Nghiên Cứu & Bình Luận
Bàn thêm về câu "Lấy dân làm gốc"
15:01 | 20/03/2020

TRẦN ĐÌNH SỬ

Từ khi có bài báo ngắn Dân là gốc hay lấy dân làm gốc của Văn Như Cương (Văn nghệ số 48-1988), một số bạn đã viết bài bàn lại, nói chung cho rằng nói "Lấy dân làm gốc" vẫn không mất ý nghĩa tốt đẹp của nó. Tôi cũng tán thành với các ý kiến đó, mặc dầu tôi vẫn cho rằng dịch "dân là gốc" như anh Cương bàn cũng đúng.

Bàn thêm về câu "Lấy dân làm gốc"
Ảnh: internet

Nhưng có một vấn đề chưa rõ: Câu "dân vi bản" do ai nói, nói bao giờ? Anh Văn Như Cương chỉ nói chung chung, phiếm chỉ: "Ngày xưa các cụ hiền triết chỉ nói "Dân vi bản”. Anh Đào Thái Tôn trong bài báo sau đó đã "vặn" lại anh Cương: "Ngày xưa là thời nào? những nhà hiền triết ấy là ai?" Nhưng anh Tôn cũng không biết. Anh chỉ nói lấp lửng, nửa chiều ra có, nửa chiều ra không. Anh viết: "Các vị ấy nói hàng trăm thứ chuyện. Nhưng chưa vị nào "nói" đến ba chữ "dân vi bản" không nằm trong văn cảnh nào như thế hoặc chỉ nói dân vi bản”. Xét qua vài bài quen thuộc của Khổng Tử, Mạnh Tử, khống thấy có. Xét lại vài bài của Nguyễn Trãi anh cũng thấy "chưa thấy cụ viết ba chữ liền "dân vi bản". Cuối cùng, anh đề nghị nên "thông cảm" với các cụ, đừng nên "bắt các cụ nói tuột ra một mệnh đề "dân vi bản" không nằm trong văn cảnh nào cả”. Hơn nữa cụ nào cũng hô lên "Dân vi bản!" thì làm gì còn xã hội phong kiến để các cụ sống mà... nghĩ về dân! "Vậy không rõ có cụ nào nói "dân vi bản" trong văn cảnh cụ thể không? Có cụ nào hô lên "dân vi bản" chưa? Xem ý tứ câu văn thì hình như anh Tôn cho rằng các cụ đã "nói” "dân vi bản" trong văn cảnh, và đừng "bắt" các cụ nói tuột ra ba chữ ấy liền mạch. Tôi nghĩ đó là một ngộ nhận.

Theo tôi biết, cụm từ "dân vi bản" xuất hiện ở Trung Quốc vào thời cận đại, trong phong trào cải lương tư sản cuối thế kỷ XIX. "Dân vi bản" là câu của Khang Hữu Vi (1858-1927), lãnh tụ của phái cải lương tư sản Trung Quốc thời ấy. Trong bài Xuân thu bút tiêu đại nghĩa vi ngôn khảo ông viết: "Nước thành lập ra là để cho dân. Việc nước không thể không có người trông nom, cho nên mới lập ra vua, vì thế mà dân vi bản nhi quân vi mạt (dân là gốc mà vua là ngọn). Một nhà tư tưởng khác của phong trào dân chủ tư sản này là Đàm Tự Đồng (1866-1898) phát triển tư tưởng ấy, tiếp nối truyền thống phê phán tư tưởng quân chủ có từ Hoàng Tông Hy (1610-1695), tiếp thu tư tưởng "dân chủ", "dân quyền" của phương Tây đã cho rằng: "Dân chúng ban đầu vốn không có ai là vua cả, tất cả mọi người đều là dân. Dân không thể tự trị và cũng không thể trị nổi, cho nên cùng nhau cử ra một người làm Vua" (Nhân đạo). "Do có dân mà mới có vua, không phải vua chọn dân mà là dân chọn vua vậy". - "Vua là ngọn, dân là gốc vậy", (quân, mạt dã, dân, bản dã). Lại nói "Vua do dân bầu ra thì cũng do dân phế truất", tiếp đó ông chỉ trích chế độ quân chủ đã "đặt ngược gốc ngọn", "vua biến thành giặc của dân, kẻ độc tài của dân". Các tác giả này đã dựa vào tư tưởng "dân chủ" để phủ nhận triệt để tư tưởng tôn quân hủ bại hàng nghìn năm. mặc dù họ vẫn còn thừa nhận vua trong "thể chế quân chủ lập hiến".

Theo tôi thì các cụ chí sĩ cách mạng cận đại của ta đã tiếp thu tư tưởng "dân vi bản" từ nguồn này. Có thể là các cụ đã đọc sách Khang Lương rồi nhập tâm truyền khẩu chứ không viết ra thành bài. Điều này cần được thẩm tra lại. Nhưng các cụ hiền triết này không xưa lắm đâu. Trong bài Hải ngoại huyết thư (1906) Phan Bội Châu có nhắc đến câu "Dân vi bản" (Dân là gốc của đất nước) mà các tác giả Hợp tuyển thơ văn Việt nam tập IV, quyển 2 cho biết là lời của Kinh Thư, rất cổ, nhưng cái tinh thần "Người dân ta, của dân ta, Dân là dân nước, nước là nước dân" thì chỉ có thể là tinh thần cận đại, chủ trương dân chủ. Bởi lẽ dân là gốc của nước, nhưng nước chưa hẳn đã là của dân (nước dân). Điều này khác hẳn tư tưởng "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (Dân là quí, Nhà nước kém hơn, vua là nhẹ) của ông Mạnh Tử (372-289), một người chỉ xem dân là phương tiện, chứ không xem dân là mục đích. Ông nói "Giữ gìn dân để làm vua thì không ai có thể chống lại được" (Mạnh Tử Lương Huệ Vương thượng) việc quí dân ở đây chỉ là tiền đề để giữ gìn chế độ quân chủ.

Tuy vậy, nếu xét kỹ nội hàm chữ bản, thì trong tư tưởng triết học Trung Hoa xưa, bảnbản nguyên hay bản thể, có thể hiểu là cội nguồn, gốc, bản thể. Chẳng hạn Thiệu Ung (1011-1107) nêu: "Đạo là gốc của thiên địa, thiên địa lại là gốc của vạn vật" (Quan vật nội thiên). Chu Hy (1130-1200) thì nói "Lấy lý làm gốc" (Dĩ lý vi bản), lại nói: "Thái cực như một gốc mọc lên, chia thành cành nhánh, lại từ cành nhánh mà sinh ra lá ra hoa, sinh mãi không cùng" (Chu Tử ngữ loại). Xem thế thì biết, câu "dân là gốc", xét về tính quan niệm, thì chưa phải đã thể hiện một tinh thần dân chủ thực sự, vì dân chủ đòi hỏi xem dân là chủ thể, chứ không chỉ là bản thể hay cội nguồn. Tính chất khách thể của dân trong mệnh đề trên không phải do dịch thành "làm” hay "là" mà có như anh Văn Như Cương tưởng, mà do ý nghĩa của chữ bản (gốc) qui định. Sử dụng câu chữ xưa để diễn đạt tư tưởng mới là chuyện bình thường, vì đời sống tư tưởng của xã hội không thể thiếu được sự kế thừa. Nhưng không nên quên rằng cái nghĩa gốc của từ ngữ cổ xưa thường trói buộc, hạn chế sự biểu đạt ý nghĩa mới.

Đảng ta nói "Lấy dân làm gốc" để diễn đạt một tư tưởng dân chủ có tính cách mạng. Ta hiểu đó là một cách dùng từ bóng bẩy có hình ảnh ẩn dụ do từ gốc ngọn mà ra, lại mang một ý vị truyền thống, gần gụi với cha ông thời trước. Hoàn toàn không nên xem đó là một thuật ngữ triết học hay chính trị học hiện đại. Những lúc cần diễn đạt chính xác, rõ ràng, thiết tưởng không chữ nào hay hơn chữ dân chủ, tinh thần dân chủ, nguyên tắc dân chủ.

Hà Nội. 4-1991
T.Đ.S
(TCSH47/01&2-1992)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng