Văn nghệ trong nước
Tiểu thuyết đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Không phải huyền thoại”
08:40 | 07/05/2009
Cố nhà văn Hữu Mai nổi tiếng bởi đã làm say mê bao thế hệ người đọc với Ông cố vấn, Cao điểm cuối cùng… Và trong những ngày tháng cuối cùng của đời mình ông đã dồn hết tâm lực hoàn thành cuốn tiểu thuyết về một con người bằng xương bằng thịt nhưng đã làm nên huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ("Không phải huyền thoại" - NXB Quân đội nhân dân ấn hành 2008).
Tiểu thuyết đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Không phải huyền thoại”
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp- Ảnh TL

Để tiếp tục phổ biến sâu rộng hơn nữa cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng, NXB Trẻ tái bản cuốn này với phần hiệu đính và bổ sung bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo John Kennedy.

Một câu hỏi và gần 500 trang viết

Đã có hàng núi tư liệu, sách, phim ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ai cũng biết điều đó và sẽ hỏi “Không phải huyền thoại” ra đời thế nào, có gì mới mẻ? Sinh thời, nhà văn Hữu Mai đã lý giải căn nguyên: Đó là từ câu hỏi của những người nước ngoài, gần nhất là nhà báo John Kennedy (con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy) với Đại tướng: “Tại sao người Việt đều giành chiến thắng trong lúc kẻ thù mạnh nhất?”. Điều khá cơ bản này còn ít được đề cập đến trong nhiều công trình viết về Tướng Giáp. Gần 500 trang viết (khổ 16x24) đã ra đời với tâm nguyện của nhà văn Hữu Mai “Tôi không mong đưa ra những phát hiện mới về lịch sử chiến tranh Việt Nam hiện đại mà chỉ mong làm rõ thêm, bổ sung thêm, cụ thể hóa thêm thực tế cuộc chiến, may chăng có thể mang lại điều gì đó bổ ích đối với những vấn đề bạn đọc quan tâm”. Lời trích xã luận của tờ báo xuất bản tại ngay đầu cuốn sách cũng một lần nữa cho thấy sự cần thiết khắc họa chân dung một “nhân tướng” qua thể loại tiểu thuyết văn học: “Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có lẽ ngay cả những nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết, để kể lại trung thành những giá trị của ông…”.


Tháng 4-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại thăm xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nơi ông đã từng gắn bó trên cương vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.


“Không phải huyền thoại” vượt ra khỏi khuôn khổ biên niên sử ở chỗ lột tả được khía cạnh khốc liệt của chiến tranh. Sự khốc liệt trên chiến hào, quyết liệt trong những căn hầm sở chỉ huy và không khoan nhượng ở bàn nghị sự quốc tế. Người cầm quân trong bối cảnh ấy phải thỏa mãn được đáp số kép: phương án đúng và thời điểm đúng. Phía sau những chiến thắng vẻ vang của vị Tổng Tư lệnh và quân đội non trẻ của mình là những tâm sự gì? Hữu Mai đã tìm được câu trả lời qua hình tượng thuyết phục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người mà CNN bình chọn “là một trong số những hình tượng quan trọng nhất thời kỳ đầu lịch sử nước Việt cộng sản”.

Bình dị, bản lĩnh, sâu sắc

Có thể chưa phải thật đầy đủ, nhưng đó là những cảm nhận tiêu biểu người đọc sẽ thấy qua hình tượng Anh Văn (bí danh của Đại tướng) dưới ngòi bút Hữu Mai. Với sự mềm mại của văn học, sự chắt lọc của tình tiết, Hữu Mai đã dẫn dắt người đọc đi từ những ngày đầu Võ Nguyên Giáp được Bác trao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập những hội cứu quốc ở Cao Bằng cho đến cao trào chiến dịch Điện Biên Phủ và những tháng năm Đại tướng trở lại chiến trường xưa. Cảm giác về sự chân thật rất rõ nét, như một cuốn phim trước mắt. Chân thật mà hấp dẫn. Trước đây, nói về điều này trong một bài viết -  Toàn tập Phạm Tiến Duật mới công bố - nhà thơ nổi tiếng này đã nhấn mạnh “Mọi người coi Hữu Mai là Bí thư riêng về văn học cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và “Hữu Mai là  nhà văn có nhiều thành tựu ở khu vực mà các ông Tây gọi là “không hư cấu”. 

Không phải huyền thoại vì Tướng Giáp là con người bằng xương bằng thịt: “Anh cán bộ có nước da mỏng như da con gái, đôi chân trần chưa có một vết chai, lội suối sâu giá buốt, trèo núi đá tai mèo nhọn sắc (…). Anh học tiếng Tày, tiếng Mán, tiếng Mông, dịch “Việt Minh ngũ tự kinh” thành tiếng địa phương để đồng bào vừa cán bông, giã gạo vừa hát. Những nơi anh tới, phong trào phát triển rất nhanh”. Không phải huyền thoại cũng là vì điều làm nên chiến công độc đáo bậc nhất trong lịch sử dân tộc là trí tuệ có thật của con người.

Toàn bộ cuốn sách trải trong 31 chương với những tên gọi ấn tượng Trùng độc chiến, Marathon mùa xuân, Kéo pháo vào, kéo pháo ra, nhức nhối A1, Phép thử Him Lam…

 “Không phải huyền thoại” sẽ chính thức ra mắt vào 19-5 và hướng tới đối tượng chính là thanh, thiếu niên với những chương trình giới thiệu trực tiếp tại các trường học trong Nam và ngoài Bắc. Qua đây, có lẽ nên nghĩ nhiều hơn về việc giúp thế hệ trẻ tiếp cận những nhân vật lịch sử, bài học lịch sử quý giá qua các hình thức văn học nghệ thuật một cách chân thực và hấp dẫn.

                                                                                                                   Theo HNMO

Các bài mới
Các bài đã đăng