Nghiên Cứu & Bình Luận
Daisetz Teitaro Suzuki luận về vô thức trong thiền Phật giáo
08:02 | 07/04/2017

VÕ CÔNG LIÊM

Giữa vô thức của thiền và vô thức của khoa phân tâm triết học, hẳn có những điểm khác biệt rõ rệt. Bởi Thiền Phật giáo (Zen Buddhism) mang nặng tính chất vô thức (unconscious) nhưng thực chất là hữu thức.

Daisetz Teitaro Suzuki luận về vô thức trong thiền Phật giáo

Vô hay Hữu của thiền đã trở thành một thứ “siêu khoa học” (metascientific) hay “tiền khoa học” antescientific vì lập trường của thiền là một xác quyết rõ ràng, không còn là một hệ thống thiết lập như một lý thuyết giảng dạy hay phân tích.

Thiền là yếu tố chính cho một tri thức, vì thiền bao gồm toàn bộ trí tuệ nhờ đó mà khám phá ra được những điều lớn lao trong hiện thể. Nhưng trí tuệ (Prãjna/Mind) không phải là một hợp chất “composite thing”, chính hợp chất đó đã chia ra nhiều năng lực khác nhau và không để lại một dấu hiệu gì mỗi khi đã khám phá cùng nguyên lý của thiền. Thiền không dẫn đưa chúng ta vào con đường phân loại của tri thức và cũng không sắp xếp những giáo lý như một áp đặt để được coi như một giáo phái riêng biệt. Cốt tủy của Thiền Phật giáo là đưa tới nhận thức giác ngộ (Satori). D.T.Suzuki(1) dựa vào toàn trí của Như Lai để lý giải từ cái vô thức để trở thành hữu thức, từ cái gọi là Như-Sở-Hữu- Trí và Tận-Sở-Hữu-Trí, đó là thâm sâu của trí-huệ và hoành-diện-trí-huệ nhờ vậy mà đem lại chân-lý- tánh-không (Sũnyatà) đạt được những lý luận trên tức đạt được trí-huệ-tối-thượng. Vô thức của thiền như ẩn như hiện là yếu tố đem lại sự ẩn hiện trực tiếp trong đời sống.

Cho nên Thiền Phật giáo đã mang lại cho con người một tư tưởng hợp nhất giữa đời và chúng sinh, chính nhờ những ngôn từ của Phật giáo mà đánh động được những gì gọi là ẩn hiện (elusiveness) để nhận thức đâu là chân như. Khi con người không còn thức tỉnh được nữa thì chính họ đang rơi vào cái thế giới riêng tư của họ. Nhưng ngược lại thế giới nhìn thấy họ một cách rõ ràng minh bạch thì lúc đó thấy được lòng tự kỷ của con người. Tự kỷ mà người ta nhận lấy như một mảnh vỡ của Vô Thức, mảnh vỡ đó chính là sự đe dọa mà chính ta đang đánh đổi với đời cũng như bản thân mình, để rồi chỉ còn lại mảnh vỡ điều khiển mình mà thôi.

Sự cách biệt của cuộc đời, sự nỗ lực của con người để thích nghi với hoàn cảnh là điều không bao giờ được xem là đều đặn, bởi tất cả những cảm quan nguyên vẹn đó mà con người mãi mãi nằm trong trạng thái xung đột và chính sự xung đột đó là nguồn phát khởi tự tại được phân định một cách chính xác mà chính ta không thể hình dung ra được, nó nằm trong trí-huệ-vô-thức. Tất cả những gì mà phân tâm học (psychoanalysis) đã đưa ra hay lý luận một cách thuần tính thì đó chính là trạng thái vô thức trong Thiền Phật giáo. Thiền nhận lãnh vai trò như một hóa giải trực tiếp giữa bản thể và tâm linh vừa hóa thân vừa giải thoát; nỗi ray rứt trong im lặng như sấm động, lời lẽ biến thành vô ngôn, thịt xương là cát bụi giờ đây chỉ còn lại sự tương đồng của Tính Không và Vô Biên. (To Zen incarnation is excanation; silence roars like thunder, the word is no-word, the flesh is no-flesh; here-now equals emtiness (Sũnyatà) and infinity).

Vì vậy, mục đích của Thiền không những đem lại sự tĩnh lự (meditation) mà như là một sự khiêu khích (tantalizes) sự bông đùa, giễu cợt của công- án (koan) đều hàm chứa cả một bí ẩn để đưa tới giác ngộ viên mãn. (The Zen koan as a means of attaining enlightenment). Đó là cốt cách của Thiền, đúng nghĩa là một cái gì vừa bí ẩn vừa mơ hồ để lại một trạng thái hồ nghi giữa vô thức và hữu thức, giữa ảo và thực, giữa có và không. Chính cái bí ẩn đó là cái bí truyền của Thiền. Điều đó đã làm cho ta khó mà đo lường được một cách thấu đáo hay xác quyết một cách cụ thể…

Mục đích của Thiền Phật giáo là mang lại cho chúng ta một sự kết hợp chặt chẽ giữa Thiền và Đời. Những trạng huống xẩy ra trong đời người là những gì thuộc về vô thức, nói một cách cụ thể, vô thức của Thiền là thức-tỉnh để nhận thức trung thực của hữu thức trong vô thức. Lối nhận thức của Thiền là đi ngay vào lòng người, nghĩa là có cái nhìn thấu suốt ở bên trong (inner). Nhận thức được sự vật, cảm nhận được sự vật tức khám phá được bí ẩn của vũ trụ bao hàm cả cái Ngã của chính mình mà bấy lâu nay hầu như được phân loại thành nhị-nguyên- thể giữa người theo đuổi và người bị theo đuổi, đối tượng chính chỉ còn là chiếc bóng. Đó là lối nhìn nhận thức của Thiền. Theo D.T.Suzuki là lối nhận thức của tiền-khoa-học hay siêu-khoa-học đôi khi còn gọi là phản-khoa-học giữa thiền và tâm lý học. Vô Thức theo ý nghĩa Thiền hiển nhiên là vi diệu, vô ngại, vô chấp đó là lý do nó mang tính chất phi-khoa-học hay tiền-khoa- học. Nói như thế không có nghĩa là vượt khỏi tầm ý thức và rồi chả ăn nhập vào đâu cả. Trái lại nó như thể là một sự tương quan mật thiết đối với chúng ta. Chính vì cái mật thiết đó mà ngay cả ta cũng khó nắm bắt được, cũng như mắt không tự thấy mắt, trán không thể tự thấy trán nhưng vẫn ý thức được mắt và trán. Do đó để ý thức được vô thức cái yêu cầu là phải biết tôi luyện một phần của ý thức, bởi ý thức là kiên tâm không hiệp thông với vô thức. Tuy nhiên không có vô thức, ý thức không tác động được, hoàn toàn mất hẳn cơ bản tác động. Đó là lý do tại sao Thiền làm sáng tỏ con đường hành ĐẠO “TAO”(*) Thiền như một hành động Bình- Thường-Tâm (One’s Everyday Mind). Bởi hành đạo, dĩ nhiên, Thiền ngụ ý vô thức mà tất cả mọi hoạt động đều nằm trong ý thức của chúng ta.

Câu chuyện vấn đáp “mondo” sau đây có thể giúp ta hiểu được phần nào về vô thức của Thiền: Khi ông tăng hỏi một thiền sư nghĩa của bình- thường-tâm là gì?

Sư đáp: - Khi đói ta ăn, khi mệt ta ngủ. Đó là những câu đối đáp mang tính bình dị của vô thức nhưng thực chất nó phản ảnh được cả một tâm thức. Vô thức và Tâm thức tức là vô-thức-bản-năng và vô-thức-tôi-luyện, đó là cái có hay không có ý thức mà thôi. Thiền sư Bankei(2) Nhật Bản thường giảng dạy giáo lý Vô-Sinh (Fusho/Anutpàta/Unborn) để biểu thị tư tưởng của mình. Bankei chỉ vào những sự vật thường xẩy ra trong đời thường, tỷ như nghe chim hót, nhìn hoa nở… và bảo rằng tất cả mọi sự vật xẩy ra là nhờ vào sự hiện diện của vô-sinh. Thiền sư Bankei kết luận: dù có giác ngộ nào đi nữa, tất thảy đều dựa trên kinh nghiệm sống, chứ không dựa trên kinh nghiệm nào khác hơn. Lời nói ấy như ám chỉ giữa lãnh vực cảm quan của chúng ta với cái vô-sinh, đó là vô-sinh-siêu-hình. Vì vô-sinh của Bankei là gốc rễ của vạn hữu và bao hàm tổng thể của tất cả những thực thể, hiện tại, quá khứ, vị lai bao phủ khắp mười phương thế giới Phật. Nói theo quan niệm Thiền Phật Giáo dù bình-thường- tâm hay kinh nghiệm thường ngày hay bất cứ mọi hành động nào đi nữa, xét nơi ta chẳng để lại một giá trị nào cả. Cái giá trị đó chỉ quy về cái nghĩa vô- sinh hay còn gọi là vô-thức-vũ-trụ. Cho nên vô-sinh là suối nguồn của tất cả mọi khả năng sáng tạo. Thì khi ăn không phải là ta đang ăn và khi mệt ta ngủ là ta đang ngủ mà tất cả thuộc về cái vô-sinh-vũ-trụ trong vô-thức-vũ-trụ.

Suzuki nhận định như sau: “Khi ý thức Thiền hoàn toàn chín muồi, chắc chắn sẽ bung vỡ để trở thành ngộ (satori), đó là cái nhìn thấu suốt của Vô-thức”. Cái nhìn vô-thức của Suzuki có giống như khái niệm của tâm lý học chiều sâu? Đó là khái niệm của Thiền, nói một cách chính xác hơn là Vô-tâm (Mushin/No-mind) một kiểu vô-tự-thức của Thiền. D.T.Suzuki viết: “Sự thật, trong ý thức chúng ta không hề có ý thức “vượt ra ngoài”,”dưới” hay “trên”. Tâm là một tổng thể bất khả phân và ta không thể xé nó ra từng mảnh…”, vì vậy trong kinh nghiệm NGỘ chức năng của tư duy bị phá vỡ và trống không nhưng không hề tiêu vong. Nó được hồi sinh như một năng động của Ngộ đó là cái tư duy không tư duy, lý của phi lý, phân biệt và vô phân biệt, nhờ vào những nghịch lý đó mà sáng tỏ ý nghĩa của Ngộ, một tư tưởng có tính khả dụng của thiền.

Như đã nói ở trên Vô-thức-vũ-trụ vốn có trước mọi sự rẽ nhánh hay phân đoạn cần thiết cho quá trình tư duy. Vô thức vũ trụ như thế mới thực sự là nền tảng của hiện thực, cái vô thức này vượt ngoài những giới hạn của lãnh vực trí năng, con người sở đắc được từ trước đến nay nên đôi khi còn được gọi là “huyền bí” hay “siêu nhiên”. Ấy là lúc Thiền gọi là ý thức của con người bừng tỉnh trước chân tính của mình - là Ngộ. Chính nguồn gốc của Ngộ là ý thức, thức tỉnh sau khi đã một lần trải qua của vô thức vũ trụ, đó là sự hồi phục giữa ý thức vô thức hay vô thức ý thức. Ở đây chúng ta có thể thấy được cái tăm tối của vô thức vũ trụ trong thoáng chốc biến thành ánh sáng tức giác-ngộ-tối-thượng. Cái đó gọi là tâm uyên áo của Thiền. Tuy nhiên Thiền vẫn chủ trương loại bỏ văn tự và học thuyết, nhưng thật ra không hẳn như thế, ý của Thiền là tránh mình như một giáo phái, cái chủ đích của Thiền là tạo được một triết lý “bản lai diện mục” bởi Thiền thiếu triết lý thì mất đi tính sáng tạo, một cái xác không hồn.

Đó là bản tính vô thức. Vậy thì vô thức trong Thiền Phật Giáo có phải nằm trong phạm vi triết học? Dù trong ý nghĩa rộng nhất của từ ngữ này, tuy thế nó vẫn có liên hệ phần nào với ngọn nguồn của vạn hữu như là lý tính giữa Trời và Đất hay một cái gì khác được nêu lên trong tính thể luận mà các nhà tư tưởng Tây phương đã có lần đề cập đến. Chúng ta có thể gọi một danh xưng khác thích hợp hơn “Đại Viên Cảnh Trí” (Adarsánajnãna) như các thiền sư thường gọi. Cho nên chi mỗi khi chúng ta gọi cái này là gì hay ai, bởi tất cả ngoài phạm vi bình thường của ý thức, chúng ta không còn một danh từ nào khác để gọi nó ngoài cách cho nó một danh hiệu tiêu cực hoặc gọi nó là X hoặc là Vô-Thức, Vô-Tri hay là X đi nữa thì rõ ràng quá mơ hồ và như thể nó tiếp dẫn được với ý thức tức là sử dụng được tất cả những gì khéo léo một cách hữu thức thì điều đó được coi như là vô-thức.

Nói tóm lại, tất cả dữ kiện xảy ra của Thiền Phật giáo đi từ vô thức đến hữu thức, từ ngã đến vô ngã tất cả do từ tâm thức mà ra. Bởi trong Thiền nó có tính siêu hình và trí năng thông qua tuệ giác và tánh không. Cõi vô thức đối diện trực tiếp với Hữu-Thể-Tuyệt-Đối, Tình- Yêu-Tuyệt-Đối và Tánh-Không-Tuyệt-Đối bằng sự dấn thân trực tiếp để hoàn toàn thức tỉnh trong đời sống thường nhật và vĩnh cữu giữa vô-sinh và hữu sinh, giữa tử và bất-tử.

V.C.L
(SHSDB24/03-2017)

...............................................
(1) Daisetz Teitaro Suzuki: Sanh 18/10/1870 Mất 12/7/1966. Sanh và chết ở Nhật Bản. Ông không phải là thiền sư. Ông là một nhà giáo, đi thuyết giảng khắp nơi về chân lý Thiền học. Ông để lại nhiều bộ sách Thiền Phật giáo có giá trị đến ngày nay, kể cả sách Thiền bằng Anh ngữ.
(2) Bankei (Bàn Khê), (1622-1693), thiền sư Nhật Bản. Không tông phái.
(*) TAO được dịch là ĐẠO. Chữ của học giả Wilhem.

Tài liệu tham khảo:

- Zen Buddhism & Psychoanalysis by D.T.Suzuki,Erich Fromm and Richard De Martino. Harper Colophone Books. Published 1970 USA.
- The Essentials of Zen Buddhism by Daisetz T.Suzuki. Greenwood Press, Publishers 1973.USA
- The Zen Koan by D.T.Suzuki.Rider&Company. Published 1950 USA
- Quan Niệm Giải Thoát Trong Phật-Giáo Cũ của Linh mục Thiện Cẩm, Nxb. Đại Nam, SàiGòn, 1970.
- Tưởng Niệm Daisetz Teitaro Suzuki, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn 2001/2008, Tp HCM/ VN.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng