Văn nghệ trong nước
Bền chặt cội rễ con Lạc cháu Hồng
09:16 | 11/04/2019

Ngày 1.3 âm lịch, có mặt tại khu vực núi thiêng Nghĩa Lĩnh, chúng tôi được hòa vào dòng người từ các huyện, thị xã của tỉnh Phú Thọ về dâng hương, báo công các vua Hùng. Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ Trần Văn Khai chia sẻ: “Đền Hùng chính là điểm tựa tinh thần vững chắc, là nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết, là động lực, niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phú Thọ vững bước trên con đường phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập”.

Bền chặt cội rễ con Lạc cháu Hồng
Đoàn đại biểu thị xã Phú Thọ dâng hương, báo công các Vua Hùng - Ảnh: Hương Sen

Trọn vẹn lòng thành kính

Đã thành thông lệ, trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, đại diện ban, ngành các huyện, thị xã trên toàn tỉnh Phú Thọ lần lượt về dâng hương, báo công các Vua Hùng. Năm nay, hoạt động này được tổ chức từ ngày 1.3 âm lịch. Sáng nay, 6.3 âm lịch, xã Chu Hóa (TP Việt Trì) tổ chức rước kiệu lễ vật và Tế Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ…

 Không chỉ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ, những ngày này, Đền Hùng là nơi hướng về của hàng triệu người con đất Việt trong và ngoài nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 có 3 tỉnh tham gia góp giỗ là Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La. Các hoạt động phong phú (cả phần lễ và phần hội) xuyên suốt từ ngày 5 - 14.4 (tức 1 - 10.3 âm lịch), thể hiện cho sức mạnh cộng đồng làng xã, vùng miền, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hóa dân gian của tỉnh Phú Thọ và phản ánh rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương.

Phần lễ được đặc biệt chú trọng trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Đền Hùng, gồm các lễ chính như: Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức...

Ngay từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều làng đã tiến cử người góp phần thực hiện các hoạt động tế lễ. Ông Hà Ngọc Quyết - Đội trưởng đội tế lễ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cho biết, đội tế năm nay có 24 người tuổi từ 50 trở lên, đều được tuyển chọn rất kỹ là những người có sức khỏe, tâm huyết, đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu, để thay mặt toàn thể quốc dân dâng lên Đức Quốc Tổ trọn vẹn lòng thành kính. Riêng chủ tế còn phải luyện giọng cho thật vang rền, trang nghiêm, lời chúc văn hàng chục năm không đổi sẽ qua giọng đọc ấy mà dâng lên bề trên, mà răn dạy con cháu.

Mặc dù chưa đến chính hội, song theo nhiều người dân địa phương, đây là thời điểm mà người người, nhà nhà trên địa bàn tỉnh đều hồ hởi và phấn khởi. Những người con xa quê đã kịp trở về, người ở địa phương bận rộn lo sắm sửa đồ lễ. Cùng với lễ dâng hương, Phú Thọ vận động mỗi gia đình tổ chức “mâm cơm tri ân”, bảo đảm trang nghiêm, đầm ấm, để cùng tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào thời điểm chủ lễ đọc chúc văn trên đền Thượng.

Phô diễn sắc màu văn hóa Đất Tổ

Những ngày này, từ cổng đền Hùng nhìn xuống Quảng trường trung tâm, muôn sắc cờ hoa tô điểm cho các Hội trại văn hóa. Du khách lại có dịp chiêm ngưỡng các hiện vật khảo cổ về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Song song với đó, tại khuôn viên Bảo tàng Hùng Vương giới thiệu nhiều hiện vật quý, điển hình có bộ 4 chiếc nha chương, vật dụng trong nghi lễ, lễ khí còn khá nguyên vẹn được tìm thấy trong khoảng những năm 1990 trên chính vùng đất này. Bộ sưu tập cùng nhiều hiện vật đá giới thiệu những giá trị riêng có về nghệ thuật chế tác đá đỉnh cao của người Phùng Nguyên. Đây cũng là bằng chứng cho thấy vùng đất Tổ Phú Thọ chính tập trung nhiều hiện vật điển hình, đặc sắc của nền văn hóa Phùng Nguyên, góp phần hình thành nên nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.

Cùng với phần nghi lễ, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được chuẩn bị phục vụ du khách. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 sẽ chính thức khai hội vào tối 12.4 (tức 8.3 âm lịch) tại Sân khấu chính Quảng trường Hùng Vương với hai màn pháo hoa rực rỡ đan xen các phần biểu diễn âm nhạc dân gian. Bổ sung cho sự phong phú của các hoạt động văn hóa vùng đất Tổ, Lễ hội năm nay tổ chức Hội hát giao lưu tại khu vực ngã năm đền Giếng và hồ Mai An Tiêm, Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng…

Theo Giám đốc Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng Nguyễn Duy Anh, dịp này nhân dân trong tỉnh thêm cơ hội phô diễn tới đồng bào cả nước Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - hát xoan. Hội xoan sẽ tiếp tục tổ chức ở nhiều điểm, di tích được cho là nơi khởi phát làn điệu xoan nổi tiếng, như miếu Lãi Lèn, phường Phượng Lâu, TP Việt Trì, hay không gian lễ hội dân gian đường phố, hứa hẹn mang đến cảm nhận sâu sắc về di sản đặc biệt vùng đất Tổ.

“Lễ hội Đền Hùng với các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật không chỉ là minh chứng cho sự giàu có về bản sắc văn hóa của vùng đất Tổ, mà còn giúp đồng bào thêm tự hào về nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng, tìm thấy ở đó những gốc rễ bền chặt, góp phần làm nên giá trị trường tồn cho nền tảng văn hóa dân tộc” - ông Nguyễn Duy Anh nói.

Theo H. Sen - Ng. Phương - L. Thư - DBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng