Văn nghệ trong nước
Tư tưởng bình đẳng, bác ái và niềm tin ở con người
09:53 | 15/08/2019

Suốt cuộc đời mình, tất cả tư tưởng cũng như hành động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu tiên đến cuối cùng, đều vì dân vì nước. Người đã thực hiện những điều này với tình cảm, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao nhất để mang lại hiệu quả tối đa.

Tư tưởng bình đẳng, bác ái và niềm tin ở con người

Mong muốn về một thế giới hòa bình, đoàn kết

Tại hội thảo “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn, 1969 - 2019” sáng 14.8, TS Nguyễn Thị Việt Hà, Học viện Chính trị Khu vực II, khẳng định, chính lòng khoan dung, nhân văn để hướng tới một thế giới hòa bình, đoàn kết là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng văn hóa tương lai. Vì vậy, tuy Hồ Chí Minh chỉ có mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí, song “vẫn thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng, đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc” nhằm thực hiện khát vọng về một thế giới hòa bình, một dân tộc độc lập và mỗi người dân được tự do thực hiện khát vọng làm người cao cả.

TS Nguyễn Thị Việt Hà phân tích, ngay từ những năm 1920, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Sự đoàn kết và ủng hộ của quốc tế có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và ngược lại, thắng lợi của cách mạng Việt Nam góp phần tích cực đến phong trào cách mạng và hòa bình thế giới. Sau đó, từ năm 1945 đến cuối những năm 1960, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam với quan điểm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” là sự phản kháng cuối cùng khi kẻ thù hiếu chiến, không chấp nhận giải pháp hòa bình.

“Mấy lời Hồ Chí Minh đề cập về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong Di chúc không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là trách nhiệm của Người và của dân tộc Việt Nam đối với hòa bình quốc tế. Đó là chiến thắng giành thế chủ động của nhân dân Việt Nam khi đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ…”, TS Nguyễn Thị Việt Hà nhận định.

Như vậy, mặc dù trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề trực tiếp đề cập đến trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình thế giới, nhưng tư tưởng về một thế giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và chính Người là biểu tượng cao đẹp cho sự tiếp cận đó vẫn được khẳng định. Thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với nhiều đế chế lớn trên thế giới. Chủ quyền, độc lập dân tộc nhiều lần bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng Việt Nam đã đứng vững, từng bước hồi sinh và phát triển. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, đó là nhờ tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với trào lưu đấu tranh anh dũng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Triết lý “lẽ ở đời và đạo làm người”

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng yêu thương con người là giá trị bao trùm, quán xuyến toàn bộ tư tưởng, suy nghĩ và hành động. GS.TS Nguyễn Văn Kim cho rằng, bản Di chúc là sự chưng cất những suy nghĩ, tư tưởng của Hồ Chí Minh về con người và vì con người. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, là nhân tố trung tâm, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, phải có những con người toàn diện, trách nhiệm.

PGS.TS Ngô Đình Xây, Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích thêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra một mệnh đề đơn giản nhưng cực kỳ sâu sắc, thấm đậm tinh thần nhân bản để người Việt Nam phấn đấu. Người nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người”. Đây không chỉ là một mệnh đề mà còn hơn thế, đó là triết lý sâu xa về lẽ ở đời và đạo làm người của người Việt Nam. Đạo ở đời và đạo làm người của Hồ Chí Minh thể hiện một bản ngã hết sức độc đáo không chỉ “hợp với lương tri và lương tâm con người”, mà còn thể hiện rõ tư duy mới về văn hóa - “văn hóa là nhân hóa”.

Triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội hàm được thể hiện rõ qua hai luận điểm: ở đời và làm người. Với luận điểm ở đời, PGS.TS Ngô Đình Xây giải thích, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói đến việc phải làm gì cho đời, thể hiện cách ứng xử với cộng đồng và trách nhiệm đối với xã hội. “Di chúc xem như một tầm nhìn chiến lược hành động về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những nhận diện về công cuộc xây dựng đất nước; dự kiến về những chính sách cần áp dụng cho nông nghiệp và cho các nhóm xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, như nông dân, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong đã hy sinh một phần xương máu cho kháng chiến”.

Đặc biệt, Di chúc đã chỉ ra rất rõ “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân…, củng cố quốc phòng”. “Như vậy, Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước, chăm lo đời sống nhân dân. Đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ và Người yêu cầu, Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”, PGS.TS Ngô Đình Xây nhận định.

Một trong những nhân tố căn bản để hoàn thành sự nghiệp đó, vấn đề xây dựng và phát triển con người cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người định nghĩa: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước, rộng hơn nữa là cả loài người”. PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cách mạng. Con người là điểm hướng đến của phát triển. Người nói “phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân”, là lời căn dặn mang tầm chiến lược, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng