Văn nghệ trong nước
Điện ảnh - văn học: Chưa tựa lưng nhau
09:05 | 22/04/2009
Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đã góp phần làm nên thành công vang dội cho phim sau khi chuyển thể thành kịch bản và ngược lại rất nhiều tác phẩm văn học trở thành sách best-seller sau thành công vang dội của bộ phim làm từ chính nó
Điện ảnh - văn học: Chưa tựa lưng nhau
Cảnh trong phim Kính vạn hoa, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của NV Nguyễn Nhật Ánh-Ảnh:TFS

Màn ảnh các rạp chiếu tại Việt đang công chiếu bộ phim Tự thú của một tín đồ shopping, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên trong bộ truyện khá ăn khách của nhà văn Sophie Kinsella. Bộ sách này đã được phát hành tại Việt với các tựa tiếp theo như Tín đồ shopping và chị gái, Tín đồ shopping oanh tạc Manhattan .

Cộng sinh

Các đạo diễn nước ngoài luôn biết cách khai thác một cách sáng tạo “cái kho vô tận” của văn học cho phim ảnh. Với sức viết bền bỉ, khai thác đa dạng đề tài và thể loại, các nhà văn đã mang đến những câu chuyện với đầy đủ các yếu tố cần thiết và sức hút để có thể làm nên một tác phẩm điện ảnh thành công. Sự phối hợp này khiến cho cả phim và sách đều thành công về mặt doanh thu. Hàng loạt tác phẩm văn học đã được chuyển ngữ và phát hành tại nhiều nước sau khi phim tung hoành trên màn ảnh rộng.

Tại Việt , nhiều tác phẩm văn học đã trở nên đắt giá sau thành công của bộ phim. Cuốn tiểu thuyết kỳ ảo Twilight (Chạng vạng) của nhà văn Stephenie Meyer khi mới ra mắt vẫn chưa tạo được sức hút với độc giả. Nhưng khi bộ phim về ma cà rồng được trình chiếu thì Chạng vạng trở thành sách best-seller.

Hai quyển tiếp theo New Moon (Trăng non) và Eclipse (Nhật thực) ấn hành sau đó cũng trở thành tác phẩm được đông đảo độc giả săn đón.

Hay như các tác phẩm Lụa của Alessandro Baricco, P/S: I love you của Cecelia Ahern trước đó... cũng trở thành những tác phẩm bán chạy tại Việt nhờ phim.

Các đơn vị làm sách khá nhanh nhạy khi chọn chuyển những tác phẩm văn học lên phim và đang có sức hút với công chúng. Từ màn ảnh rộng, tác phẩm văn học đã có một con đường dễ dàng chinh phục độc giả. Không cần những chiến lược PR, mỗi tác phẩm đều đến trước với công chúng bằng điện ảnh, tự thân đã tạo được sự chú ý nhất định.

Mới đây, Công ty Sách Chibooks đã mua bản quyền tác phẩm Sex and City của tác giả Candace Bushnell. Được xuất bản từ năm 2005 tại Mỹ, nhưng chỉ đến khi được dựng thành phim tạo nên cơn sốt vé tại nhiều nước (phim được chiếu tại Việt Nam với tựa Chuyện ấy là chuyện nhỏ), Sex and City mới được Chibooks khai thác.

Cũng như cuốn sách Q&A của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup được nhiều nước mua bản quyền sau khi bộ phim Slumdog millionaire (Triệu phú ổ chuột) được vinh danh tại giải Oscar lần thứ 81 vừa qua.

Mạnh ai nấy làm

Nhờ vào sự cộng hưởng bền chặt mà điện ảnh và văn học nước ngoài đã tạo được một sự nối kết, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Còn điện ảnh và văn học Việt thì gần như thiếu sự kết hợp này. Tuy nhiên, cũng thật khó nói khi nền văn học – điện ảnh Việt vốn “thiếu trước hụt sau” như hiện nay. Điện ảnh chưa phát triển, còn văn học hiện đại cũng không có nhiều tác phẩm đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để có thể dựng thành phim.

Nhiều tác phẩm viết về nỗi buồn, nỗi cô đơn trong hành trình sống và cách khai phá đến tầng sâu trong nội tâm của con người. Hiếm có những tác phẩm mà hành trình các nhân vật, cốt truyện với đầy đủ những tình huống, xung đột. Truyện dài Công ty của nhà văn Phan Hồn Nhiên là một tác phẩm văn học trẻ hiện đại hiếm hoi được chuyển thành bộ phim Ván cờ tình yêu khá thu hút.

Văn học luôn là một “nguồn quặng kịch bản” sẵn sàng chờ khai thác. Một tác phẩm văn học nổi tiếng được chuyển thể thành phim thường được công chúng hy vọng và chờ đợi. Nhưng điện ảnh Việt vẫn không thể tựa lưng vào văn học để có thể làm nên một “dòng phim văn học thương mại” như nước ngoài.

Nhiều bộ phim chuyển thể từ văn học được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại khó thu hút được khán giả. Một phần cũng do phim thấm đẫm nỗi buồn, mạch phim chậm và mang nhiều triết lý về thân phận con người mà thiếu tính giải trí - vốn cũng là một chức năng quan trọng của điện ảnh.

Chưa nhiều tác phẩm văn học dựng thành phim

Điện ảnh nước ta cũng có những bộ phim chuyển thể từ văn học, nhưng chỉ mới chạm vào những hạt đất nhỏ trên cánh đồng văn học mênh mông. Màn ảnh rộng hiếm hoi lắm mới có được những Mê Thảo – thời vang bóng (từ tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), Thời xa vắng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Mùa len trâu (chuyển từ Hương rừng Cà Mau và Mùa len trâu của cố nhà văn Sơn Nam), Trăng nơi đáy giếng (Trần Thùy Mai)...

Khán giả truyền hình cũng có thể tiếp cận được với những bộ phim nhiều tập chuyển thể từ văn học, như: Tình án, Cha con nghĩa nặng (Hồ Biểu Chánh), Dưới cờ đại nghĩa (từ Người Bình Xuyên của nhà văn Nguyên Hùng), Đất phương Nam, Lục Vân Tiên...

Hầu hết những tác phẩm được dựng thành phim đều là tác phẩm của các nhà văn thế hệ trước. Còn văn học hiện đại thì còn hiếm hoi hơn, trong đó nổi bật có: Kính vạn hoa, Nữ sinh (Nguyễn Nhật Ánh), Ngũ quái Sài Gòn (Bùi Chí Vinh) hay Cải ơi (từ Cải ơi và Biển đời mênh mông của Nguyễn Ngọc Tư)...

Còn Tấm ván phóng dao của Mạc Can và Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, ngay cả khi đã được các đơn vị làm phim mua bản quyền khá lâu, đến nay vẫn chưa thực hiện được.


                                                                                                                   Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng