Văn nghệ trong nước
Ít tiền vẫn có phim hay?
19:14 | 04/05/2009
Với một nguồn kinh phí ít ỏi, các đạo diễn đã phải rất vất vả với “đứa con tinh thần” của mình.
Ít tiền vẫn có phim hay?

Với một nguồn kinh phí hạn hẹp, các đạo diễn Việt không đủ “dũng cảm” để làm phim về đề tài lịch sử, chiến tranh, hay hành động mà chỉ đành quanh quẩn với những motip quen thuộc về cuộc sống gia đình, xã hội… Sự lặp lại với không chút bứt phá đôi khi khiến khán giả ngán tới tận cổ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một vài bộ phim được phát trên sóng truyền hình đã dần chiếm lại cảm tình của khán giả. Chất lượng phim khá, dù rằng kinh phí làm phim vẫn như “người muôn năm cũ”.

Đồng hạng với mức giá thấp

Bộ phim “Ma làng” (Hãng phim Truyền hình Việt sản xuất năm 2007, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần) từng “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình VTV1 và cả trong lòng khán giả, trở thành một hiện tượng phim về đề tài nông thôn thực tế được làm với kinh phí chỉ 65 triệu cho một tập phim. Con số ấy không thấm tháp vào đâu khi phải chia nhỏ ra cho đầu tư kĩ thuật, vật tư, lương bổng cho đoàn làm phim (biên tập, biên kịch, diễn viên…), đến đạo diễn cũng chỉ được nhận chưa đầy 2,5 triệu đồng/tập phim.

Trong khi đó, để quay một tập phim chỉ dài chừng hơn 30 phút, cả đoàn làm phim đã tốn không ít công sức và thời gian. “Gió làng Kình” (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần)- bộ phim được coi là “nối dài từ thành công của Ma làng” cũng có kinh phí không hơn là bao. Nếu ở “Ma làng”, diễn viên Bùi Bài Bình (vai Tòng) nhận được 600 nghìn/tập thì đến “Gió làng Kình” với vai Khuếnh, anh cũng chỉ nhận thêm 100 nghìn/tập. Cát-xê cho diễn viên cũng như cho cả ê-kip làm phim thực quá “bèo bọt” so với số tiền quảng cáo mà bộ phim đem lại cho Nhà đài. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, mỗi tập phim “Ma làng”, Nhà đài thu về từ 750 tới 800 triệu tiền quảng cáo, trong khi đó, kinh phí cho một tập phim vẫn cứ đóng khung 65 triệu đồng.

Đồng hạng kinh phí là cách mà Nhà đài đang áp dụng cho tất cả những bộ phim truyền hình. Năm 2009 này, đài VTV và HTV dự tính tăng thêm 20 triệu/tập phim so với năm trước là 180 triệu/tập, đồng nghĩa với yêu cầu các hãng phim phải tự lo được quảng cáo (mỗi spot quảng cáo tương đương với 30 triệu đồng). Nhưng khi phim hút được một lượng quảng cáo vượt ngoài khung mà Nhà đài đưa ra thì số dư đó cũng không được tính thêm cho hãng. Phim “Lập trình cho trái tim” (FPT Media sản xuất) đang phát trên sóng VTV3 thu hút được khá đông khán giả, lượng quảng cáo trong mỗi tập không hề nhỏ với ít nhất 5 lần. Phim được sản xuất trước khi lên sóng 1 năm nên số tiền mà đoàn làm phim nhận được cho mỗi tập vẫn nằm trong khung “quy chuẩn” theo tính toán cân đối với lượng cát-xê mà Nhà đài trả. Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà (đạo diễn phần 1 phim), dù không tiết lộ chính xác số kinh phí mà đoàn làm phim nhận được từ mỗi tập nhưng cho biết: do đây là tác phẩm đầu tiên của FPT Media nên kinh phí rót vào có nhỉnh hơn đôi chút. Tuy vậy, so với mặt bằng phim Việt cũng chưa phải là một bước đột phá.

Dù phim hay hay dở cũng đều nhận chung một mức kinh phí, sự thiếu công bằng này vô hình trung đã trở thành một lực cản làm nản lòng những nhà làm phim. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bức xúc: Việc Đài truyền hình có cố gắng chi thêm 20 triệu cho đoàn làm phim thì cũng chỉ là ăn bớt chứ không phải trả theo giá trị thực của tác phẩm. Tiền quảng cáo mà mỗi tập phim “Ma làng” thu được đâu phải tiền xin Nhà nước, nếu chỉ cần trích 5% trong số đó cho đoàn làm phim thì chúng tôi đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Doanh nghiệp bây giờ họ rất khôn, chỉ quảng cáo ở những phim mà khán giả xem nhiều. Bởi vậy lượng quảng cáo chính là chứng tỏ cho đẳng cấp phim. Nhưng với mức chi như hiện nay, thì có làm phim hay cũng chỉ bằng làm phim chất lượng kém.

Liệu cơm gắp mắm

Với một nguồn kinh phí ít ỏi, các đạo diễn đã phải rất vất vả với “đứa con tinh thần” của mình. Không thể thỏa sức tung hoành với những đề tài mới lạ, các đạo diễn đều phải suy tính xem nên làm những đề tài gì phù hợp, quan trọng là chi phí cho nó không vượt quá khả năng tài chính. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: Hiện nay làm phim hay hay không là do cá nhân đoàn làm phim. Với 65 triệu thì chỉ có thể làm phim tại Hà Nội, với những đề tài không có quá khứ, chiến tranh… Tuy vậy, nếu bộ phim chỉ quay trong 3 ngày với diễn xuất ẩu, cảnh quay xoàng sẽ có cơ lời, nhưng nếu phim quay tới 7 ngày và đầu tư chuyên môn thì chỉ có lỗ vốn.

Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà cũng đồng quan điểm: Kinh phí ít ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất phim. Từ bối cảnh, trang phục, đạo cụ, nếu cần để cho một bộ phim tốt về nền tảng, môi trường cho nhân vật thì kinh phí ít ảnh hưởng không nhỏ. Hiện tại phim truyền hình có kinh phí rất thấp nên đạo diễn phải tính xem có làm được phim hay không, và phải xoay xở ra sao với khoản kinh phí đó. Nhưng điều quan trọng vẫn là quan điểm của những nhà làm phim, phải làm gì cho khán giả xem, phim hướng tới đối tượng nào?

Khán giả xem phim, thường chê rằng phim Việt bối cảnh giả, trang phục không phù hợp, diễn viên diễn xuất chưa tới. Lỗi cẩu thả đó, đôi khi cũng là do “cái khó” của kinh phí. Cha đẻ của “Chạy án”- đạo diễn Vũ Hồng Sơn đã từng bày tỏ thẳng thắn: Tôi quan niệm phim Việt có kinh phí quá ít ỏi mà cứ làm những phim đánh đấm võ thuật thì làm sao đọ được với các phim của Mỹ, Trung Quốc. Phải tìm ra cái gì riêng mà phim Việt có để tăng tính hấp dẫn. Trong series phim Chạy án gồm 22 tập, tôi không hề cho một cảnh đánh đấm nào cả vì nếu làm những cảnh đó rất tốn kém, phải mời rất nhiều võ sư, diễn viên đóng thế... Mỗi tập phim, tiền trả cho toàn bộ diễn viên chỉ có 11,2 triệu đồng. Vậy thì tiền đâu mà bày vẽ. Tiền cho hoạ sĩ, tạo bối cảnh, thuê nhà. chỉ có hơn 3 triệu đồng nên không thể đòi hỏi hơn ở  họ những bối cảnh ưng ý cũng như đòi hỏi ở diễn viên làm quá sức mình trong khi tiền trả cho họ quá thấp.

Ít tiền không chỉ dẫn tới đề tài bị bó hẹp, mà ngay những đề tài “phổ biến” thì để có thể bứt lên, các đạo diễn cũng phải suy đi tính lại. Với “Ma làng” đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã phải căn cơ quay một tập phim trong bao ngày, cho anh em ăn gì, ngủ ở đâu để vừa vặn với số tiền ít ỏi có trong tay…, chi li tới độ xong bộ phim, đạo diễn cũng có được kinh nghiệm của một "bà nội trợ"! Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà cũng không ngoại lệ.

Làm bằng lương tâm nghề nghiệp

Kêu thì kêu vậy, nhưng khi đứng trước một dự án làm phim mà mình cảm thấy tâm đắc, thấy “sướng” thì các đạo diễn vẫn gật đầu để rồi phải quay cuồng trong bài toán cân đối giữa tài chính và nghệ thuật. Hay đơn giản, đôi khi đó chỉ là cái gật đầu và cố gắng hết sức vì chính “cái tên” của mình. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự: “Với khoản kinh phí hạn hẹp, nhưng cũng có những người không thể làm những bộ phim tồi, đó là do lương tâm nghề nghiệp và do chính thương hiệu của người đó. Chỉ riêng hai yếu tố đó thôi cũng đả đủ đảm bảo cho một bộ phim. Tất cả là do cá nhân người nghệ sĩ quyết định”.

Quyết định làm phim và có làm tốt hay không, tất cả đều do nghệ sĩ. Diễn viên Kim Oanh tham gia suốt 20 tập bộ phim “Ma làng” và chỉ nhận về 7 triệu tiền cát-xê, con số quá bèo bọt nhưng cô luôn sống hết mình với vai diễn. Tất cả là bởi niềm yêu thích. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bảo “Tiền ít nên kéo theo nhiều khó khăn, nhất là khi đoàn làm phim phải lên vùng núi cao, rồi phải mượn lại nhà dân… nhưng tất cả đều tùy thuộc vào nghệ sĩ có thích không. Nếu thích thì họ sẽ xông pha, làm là quên chết luôn”. Tuy nhiên, một điều cũng không kém phần quan trọng chính là niềm tin mà người đạo diễn gây dựng được với diễn viên của mình. Có niềm tin với đạo diễn, tin với thành công của bộ phim thì diễn viên mới có thể sống chết với vai diễn của mình…

Kinh phí eo hẹp, để huy động được diễn viên tham gia đã khó, để họ nhận lời và cố gắng hết sức với khả năng mà không màng đến chuyện tiền bạc lại càng khó hơn. Và điều đó tùy thuộc vào tấm chân tình của đạo diễn với diễn viên. Diễn viên Bùi Bài Bình cho biết, anh gắn bó với ê-kip làm phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, phần nhiều là vì tình cảm anh em bạn bè. Đạo diễn tốt với mình nên mình cũng phải ‘đáp lễ”.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã từng bảo: nếu có nhiều tiền cũng chưa chắc anh đã làm được phim hay. Quả thực, kinh phí eo hẹp là lực cản với đạo diễn cũng như đoàn làm phim, nhưng không phải là quá lớn. Trên thực tế, điện ảnh thế giới vẫn có những bộ phim được đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín mà chỉ làm với kinh phí không nhiều. Mới đây nhất chính là “Slumdog Millionaire" (Triệu phú khu ổ chuột)- một bộ phim của điện ảnh Ấn Độ đã vượt qua rất nhiều đối thủ nặng ký để giành chiến thắng tại 8 trong số 10 đề cử ở các hạng mục quan trọng tại lễ trao giải Oscar 2008. Bộ phim của đạo diễn người Anh Danny Boyle, được chuyển thể từ tiểu thuyết "Q & A" (Hỏi và đáp) của nhà văn Vikas Swarup và chỉ được làm với kinh phí rất thấp (14 triệu USD). Bộ phim "Twilighft" (Chạng vạng)- chuyển thể dựa trên tiểu thuyết đầu tay ăn khách của nhà văn Stephenie Meyer có kinh phí sản xuất chỉ 37 triệu đôla song đã đem về 70,6 triệu đôla sau 3 ngày đầu công chiếu ở Mỹ và làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim ở nhiều nước trên thế giới… Ở Việt cũng có không ít bộ phim làm với kinh phí thấp nhưng gây ấn tượng khá rõ nét với khán giả. Một trong số đó phải kể đến “Đường thư” (đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng), một bộ phim về đề tài chiến tranh chỉ với kinh phí chỉ hơn 1 tỉ đồng. Những bộ phim truyền hình thời gian gần đây như “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Chạy án”,… cũng có thể coi là minh chứng cho việc ít tiền vẫn có phim hay.

“Cái khó bó cái khôn”, nhưng xem ra, với điện ảnh, không phải lúc nào sự hạn hẹp về kinh phí cũng là cái vòng kiềm tỏa cho những sáng tạo nghệ thuật. Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà bộc bạch: Không phải cứ có nhiều tiền đã có phim hay. Ở nước ngoài, nhiều bộ phim được làm với kinh phí khổng lồ nhưng chất lượng lại không được đánh giá cao. Đương nhiên nếu so về cảnh quay thì họ có nhiều tiền, có thiết bị máy móc hỗ trợ tốt nên sẽ tốt hơn của ta. Nhưng kinh phí thấp không phải vấn đề quá lớn, nhiều khi nó lại trở thành một lợi thế để tìm ra những sáng tạo mới hơn, lạ hơn.

Quả thực, cái khó cũng luôn ló cái khôn. Chính trong những khó khăn, những hạn hẹp về tài chính lại là lúc đạo diễn được rèn luyện khả năng, sức bền cũng như khả năng xoay sở của mình. Nhưng dù có là gì đi nữa, dù khi bộ phim đã được rót chút kinh phí nhỉnh hơn, điều kiện làm phim được mở rộng hơn thì với các đạo diễn, các nhà làm phim, mong muốn lớn nhất vẫn là những sáng tạo nghệ thuật của họ được coi trọng, bằng thực lực chứ không phải bởi vì cái gì khác, như chính đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà đã tâm sự.

                                                                                                                    Theo Toquoc

Các bài mới
Các bài đã đăng