Văn nghệ trong nước
Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2021) - Thắng lợi của ý chí và niềm tin
14:58 | 19/08/2021

Tháng 2.1942, khi viết “Lịch sử nước ta”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Năm 1945, nước Việt Nam độc lập”. Lời tiên đoán đó của Người xuất phát từ niềm tin, trên cơ sở phân tích biện chứng khả năng phát triển tình hình trong nước, sức mạnh to lớn mà phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng tạo ra cùng sự chuyển hóa thế, lực của phe Đồng Minh với trục phát xít dẫn đến thay đổi cục diện tình hình thế giới. Mùa Thu năm 1945, lời tiên đoán của Người trở thành hiện thực.

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2021) - Thắng lợi của ý chí và niềm tin
Niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, biết đặt lợi ích dân tộc, Nhân dân lên trên hết trở thành giá trị bảo đảm cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám

Yêu và tôn trọng lịch sử    

Theo PGS.TS. Vũ Quang Hiển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, niềm tin về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không bỗng dưng mà có, nó được xây dựng trong quá trình lịch sử lâu dài. “Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống chống giặc ngoại xâm. Nếu tính từ thời Hùng Vương dựng nước, thế kỷ II trước Công nguyên đến nay, với khoảng 20 thế kỷ, chúng ta đã phải dành hơn 12 thế kỷ để đánh giặc. Trong đó, 10 thế kỷ chống Bắc thuộc, 1 thế kỷ chống thực dân cũ của Pháp; những cuộc đấu tranh với thời gian ngắn hơn như 30 năm chống quân Nguyên, 20 chống quân Minh… và chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, kéo dài 3 thập kỷ”.

PGS.TS. Vũ Quang Hiển cho rằng, có thể nói tần số chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc rất cao, quỹ thời gian người Việt chống giặc dường như nhiều hơn thời gian để xây dựng đất nước. “Nhân dân Việt Nam đã làm ra lịch sử bằng chính xương máu của mình, cho nên họ rất yêu và tôn trọng lịch sử. Với các cuộc chiến đã qua, người Việt luôn có niềm tin sẽ giành thắng lợi. Chưa bao giờ niềm tin ấy bị nguôi ngoai hay hao mòn, dù ở bất cứ trường hợp nào”.

Theo PGS.TS. Trần Ngọc Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cũng từ những thắng lợi trong lịch sử càng khẳng định sức mạnh toàn dân, niềm tin tất thắng của dân tộc. Đặc biệt, kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc và tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, chính niềm tin đã quy tụ và củng cố các lực lượng, sức mạnh vật chất của dân tộc. Từ khi Đảng ra đời, quân dân ta bắt tay vào công cuộc chuẩn bị lực lượng, kéo dài từ 1930 - 1945, tạo ra tiền đề và điều kiện cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Giai đoạn 1939 - 1945, Đảng đã kiên quyết giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, huy động sức mạnh toàn dân tộc.

“Đây cũng là chủ trương thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, mục tiêu chiến lược của cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân; khẳng định nét độc đáo, sáng tạo trong chỉ đạo nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang của Đảng. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc có vai trò quyết định, đập tan bộ máy chính quyền tay sai, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Mới thấy, ý chí, niềm tin thắng lợi đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức được từ trước đó”, PGS. TS. Vũ Quang Hiển nhận định.

Nói về điểm nổi bật nhất của Cách mạng tháng Tám, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đó là: "Mau lẹ, kịp thời, nổ ra đúng lúc phải nổ"Cách mạng tháng Tám còn là "một cuộc biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam", một cuộc biểu dương lực lượng lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa không chỉ có lực lượng của giai cấp công - nông, mà còn có lực lượng trí thức, công chức, học sinh, binh lính và một số quan chức trong bộ máy chính quyền tay sai được giác ngộ. Thời điểm đó, Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có 5 nghìn đảng viên, hoạt động trong sự khủng bố đàn áp gắt gao của kẻ địch, nhưng tinh thần trung kiên, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, kiên trì đấu tranh và biết đặt lợi ích dân tộc, Nhân dân lên trên hết đã trở thành giá trị bảo đảm cho thắng lợi. 

Chiến thắng của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, cho người dân Việt Nam
Ảnh: Tư liệu

Thống nhất ý Đảng, lòng dân

Nhìn lại thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, PGS. TS. Trần Ngọc Long phân tích, để huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã liên minh các lực lượng, các giai cấp, các đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc hướng vào mục tiêu hàng đầu là giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Với thế giới, chúng ta chủ trương tranh thủ mọi nguồn lực và sẵn sàng bắt tay, hợp tác với bất cứ lực lượng nào miễn là có lợi cho cách mạng và không làm tổn hại lợi ích quốc gia. “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng cũng để lại cho chúng ta bài học quý về tuyên truyền, vận động quần chúng, và sự thống nhất của ‘ý Đảng, lòng dân’”, PGS. TS. Trần Ngọc Long nói.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng cho thấy, mặc dù dân tộc ta, Đảng ta từ buổi đầu đấu tranh cách mạng tuy không có trong tay một tấc sắt, không một người lính chiến đấu, chỉ có Nhân dân, nhưng niềm tin vào Đảng, tin vào quần chúng đã biến thành sức mạnh, trở thành khối đại đoàn kết dưới ngọn cờ cứu nước do Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo.

Liên hệ với cuộc chiến chống Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất hiện nay, PGS. TS. Vũ Quang Hiển cho rằng, đó cũng là lúc niềm tin vào Đảng, vào Chính phủ, vào chính quyền của dân, do dân và vì dân được phát huy hơn lúc nào hết. “Trong 20 thế kỷ chống quân xâm lược, niềm tin của Nhân dân Việt Nam vẫn nguyên vẹn và chưa bao giờ phai nhạt. Vì có niềm tin, cuộc đấu tranh chống đại dịch Covid-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc của Nhân dân ta đã được khích lệ. Nó thể hiện ở chỗ, Nhân dân ủng hộ, chấp hành mọi mệnh lệnh của Chính phủ. Cuộc chiến chống Covid tuy không ác liệt như các cuộc chiến tranh vệ quốc trước đây nhưng hết sức cam go, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai, không phải trong phạm vi một quốc gia, dân tộc, mà trên phạm vi toàn cầu”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua Nhân dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ban phòng, chống dịch Trung ương và địa phương. “Với quyết tâm của đồng bào và chiến sĩ cả nước, những nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, cuộc chiến chống Covid-19 giống như những cuộc chiến năm xưa của Nhân dân ta cùng nhân loại sẽ thắng lợi”, PGS.TS. Vũ Quang Hiển tin tưởng.

 
Theo Hương Sen - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng