Nghiên Cứu & Bình Luận
Vài ghi chú về bài viết của Alan Kirby
08:52 | 24/04/2014

KHẾ IÊM

Tựa đề về cái chết của hậu hiện đại không có gì mới vì đã có khá nhiều bài viết bàn về vấn đề này, từ những đầu thập niên 1990. Nhưng bài viết đã phác họa cho chúng ta thấy đời sống văn hóa trong thời đại sau chủ nghĩa hậu hiện đại với sự xuất hiện những phương tiện công nghệ mới. Lạc quan hay bi quan, chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng những hệ tư tưởng cũ đang dần dần bị tàn phai nơi những thế hệ mới.

Vài ghi chú về bài viết của Alan Kirby
Nhà thơ Khế Iêm - Ảnh: internet

Trong bài tham luận về nhà thơ Mỹ, T.S. Eliot, Bernard Sharrat lập luận rằng, thời kỳ hậu hiện đại (postmodern) bắt đầu vào năm 1979 với việc xuất bản cuốn “Điều kiện hậu hiện đại” của Lyotard và sụp đổ sau khi các nước Đông Âu và Liên Xô tan rã. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) về văn học và nghệ thuật lại bắt đầu sau thế chiến thứ II, khoảng thập niên 1950 cho tới hết thập niên 1980, gắn liền với thời kỳ chiến tranh lạnh. Raymond Carver và một số người khác, với sự nổi lên của chủ nghĩa tân hiện thực (New Realism) vào những năm 1980, tuyên bố chủ nghĩa hậu hiện đại không còn nữa. (Dĩ nhiên, tân hiện thực ở đây hiểu theo nghĩa, là đời sống hiện thực ở bất kỳ thời điểm nào của đương đại, với tất cả phức tạp và phong phú của nó). Năm 1989, Tom Wolfe, với tiểu luận “Stalking the Billion-Footed Beast” cho rằng tiểu thuyết tân hiện thực đã thay thế tiểu thuyết hậu hiện đại, và rằng cuốn tiểu thuyết White Noise của Don Dellio, do nhà xuất bản Viking Press, 1985, hoặc cuốn The Satanic Verses của Salman Rushdie, xuất bản tại Anh 1988, là những cuốn tiểu thuyết cuối cùng của thời kỳ hậu hiện đại. Một thế hệ những nhà văn mới như David Foster Wallace, Giannina Braschi, Dave Eggers, Michael Chabon, Zadie Smith, Chuck Palahniuk, Jennifer Egan, Neil Gaiman, Richard Powers, Jonathan Lethem - và những nhà xuất bản như McSweeney’s, The Believer, được tờ The New Yorker, coi như là những nhà văn hậu-hậu hiện đại (post-postmofernism).

Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học có thể chia ra làm hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất từ thập niên 1950 tới 1970, khi những nhà văn bận tâm tới những sự đổ nát của ngôn ngữ như trong những tác phẩm của Samuel Beckett và siêu hư cấu của Jorge Luis Borges. Thời kỳ thứ hai từ đầu thập niên 1970 tới cuối thập niên 1980, bắt nguồn từ hàng loạt những khám phá mới vào thập niên 1960 như lý thuyết Hỗn mang (Chaos), hình học Fractal, chủ nghĩa Hủy cấu trúc, đồng thời với sự ra đời của máy điện toán đưa tới cuộc cách mạng tin học sau này. Một biến cố không thể không nhắc tới là cuộc biểu tình của sinh viên khuynh tả Pháp vào tháng 5 - 1968, đưa tới sự thất vọng với chủ nghĩa Marx của những nhà trí thức Marxist như Derrida, Foucault, Baudrillard, Lyotard… Nhưng họ cũng không hy vọng gì nơi chế độ tư bản, nên đành quay về học thuật, với chính bản thân ngôn ngữ, viện dẫn từ Friedrich Nietzsche (1844 - 1900), Ferdinand de Saussure (1857 - 1913), Martin Heidegger (1889 - 1976)… bác bỏ nhận thức học (epistemology) của phong trào Khai sáng, hoài nghi kiến thức (knowledge) và thực tại khách quan. Nietzsche chính là tiền thân của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong phạm vi bài viết, chúng ta chỉ bàn tới diễn tiến về sự suy tàn của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Vào lúc 3 giờ 32 phút, trưa ngày 15 tháng 7 năm 1972, tòa nhà The Pruit-Igoe thuộc chương trình phát triển gia cư ở St. Louis, tiểu bang Missouri, một dự án đã được giải thưởng xây cất chỗ ở cho những người có lợi tức thấp, bị phá sập vì không thể ở được. Charles Jencks, nhân dịp này tuyên bố, đây là ngày mở đầu chủ nghĩa hậu hiện đại, phong cách quốc tế của chủ nghĩa hiện đại đã chết. Kiến trúc trở thành ngọn cờ đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Kiến trúc hậu hiện đại dùng mã số đôi (double code) qua chủ nghĩa chiết trung, đặt hai phong cách của hai thời kỳ khác nhau, mang tính giễu nhại (parody), ambiguity (tối nghĩa), contradiction (mâu thuẫn). Trong khi chủ nghĩa kiến trúc hiện đại được thành lập tại Đức vào năm 1919 với trường phái Bauhaus, và những tư tưởng của chủ nghĩa này được diễn đạt qua bài viết của Walter Gropius, Le Corbusier và Mies van der Robe. Họ chủ trương kiến trúc là làm mới, bằng cách dùng những chất liệu và những kỹ thuật kiến trúc mới, nhấn mạnh vào tính nhất quán và toàn vẹn: cái bên ngoài là kết quả của cái bên trong, và vì thế phong cách chủ vào tính đơn giản và tự đủ. Kiến trúc hậu hiện đại thì khác, chủ trương ngữ nghĩa kiến trúc được tạo thành do những liên hệ giữa những yếu tố giống nhau và khác nhau. Những mã số để hiểu và giải thích tính trừu tượng của kiến trúc không cố định vì chúng luôn luôn được rút ra từ, và phản ảnh bởi, rất nhiều bối cảnh và qua đó tác phẩm được kinh nghiệm và được đọc.

Nhưng đến cuối thập niên 1980, những nhà phê bình cho rằng kiến trúc hậu hiện đại với phương cách “giễu nhại” (parody) và “mô phỏng” (pastiche) đã bắt đầu nhàm chán, chẳng khác gì kiến trúc hiện đại trước đó. Năm 1987, Charles Juncks xuất bản cuốn “Postmodernism: The New Classicism in Art and Architecture”, đưa kiến trúc trở về chủ nghĩa tân kinh điển, và trong bài viết “Cái đẹp là gì” (What is beauty), ông cho rằng, “Những người theo chủ nghĩa khách quan nghĩ rằng cái đẹp trong thiên nhiên. Và những người theo thuyết tương đối cho rằng nó nằm trong nhận thức (perception). Nhưng cái đẹp hơn cả hai, và phức tạp.” “Cái đẹp trở lại”, ông nói và đưa vào kiến trúc lý thuyết hỗn mang và hình học Fractal, kết hợp với cái đẹp cổ điển: phong cách chiết trung trở thành tân chiết trung. Nên nhớ, chủ nghĩa hậu hiện đại thập niên 1980, chống lại cái đẹp (theo nghĩa truyền thống), chống lại bản chất nghệ thuật, chống lại tinh thần nhân bản. Kiến trúc hồi phục lại tất cả để tránh bị chìm xuống theo chủ nghĩa hậu hiện đại.

Chủ nghĩa hậu hiện đại xâm nhập và thẩm thấu tới mọi ngành nghề từ văn hóa xã hội tới văn học nghệ thuật. Thơ Ngôn ngữ Mỹ, thập niên 1980, được giới hàn lâm hỗ trợ, dựa vào lý thuyết hủy cấu trúc, biến thơ thành một trò chơi ngôn ngữ, vô nghĩa, không ai hiểu được, bởi đó chỉ là trò sính chữ của các vị hàn lâm. Thơ Mỹ phá sản, đi tới đường cùng. Nhưng không thể chuyển đổi như kiến trúc, nên phải thay thế bằng một dòng thơ khác. Thơ Tân hình thức Mỹ ra đời, hồi phục nghệ thuật, đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ, để làm lại một truyền thống khác. Những bộ môn khác cũng giống như thơ, lẳng lặng quay về với tinh thần chủ nghĩa tân kinh điển. Khoa học với tân khoa học (hình học Fractal và lý thuyết hỗn mang), tiểu thuyết với tiểu thuyết tân hiện thực, hội họa với hội họa tân hiện thực, kiến trúc (và thơ tân hình thức Việt) với phong cách tân triết trung. Tất cả là “tân”, ám chỉ tới một thế kỷ mới. Chẳng phải hậu-hậu hiện đại (post-postmodernism) là quay về với những bậc thầy lớn (old masters)? Quay về với những bậc thầy lớn thời cổ điển là quay về với những tác phẩm lớn, đòi hỏi những tài năng lớn, và như thế cần, có khoảng thời gian dài cả thế kỷ. Điều này lý giải, tại sao thơ Tân hình thức Việt lại phát triển quá chậm như vậy.

Vào những năm đầu thập niên 1990, xảy ra cuộc tranh luận (science wars) giữa các nhà hiện thực khoa học (Scientific realists) và những nhà phê bình hậu hiện đại. Những nhà khoa học cáo buộc những nhà hậu hiện đại đã bác bỏ tính khách quan, phương pháp và kiến thức khoa học. Những nhà khoa học cho rằng kiến thức khoa học là thực, còn những nhà hậu hiện đại cho là không thực. Đây chính là phản ứng lại chủ nghĩa hậu hiện đại, vào thập niên 1980, khi cáo buộc rằng, qua hai cuộc thế chiến, khoa học không mang sự tiến bộ và hạnh phúc, mà chỉ mang thảm họa đến cho con người. Những bàn cãi qua lại về cái chết dây dưa của chủ nghĩa hậu hiện đại, kéo dài cho đến khi xảy ra cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, phá hủy tòa nhà tháp đôi ở New York. Biến cố kinh hoàng ấy như phát súng ân huệ kết liễu chủ nghĩa hậu hiện đại. Đa số học giả đều công nhận rằng chủ nghĩa hậu hiện đại chính thức đã chết, kể từ bài tiểu luận của Terry Teachout, “Sự trở lại của cái đẹp” (The Return of Beauty), trong đó ông viết, “chỉ vài ngày sau cuộc khủng bố xảy ra, những nhạc sĩ Mỹ đã tổ chức những buổi hòa nhạc với những tác phẩm cổ điển của Johannes Brahms, Johann Bach, Giuseppe Verdi… lôi kéo đám đông quần chúng tham dự. Họ đến để nghe cái gì? Câu trả lời là “Người ta có nhu cầu lớn lao về cái đẹp khi cái chết đến gần.” Và rằng, “Chủ nghĩa hậu hiện đại không tin vào sự thật và cái đẹp, khi cho rằng không có gì là tốt, thật hoặc đẹp trong, và tự chính nó. Vì thế, không có nghệ thuật lớn và không có nghệ sĩ lớn. Những Shakespeare, Beethoven, Cézanne nay ở đâu?” Giải Nobel văn chương 2011, được trao cho nhà thơ Thụy Điển, Tomas Transtromer, và giải Nobel 2013, được trao cho nhà văn Canada, Alice Munro, chẳng phải là điều đáng suy ngẫm hay sao?

Nhưng tòa tháp đôi có liên hệ gì tới chủ nghĩa hậu hiện đại?

Baudrillard đã từng coi tòa tháp đôi là biểu tượng mã số đôi của chủ nghĩa hậu hiện đại. Mà ông thánh bảo trợ cho chủ nghĩa hậu hiện đại là Friedrich Nietzsche, một nhà tư tưởng cực đoan, từng tuyên bố “Chúa đã chết”, và là nhà triết học ảnh hưởng trực tiếp tới chủ nghĩa Phát xít Đức, với quan điểm siêu nhân. “Chúa đã chết” dẫn tới hàng loạt những cái chết khác từ những triết gia hậu hiện đại: tác giả chết, thực tại chết… và biến cố ngày 11 tháng 9 như một câu trả lời của những đứa con cuồng tín Hồi giáo của Chúa đối với Nietzsche. Bây giờ nơi những nhà nghiên cứu và học giả phương Tây, Nietzsche thật sự không còn nữa, cùng với chủ nghĩa Phát xít, như cơn ác mộng đêm qua.

Ngày 21 tháng 9 năm 2002 tại cuộc họp ở The Philadelphia Society, nhà thơ Frederick Turner đưa ra tuyên ngôn “Chủ nghĩa tân kinh điển mới và văn hóa” (The New Classicism in Culture). Và tại hội nghị Zeitgeist năm 2011, nhà vật lý Stephen Hawking tuyên bố “triết học đã chết” vì không tiếp tục những phát triển khoa học hiện đại về khoa học, và đã không còn là ngọn đuốc khám phá những tìm kiếm về kiến thức. Chủ nghĩa hủy cấu trúc và hậu hiện đại đã đưa triết học và chính nó vào hư không. Những triết gia hậu hiện đại và hủy cấu trúc nay đã qua đời, Michel Foucault vào tháng 6 năm 1984, Jean François Lyotard, tháng 4 năm 1998, Jacques Derrida, tháng 10 năm 2004, và Jean Baudrillard, tháng 3 năm 2007. Trong lá thư trả lời người bạn Nhật, giáo sư Izutsu, vào năm 1983, câu hỏi: “Cái gì hủy cấu trúc không là?”, “Mọi thứ, dĩ nhiên!”, “Hủy cấu trúc là gì?”, “Không là gì cả, dĩ nhiên!”, Derrida trả lời.

Chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng, siêu thực… trong văn học nghệ thuật, tuy rằng đã qua từ lâu lắm, nhưng những ảnh hưởng và tinh túy của nó vẫn tồn tại cho tới bây giờ. Chủ nghĩa hậu hiện đại, tuy phản ứng với chủ nghĩa hiện đại và phong trào Khai sáng nhưng vẫn tiếp tục, và chỉ là “hậu” hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại bây giờ là “hậu” hậu hiện đại, vì dù có đoạn tuyệt hay còn chút gì vương vấn, nhưng nơi những bộ môn thơ, tiểu thuyết, hội họa, kiến trúc vẫn còn những dấu ấn, ít hay nhiều của chủ nghĩa hậu hiện đại. Quay về nối kết với truyền thống để làm lại một truyền thống khác, không phải là quan điểm của hậu hiện đại chống lại sự đoạn tuyệt với truyền thống của hiện đại hay sao?

Trong suốt thời kỳ từ 1990 đến nay, đã xuất hiện rất nhiều những cuộc thảo luận, nhiều đề xuất chủ thuyết văn hóa mới. Trong đó có thể kể: Pseudo-modernism/Digimodernism (Chủ nghĩa Giả-hiện đại/ Hiện đại số) của Alan Kirby. Chủ nghĩa Automodernism (Chủ nghĩa Hiện đại Tự động) của Robert Samuels, cho rằng “công nghệ tiên tiến ngày nay ban cho các cá nhân có ý thức hơn về tính trung lập công nghệ, thông tin phổ cập, và quyền lực cá nhân, ngay cả khi cảm giác này có thể là ảo tưởng”. Chủ nghĩa Complexism (Chủ nghĩa Phức tạp) của Phillip Garlanter, tìm cách hòa giải giữa khoa học và nhân văn. Trong khi ông ca ngợi tính đa dạng chủng tộc, tôn giáo, chính trị văn học nghệ thuật, ông cũng chê bai chủ nghĩa hậu hiện đại về sự giễu nhại và buông thả nghệ thuật. Hypermodernism (Chủ nghĩa Đa hiện đại), theo Ronnie Lippens, một người ủng hộ Hypermodernism, “sự phát triển kinh tế xã hội và công nghệ mới đã tạo ra một không gian toàn cầu hóa - nơi năng lượng xã hội đang quay cuồng, không bị ngăn chặn, trên và thông qua biên giới đã lỗi thời từ quá khứ - cần huy động và sử dụng sự phát triển chưa từng có, hủy/tái công trình xây dựng, hủy/tái sự khác biệt, hủy/tái truyền thống hóa, và hủy/tái giải thích chủ quan. Altermodernism (Chủ nghĩa Hiện đại Biến đổi), phổ biến bởi Nicolas Bourriaud, chủ trương một cầu nối cụ thể giữa toàn cầu hóa kinh tế và chủ nghĩa thẩm mỹ phổ quát, chuyển dịch giá trị những nhóm văn hóa và kết nối chúng với mạng thế giới.

Tuy nhiên, chưa có chủ thuyết nào đủ bao quát và mạnh mẽ để thay thế chủ nghĩa hậu hiện đại. Và Madhu Dubey cho rằng, hiện nay, chúng ta không cần tới những chủ thuyết (ism) văn hóa. Có lẽ thế, vì mỗi bộ môn văn học, đều có những phương cách riêng để tiếp nhận thực tại và đóng góp cho nền văn minh. Nói cách khác, mỗi bộ môn có một loại triết học tồn tại nơi chính nó. “Triết học đã chết”, như Hawking tuyên bố, thì cũng chẳng sao, nhưng có còn hơn không, vì trong một thời đại đa sắc thái, mỗi bộ môn đều có đóng góp và bổ sung lẫn nhau, làm cân bằng với những tiến bộ khoa học. Không có triết học, trước mắt là một lỗ hổng lớn. Đối với chủ nghĩa hậu hiện đại, là một người sáng tác, tôi tự hỏi, có nên quên nó đi hay không? Nhưng trước khi quên, phải hiểu nó là gì, chứ không phải chỉ là những mớ hỏa mù thuật ngữ. “Quá khứ như một nửa giấc mơ được nhớ lại”, tôi muốn nhắc lại lần nữa, câu nói của Charles Jencks.

Thơ Tân hình thức Việt xuất hiện đầu năm 2000, sau sự suy tàn của chủ nghĩa hậu hiện đại 10 năm, như vậy có thể coi, ở vào thời kỳ hậu- hậu hiện đại, và cũng như phong cách tân chiết trung của kiến trúc, trong việc hình thành một thể thơ, đã mắc nợ chủ nghĩa hậu hiện đại không ít. Còn đường hướng thì đối nghịch hẳn, thơ Tân hình thức Việt hồi phục nghệ thuật, mang tinh thần nhân bản và đời sống hiện thực vào thơ. Như vậy, “quy khứ lai từ”, hãy về thôi, tìm lại căn nguyên và chính chủ nghĩa hậu hiện đại, từ thời kỳ Khai sáng đến chủ nghĩa hiện đại, gạn lọc tinh túy, áp dụng để làm mạnh nội dung thơ Việt, chẳng phải là thuận lợi và cần thiết ư? Và như thế, chúng ta lại bắt đầu một hành trình khác, luôn luôn.

K.I
(SH302/04-14)


>> Xem bài của Alan Kirby



 

Các bài mới
Các bài đã đăng