Nghiên Cứu & Bình Luận
Vùng cao trong văn Tô Hoài
15:18 | 22/04/2008
Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.


Truyện vừa Vỡ tỉnh đăng ba kỳ trên Tiền phong (các số 13,14,19 - 16-6 đến 16-9-1946) vẫn là sự tiếp tục mối quan tâm và giọng điệu riêng của Tô Hoài, tác giả của những O chuột, Giăng thề, Quê người ... Nạn đói, rồi không khí sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa... bao nhiêu là sự kiện dữ dội, dường như vẫn không làm ngắt quãng mạch văn của Tô Hoài. Cố nhiên cũng đã có một cái gì mới và khác, do việc ông tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc, có lần bị bắt rồi được trả về quê với cái đầu trọc; rồi tham gia viết báo Cứu quốc bí mật và cướp chính quyền ở xã. Thế nhưng giữa bao nhiêu công việc sôi nổi ấy, Tô Hoài vẫn có thể viết, và viết đều trong một hành trình của ngôn từ, ít khi đứt đoạn.
Vỡ tỉnh, đó là chuyện của vùng ven thị xã Sơn Tây trong ngày Nhật đảo chính Pháp, ngày “vỡ tỉnh” gây xôn xao cho cả một vùng quê gần như đang im lìm trong tàn lụi và chờ đợi một cái gì không rõ. “Vỡ tỉnh” - trong con mắt người dân là một cuộc loạn đả, xáo trộn, chẳng biết ai thắng ai thua; họ chỉ biết đấy là cơ hội hiếm hoi cho những ai thích tò mò và mong hôi của. Bởi “cái tỉnh lỵ trước mặt bừng bừng, xôn xao, ngổn ngang, rơi vãi của nả”. “Vỡ tỉnh”, thế là cả từng đám dân quê ập tới, người cướp được con bò, kẻ tìm được cái khung giường, hăm hở nháo nhác mà chạy, rồi xôn xao lên về chuyện đi xem Nhật bắn Tây. Thế nhưng hoá ra kẻ bị bắn lại không phải Tây mà chính là lão Nhã, kẻ đã hôi được vào tay một con bò lạc... Cứ thế, “vỡ tỉnh”, nó là sự tiếp tục số phận những con người đang bị cuốn vào một vòng xoáy không hiểu sẽ đạt tới đâu. Dưới mắt Tô Hoài đám nhân vật trong  Vỡ tỉnh vẫn là một đám quần chúng vừa tò mò, hăm hở, vừa nháo nhác sợ sệt đi tìm sự sống trong cái chết mà họ không sao hiểu được!
Câu chuyện được Tô Hoài viết sau Cách mạng tháng Tám, nhưng mạch đời Vỡ tỉnh lại vẫn là sự tiếp nối của Giăng thề, Quê người ... Dẫu sao, sự đổi đời của dân tộc sớm muộn rồi cũng làm thay đổi cơ bản cảm quan nghệ thuật của Tô Hoài. Nhà văn quen thuộc và quanh quẩn nơi một vùng quê, rồi sẽ khởi động một cuộc đi lớn, một hành trình dài theo kháng chiến và theo đất nước. Những cuộc đi, rồi sẽ trở thành niềm vui thích, sự đam mê của ông, để - như sau này ta sẽ thấy, ông là một trong số ít người đi rất nhiều và rất khoẻ. Để, vừa đi vừa viết; không có cuộc đi nào ông không có cái viết; đi rồi viết, viết rồi đi; viết trong và sau khi đi; viết xong lại viết tiếp; và cứ thế không lúc nào ngưng nghỉ... Có  thể thấy, mọi hành trình ngắn dài của Tô Hoài sau 1945 đều in dấu ấn trên các trang viết của ông, đều trở thành nguồn văn nơi ông.
Từ 1945,là phóng viên báo Cứu quốc ra hàng ngày của Tổng bộ Việt Minh Tô Hoài có mặt ở Vĩnh Yên, Việt Trì, nơi chính quyền cách mạng phải đối phó với các mưu đồ chống phá của Quốc Dân đảng. Rồi vào Mặt trận phía , đến Nha Trang, lên Tây Nguyên. Từ đó mà có Nhớ quê, Lên Củng Sơn, Ở mặt trận Trung Bộ. Đầu kháng chiến, Tô Hoài trở lại mặt trận chung quanh Hà Nội. Giữa năm 1947, Tô Hoài lên Việt Bắc. Từ đây bắt đầu một giòng chảy mới và lớn trong nguồn văn Tô Hoài ...
Làm báo  Cứu quốc Việt Bắc, Tô Hoài đi vào đời sống các dân tộc vùng cao như một cán bộ quần chúng thực thụ. Núi cứu quốc gần 4 truyện: Đồng chí Hùng Vương, Nà Loộc, Công tác xa được Tô Hoài viết trên những kết quả thâm nhập vào các làng Dao ở châu Phia Boóc, và các bản Cốc Phường, Vùng Kheo, Pích Cáy, Khuổi Buồn ...”Đồng chí Hùng Vương hát, nom rất ngộ. Hai đứa bé xếp bằng trước mặt bố, chầu lên như hai con ếch, vui đáo để”... “Đồng chí Bảo từ nãy im lạng như con chuột ngồi rình từng hạt ngô nở nẩy trong bếp gio ra”. Chính nhờ vào những phát hiện này mà Hùng Vương và Bảo lại là nhân vật khiến ta nhớ được, bên những Chẩn Liễu, Pin ... còn rất mù mờ. Cũng từ cái nhìn này mà người đọc vẫn còn nhận ra một Tô Hoài quen thuộc, bên cái tinh hóm, đùa nghịch lại có thêm sự chuộng lạ và khoe chữ. Tô Hoài đã công nhận những non nớt về tư tưởng ấy; và vẫn với sự cần cù, ông liên tục viết theo kết quả của các cuộc đi.
Năm 1949, Tô Hoài viết Ngược sông Thao; 1951 viết  Chính phủ tạm vay Xuống hàng.
Năm 1952, Tô Hoài chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Việt . Theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc trong Chiến dịch Tây Bắc, Tô Hoài đi sâu vào khu du kích của “các dân tộc Mường, Dao, Thái trắng ở Bản Thải và Ngọn Lao thuộc châu Phù Yên, rồi qua khu du kích 99 sang Trạm Tấu, lên Tú Lệ, lên châu Than Uyên, châu Quỳnh Nhai, qua châu Tuần Giáo, vào châu ĐIện Biên ... Rồi lại từ các khu du kích dân tộc Mèo xuống những vùng mới giải phóng, các làng dân tộc Thái trên cả bốn cánh đồng phì nhiêu của Tây Bắc.”
Đây là cái vốn lớn rồi sẽ tạo nên Truyện Tây Bắc Tô Hoài viết về ba dân tộc Mường, Thái, Mèo.
Biết bao là địa danh Tô Hoài đã đến và đã biết; ai không am hiểu địa lý quả rất khó nhớ, nhưng nhờ vào văn Tô Hoài mà trở nên thân thuộc, những Trạm Tấu, Quỳnh Nhai, Than Uyên, Mèo Vạc, Xìn Hồ, Lũng Phầy, rồi Hồng Ngài, Phìn Sa ...
Một năm sau, năm 1953, Tô Hoài viết xong Truyện Tây Bắc; và hai năm sau, Truyện Tây Bắc được giải nhất về văn xuôi, giải thưởng văn học 1954 - 1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Kể về những thương đau của đời người, đó không là điều mới trong bất cứ nền văn học nào. Những thương đau dồn cho người phụ nữ, đó cũng là chuyện quen thuộc với văn học Việt . Thế nhưng, đến Tô Hoài, với bức tranh miền núi, những thương đau của người phụ nữ miền núi mới được nói đến lần đầu tiên. Và cũng là lần đầu tiên ta thấy nỗi khổ đó đè lên số phận con người như cả một trái núi, từ lúc sinh ra cho đến lớn, từ trẻ cho đến già, từ kiếp này sang kiếp khác. Qua số phận của bà Ảng (Cứu đất cứu mường), Mát (Mường Giơn), và My  (Vợ chồng A Phủ), Tô Hoài cho thấy trùng điệp những nỗi khổ, để đi tới cái nhận thức thật đau đớn và khó hiểu là làm sao con người có thể kéo dài kiếp sống lay lắt và mù mịt như thế được; và ý nghĩa cuộc đời người con gái sinh ra để làm gì? Trong cả ba truyện của Truyện Tây Bắc, quả còn yếu sự sống của nhân vật tiểu thuyết, mà mới chỉ có lời kể của tác giả, của một người dẫn truyện về họ. Thế nhưng chỉ vậy thôi, qua Tô Hoài, cũng đủ làm người đọc cảm động lắm rồi. Từ cuộc đời của bà Ảng, của Mát, của Thào My  ..., Tô Hoài đã có thể thâu gọn số phận một đời người đàn bà: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng htế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm vẫn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”.
Cố nhiên, cuộc sống đôi lúc cũng có cái vui, như cái vui của phiên chợ, của ngày Tết ... Nhưng bất hạnh và oan khổ cũng đến từ đấy. Biết vậy để thấy cái vui lớn, cái vui giải phóng, và đổi đời đã đến với vùng cao từ các khu du kích; và những cuộc đời của bà Ảng, của Mỵ đã được hửng sáng, cái hửng sáng làm ấm dần không khí truyện. Cái vui “cứu đất cứu mường”.cái vui “Mường Giơn giải phóng”. Cái vui khi Mỵ và A Phủ dìu nhau trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra: “Hai người đi liền hơn một tháng (...) Ròng rã hơn một tháng, ăn rau rừng, củ nâu, mộc nhĩ, đi vừa hết mùa mưa mới tới Phiềng Sa”.
Từ Mường Ngài đến Phiềng Sa, đấy là con đường cho vợ chồng A Phủ từ kiếp vật chuyển sang kiếp người. Ngày Tết Phiềng Sa đang vui thì Tây đến, càn ba ngày. Phiềng Sa tan tác, nhưng đây là khu du kích, nên lòng người đã hết sợ và có vui tin.
Truyện Tây Bắc chưa có sự sống dầy dặn của một tiểu thuyết về những cuộc đời, những số phận con người. Nhưng với Truyện Tây Bắc ta có sự đồng cảm, sự chia sẻ thật tha thiết với con người. Ơ đây nhà văn cho ta biết tận cùng những nỗi khổ của con người trong tư cách một chứng nhân, một người kể chuyện. Ơ đây, cách mạng đã là hiện thực một trăm phần trăm cho con người tin tưởng. Những giá trị nhân đạo của cách mạng nếu đã là chung cho cả nước, thì lại càng thấm thía thêm rất nhiều lần đối với vùng cao. Gắn với thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc Thu Đông 1952, Tô Hoài đã là người hát khúc ca hân hoan và xúc động đầu tiên trong văn học kháng chiến.
Ơ trên, tôi có nói đến các cuộc đi, với Tô Hoài không phải để nhìn ngắm, quan sát mà là để sống, trải nghiệm với nỗi đau của quần chúng, là hướng tới lẽ sống lớn của nhân dân, của cách mạng. Tô Hoài từng nói: “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên.”... Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Tô Hoài từng kể về kỷ niệm không thể quên ngày vợ chồng A Phủ tiễn ông ra khỏi dốc núi Tà Sua, vẫy theo: “Chéo lù, chéo lù” (Trở lại!). Cũng như thế, cuộc chia tay với vợ chồng Lý Nủ Chu, dưới chân Cao Phạ: “Chéo lù”. Có được tình cảm đó quả là điều tự nhiên khi nhà văn đã thật sự sống rất nhiều cùng, chứ không phải chỉ ba cùng, với nhân vật của mình: cùng vác củi, thổi sáo, bắt chuột, đào núi,bắt cá suối, đi “cướp vợ”... Cùng ăn rêu đá, thịt ngựa không muối, bọ hung xào...
Vậy là một chu trình sóng mới - cách mạng và kháng chiến đã vào văn Tô Hoài, ngót 10 năm sau 1945, sau cái thế giới nhân vật đã quá quen thân với ông ở làng quê. Vậy là,đã đến với ông không chỉ các khoảng rộng mà còn là những tầm cao của đất nước và con người; để cùng với nó, bạn đọc dần dần nhận ra một Tô Hoài mới; Mới, không phải chỉ ở đề tài, mà còn cả trong bút pháp, giọng điệu. Sự chia sẻ, sự đồng cảm, những rưng rưng xúc động và những niềm vui tin đã làm ấm sáng lên nhiều câu văn Tô Hoài.
Tôi nghĩ, đó là cái bổ sung, nếu không nói là thay đổi hình ảnh Tô Hoài trước 1945 với cái buồn có phần triền miên đượm hoài nghi và chua chát vốn định hình từ rất sớm trong văn ông Làm thay đổi được dấu ấn định hình đó phải có một lực xô đẩy rất lớn từ bên trong; chứ không thể chỉ bên ngoài mà được. Đọc Truyện Tây  Bắc của Tô Hoài, tôi tin thế. Không phải tin ở một giải thưởng được trao rất trúng. Mà ở những gì còn diễn ra về sau như một lực hấp dẫn tự nhiên. Trở lại cuộc sống thời bình sau 1954 ở Hà Nội, địa bàn quen thuộc của ông, địa bàn rồi sẽ thôi thúc ông trở lại trong Mười năm, với một mải miết đi tìm những hình cũ và những giá trị mới mà ông chưa thấy rõ hoặc tạm ngừng chưa viết được, Tô Hoài vẫn không nguôi nhớ Việt Bắc và Tây Bắc, nơi không chỉ lưu lại những kỷ niệm mà vẫn cứ là một lực hút, khiến ông rồi còn nhiều dịp trở lại. Theo dõi hành trình mới này của ông, thấy ghi: 1959 - trở lại Châu Mộc; Châu Thuận, Tuần Giáo... 1964 - lên Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh Hà Giang... Và thế là, theo chân ông, 10 năm sau Truyện Tây Bắc, lại tiếp tục giòng chảy của Lên Sùng Đô, Nhật ký vùng cao, Thào Mỵ kể đời mình, Quản Bạ mùa mưa 65, Những làng Dao trên Viễn Sơn.
Nguồn mạch cũ được khơi động lại này, quả thật dạt dào. Những năm 60, khi đất nước vừa trong âm hưởng ngọt ngào của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa trong hào khí chống Mỹ, Tô Hoài đã kịp thời đưa vào bức tranh chung của dân tộc những nét sống thật mới và cảm động của vùng cao. Ơ đây, ông ghi nhận trước hết hình ảnh những con đường. Con đường - đó chính là dấu hiệu, là biểu trưng cho các đổi thay nơi vùng cao. Tô Hoài vốn sở trường về tả cảnh. Cảnh rừng núi, sông suối, đất trời. Cảnh những phiên chợ. Và bây giờ có thêm con đường. “Giữa màu đen rừng núi, vào đâu cũng có lối đi. Phía tay trái, cao chất ngất triền núi Vằn Chải như hàng đàn voi lổm ngổm trên lưng trời. Thế mà trong màu xanh biếc đá lẫn rừng và trời, là xóm Đăng Vai, xóm Phìn Chải, xóm Sủng Khứa; là đường tắt từ Hố Quáng Phìn qua, rồi cứ chi chít xẻ ngang xẻ dọc đi mãi, đi nữa, không bao giờ ngừng. Ôi, những con đường. Những con đường thật đặc biệt, những con đường không bao giờ chịu trôi đi như muôn thuở”...
(Nhật ký vùng cao; 5-1965)
Trong Quản Bạ mùa mưa 65, Tô Hoài ghi: Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Phó Bảng - Đồng Văn, đường trập trùng lên qua những làng Mèo lặng im dán trên đầu núi mà lòng người đang sôi nổi mong chờ, qua những triền đá khi sương chiều buông thì đầu núi rỡn lên như ngọn sóng, qua những phiên chợ Phó Bảng, chợ Đồng Văn rực rỡ nồng nàn phong tục các dân tộc anh em, qua những rừng đào, rừng mận, rừng lê và sườn cỏ với bạt ngàn sa mu, tre, trúc, song, mây, bao tài nguyên chưa hề biết tới”...
Văn Tô Hoài gợi rất nhiều địa danh. Khó mà nhớ hết các địa danh trong văn Tô Hoài theo các cuộc đi, theo những con đường. Nhưng dường như lúc nào cũng thế, những địa danh đều được sưởi ấm, vì đều có chút tình người trong đó: “Ai lên cao nguyên Đồng Văn đều khen cảnh đẹp, khi đến Cổng Trời. Cổng Trời vào lúc nắng chiều dìu dịu. Dưới kìa tấm sơn mài Quản Bạ tuyệt vời. Màu lúa xanh vây từng cụm nhà xinh xinh đứng quây giữa cánh đồng. Trên sân huyện, những chiếc ô tô vận tải đang dỡ xuống, nào chảo, nào muối, cả lưỡi cày và bách hoá”. Sau bức tranh, nhà văn chen vào một khổ trữ tình: “Trạnh nghĩ lại con đường ngựa thồ khổ ải, con đường của lính và súng. Cái giàu sang đem cho đế quốc và chúa đất, còn cái đắng cay thì của con người”. Đây là ý tưởng rồi sẽ được minh họa một cách tuyệt vời trong phần đầu tiểu thuyết Miền Tây.
Quả có một thời vùng cao như Tô Hoài đã kể với bao yêu tin và xúc động. Quả có những “mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” với chân dung cô gái Mèo Vàng Thị Mỹ như Nguyên Ngọc đã viết. Tô Hoài cũng đã cho “Thào My  kể chuyện đời mình”, và ở phần kết, cũng chính Tô Hoài đã có một đoạn thơ văn xuôi:
“Nếu chỉ thấy Thào My  hôm nay không thể hình dung ra những chuyện thương tâm vừa nghe...
Yêu mến ơi!
Sáng sớm mặt trời lên chói lọi đỏ hồng, chiếu khắp núi rừng đẹp đẽ, lúc đó hồi hộp nghĩ đến mùa hoa thuốc phiện. Hôm nay trời đẹp, mặt trời chiếu khắp núi rừng. Mùa xuân ư? Không, đây chỉ là mùa hạ nhưng là buổi nắng ban mai. Cây có cành, hoa có quả làm cho trái tim hồi hộp nhớ gì như nhớ mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”.
Đấy là những bức tranh thực và nỗi niềm có thực của con người một thời đã xa.
Ngót 30 năm sau, tình hình sẽ khác - như được viết trong Cát bụi chân ai, về số phận những Vàng Thị Mỹ - nhân vật của nguyên Ngọc, và hẳn cũng là số phận của nhân vật Tô Hoài. Nhưng đó là chuyện của hôm sau mà lô gich của sự phát triển; mà triển vọng của những chuyển động trong hiện thực không ai trong những người đương thời có thê lường trước được.
Trở lên là Tô Hoài những năm 60, 10 năm sau Truyện Tây Bắc, 20 năm sau những O chuột, Giăng thề, Quê người.
Những năm 60, văn xuôi Miền Bắc tràn đầy chất trữ tình, chất thơ và đậm dần lên chất anh hùng ca. Bút ký Tô Hoài - nơi thể hiện tập trung chất thơ đó, cũng là một phương diện kết tinh đóng góp của Tô Hoài. Nhưng còn tiểu thuyết - đòi hỏi một phương thức mới, một tư duy mới trong phản ánh và khái quát hiện thực, một hiện thực đang đổi thay và luôn luôn biến động, đó quả là một mời gọi và thách thức lớn đối với Tô Hoài. Tiểu thuyết - trước một hiện thực đã định hình, hơn thế, còn như tù đọng, đó là Tô Hoài trước 1945. Hơn 20 năm sau, Tô Hoài  lại đến với mục tiêu đó, nơi tiểu thuyết, với cùng lúc, những khó khăn lớn hơn, nhưng lại với quyết tâm cao hơn, trong Miền Tây. Trước đây, Quê người cứ như tự nhiên mà có, còn bây giờ Miền Tây là biết bao sự chuẩn bị. Có thể nghĩ, đấy là một trận đánh lớn mà chiến thắng phải trải nhiều công đoạn cùng với rất nhiều trang bị, trong đó tuyệt không thể thiếu sự kiên tâm và chăm chỉ. Miền Tây - đó là sự tiếp nối và quy tụ các thành tựu của Truyện Tây Bắc, , là cái hậu của Truyện Tây Bắc mà người viết tỏ ra rất tin tưởng vì đã có thêm nhiều năm đi về nơi các địa chỉ cũ như một quê hương thứ hai; và người - cảnh - sinh hoạt ở đây không chỉ  để nhớ để thương cho ông mà còn như cả một món nợ lòng. Miền Tây, hơn thế, còn là nơi ông gửi gắm niềm tin ở tương lai phát triển của hiện thực, ở những cái mới - xã hội chủ nghĩa đã toả rạng trên đời sống và khuôn mạt con người vùng cao.
Miền Tây - vẫn chuyện của Tây Bắc, nhưng bây giờ là đối sánh đầy đặn giữa hai cuộc đời, với bản lề chia đôi là cách mạng. Là sự sống mà nhà văn muốn tạo dựng bằng chính hình ảnh chứ không phải chỉ bằng lời kể của một nhân chứng, và xúc động của người kể chuyện. Miền Tây, hơn 10 năm sau Truyện Tây Bắc, quả không phụ những gắng công và nỗ lực của Tô Hoài trong tái tạo những mảng tối về cuộc đời cũ qua số phận bà Giang Súa và đàn con của bà.Miền Tây, thật đặc sắc trong Chương mở đầu với hình ảnh đoàn ngựa thồ của Khách Sìn thồ hàng buôn lên Phiềng Sa. Đoàn ngựa thồ của chủ hàng họ Đèo mang theo cùng với hàng hoá là bao đau thương nhọc nhằn cho người dân trong tối tăm, cực khổ. Mang theo cùng với hàng hoá là bao oán thù mà hậu quả cuối cùng vẫn chỉ là người dân con sâu cái kiến gánh chịu. Đọc Miền Tây, ở phần đầu, thật tuyệt vời bút pháp khắc hoạ và tạo dựng khí hậu của Tô Hoài. Cảnh người ngựa, nối đuôi nhau cảnh dốc đèo hiểm trở của thiên nhiên hiện lên trong hoang rợn, bởi nó gắn bó, báo hiệu những lo âu, bất trắc, hiểm họa cho con người, cho đời người. Một cái mở đầu thật là ám ảnh trên bức tranh đối sánh của lịch sử - mới và cũ,  trước và sau, xưa và nay mà Tô Hoài muốn tạo dựng.
Cố nhiên Miền Tây còn những giá trị khác, nó là những chân dung và số phận của con người trên nền lịch sử. Một số chân dung như thế đã xuất hiện với diện mạo riêng và số phận có bề dầy. Đó là ba anh em Thào Nhìa, Thào Khay, Thào Mỵ, nó là nỗi đau, nỗi khổ và cũng là niềm vui của người mẹ Giàng Súa - người phụ nữ Mèo đã thành một biểu tượng đặc sắc trong văn Tô Hoài. Là thôn trưởng Pàng, chủ tịch Soá Toả, ông già người Xá, chú bé Huổi Ca, và Nghĩa, anh cán bộ miền xuôi mà Tô Hoài quả đã dành nhiều tâm sức để dựng. Thế nhưng trong diễn biến khá nhanh gấp và bộn lên nhiều sự kiện của một cuộc đổi thay trên miền núi, dường như Tô Hoài đã đề ra quá nhiều yêu cầu để nhe nhắm và chứng minh. Thành ra cái phần khắc họa và tạo dựng đầy hứa hẹn và rất ấn tượng ở phần đầu bỗng loãng nhạt và mất dần đi sự sống cần được triển khai theo tư duy tiểu thuyết ở phần sau. Cuốn sách bỗng hẫng hụt và chưa vươn tới tầm một tiểu thuyết thực sự. Lỗi không hoàn toàn ở các ý đồ nhe nhắm, hoạc cố gắng minh họa. Mà vì cái phần sống hiện tại và tương lai của nhân vật vẫn chưa kịp chuyển thành chất liệu nghệ thuật trong văn Tô Hoài. Miền Tây được một giải thưởng quý. Giải thưởng Hội nhà văn Á Phi năm 1972 quả là xứng đáng với công sức, tâm huyết của Tô Hoài; nhưng hiệu quả nghệ thuật đích thực còn chưa ngang tầm với kỳ vọng của người đọc đối với tác giả Truyện Tây Bắc sau khoảng cách hơn 10 năm.
Đề tài vùng cao Tô Hoài vẫn còn tiếp tục sau Miền Tây, với Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, rồi Họ Giàng ở Phìn Sa (1984) Nhớ Mai Châu (1988). Rõ ràng nhà văn vẫn theo đuổi nó với một kiên nhẫn và hứng thú không nản mỏi; trong khi nhiều cây bút người Kinh khác đã bỏ cuộc, và nhiều cây bút dân tộc lớp lớp đã trưởng thành. Dường như vẫn khắc khoải trong ông niềm mong muốn giải đáp những bí ẩn nào đó nơi mảnh đất biên cương dẫu xa xôi mà vẫn gắn rất sâu với cộng đồng dân tộc. Lúc thì Tô Hoài tập trung ánh sáng cho sự soi chiếu một chân dung Hoàng Văn Thụ. Lúc thì trải dài sự theo dõi theo lịch sử một họ Giàng, qua bao biến động của cách mạng, vẫn chỉ đi - về trên một điểm hẹn: Phiềng Sa... Không dừng lại ở Truyện Tây Bắc, ông đã có Miền Tây; không dừng lại ở Miền Tây, ông vẫn mải miết, kiên tâm trên một hành trình dường như lúc nào cũng có một cái đích quan trọng phía trước, bất kể sự đón đợi của công chúng là vồ vập hay lạnh nhạt. Tính đến Nhớ Mai Châu, cuốn sách trở lại chất liệu xứ Mường thời kỳ đầu cách mạng trong giành giật xâu xé nhau giữa Pháp - Nhật và Tàu Tưởng để biến mảnh đất này thành căn cứ địa phản động Xuyên Á - Tô Hoài đã có chẵn 40 năm chung thuỷ với một đề tài. Sau Nhớ Mai Châu, không phải là cuốn sách duy nhất của Tô Hoài nhận sự thờ ơ của người đọc - bởi thời thượng văn học luôn thay đổi, nhất là khi đất nước đang dưới sức ép của chế độ bao cấp bỗng chuyển sang nền kinh tế thị trường, bởi người đọc tinh tường lúc nào cũng hiếm - tôi không tin là Tô Hoài đã cạn vốn. Với Tô Hoài, hình như lúc nào ông cũng có vốn, không chỉ là vốn tích luỹ mà là vốn tái sinh, để có thể “tiêu pha” rủng rỉnh, hoặc “kinh doanh” một lúc nhiều mặt hàng. Không phải cạn vốn, mà hình như vào đầu 90, quỹ thời gian đã buộc ông phải tính toán, để chuyển dần cảm hứng viết sang một mạch nguồn khác - mạch của hồi ức, của chân dung và kỷ niệm.
Từ đây, với Tô Hoài là con đường trở về với Kẻ cướp bến Bỏi (1996) và Chuyện cũ Hà Nội - 2 tập (1998). Con đường từ Cát bụi chân ai (1922) đến Chiều chiều (1999)...
Một con đường dường như đang tiếp tục rộng mở mà người viết ở tuổi đời 80 vẫn quắc thước và với hơn 60 năm tuổi nghề càng chủ động và vững tin trước mọi khen - chê.


HOÀNG DUY VŨ
(nguồn: TCSH số 143 - 01 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng