Nghiên Cứu & Bình Luận
Thêm một lần cầm trên tay 'Mùa xuân chín'
15:48 | 14/09/2018

VĂN GIÁ

Nếu có thể ví toàn bộ sáng tạo thi ca của Hàn Mặc Tử như một cây thơ, thì ta đã nhận được về bao nhiêu là quả.

Thêm một lần cầm trên tay 'Mùa xuân chín'
Ảnh: internet

Có quả lành quả ngọt, lại có quả chua quả đắng. Có quả xanh quả chín, lại có quả méo quả bầu; có quả hồng hào tròn trịa, lại thêm quả tái xám dị dạng dị hình... Chao ôi, ngắm cái cây thơ xum xuê trĩu trịt bao nhiêu là trái đọng ta không khỏi cất tiếng trầm trồ thán phục và kinh ngạc về một tài thơ và một đời thơ đại thụ nhường ấy, bạc mệnh nhường ấy!

Thì đây, Mùa xuân chín là thứ trái được kết vào giữa lúc thân cây cường tráng kia đã có con sâu bệnh đục thân đang mở đường phá phách. Nhưng mà lạ thay, như một nghịch lý, bao nhiêu là quả, trong đó có Mùa xuân chín này, thật tròn đầy, lành lặn, ngọt thơm - một thứ trái của vườn - không - cấm.

Mùa xuân hội lại về đây bao nhiêu là vàng nắng điểm hoa lấm tấm trên mái nhà gianh, vàng nắng như bàn tay ai mở tấm lụa trời "khói mơ" hư thực kia đi để lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật ngời ngời bao nhiêu là thôn nữ - các "Gái quê" đang thong dong bước vào cuộc hát, mỗi bước đi tưởng như còn nghe được tiếng "sột soạt" của những tà áo lất phất bay trong gió. Buổi mai mùa xuân trong sạch quá, thanh khiết đến êm đềm, và thật thanh bình:

"Sóng cỏ xanh non gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi"

Đó là một buổi sớm mai tinh khôi cổ điển. Nét vẽ của nhà thơ chỉ mượn một chút thôi thi hào họ Nguyễn - "cỏ non xanh rợn chân trời..." Nhưng cái không gian thoáng đãng mát lành ấy trong Hàn Mặc Tử được lược đi, được phác qua sơ giản hơn, nhanh gấp hơn. Nó như một nhát viền không gian dứt khoát và hào hao của nhà họa sĩ chuẩn bị cái khung trời để cho trung tâm điểm của bức tranh là con người xuất hiện.

Thiên nhiên và con người đang ở thế hài hòa, bình ổn. Người ta đang để hết lòng vào cuộc hát, cuộc chơi. Bỗng ngoắt một cái, hơi thở như một cái đập vai, vỗ nhẹ, nhắc ta:

"Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi"

Nhà thơ "ác" với người đọc quá. Hồn ta như đang trôi đi trong lời ru ngọt lịm, bỗng thảng thốt giật mình, như thể có bàn tay nào đang tâm giật lấy giấc mơ lành không dễ gì có được, rồi kéo ta trở về với thực tại rành mạch đến nghiệt ngã, trần thế đến khó chịu kia. Đành thôi, lẽ tự nhiên là phải thế, nhưng nàng thôn nữ - những vẻ đẹp thuần phác và đầy thi vị kia chỉ là vẻ đẹp nhất thời, bất ổn, một vẻ đẹp cảm được chứ không sở hữu, không bao giờ thuộc hẳn về ta, và sẽ mất khỏi ta vĩnh viễn... Buồn biết bao! Người làm thơ vẩn vơ nhìn ngắm, để rồi nuối tiếc, để rồi bất lực. Người đọc thơ đang mê đi trong sắc hình thơ mộng, để rồi cũng... thở dài. Hóa ra, bất cứ ai đứng trước vẻ đẹp tận mỹ cũng sinh lòng khao khát và mặc cảm về sự bất lực của mình. Đó là một trạng thái tâm lý rất thật có ở con người.

Trên kia là vẻ đẹp của mùa xuân và những người đi hát. Nhà thơ sau khoảnh khắc buồn ấy, mới lại để hồn lắng nghe tiếng hát. Tiếng hát sao mà mỏng mảnh quá, non nớt quá, nghiêng nghiêng, đầy bất trắc. Nó định vị (mà kỳ thực không thể định vị được) ở cái thế "lưng chừng núi"; nó không dày dặn và tự tin mà "hổn hển"; âm lượng của nó chỉ "thầm thĩ", hiệu quả của nó trong nhà thơ là "ý vị và thơ ngây" - nhưng chỉ là "nghe ra" thôi, là có thể thế, hình như thế, chứ chưa là rõ ràng phải thế, ắt như thế... Hãy lắng nghe xem, hóa ra hình tượng tiếng ca trên đồi kia trong thế giới thụ cảm của nhà thơ chỉ là một cái gì vừa hữu hình vừa vô hình, rất động, bé nhỏ và non nớt, không cầm giữ được, dễ mất lắm thôi!

Rõ ràng, thực tại ngoài kia - mùa xuân và cuộc hát - đi vào hồn thơ tác giả như một trạng thái bất ổn, dễ đổi thay, dễ mất.

Khi ở trên kia, "lòng trí" nhà thơ dự cảm về phía tương lai, tiên cảm về cái "bước sang đời", cái chung cục tất yếu từ thân phận thiếu nữ sang thân phận đàn bà của bao người đi hát; thì giờ đây lòng trí nhà thơ lại thả về quá vãng:

"Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"

Lại hình tượng một người phụ nữ. Từ đám đông trở về tiêu điểm. Người phụ nữ xuất hiện đột ngột, bất ngờ và chân thực xiết bao. Trên một nền không gian mênh mang trắng không màu ấy, có một con người xuất hiện vạm vỡ, cường tráng, tràn đầy sinh lực, một vẻ đẹp của gái quê, một sức sống đồng nội. Tất cả được thể hiện mạnh bạo, bộc trực, bằng một cách tự nhiên nhất. Nó vụt hiện từ đáy sâu tâm thức, và đi ra từ một tâm lực rất đỗi khỏe khoắn lành mạnh của một người đã từng viết:

"Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em"
                              (Gái quê)

Và để rồi còn viết:

..."Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền"
                    (Đây thôn Vĩ Dạ)

Nhưng mà, dù muốn hay không, câu thơ vẫn là một câu hỏi cũng như thể là bất chợt, là thảng thốt, là "sực nhớ" thôi, giật mình mà lo mà tiếc, sợ rằng sẽ không bao giờ còn được gặp lại một "mảnh hồn làng" ấm no, sung mãn, bình yên đến thế. Thời cuộc luôn luôn đổi thay mà.

Vậy là, mạch vận động của tâm trạng trong toàn bài thơ là bắt đầu từ thực tại bỗng dự cảm về tương lai, rồi lại trở về thực tại, để từ đó hoài niệm về quá khứ, cái khoảnh khắc chuyển đổi ấy nhanh gấp, dồn nén, bất chợt bùng ra, rạn vỡ. Nó chỉ có thể là kết quả của một trạng thái cảm xúc bề bộn của ý thức và vô thức, hoài niệm và dự cảm, bình yên và xung động, hư và thực... Đó cũng là những mô-măng tâm trạng in một dấu đậm lên thực tại đang vận động, luôn biến đổi không ngừng. Tất cả không gian, thời gian, cảnh vật, lòng người... đều ở trạng thái chín, cần phải đi vào cái thời điểm ắt sẽ biển đổi; tích tụ đã đủ rồi, cần phải chuyển sang dạng khác (nói theo triết học - lượng đã đủ và cần chuyển thành chất). Mùa xuân đã chín, đã viên mãn, đã căng ra, cái lẽ tự nhiên là ắt phải sang mùa. Con người hết cái tuổi hoa ắt sẽ phải sang tuổi quả; lòng không tĩnh tại, gặp tình cảnh khác ắt phải sang lòng. Vâng, sẽ có thể vỡ vụn lắm chứ, bởi ở toàn bài, suốt từ đầu đến cuối bị lèn chặt bởi các câu thơ, mà mỗi câu tải đến hai ba hình ảnh, thể biện vài ba nét tâm trạng, hàm chứa đến năm bảy nét nghĩa sâu xa... Tất cả được vặn hết đến độ đậm đặc và nặng đam do sự vận động tất yếu của cảm xúc thơ mang lại.

Thì đấy thôi, nhà thơ đã chẳng để lòng mình vươn xa tới mai sau, quay sâu về quá vãng là gì? Nếu không, bức tranh xuân kia sẽ có nguy cơ chật chội quá, nặng quá mà thành nứt ra, cộm lên, vỡ vụn... Cơ may, những mô-măng cứu thoát. Cái năng lực thụ cảm mạnh mẽ, sung mãn của một hồn thơ tinh nhạy thâu nhận được tất cả sự bất ổn về tình trạng biến đổi của thực tại - vũ trụ và con người.

Toàn bộ bài thơ quy về một điểm này thôi: Dự cảm về một vẻ đẹp hài hòa tự nhiên nhất của thực tại có nguy cơ bị phá vỡ.

Xuất phát điểm của bài thơ là tình trạng hài hòa của thế giới được làm nên bởi sự tương giao tự nhiên nhất của âm thanh, ánh sáng, màu sắc và cuộc hát. Thế mà ngay trong những dự cảm về tương lai, những hồi âm quá khứ bất chợt hiện về quấy phá. Trên dòng chảy trôi không ngừng của thực tại, thế giới hiện ra đẹp đẽ, giản dị nhưng cũng khắc nghiệt biết bao. Đó là cảm giác rất mạnh về vẻ đẹp hài hòa của thực tại nhưng không bao giờ trọn vẹn. Trọn vẹn làm sao được khi mà những vang động không nhỏ của thời cuộc, nhân tình thế sự ngày ngày dội vào cảm quan của hồn thi sĩ. Vả lại, con bệnh tàn khốc và đời tư cay nghiệt của nhà thơ sờ sờ ra đấy. Tất cả, như hùa nhau lại tấn công vào não trạng của thi nhân khi người đang còn quá trẻ, quá tha thiết với cõi đời.

Nhìn vào những bài thơ lành lặn và đẹp đẽ nhất của Hàn Mặc Tử, ta cũng dễ nhận ra miền cảm xúc thơ ca của ông không nằm ngoài xung lực tinh thần ấy. Hình ảnh ban đầu của Đây thôn Vĩ Dạ đang đẹp là thế, trọn vẹn là thế, bỗng bị xé lẻ ra một gió, một mây, một dòng nước, một hoa, một thuyền, một trăng, một thi nhân thả hồn ôm bóng một giai nhân... để rồi cuối cùng hoài nghi, hỏi người mà như tự vấn: "Ai biết tình ai có đậm đà?". Vậy chẳng phải là một thế giới hài hòa vẻ đẹp nhưng cũng thật mỏng manh được thụ cảm tinh nhạy đến tuyệt cùng đó sao?(!)

Trở lại Mùa xuân chín, ta mới hiểu vì sao âm hưởng chủ đạo của bài thơ là một niềm bi cảm, một nỗi buồn xa xót tiếc nuối thấm thía đến sâu thẳm. Đó là một tình cảm thi ca gợi cho ta chạnh nghĩ về đời người, đời mình, cái nhất thời và cái vĩnh viễn, cái có nghĩa và cái vô nghĩa... Bài thơ như một tiếng buồn cất lên giữa một thời buồn của một kiếp buồn.

Còn đòi gì hơn nữa? Vào cái thời ấy lại có ai vui được? Nỗi buồn thuần khiết và thanh cao thế chả hiếm lắm sao! Cái tôi tâm trạng được đào đến tận cùng và tìm mọi cách để thể hiện bằng được. Nên, nó thành thực và có trọng lượng đáng kể, nó mãi mãi vẫn còn hòa điệu với mai sau.

Cả bài thơ là một vẻ đẹp của một nỗi buồn lớn đầy dự cảm trước một tình trạng vận động của thời cuộc luôn luôn phá vỡ sự hài hòa - cái mà con người hằng khao khát. Cảm quan triết học đã tham gia tích cực vào việc thụ cảm thế giới, nhưng nó tan nhuyễn vào tâm trạng và hình ảnh một cách tự nhiên nhất, vô thức nhất. Nó làm nên độ sâu thẳm không cùng của bài thơ mà ngôn ngữ của con người không thể chỉ ra này là một là hai... rành mạch được.

Ngày nay từ một mảnh vật chất thôi, người ta có khả năng phục chế được diện mạo trọn vẹn của một thực thể vật chất, sinh vật, kể cả con người. Từ trái Mùa xuân chín thơm lành và ngon ngọt đây, ta cũng có thể nhận diện được cái sức sống quyết liệt của Cây - thơ - Hàn -Mặc - Tử - ngoài đời đã từng chống chọi đến cùng với bệnh tật - và trong thơ vẫn còn lừng lững tỏa bóng, bền bỉ đầu thai vạn thuở vào sự trường cửu của nền văn học dân tộc.

Nhiều người viết về bài thơ này của Tử, nhưng đâu dễ có mấy người hiểu được Tử của Mùa xuân chín, thi nhân Gành Ráng ơi!...

Cũng là đứng trước Cái Đẹp, người ta thường khao khát và bất lực!...

Một lần nữa xin nâng trên đôi tay mình.

Mùa xuân chín...

Chiều 19.4.89
V.G
(TCSH44/01-1991)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng