Văn nghệ trong nước
Văn hoá nghe: Sẩy một li, đi đến... nguy hiểm!
08:04 | 24/04/2009
Tự cải biên, tự sáng tác tự hát và chia sẻ những nhạc phẩm của mình trên các diễn đàn, website âm nhạc dành cho tuổi teen là hình thức giải trí đang được khá nhiều bạn trẻ ưa chuộng.Tiếc thay, trào lưu "kích thích sự sáng tạo" này lại xuôi theo hướng tiêu cực.
Văn hoá nghe: Sẩy một li, đi đến... nguy hiểm!
Tràn ngập "nhạc rác", "nhạc chế" trên các website, forum âm nhạc

Lượn một vòng các website như musictop1..., musiconboom..., teen.sao... là có thể nghe và tải hằng hà sa số giai điệu quen thuộc "bị" cải biên tiêu đề và ca từ một cách thô tục như Ta mãi là thằng bơm xe (chế theo bài "Em sẽ là người ra đi"), Cầu lô đề khuyết (chế của "Cầu vồng khuyết"), hoặc Công chúa Rexona (chế của "Tình khúc vàng")...

Mỗi ngày, có đến hàng nghìn lượt truy cập vào các website này để nghe và tải xuống máy những ca từ thô tục như "ngày xưa rất xưa đó, ta đã bị hôi nách,  và khi mùi hôi đã nồng nặc,  thì có lăn nách rexona, mẹ bảo lăn để cho hết hôi..." (Công chúa Rexona) và thậm chí những lời ca kể chuyện phòng the hết sức dung tục...

Đơn cử, bài hát chế từ bài hát "Trái tim bên lề" được cư dân mạng truyền tai nhau ầm ĩ một dạo. "Ban đầu em cũng thấy mấy bài hát kiểu này quá nhảm nhí, nhưng thấy nhiều bạn truyền tai nhau quá thì tò mò nghe theo. Lâu dần nghe thấy quen tai rồi thích. Thế là đi sưu tầm để truyền nhau nghe theo phong trào" - H.Quỳnh - 14 tuổi (Hà Nội) nói.

Chán nghe nhạc chế, giờ đây một bộ phận teen (ngày càng lớn) có xu hướng chuyển sang nghe những nhạc phẩm do chính teen tự sáng tác. "Chỉ cần có ý tưởng, một cái tai nghe kèm micro, vài phần mềm đơn giản như ARM Convert, PV Author, PSM Player... cài trong máy tính là có thể cho ra đời những bản nhạc theo ý mình", H.Hùng - 15 tuổi (Hà Nội) cho hay.

Hùng "sáng tác" khá nhiều và thường xuyên tải lên các diễn đàn, website của cộng đồng teen để giới thiệu. Theo Hùng,  tự "sáng tác" mới độc và thể hiện được tâm trạng. Hùng khoe mấy chục "nhạc phẩm" mình sáng tác toàn như "em không duyên, nhưng mặt tiền em đẹp...", "anh thương em vì bố em làm to..." được bạn bè xin rất nhiều. Hùng khẳng định để "tác phẩm" của mình nổi bật trên các diễn đàn, website nhạc thì đầu đề và ca từ phải sốc và nhảm nhí thì teen mới bấm chuột nghe.

"Có một điều mà anh chưa bao giờ dám nói với em... Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ... Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi..." - những ca từ nhảm nhí của "Thỏ con chiên bánh"... một thời đã khiến nhiều teen học thuộc lòng để nghêu ngao.

Tương tự, "Nấm lùn di động", "Con gái thời nay"... cũng được nhanh chóng tải về nhiều máy tính của teen. A - một chàng 9x sành nhạc - khẳng định: "Giờ mà có bài nào lạ lạ, thì khoảng vài ngày cộng đồng mạng sẽ biết ngay. Gửi cho nhau qua điện thoại di động, Y!M và Blog khó gì đâu".

Vì lẽ đó, T.Phong (Tô Hoàng, Hà Nội) ngày ngày mải mê lang thang trên các forum, blog để sao lại những đoạn nhạc tự biên tự hát "hot" của các teen khác, tí toáy trộn với những đoạn thu giọng đọc rap của mình để tạo ra "nhạc độc", miệt mài tải lên mạng, mong một ngày được cư dân mạng biết tên.

Đa số teen sử dụng nhạc "rác", nhạc "chế" một cách vô tư và rất hồn nhiên. Thấy lạ là nghe, là truyền tai nhau, dần dà "nhạc rác", "nhạc chế" sẽ nghiễm nhiên trở thành một phần "văn hóa nghe" của cộng đồng vốn ưa tò mò, khám phá, ưa lạ song lại chưa đủ bản lĩnh để nhận thức đúng đắn. Những biện pháp kiểm soát kịp thời và hiệu quả là rất cần thiết, thế nhưng khó thực hiện xuể vì có đủ ngõ ngách để tìm đến các phương tiện thông tin, vào web.

                                                                                                                         Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng