Văn nghệ trong nước
Nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng”
16:17 | 27/04/2009
Tết vừa rồi, các bài viết của Đặng Tiến xuất hiện đồng loạt trên một vài báo và tạp chí trong nước, như là “bước đệm” cho một sự trở lại với độc giả trong nước, khi NXB Phụ Nữ vừa cho phát hành tác phẩm phê bình văn học mới nhất của ông. Từ Orleans (Pháp), ông dành cho độc giả những lời bộc bạch, nhân sự kiện xuất bản này.
Nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng”

Trong phần “Thi pháp”, ông đề cập mấy vấn đề chính? Còn phần “Chân dung”, nó sẽ gồm những ai – bởi ông đã viết về khá nhiều người – ai sẽ được chọn, và tại sao?

Về “Thi pháp”, tôi chỉ đưa ra một ý chính: thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng; khác với ngôn ngữ hàng ngày, là dụng cụ để biểu hiện một ngoại vật. Những bài khác minh hoạ ý đó, bằng những lập luận và ví dụ cụ thể.

Về “Chân dung”, tôi thoả thuận với NXB đưa ra một hành trình tổng hợp về thi ca Việt Nam, đi từ Nguyễn Trãi qua phong trào Thơ mới, các tác giả đương đại cả hai miền Nam Bắc như Lê Đạt, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Phạm Tiến Duật… không phân biệt chính kiến. Vì số trang có hạn, nhiều chân dung tác giả khác phải dời lại cho cuốn sau.

Đây là cái nhìn hoà giải, của bản thân tôi sinh sống ở nước ngoài. Nhưng may mắn gặp sự đồng tình của NXB, mà tôi xin đề cao ở đây. Nhất là người chọn bài, biên tập, rất chuyên nghiệp, lại là người tôi chưa từng quen biết. Như vậy là có nguồn đồng thuận hướng về chân trời hoà hợp, là điều phấn khởi lớn. Đây là niềm vui của cá nhân tôi và bè bạn từ nhiều năm nay muốn có trong tay những bài viết của tôi để tiện việc tra cứu, hoặc chỉ để tìm lại một kỷ niệm. Nhưng nói rộng ra có thể là một tư liệu cần cho giới văn học, của một tác giả ít được biết, xem như là một khách tài tử của văn chương không mấy thiết tha với việc in ấn, không có bao nhiêu tham vọng về sự nghiệp. Cũng có thể xem như một thoáng cởi mở trong tình hình văn học hiện nay, với một người sống lâu năm ở hải ngoại.

Điều mà ông muốn “nối lại” và “nói lại” với độc giả trong một hành trình minh định thơ là ngôn và ngữ, chứ không đơn thuần là nghĩa và ý. Cuốn sách này có phải là một “tóm lược” về điều đó?

Đúng là như thế. Chữ “đơn thuần” là chính xác.

Ngày nay trên thế giới, các lý thuyết về thi ca nhấn mạnh vào ngôn ngữ và ít quan tâm đến tư tưởng. Nhờ đó mà kiến thức về thi ca đã có nhiều tiến bộ. Trước kia và hiện nay trong nước, người viết phê bình thường dựa theo ấn tượng, theo kiểu Hoài Thanh. Có lúc lại theo đường lối, giáo điều, nên ngành lý luận thi ca mất hiệu lực. Người làm thơ không mấy tin cậy vào người phê bình, thậm chí còn “sợ” bị chê, “sợ” luôn cả được khen. Điều quan trọng với tôi trong các bài viết, không phải là khen chê, mà hiểu bài thơ, may ra hiểu được người làm thơ. Hiểu được nhau, gặp được nhau là quý.

Nói chung, cho đến nay, những bài phê bình, giới thiệu của tôi được sự hưởng ứng, đồng thuận của các nhà thơ. Theo tôi, đó là điều tôi may mắn.

Từ cuốn sách này và những công trình khác mà bản thân đã và đang theo đuổi, theo ông thơ Việt thường thiên về ngôn ngữ, hay thiên về ý tưởng?

Thơ Việt thiên về ý, về nghĩa, từ truyền thống “thi ngôn chí” trong thơ cổ, ít khi thiên về ngôn ngữ, ít khi đạt đến vẻ đẹp của ngôn ngữ bên ngoài ý tưởng. Sau đó, hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, chính trị càng đưa thi ca sâu vào con đường duy lý, duy dụng. Từ đó, thơ có khi rơi vào chỗ dung tục, mất độc giả. Dĩ nhiên là cũng có nhiều thơ hay, thuộc nhiều lứa tuổi và trường phái khác nhau.

                                                                                                                     Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng