Văn nghệ trong nước
Nỗi lo điểm diễn
15:10 | 10/07/2020

Sân khấu kịch đóng đô tại Trung tâm Văn hóa quận 6 (cơ sở 2) của NSƯT Trịnh Kim Chi từ sau dịch Covid-19 đến nay vẫn tạm ngưng diễn, vì chi phí thuê mặt bằng không nhỏ, suất diễn không đều, khán giả ít.

Nỗi lo điểm diễn
Một vở diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh

Vừa sau đợt nghỉ dịch, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thông báo sẽ mở lại điểm diễn tại “ngôi nhà cũ” - Nhà Thiếu nhi TPHCM. Nhưng chỉ sau suất diễn đầu tiên vở Bông hồng cài áo, nghệ sĩ đạo diễn Ái Như thông báo, điểm diễn trên sẽ tạm ngưng hoạt động. Hàng loạt đồ nội thất sân khấu, cảnh trí, phông màn, bục bệ… vừa được chở qua ít ngày đành phải thu gom về điểm diễn cũ (Nhà Thiếu nhi quận 10). 

Đạo diễn Ái Như sẻ chia trên trang cá nhân của mình: “Nguyên nhân của sự chấm dứt hợp tác đột ngột này là do không tìm được tiếng nói chung về phương thức hoạt động giữa sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh và Nhà Thiếu nhi TPHCM. Sân khấu kịch xin cáo lỗi và phòng vé sẽ liên hệ với những khán giả đã mua vé...”. Riêng sân khấu kịch Sài Gòn đóng cửa im lìm suốt từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay, vì điểm diễn (rạp Đại Đồng, quận 3) đang xuống cấp trầm trọng, mái dột nhiều nơi từ sàn diễn đến bên dưới khán phòng, ghế ngồi cũng hư hỏng nhiều. Hiện nay, đơn vị quản lý rạp hát đã lấy lại điểm diễn này để lên kế hoạch tu bổ. 

Ở các điểm diễn khác, cơ sở vật chất tại sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần (nằm ở lầu 3) cũng xuống cấp quá nhiều, từ ghế ngồi bằng sắt cũ kỹ, khán phòng nhỏ và nóng… nhưng vì không có tiền nên chỉ sửa chữa chắp vá tạm thời để tiếp tục sáng đèn. Sân khấu kịch Hồng Vân ở TTVH quận Phú Nhuận cũng xuống cấp từ nhiều năm qua. Có đợt, sàn diễn phải ngưng hoạt động 2 tháng để sửa chữa nhiều hạng mục. Mới đây, sau đợt mưa lớn, sân khấu lại bị dột và ngập, buộc phải ngưng tổ chức biểu diễn nửa tháng để khắc phục. 

Một sân khấu, điểm diễn nghệ thuật tốt đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn nghệ thuật luôn là niềm khát khao của các sân khấu kịch nói xã hội hóa. Thế nhưng bao lâu nay, những người làm nghề vẫn phải ôm nhiều nỗi lo, từ tác phẩm, kịch bản, đội ngũ làm nghề, kinh phí hoạt động, chuyện thu chi, lời lỗ… Đặc biệt là vấn đề điểm diễn. Một sàn diễn tốt đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ bản của sân khấu, sẽ luôn tạo được hiệu ứng, sự tương tác phù hợp, góp phần nâng đỡ tư duy sáng tạo của người làm nghệ thuật. 

Vậy nên, trong tình hình hiện nay, cấp thiết cần sự quan tâm, hỗ trợ nhanh từ phía cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo thành phố, để các sân khấu kịch xã hội hóa có thêm những điều kiện căn bản, phát huy sức sáng tạo, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, vai trò của loại hình nghệ thuật kịch nói trong đời sống văn hóa xã hội hôm nay.

Theo Thúy Bình - SGGP
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng