Văn nghệ trong nước
Khôi phục di sản nhạc kịch Việt
08:45 | 02/10/2019

Ngày 5.10 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phục dựng và công diễn vở “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đưa tác phẩm opera từng được coi là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam trở lại sân khấu sau hơn 40 năm.

Khôi phục di sản nhạc kịch Việt
Các nghệ sĩ tập luyện vở diễn “Người tạc tượng” Ảnh: VNOB

Vẹn nguyên tinh thần yêu nước

“Với “Người tạc tượng”, chúng tôi muốn gợi lại cho khán giả quá khứ và lịch sử hào hùng của dân tộc, sự bất khuất của những con người Việt Nam đã trải qua năm tháng. Trước kia, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã dựng vở kịch này và biểu diễn hàng trăm buổi trên khắp đất nước. Nay VNOB phục dựng, mong muốn tri ân những người đã cống hiến và để khán giả đương đại có thể thưởng thức vở diễn” - NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB chia sẻ.

“Người tạc tượng” kể về giai đoạn lịch sử chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Tây Nguyên tại buôn Bra thập niên 1960. Thạch Sơn, người con đất Quảng Nam - quê ở núi Ngũ Hành - là cán bộ quân giải phóng, chiến đấu trên đất Tây Nguyên. Trong một cuộc chạm trán với địch, anh bị thương và được đồng bào che giấu, đưa vào hang núi cứu chữa. Khi giặc sục sạo khắp dân làng để lùng bắt cán bộ ta, đã phát hiện bức tượng dũng sĩ Tây Nguyên trên vách đá và tra khảo dân làng. Trước tình thế đó, Thạch Sơn quyết định bước ra đối mặt với kẻ thù, nhận mình chính là người tạc tượng. Anh cũng đã giác ngộ đồng bào đi theo cách mạng... Câu chuyện là một trong muôn ngàn hình ảnh sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện ý chí kiên cường và bất khuất, ca ngợi tình đoàn kết các dân tộc Kinh - Thượng.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận, là người biên tập, đạo diễn âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc của vở diễn. Ông cho biết: ““Người tạc tượng” được công diễn lần đầu ngày 2.9.1971. Trong tay tôi hiện nay còn bản thảo tác giả viết. Phía sau quyển viết tóm tắt phần âm nhạc, giai điệu, ca từ ngày ấy, chính tay nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có mấy dòng lưu lại cho thấy kịch bản viết và được hội đồng nghệ thuật duyệt tháng 6.1969, soạn phần piano và hát xong ngày 17.7.1970, sau đó có giai đoạn dài phối khí cho dàn nhạc giao hưởng, tháng 1.1971 sửa lại hợp xướng lần cuối cùng. Năm 1971, VNOB nâng đỡ cho tác phẩm opera thứ 2 của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được trình diễn”.

Lần đầu tiên hợp tác để dàn dựng một vở nhạc kịch, đạo diễn sân khấu - NSƯT Trần Lực khẳng định sẽ phục dựng vở diễn với góc nhìn sáng tạo của con người hôm nay: “Khi được mời, ngay lập tức tôi nhận lời, bởi đây là một trong những vở opera hiếm hoi của nền âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ tài ba Đỗ Nhuận viết. Tôi dựng lại vở opera kinh điển theo hướng trung thành với tác giả về tư tưởng vở diễn. Tuy nhiên, ở thế kỷ XXI, chúng tôi không quá nhấn mạnh vào cuộc chiến giữa người Việt với kẻ thù cụ thể, mà muốn gửi tới khán giả tinh thần yêu nước, quật khởi của người Việt, bất cứ kẻ thù nào tới cũng sẵn sàng chiến đấu”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân rất tin tưởng vào các đồng nghiệp trong lần phục dựng này. Phần âm nhạc của vở diễn cũng được biên tập, chắt lọc. Thời lượng vở diễn từ 2 giờ 30 phút nay rút còn 1 giờ 40 phút cho phù hợp với khán giả hiện nay.
 

Tìm lại sức sống cho opera

Opera là loại hình sân khấu âm nhạc đỉnh cao, đã hình thành và phát triển khoảng 4 thế kỷ. Sự kết hợp giữa âm nhạc và sân khấu, các hình thức biểu diễn thanh nhạc như đơn ca, hợp ca, hợp xướng, dàn nhạc, cách bài trí sân khấu phong phú, đa dạng, tạo nên một nghệ thuật đặc biệt, thu hút khán giả. Tại Việt Nam, hơn 50 năm trở lại đây, âm nhạc nước nhà mới đã tiếp cận, tiếp nhận và thực hành với thể loại opera thông qua một số vở: “Cô Sao”, “Người tạc tượng” và “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận; “Bên bờ K’rông Pa” của nhạc sĩ Nhật Lai; “Bông sen” của Hoàng Việt...; một số vở diễn nước ngoài như: “Phu nhân hồ điệp” (Giacomo Puccini), “Cây sáo thần”, “Trường học tình yêu” (Wolfgang Amadeus Mozart)…

Dù thi thoảng opera được trình diễn trên sân khấu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng theo nhìn nhận của người trong nghề, nước ta vẫn chưa thực sự có một nền nghệ thuật opera chuyên nghiệp, ổn định. Quá ít ca sĩ hát opera có trình độ cao, tạo được sức hút; số người viết nhạc kịch không nhiều nên chủ yếu dàn dựng tác phẩm kinh điển của nước ngoài; bên cạnh đó, opera là loại hình kén khán giả hơn là âm nhạc đại chúng, trong khi để dàn dựng và một biểu diễn opera rất công phu và tốn kém... Do đó, việc sáng tác và biểu diễn opera trở nên “xa xỉ” tại Việt Nam, khiến loại hình này gần như vắng bóng.

Ngay cả sân khấu biểu diễn opera chuyên nghiệp ở nước ta cũng chưa có. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Với opera, diễn viên không thể cầm hoặc gắn micro trên người khi biểu diễn, do gây khó khăn trong truyền tải âm thanh. Dựng vở “Người tạc tượng”, chúng tôi buộc lòng phải phóng thanh bằng sử dụng micro chuyên dụng treo ở trên và đặt dưới mặt đất, để hệ thống âm thanh rõ nét hơn. Nếu có nhà hát opera, các nghệ sĩ có thể hát một cách tự nhiên, các giọng ca có thể xuyên qua dàn nhạc đến cuối rạp”.

Bên cạnh đó, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, để opera phát triển cần đồng thời có ba yếu tố: Đội ngũ sáng tác, khán giả và nghệ sĩ được đào tạo, nguồn kinh phí để dàn dựng tác phẩm. Trong lúc ba yếu tố này đều yếu, opera loay hoay tìm đường phát triển, việc các nhà hát dàn dựng vở diễn là nỗ lực duy trì, từng bước vực dậy loại hình nghệ thuật này, thu hút hơn nữa sự quan tâm của công chúng và giới nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn.

Theo Ngọc Phương - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng