung Hoa; không chỉ là sự tương đồng của những câu chuyện về cảm giác tha hương và tình yêu bị chia cắt. Thuận nói, chị yêu nhịp điệu và nhạc tính của Người tình, chị yêu cách dùng từ dùng câu của Duras. Và chị thừa nhận, những yếu tố ấy đã phần nào ảnh hưởng đến Chinatown - sự ảnh hưởng tự nhiên chứ không phải là bắt chước có chủ định. Ông Trần Hinh - một học giả nghiên cứu về Văn học Pháp tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - nhận xét: "Tôi có cảm giác, Chinatown của Thuận đậm đặc lối viết Duras… Cũng là những câu văn trùng điệp, những lối viết phá bỏ ngữ pháp, những từ ngữ đọc lên như nghe và thấy được âm thanh, hình ảnh của nhạc, của họa". Chính vì vậy mà Thuận thích gọi cuốn tiểu thuyết của mình là Chinatown hơn Phố Tàu - dù hai khái niệm này hoàn toàn tương đương về nghĩa. Bởi vì Chinatown , theo chị, đọc lên nghe có nhạc. Cũng như vậy, Thuận đặt tên cho cuốn sách lồng trong Chinatown mà nhân vật chính đang viết là I’m yellow cũng vì cụm từ này đọc lên nghe đầy nhạc tính.


Trang bìa cuốn Chinatown
bản tiếng Pháp.


Thuận luôn nói, nhà văn không quan trọng là viết bằng ngôn ngữ gì, mà quan trọng hơn là phải tạo ra ngôn ngữ của riêng mình. Sự nhấn mạnh nhịp điệu và nhạc tính trong những câu văn xuôi cũng là một thứ riêng trong văn của Thuận.

Ngoài tính nhạc, I'm yellow cũng gợi lên những liên tưởng về thân phận da vàng của Phượng - nhân vật chính. Trong buổi giao lưu, khi được hỏi về mặc cảm của một nhà văn Việt khi sống và sáng tác trên đất Pháp - một trong những trung tâm văn chương thế giới, Thuận nói: "Khi viết, tôi không có mặc cảm. Trong nghệ thuật, nghệ sĩ phải đặt mình ngang bằng với người khác mà không có sự phân biệt về quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Sự lạc lõng và cay đắng mà nhân vật trải nghiệm trong tác phẩm là sự mặc cảm, cay đắng nảy sinh từ hiện thực chứ không phải từ mặc cảm".

Cũng trong cuộc nói chuyện về Chinatown , nhà văn Thuận đã chia sẻ những quan niệm về văn chương. Với Thuận, viết là một cách để phiêu lưu, để nhập vai vào một cuộc sống khác, để phá vỡ sự cân bằng - sự cân bằng của một cuộc sống mà nếu không có văn chương, chị chỉ là một người vợ, người mẹ bình thường, sống cuộc đời phẳng lặng. Chị viết liền 5 cuốn tiểu thuyết chỉ trong vòng 4 năm, một phần vì thường xuyên không dứt nổi khỏi những ám ảnh. Chinatown được chị viết liền một mạch, trong chỉ 2 tháng rưỡi. Đó là cuốn sách mà khi viết, chị cảm giác như mình đang mò mẫm trong một con đường hần không có chút ánh sáng. "Mỗi chữ tôi viết được là một chút ánh sáng giúp tôi từng bước ra khỏi đường hầm".

Chỉ mới ra mắt được 2 tháng, Chinatown đã bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực từ phía độc giả Pháp. Nhiều bạn đọc ngoại quốc có mặt tại buổi giao lưu cho biết, họ đặc biệt ấn tượng trước chuỗi ngôn ngữ đẹp của bản dịch và chất hài hước khá đậm đặc của tác phẩm. Chia sẻ cảm nhận này, Thuận nói, chị đã hóm hỉnh có chủ ý. "Tôi rất sợ nước mắt, đặc biệt là trong văn chương. Tôi muốn độc giả, thay vì khóc, phải phá lên cười, để sau đó trầm tĩnh trở lại và suy nghĩ".

                                                                                                                 Theo VnExpres

Các bài mới
Các bài đã đăng