Văn nghệ trong nước
Hành trình tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ trên bức tranh lớn nhất Đông Nam Á
15:40 | 06/05/2021

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa cho ra mắt tác phẩm panorama, tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ nhân chào mừng kỷ niệm 67 năm chiến thắng.

Hành trình tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ trên bức tranh lớn nhất Đông Nam Á

Bức tranh được thể hiện trong một không gian tròn khép kín với chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng phần mái vòm. Tổng diện tích bức tranh gồm 2.500m2 và 700m2 sắp đặt với 4 trường đoạn liên hoàn.

Tái hiện chiến dịch vĩ đại

Thuật ngữ panorama, có thể được hiểu là “toàn cảnh”, hoặc “góc rộng” – là kết quả phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, panorama vốn là tên một tác phẩm hội hoạ xuất phát trước khi thuật ngữ này phổ biến trong hoạt động công nghệ hiện đại.

Bức tranh gồm các trường đoạn thể hiện trong một vòng tròn khép kín dài 132m, cao hơn 9m.

 

Năm 1792 họa sĩ người Ireland là Robert Barker đã mô tả một loạt tranh do ông vẽ tại Edinburgh (Scotland) trên một bề mặt không phải hai chiều mà là một trụ tròn. Bức tranh có thể xoay 360 độ bên trong một kiến trúc xây bằng gạch có mái vòm ở quảng trường Leicester tại London (Anh).

Hoạ sĩ Robert Baker đặt tên cho tác phẩm của mình là “Panorama”. Bức tranh này ông vẽ mô tả cảnh sắc của thành phố London bên dòng sông Thames. Cũng từ đây, panorama trở thành huyền thoại khi miêu tả về thiên nhiên, chiến tranh, hoặc những hoạt động cộng đồng mang tính phổ quát rộng lớn.

Tác phẩm panorama tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ là bức tranh thuộc thể loại lịch sử lớn nhất Đông Nam Á. Tác phẩm bắt đầu thi công từ tháng 11/2019, được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu vẽ trên vải toan - chất liệu được coi là hiệu quả nhất khi vẽ theo trường phái tả thực.

Tác phẩm hội họa mang tầm cỡ thế giới này có chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng phần mái vòm. Tổng diện tích bức tranh trên 3.200m2.

Họa sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - một trong những người thực hiện bức tranh panorama cho biết, trong quá trình vẽ, anh em họa sĩ cũng phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần, bởi bức tranh lớn nên không thể vẽ một lần đã thể hiện hết được nội dung và đảm bảo tính mỹ thuật.

Ông Nghĩa cho biết thêm về nội dung phân cảnh, phần mở đầu “Toàn dân ra trận” là hình ảnh những đoàn dân công, trong đó có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao trèo đèo lội suối, băng rừng vượt thác để vận chuyển vũ khí và lương thực cung cấp cho chiến dịch.

Trường đoạn thứ hai có tên “Khúc dạo đầu hùng tráng” khẳng định sức mạnh của pháo binh ta với đòn đánh phủ đầu binh lính thực dân Pháp trong trận Him Lam, mở màn cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy lịch sử.

Trường đoạn thứ ba “Cuộc đối đầu lịch sử” tái hiện chiến trường với những trận đánh giáp lá cà, giành giật từng tấc đất đầy cam go khốc liệt giữa ta và địch. Chiến  trường đầy bom đạn, khói lửa cũng những hầm hào chông gai, lô cốt, dây thép. Điểm nhấn của bức tranh là hình ảnh cột khói mịt mù ngùn ngụt bốc lên sau tiếng nổ bộc phá long trời, làm rung chuyển Ðồi A1.

Phần kết thúc “Khúc khải hoàn” là hình ảnh quân ta phất cao cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm chỉ huy của tướng Pháp. Bên cạnh đó là sự thất thểu của bại quân.

Cảnh nổ bộc phố trên đồi A1.

 

Hội họa “kể chuyện” sử thi

“Đây là bức sử thi hội họa lớn nhất tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng... khắc hoạ chân dung của hơn 4.500 nhân vật một cách hoàn chỉnh và sống động”, hoạ sĩ Nguyễn Văn Nghĩa cho biết.

Dù có nhiều trường đoạn, phổ quát cả chiến dịch nhưng các nét vẽ thể hiện từ nhân vật đến phong cảnh, từ hoạt động từng cá nhân đến diễn biến khói lửa chiến trường vô cùng tinh tế, chân thực.

Toàn bộ bức tranh với hơn 4.500 nhân vật được miêu tả qua 4 trường đoạn tái hiện chiến dịch.

 

Đơn vị thực hiện tác phẩm cho biết, ý tưởng thực hiện bức tranh này được đề ra từ năm 2012. Khi đó tỉnh Ðiện Biên có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Trong thiết kế kiến trúc, Bảo tàng đã dành riêng toàn bộ không gian tầng 2 để thực hiện bức tranh tròn hoành tráng này.

Đề tài về Chiến dịch Điện Biên Phủ đã và luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với không ít nghệ sĩ, đặc biệt giới hội hoạ Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện đơn lẻ bằng những bức tranh truyền thống chỉ có thể lột tả được một vài lát cắt của chiến dịch. Còn đối với bức tranh panorama, toàn bộ chiến dịch hiện ra như một bức tranh “biết kể chuyện”, đang tái hiện trước mắt người xem.

Để thực hiện được tác phẩm to lớn này, cuối năm 2018, Ðiện Biên đã thành lập hội đồng nghệ thuật duyệt phác thảo, với sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức hội thảo, xin ý kiến các nhà sử học… để đi đến thống nhất.

Từ cuối năm 2019, đội ngũ nghệ thuật gồm các họa sĩ và nhà điêu khắc bắt đầu tiến hành phác thảo, thực hiện các phương án tại tầng 2 của bảo tàng. Khoảng 4.500 nhân vật trong bức tranh được mô tả rất thật với các trạng thái, cảm xúc và hành động khác nhau.

Có thể nói, tác phẩm panorama Điện Biên Phủ có kích cỡ và độ hoành tráng đứng đầu Đông Nam Á. Trên thế giới, những tác phẩm panorama lớn và nổi tiếng phải kể đến “Sevastopol panorama”, vẽ năm 1905 với kích cỡ cao 14m - dài 115m, mô tả một trong mười cuộc vây hãm lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại.

Tác phẩm thứ hai là “Borodino panorama”, vẽ năm 1911 có chiều cao 15m, dài 115m, mô tả trận chiến Borodino khi quân Pháp của tướng Napoleon Bonaparte xâm lược nước Nga vào năm 1812. 

Các nghệ sĩ thực hiện tác phẩm panorama toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết, họ phải đi thực tế rất nhiều nơi và tham khảo nhiều hình ảnh tư liệu cũ. Đồng thời, xem xét kỹ những di tích còn lại của Điện Biên để tái hiện lại một chiến trường thực tế nhất.

Theo Trần Hòa - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đón Ngày sách (20/04/2021)