Nghiên Cứu & Bình Luận
Thơ Huế thời đổi mới nhìn từ hệ hình tiền hiện đại đến hiện đại
10:19 | 27/10/2017


PHAN TUẤN ANH

Thơ Huế thời đổi mới nhìn từ hệ hình tiền hiện đại đến hiện đại
Ảnh: internet

1. Thơ Huế thời đổi mới nhìn từ hệ hình tiền hiện đại

Đánh giá tiến trình và thành tựu thơ ca của Huế ba mươi năm qua từ góc độ hệ hình tư duy thơ, có thể khẳng định rằng Huế vẫn giữ được “long mạch” phát triển tuần tự, liền mạch qua các bước chuyển lớn, cũng như vẫn luôn giữ được tính tiên phong trong cách tân thơ, thể hiện trong việc không ngừng chấp nhận những “cái khác” (the Otherness) trong mỹ học thơ. Dưới góc độ giải cấu trúc, trên địa hạt thơ ca, bên cạnh những trung tâm truyền thống ở các thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…), và kể cả các khu vực ngoại biên (thơ các tỉnh miền núi, thơ dân tộc thiểu số, thơ mạng…) đang dần xác lập chỗ đứng của riêng mình, Huế vẫn giữ được vị trí trung tâm (bên cạnh nhiều trung tâm khác) trên thi đàn Việt Nam.

“Hệ hình” (paradigm) hay còn được dịch là mẫu hình, mô thức, mẫu chuẩn, khuôn mẫu, phạm thức, khung mẫu, hệ chuẩn, hệ pháp… là một thuật ngữ triết học xuất phát từ triết học về khoa học của Thomas Kuhn, trong công trình nổi tiếng Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học. Đi từ quan điểm triết học về khoa học tự nhiên này, các nhà khoa học xã hội nhân văn trong đó nghiên cứu văn học giữ vai trò tiên phong đã áp dụng sâu rộng quan điểm hệ hình vào khảo cứu đối tượng. Ở Việt Nam, trong giới nghiên cứu văn học, lý thuyết về hệ hình văn chương được sử dụng phổ biến trong khoảng mười năm qua, bắt đầu từ những đề xuất quan trọng của Trương Đăng Dung, Trần Ngọc Vương, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Điệp… mà đặc biệt là Đỗ Lai Thúy1. Áp dụng lý thuyết hệ hình vào trong nghiên cứu thơ, Đỗ Lai Thúy đã chia tách toàn bộ lịch sử thơ ca Việt Nam ra ba giai đoạn chính, đồng thời cũng là ba hệ hình cơ bản là tiền hiện đại - hiện đại - hậu hiện đại. Thơ ca hệ hình tiền hiện đại tư duy nghệ thuật theo mô hình nghĩa -> chữ (tìm hiểu nghĩa (nội dung) trước, dựa trên nghĩa mới tìm hiểu, khám phá chữ (hình thức)). Thơ ca hệ hình hiện đại tư duy nghệ thuật theo hướng ngược lại, chữ -> nghĩa (tìm hiểu chữ (hình thức) trước, dựa trên sự chú trọng hình thức mới bật lên nghĩa (nội dung)). Thơ ca hệ hình hậu hiện đại tư duy nghệ thuật theo hướng chiết trung hơn, tức là chữ <- -> nghĩa (dung hòa, tương tác cả nội dung và hình thức).

Thơ Huế trong ba mươi năm qua, kể từ ngày công cuộc đổi mới bắt đầu khởi xướng, vẫn là một trong những trung tâm lớn của Việt Nam, với việc luôn chuyển mình kịp thời mỗi lần hệ hình thơ mới xuất hiện, cũng như luôn có thành tựu quan trọng về tác gia và tác phẩm trên thi đàn trong mỗi hệ hình. Nếu tạm chia lịch sử thơ Huế ra làm bốn hệ hình cơ bản là trung đại kiểu phương Đông - tiền hiện đại (kiểu phương Tây) - hiện đại - hậu hiện đại, thì thơ Huế chưa bao giờ thiếu tài năng cũng như chưa khi nào bị lạc/lỗi thời so với tư duy hệ hình nghệ thuật thơ trên toàn quốc. Trong hệ hình thơ tiền hiện đại kiểu phương Đông (trước thế kỷ XX), khi Huế vẫn đang còn là kinh đô của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, thơ Huế dĩ nhiên chứng kiến nhiều thành tựu nhất bởi sự qui tụ của hầu hết nhân tài thi ca trên toàn quốc như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thời Nhậm, Tự Đức, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Am, Đào Tấn, Phan Đình Phùng, Tản Đà… Đến hệ hình thơ tiền hiện đại (giai đoạn đầu thế kỷ XX), quy tụ về mảnh đất này là các cây bút lừng danh nhất của phong trào Thơ mới, cho dù họ có quê hương khác nhau, hoặc không hẳn chọn Huế làm nơi định cư lâu dài, có thể kể đến Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Bích Khê, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Phạm Hầu, Nguyễn Bính, Tố Hữu… Hệ hình thơ hiện đại (nửa sau thế kỷ XX), thơ Huế dẫu có đôi chút chững lại, nhưng vẫn giới thiệu được những cây bút đầy tài năng như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Phạm Nguyên Tường, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh… Điều đặc biệt là trong khoảng ba mươi năm qua (1986 - 2016), cả ba hệ hình thơ ca (tôi đang nói đến hệ hình chứ không nói đến các thế hệ thi ca) đều gối tiếp nhau tồn tại ở Huế, bổ sung, nguyên hợp vào nhau tạo ra một sinh thể vừa quen - vừa lạ, vừa tân kì lại vừa truyền thống.

Trong giai đoạn đầu đổi mới, khoảng thập niên 80 và 90 thế kỷ XX, hệ hình thơ tiền hiện đại vẫn chiếm ưu thế trên thi đàn của Huế. Những nhà thơ thuộc hệ hình này lấy mô hình nghĩa -> chữ làm phương thức sáng tạo. Tiêu chí để tôi xếp các nhà thơ vào cùng một hệ hình không phải là thời điểm sáng tạo, do đặc trưng hỗn dung, gối tiếp nhau của các thế hệ văn chương ở Huế mà chính là tư duy thơ của thi sĩ, đặc trưng thẩm mỹ của thi phẩm. Mỗi bài thơ bao giờ cũng được viết xuất phát từ hiện thực có thật nào đó, chuyển tải nội dung do tác giả kiến tạo nên, ta gọi đó là “nghĩa”. Hình thức của hệ hình thơ này chủ yếu vẫn viết theo kiểu thơ vần điệu tự do như Thơ mới. Do đó, “chữ” (mặt hình thức) không được coi trọng, chẳng qua nó chỉ là phương tiện để biểu đạt cho nghĩa. Mục đích làm thơ là để tác giả bày tỏ tâm tư tình cảm thông qua cái tôi trữ tình cá nhân trong thơ. Người đọc khi đến với một bài thơ đồng nghĩa với việc phục dựng, kiếm tìm chủ ý của tác giả đó. Chính vì vậy, nhìn chung thơ viết theo tư duy tiền hiện đại Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng đều ít có những tìm tòi, phát kiến về mặt hình thức, nhưng nội dung thì cực kì phong phú, kịp thời bám sát với các vấn đề của xã hội và nội tâm thi sĩ. Giá trị của thơ viết theo hệ hình này nằm ở mặt nội dung, tư tưởng, khả năng phản ánh hiện thực và giãi bày cái tôi cá nhân của nhà thơ.

Chủ thể sáng tạo của hệ hình thơ tiền hiện đại ở Huế chủ yếu vẫn là thế hệ nhà thơ thành danh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, hoặc thế hệ 5x, 6x trưởng thành ngay sau khi hòa bình được lặp lại, có nghĩa họ đã xác lập được tiếng nói thi ca ngay trước khi giai đoạn đổi mới bắt đầu. Có thể kể đến hàng loạt những “cây đa, cây đề” trong văn đàn Huế sáng tạo thơ ca theo hệ hình này như Hồng Nhu, Hải Bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Hà, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thiền Nghi, Ngô Minh, Mai Văn Hoan… Thơ tiền hiện đại với mô hình thẩm mỹ nghĩa -> chữ, tức nhấn mạnh đến “nghĩa” của tác phẩm, mà “nghĩa” bao gồm hai mặt của một tờ giấy, đó là sự minh giải chủ thể nhà thơ và việc biểu đạt, phản ánh thế giới hiện thực bên ngoài. Hai mặt này tưởng chừng như đối lập, nhưng thực ra lại thống nhất biện chứng với nhau. Thơ tiền hiện đại trong giai đoạn đổi mới về cơ bản giống với thơ tiền hiện đại trong giai đoạn Thơ mới, và kể cả thơ ca cách mạng trên phương diện minh giải, biểu đạt tính chủ thể trong thơ. Đặc trưng nghệ thuật này xuất phát từ việc hệ hình nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng của tiền hiện đại lấy tác giả làm trung tâm trong khảo cứu văn bản. Lí luận văn học tiền hiện đại luôn xem việc truy tìm chủ ý, phục dựng hoàn cảnh sáng tạo của nhà văn làm mục đích tối thượng. Nhà thơ khi viết nên văn bản, về cơ bản là nhằm bộc lộ cái tôi trữ tình cá nhân (như trường hợp Thơ mới). Xét trên góc độ bản chất thẩm mỹ, cái tôi tập thể cách mạng trong thơ ca kháng chiến cũng chỉ là một biến thể khác của tư duy nghệ thuật tiền hiện đại. Từ “cái tôi” sang “cái ta”, chỉ khác nhau về lượng mà không biến đổi về chất trong cách nhà thơ biểu đạt thế giới. Mỗi bài thơ luôn mang chủ ý cố hữu của chủ thể sáng tạo (cái tôi cá nhân hay cái ta cộng đồng). Người nghiên cứu khi phân tích chẳng qua cũng chỉ truy tầm cái chủ ý, hoàn cảnh xã hội bên ngoài đã qui định tác giả trong quá trình sáng tạo nên thi phẩm.

Nhận định như vậy không có nghĩa là thơ Huế giai đoạn đổi mới (1986 - 2016) theo hệ hình tiền hiện đại không khác gì thơ Huế giai đoạn Thơ mới (1932 - 1945), hay giai đoạn thơ kháng chiến (1945 - 1975). Trên góc độ cảm hứng sáng tạo, có thể thấy các nhà thơ đã bỏ qua tính u sầu, bi quan mang tầm vũ trụ luận (của Thơ mới), cũng như đã cởi thoát khỏi cảm hứng sử thi anh hùng ca (của thơ ca kháng chiến). Thơ Huế giai đoạn đổi mới thuộc hệ hình tiền hiện đại lấy cảm hứng đời tư thế sự, mang tính mảnh vỡ và chiêm nghiệm cá nhân làm động lực viết.

Rõ nhất có lẽ là trường hợp của vợ chồng thi nhân vốn là hai tượng đài của văn nghệ kháng chiến là Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Khoảng cách từ Khoảng trời hố bom cho đến Nụ tầm xuân đã khác, Một mình, Ừ thôi, tưởng tượng, Người đàn bà mang áo choàng đen, Ném thia lia, Em sợ… không khác về tư duy thơ. Người đọc vẫn thấy hiện lên trong đó cái tôi trữ tình rất đằm thắm, thiết tha, hồn nhiên nhưng đầy nhạy cảm mang đặc trưng Lâm Thị Mỹ Dạ. Người nghiên cứu sẽ bị ám ảnh về cái tôi tác giả trong quá trình khảo cứu, và các bài thơ, sự tìm tòi về mặt hình thức, thủ pháp rõ ràng sẽ bị khuynh loát bởi cung bậc tâm trạng tinh tế, nữ tính của chủ thể. Hoàng Phủ Ngọc Tường là trường hợp điển hình khác của thơ Huế tiền hiện đại trong giai đoạn đổi mới. Vốn là một trong những trụ cột của văn học kháng chiến, và gần như là ông hoàng trong thể loại bút ký của văn học Việt Nam hiện đại, với những tác phẩm kinh điển… Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ đứng sau Nguyễn Tuân ở thể loại tùy bút, bút ký trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng trong giai đoạn đổi mới, với cảm hứng đời tư thế sự đầy thân phận buồn, ông đã lui về “ở ẩn” trong thơ. Nếu chỉ xét riêng nghệ thuật biểu đạt tâm trạng cá nhân, cũng như xây dựng thông điệp trữ tình trong thơ ca, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng là một trong những thi nhân tiêu biểu của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng giai đoạn đổi mới. Ông đã để lại cho thi đàn nhiều vần thơ bất hủ, đầy cô đơn và ám ảnh quá khứ: “Nhà tôi ở phố Đạm Tiên - Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu - Có mùi hương cỏ đêm sâu - Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm - Tôi về ngủ dưới vầng trăng - Có em từ chỗ vĩnh hằng nhìn tôi - Tình xa, xa mãi trong đời - Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay” [Địa chỉ buồn]2.

Biểu hiện rõ ràng nhất cho sự chuyển biến/đổi về cảm hứng sáng tạo thi ca giai đoạn đổi mới trong hệ hình thơ tiền hiện đại, vẫn là trường hợp Nguyễn Khoa Điềm - nhà thơ thế hệ chống Mỹ ưu tú nhất của xứ Huế. Thơ Nguyễn Khoa Điềm nổi lên từ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, với tác phẩm bất hủ là trường ca Mặt đường khát vọng. Một đoạn trích trường ca này được đưa vào sách giáo khoa với tựa đề Đất nước, nghiễm nhiên trở thành một trong những điển phạm mang tính trường quy của văn học thuộc trào lưu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, sau Tố Hữu - cũng là một người con xứ Huế, Nguyễn Khoa Điềm là cây bút có vị thế “lá cờ đầu” của văn học cách mạng, niềm tự hào của văn học Huế. Nguyễn Khoa Điềm còn là nhà thơ thành danh tại Huế, có nhiều đóng góp cho văn học Huế qua quãng thời gian dài làm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Tuy nhiên, từ thơ ca cách mạng cho đến thơ ca đổi mới của Nguyễn Khoa Điềm là một cuộc biến chuyển dài, những lần tự vấn và phản tư đớn đau. Cuộc sống thời bình khi giá trị đồng tiền lên ngôi, những quan hệ xã hội cũng trở nên khác trước, niềm tin và chân lý trở nên tương đối, nhà thơ cảm thấy hoang mang và cô độc khi hiện thực không diễn ra như ý chí chủ quan của mình. Do đó, Nguyễn Khoa Điềm sau khi lui về cố hương, ẩn mình trong thôn Vỹ để bước qua tấm màn nhung đầy vinh quang và cay đắng của quyền lực, đã phát hiện lại mình trong thơ với tâm thế khác. “Có một nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều - Lởm chởm những gốc rạ sau mùa cấy gặt… - Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất - Bao người đã mất, đang còn…” [Cánh đồng buổi chiều]. Rõ ràng cảm hứng này là rất khác, thậm chí đối lập so với cảm hứng sử thi trong Mặt đường khát vọng. Qua đó mới thấy rằng, sống và nhận thức là một quá trình, nên thơ ca cũng là một hành trình không thể đứng yên.

Đọc lại các thành tựu thơ ca thuộc hệ hình tiền hiện đại thời kì đổi mới của Huế, chúng ta có thể thấy rõ nỗ lực cách tân, làm mới lại chính mình, thậm chí tự vấn, phản tư lại những gì mà các nhà thơ từng viết, từng sống hành động và tin tưởng theo. Rất nhiều di sản cũ không còn được các nhà thơ đưa vào trong tuyển tập thơ cuối đời. Một số nhà thơ không thừa nhận, thậm chí “sám hối” trên phương diện nghệ thuật về những sáng tạo cũ. Mặc dù cùng chung hệ hình tiền hiện đại, nhưng không thể nói các nhà thơ Huế viết trong hệ hình này đã lỗi/lạc thời, hay không còn sức năng sản trong sáng tạo. Xét trên phương diện nào đó, họ vẫn đang là một thứ “trung tâm quyền lực” trong sự vận động và phát triển của thơ ca Huế thời đổi mới, là bệ đỡ và cổ vũ những thế hệ sau này tiếp tục vượt qua mình để đến với chân trời mới của thi ca. Tuy vậy, dẫu cố gắng đến chừng nào đi chăng nữa, cũng như không thể phủ nhận nỗ lực và thành tựu của các nhà thơ tiền hiện đại (cả trong quá khứ lẫn hiện tại), nhưng họ vẫn thuộc về một hệ hình thơ đã qua. Hệ hình thơ này, như đã nói, luôn lấy sự minh giải chủ thể con người nhà thơ (tác giả) và phản ánh hiện thực bên ngoài làm nguyên tắc sáng tạo. Theo thống kê của tôi, trong Tuyển tập thơ Ngô Minh, tác giả dành một phần là Thơ tặng (gồm 48 bài) nhằm tặng riêng cho những bạn thơ của ông, đi kèm với mốc năm tháng, sự kiện, chú giải về họ. Mặc dù tác giả đã rất có ý thức nỗ lực cách tân trong việc lựa chọn tâm thế, tư tưởng, đối tượng tặng/đối thoại thơ, cũng như ý thức loại bỏ dấu vết trào lưu thơ cũ, nhưng tiếp cận với loại văn bản thơ này, tính chủ thể đại diện rõ ràng cho tác giả vẫn hiện lên sừng sững như một thứ quyền uy ám ảnh. Khi nghiên cứu, cố nhiên nhà phê bình không thể loại trừ phương pháp tiểu sử học lẫn xã hội học truyền thống. Do đó, thơ Huế cần nhiều hơn một hệ hình đã trở thành điển phạm trong thời điểm hiện nay.

2. Thơ Huế thời đổi mới nhìn từ hệ hình hiện đại

Thơ Huế trong giai đoạn đổi mới ba mươi năm qua, ngoài việc chứng kiến những ánh hồi quang không bao giờ tắt lửa của các tượng đài thơ ca kháng chiến chống Mỹ, đã giới thiệu được một thế hệ thi ca mới đầy tiềm năng và hứa hẹn vào độ tuổi cuối 7x, 8x. Thế hệ thi ca mới có thể chưa có nhiều thành tựu nghệ thuật cũng như “quyền lực văn chương” (giải thưởng, vị trí xã hội, uy tín nghề nghiệp…) như thế hệ thơ ca cách mạng, nhưng họ đã sớm dấn thân nghệ thuật với tâm thế khác cũng như ý thức riết róng về cách tân văn học. Sự khác biệt cốt lõi giữa thế hệ thi ca mới này so với thế hệ trước, đó là tư duy thơ theo hệ hình hiện đại, cụ thể là họ đã sáng tạo văn bản thơ theo mô hình chữ -> nghĩa. Mỗi bài thơ lúc này không phải là bản tường trình hiện thực, mà là một trò chơi ngôn ngữ. Nghĩa của bài thơ không phải do tác giả quy định trước, mà chính là do mặt hình thức của tác phẩm tạo ra. Nội dung, tư tưởng thơ không phải là tiên đề có sẵn, mà do hình thức thơ cấu trúc nên. Một đề xuất ranh giới rõ ràng, phân biệt giữa thơ theo hệ hình hiện đại với thơ theo hệ hình tiền hiện đại trong giai đoạn đổi mới tại Huế là điều bất khả. Ranh giới phân biệt giữa hệ hình thơ hiện đại với hệ hình thơ hậu hiện đại mà tôi sẽ phân tích ở phần sau lại càng khó xác định hơn, bởi đặc trưng hỗn dung nghệ thuật và sự “gối tiếp” về mặt thế hệ thi nhân của mảnh đất này. Tuy vậy, dẫu không thể định vị tác giả A hay B, bài thơ C hay D thuộc chính xác hệ hình nào, nhưng nhìn nhận một cách tổng quát, vĩ mô, cũng như “nhìn nghiêng từ phương pháp”, ta vẫn thấy thế hệ thơ 7x, 8x (chủ yếu thuộc hệ hình hiện đại) có những điểm khác cơ bản so với thế hệ thơ 5x, 6x (chủ yếu thuộc hệ hình thơ tiền hiện đại). Dĩ nhiên, ta không loại trừ người này, bài kia vẫn thỉnh thoảng lọt về hệ hình khác, giống như ngày nay người ta vẫn làm ca dao, sáng tác thơ Đường, nhưng ở mặt bằng chung về mặt lí thuyết, sự đổi mới văn chương trên phương diện hệ hình là tất yếu của lịch sử nghệ thuật.

Thơ ca tiền hiện đại ở Huế, xét cho đến tận căn cốt vẫn dựa trên mỹ học lãng mạn có từ thời kì Thơ mới. Thơ ca cách mạng chẳng qua cũng là mỹ học lãng mạn theo một lối khác - lãng mạn cách mạng, với những đặc tính như sự tất thắng của cách mạng, sự trữ tình hóa chiến tranh, hi sinh, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, kết thúc có hậu, mô thức ta thắng địch thua, ta thiện địch ác… Đọc lại Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu) hay Mùa lạc (Nguyễn Khải), chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra mỹ học lãng mạn trong đó. Thơ ca theo hệ hình hiện đại ở Huế nhìn chung vượt qua/lên mỹ học lãng mạn, hoặc chí ít lai ghép mỹ học lãng mạn với mỹ học trừu tượng, siêu thực, tượng trưng - những trào lưu nghệ thuật hiện đại. Trong đó, yếu tố tượng trưng, siêu thực, trừu tượng bao giờ cũng là chính/ chủ lưu so với yếu tố lãng mạn. Người tiêu biểu bậc nhất và có lẽ cũng là sớm nhất cách tân theo hướng mỹ học hiện đại không ai khác hơn Phạm Nguyên Tường. Trong thế hệ nhà thơ “trẻ” ở Huế, Phạm Nguyên Tường là người đi tiên phong trong cách tân thơ, nên anh cũng là người sớm nhất thoát khỏi cái “lốt” trẻ để có thể đứng vào hàng ngũ những nhà thơ “thành danh” của xứ sở này. Tôi đồ rằng, chỉ với một bài Linh miêu3 Phạm Nguyên Tường đã có thể đứng vào hàng ngũ những nhà thơ xuất sắc nhất của Huế đầu thế kỷ XXI. “Em là con linh miêu lông trắng như tuyết - Huyền thoại xưa kỳ diệu ngô nghê - Ngày em nhảy vọt qua xác mục - Cho tôi từ cõi chết quay về” [Linh miêu]. Mỹ học tượng trưng, siêu thực đã giúp thơ Phạm Nguyên Tường ngay từ rất sớm vượt thoát khỏi quán tính cũ, bỏ qua lối thơ miêu tả sự kiện thường nhật và nỗi buồn bản thể của cái tôi trữ tình, để hành trình khám phá, phiêu lưu vào cõi vô thức, ma mị, những thế giới bề sâu bên trong đời sống vô thức, tâm linh của con người. Ở điểm này, có lẽ Phạm Nguyên Tường rất gần gũi với Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê - những người sớm đặt một chân qua mỹ học tượng trưng, siêu thực trong phong trào Thơ mới, mà đã bỏ qua Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Bính - là những người lãng mạn rõ nét hơn. Có thể thấy Quang gánh và những bài thơ khác là tập thơ được viết với cấu trúc mới lạ theo hướng trường ca, nhưng là trường ca của các tiểu tự sự chứ không mang âm hưởng sử thi. Bản chất mỹ học cũng như cách xây dựng hình tượng thơ cũng hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn thơ Huế hệ hình tiền hiện đại. Dưới cái nhìn toàn cầu tri thức, với sự hấp thu, cập nhật những tư tưởng đương đại của thế giới bên ngoài, cũng có thể xem là đặc trưng của hệ hình thơ hiện đại ở Huế. Thơ do đó, dưới cái nhìn liên văn bản (intertext), là những cửa ngõ để thi nhân dẫn dắt người đọc đến với những văn bản khác ở bên ngoài. Phạm Nguyên Tường với kiến văn rộng rãi, nhờ vốn ngoại ngữ tốt và từng du hành qua nhiều nền văn hóa, nên đã viết dưới tâm thế mới như thế này: “Trên thân thể người giờ đây hoang vu - Gã tìm thấy những vệt chàm khổng lồ - Của Socrate của Darwin của Nietzsche” [Quang gánh].

Để có được thành tựu thơ hiện đại như Phạm Nguyên Tường, có lẽ chúng ta cần quay ngược thời gian một chút với trường hợp của Nguyễn Trọng Tạo. Tôi đánh giá điểm gạch nối giữa thơ tiền hiện đại với thơ hiện đại của thơ Việt Nam nói chung và thơ Huế nói riêng, có thể tính từ Nguyễn Trọng Tạo. Vai trò của Nguyễn Trọng Tạo giữa cuộc chuyển đổi hệ hình thơ tiền hiện đại - hiện đại tương tự Tản Đà đối với thơ trung đại và phong trào Thơ mới. Tản Đà chính là điểm gạch nối giữa thế hệ Thơ mới với thế hệ đi trước là các nhà Nho, sáng tác theo hệ hình thơ ca trung đại phương Đông. Nhà thơ quê ở Nghệ An, sau này định cư tại Hà Nội, nhưng có thể nói quãng thời gian sáng tạo đẹp nhất của Nguyễn Trọng Tạo lại ở Huế (khoảng thập niên 80 thế kỷ XX), trong thời gian đất nước bắt đầu đổi mới. Nguyễn Trọng Tạo từng là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế khóa đầu tiên, thành lập vào ngày 15/7/1989. Quan trọng hơn, dù không phải quê hương, nhưng dấu ấn và kỉ niệm về Huế trong thơ Nguyễn Trọng Tạo hết sức đậm nét, ông cũng dành rất nhiều dòng thơ bất hủ tặng cho xứ sở này. “Sông Hương hóa rượu ta đến uống - ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say” [Huế 1]. Năm 1994, Nguyễn Trọng Tạo cho xuất bản tập Đồng dao cho người lớn4, đặc biệt là năm 1995 với Thư trên máy chữ Tản mạn thời tôi sống. Về mặt hình thức, thơ ca Nguyễn Trọng Tạo vẫn rất cổ điển, tức vẫn thuộc tiền hiện đại. Nhưng về nội dung tư tưởng, khát vọng dân chủ, sự đổ vỡ niềm tin về các đại tự sự, thì lại rất hậu hiện đại. Một cách chiết trung nhất, có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo là người mở màn cho thơ hiện đại Việt Nam và Huế. Mặc dù thơ anh vẫn mang tính “phản ánh hiện thực” hay bộc lộ cái tôi cá nhân, nhưng hiện thực lúc này đã là hiện thực khác, cá nhân này là những cá nhân tiểu tự sự. Thơ không còn đạo mạo, nghiêm cẩn hay xót xa, bi lụy nữa, mà rất đời thường, rất bông đùa đầy chất xã hội. Sự hài hước, bông phèng, chất đùa nghịch, tếu táo trong thơ Nguyễn Trọng Tạo không đơn giản là sự giải thiêng, giải điển phạm hóa thơ ca, thực chất nó là khát vọng dân chủ mới, gỡ thơ ca khỏi cái ách cày nặng nề của những quan niệm cũ về “thi dĩ ngôn chí” hay “văn dĩ tải đạo”. Tuy nhiên, nếu như có thể chỉ ra điểm “hiện đại” nhất trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, thì đó chính là “tâm thức” mới của con người, khi đứng trước sự đổ vỡ của các quan hệ xã hội bởi sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường: “Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ - Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ - Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ - Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn - Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm - Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở - Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ …” [Tản mạn thời tôi sống].

Người tiến hành cách tân thơ theo hướng hiện đại nặng về tâm thức, tư tưởng giống Nguyễn Trọng Tạo nhất, có lẽ là Nguyễn Khắc Thạch. Nhà thơ có cách sử dụng ngôn ngữ cũng như cấu trúc thơ khác hẳn Nguyễn Trọng Tạo. Thơ với Nguyễn Khắc Thạch không có tính trò chơi bông đùa kiểu đồng dao hay mang tính trường ca (như Nguyễn Trọng Tạo), mà là sự thiền định nắm bắt “mắt thơ” thông qua đốn ngộ. Thơ Nguyễn Khắc Thạch luôn kiệm lời, bởi cảm thức rất (hậu) hiện đại rằng thời đại của chúng ta đang sống là thời đại của sự im lặng như quan niệm của John Barth, và văn chương đã cạn kiệt tiếng nói như quan điểm của chủ nghĩa cực hạn (minimalism). Bài thơ hay nhất và có lẽ cũng nổi tiếng nhất của nhà thơ họ Nguyễn, bài mà tôi dám liều lĩnh lựa chọn là thi phẩm hay nhất của thơ Huế thời đổi mới, chính là Dòng sông một bờ viết năm 1988: “Có một dòng sông trôi vào lãng quên, - Nước trong như nước mắt - Điều chưa có mà sao thấy mất? - Có một dòng sông chỉ có một bờ, - Phía bờ kia quay mặt. - Dòng sông anh không qua được bao giờ…”. Tuy nhiên, thi phẩm này không điển hình cho tư duy thơ hiện đại. Chất hiện đại trong thơ Nguyễn Khắc Thạch cũng giống như Nguyễn Trọng Tạo, đó là sự phản tư thời đại, cảnh báo con người trước các nguy cơ đánh mất nhân tính: “Thời tôi sống ruồi nhặng sành mâm cỗ - Họ hàng tôm vẫn lộn đít lên đầu - Chó ngoại hết thời ra kiếm ăn hè phố - Trẻ bụi đời lòng cạn mắt sâu” [Gửi Nguyễn Trọng Tạo].

Khởi đi từ những người mở đường như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, cho đến những thành tựu đầu tiên của Phạm Nguyên Tường, thơ hiện đại thời đổi mới của Huế đạt đến đỉnh cao thông qua trường hợp Văn Cầm Hải. Trong thế hệ nhà thơ 7x, 8x của Việt Nam giai đoạn đổi mới, Văn Cầm Hải là một trong những gương mặt sáng giá nhất, có tầm vóc toàn quốc cùng với Vi Thùy Linh hay Phan Huyền Thư. Nếu như thơ của Phạm Nguyên Tường trên góc độ nào đó (nhất là góc độ hình thức) còn thương thỏa với thơ tiền hiện đại, thì thơ Văn Cầm Hải sớm tạo ra cú shock mỹ học so với thơ tiền hiện đại, bởi nó được viết dựa trên nền tảng triết - mỹ học hoàn toàn mới. Sự xuất hiện “như một điềm kinh dị” của Văn Cầm Hải trên thi đàn Việt Nam ban đầu tạo ra không ít “phản tiếp nhận”, sự phản đối hay coi thường bởi những bạn đọc cũ, vốn quá quen “nhai lại” các điển phạm của mỹ học tiền hiện đại. “gánh lúa - xát xay thị thành - hạt lép cườm chim cu vẫn gáy giọng bùn - giữa thời đại đồ họa - mím môi lục bình - gánh lúa vào thế hệ véttông” [Gánh lúa]. Những câu thơ tự nó không có nghĩa rõ ràng trong thơ Văn Cầm Hải, nhà thơ (tác giả) không còn là vị chúa tể trị vì văn bản thơ, mà chính ngôn ngữ là chủ thể của thơ, từ ngữ tự do tồn tại, chữ là bắt đầu của nghĩa chứ không phải nghĩa đi tìm chữ biểu đạt. Ví dụ, nhà thơ viết gánh lúa, nhưng không viết ai gánh lúa. Rồi câu “hạt lép cườm chim cu vẫn gáy giọng bùn” là sự lai ghép bất tương hợp về mặt ngữ nghĩa xét theo theo logic truyền thống của những cụm từ “hạt lép”, “cườm chim cu”, “giọng bùn”. Nhà thơ cũng lược bớt chủ ngữ, kì thực là loại bỏ tính chủ thể của những câu như “mím môi lục bình” hay “gánh lúa vào thế hệ véttông”. Đây là các đặc trưng thơ hiện đại, loại bỏ sự phản ánh hiện thực quan phương và loại trừ tính chủ thể trong thơ.

Sau Văn Cầm Hải, có thể thấy thơ Huế mà đặc biệt là những nhà thơ “trẻ” từ 7x đến 8x đã rẽ bước sang hệ hình hiện đại khá dứt khoát, quyết liệt. Thơ của Lê Tấn Quỳnh là cuộc chơi mà ở đó mô hình chữ - nghĩa hiện lên rõ ràng nhất, bởi chính ngôn ngữ mới là nhân vật chính trong thơ chứ không phải tác giả hay nhân vật trữ tình. Hình như trong bất kì câu, khổ thơ nào của anh cũng có một từ láy, và từ láy đó làm bật lên cảm xúc thẩm mỹ cũng như tạo thi pháp thơ: “Những hun hút trong tôi nằm kẻ chỉ - Lên sự cong cớn mùa màng - Giọt mồ hôi buôn chuyện người qua chợ - Phố lâu rồi cắm cúi đò ngang - Phố lâu rồi rỉ rêu trắc trở - Xoáy tỏm mình đì đạch trò chơi - Lơ mơ trước đám tàn-tro-ra rả [Hun hút] (PTA nhấn mạnh ở mọi chỗ). Lê Vĩnh Thái cũng là nhà thơ có sự trưởng thành và những bước tiến thi ca trong khoảng mươi năm qua, làm ngạc nhiên không ít người đọc chuyên nghiệp. Khởi đi từ một nhà thơ nằm trong gia đình “Áo trắng”, Lê Vĩnh Thái đã sớm lột xác qua hệ hình hiện đại với tập thơ Trôi cùng đám cỏ rẽ. Đây là một tập thơ “khó đọc” với hầu hết bạn đọc phổ thông, và ngay cả với những đồng nghiệp, đọc nó cũng là một thử thách. Trước đây, tôi từng không mấy hứng khởi với thơ Lê Vĩnh Thái, nhưng anh là người mà có lẽ càng đọc ta lại càng vỡ vạc ra điều gì đó mới mẻ, ngôn ngữ thơ Lê Vĩnh Thái chặng hiện đại luôn có những khoảng trống cần được độc giả lấp đầy bởi: “trong buổi chiều - rình rò trên mái hiên - rình mò dưới nước - rình mò hóc hẻm - ngã rẽ - cơn mơ - con chuột cống - vuốt lông” [Hoảng loạn tìm đàn]. Tính mảnh vỡ, hỗn độn (chaos) trong thơ Lê Vĩnh Thái như vậy đã bắt đầu bước một chân sang hậu hiện đại. Và nếu xét trong tư duy hệ hình thơ, dù không nổi tiếng và có nhiều thành tựu như Phạm Nguyên Tường, nhưng có thể rằng Lê Vĩnh Thái đã đi xa trong tư duy nghệ thuật.

Khép lại một chặng đường thi ca từ tư duy hệ hình tiền hiện đại đến hiện đại, ta có thể phần nào hình dung ra bối cảnh sự vận động và cách tân của thơ Huế nửa cuối thế kỉ XX. Dẫu có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn đó những điểm yếu cố hữu như thiếu những cách tân mạnh mẽ về mặt hình thức, thiếu sự cập nhật với các tư trào thơ đương đại trên thế giới. Những đặc trưng mà chúng ta phải chờ đợi ở một cuộc cách mạng tư duy hệ hình thơ mới diễn ra đầu thế kỉ XXI, đó chính là hệ hình tư duy thơ hậu hiện đại.

P.T.A  
(SHSDB26/09-2017)

---------------
1. Xin xem thêm Đỗ Lai Thúy (2011), Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội và Đỗ Lai Thúy (2012), Thơ như là mỹ học của cái khác, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội và đặc biệt là Đỗ Lai Thúy (2016) (chủ biên), Những cạnh khía của lịch sử văn học, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, trang 17 - 60.
2. Về thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thời đổi mới, có thể xem tại http://www.thivien.net.
3. Phạm Nguyên Tường (2006), Quang gánh và những bài thơ khác, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
4. Xin xem thêm Nguyễn Trọng Tạo (1994), Đồng dao cho người lớn, Nxb. Văn học, Hà Nội.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng