Nghiên Cứu & Bình Luận
Nhất Linh - Chủ soái 'Tự Lực văn đoàn' và nhà tiểu thuyết mới
08:40 | 29/07/2020

Kỷ niệm 88 năm báo Phong hóa (7/1932 - 7/2020) và Tự Lực văn đoàn

PHẠM PHÚ PHONG

Nhất Linh là một kiểu mẫu hoàn hảo của trí thức Việt Nam, có thêm một cái gì rắn rỏi và thẳng thắn, rất hiếm có.                                                                                   (Sainteny)

Nhất Linh - Chủ soái 'Tự Lực văn đoàn' và nhà tiểu thuyết mới
Ảnh: internet

Nhà nghiên cứu phê bình văn học tài danh Vương Trí Nhàn đã từng xếp Nhất Linh vào những tên tuổi hàng đầu trong lịch sử văn chương Việt Nam: “Trong phạm vi văn học mà xét, tôi muốn nhắc lại ở đây những tên tuổi quen thuộc bậc nhất trong lịch sử văn chương mấy thế kỷ qua, từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, qua Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu… [1, tr.5]. Có người còn khẳng định “Nhất Linh là nhà cách tân tiểu thuyết lớn nhất những năm đầu thế kỷ XX” [2, tr.80]. Còn đối với Tự Lực văn đoàn, nhiều người khẳng định vai trò của Nhất Linh là “người sáng lập và là chủ soái” [3, tr.83], là “linh hồn của Tự Lực văn đoàn” [4, tr.18], là “người cầm đầu, người điều hành toàn bộ hoạt động nhiều mặt của Tự Lực văn đoàn, đồng thời cũng là một cây bút tiểu thuyết trụ cột của nhóm” [5, tr.30],… Bài viết nhỏ này, người thực hiện tự giới hạn trong phạm vi những đóng góp của Nhất Linh về văn học, nhất là với thể loại tiểu thuyết và là người có công đứng ra thành lập và điều hành một tổ chức văn học ghi dấu ấn quan trọng trên bước đường hiện đại hóa nền văn học dân tộc thế kỷ XX.

1. Không phải đợi đến việc hợp tác với một nhà tư sản để thành lập An Nam xuất bản cục lo “các vấn đề vật chất cho tờ báo” Phong hóa bị đỗ vỡ bởi lối ăn chia theo số vốn góp, lời lãi “phần lớn chui vào kết nhà tư sản” [6, tr.19], Nhất Linh mới nghĩ đến việc thành lập Tự Lực văn đoàn, mà từ những quan sát, học tập kinh nghiệm qua hai năm ở Pháp, ông đã nung nấu ý đồ thành lập một “dây chuyền công nghệ” có tính liên hoàn, mà trước hết, phải có tờ báo trong tay làm nơi tập hợp lực lượng. Sau khi mua lại giấy phép tờ Phong hóa (tháng 7/1932), đến thành lập Tự Lực văn đoàn (1933), xây dựng nhà máy in, thành lập nhà xuất bản Đời nay,... rồi lại còn xin thêm giấy phép cho ra tờ Ngày nay (1936) để làm hậu thuẫn, đó là ý đồ “làm ăn lớn” và hết sức chuyên nghiệp, hiện đại theo kiểu văn minh phương Tây. Người ta ngạc nhiên, bởi một người được đào tạo chuyên môn chẳng liên quan gì đến văn chương, báo chí lại có thể trở thành một người không chỉ viết văn, làm báo xuất sắc, mà còn là người đứng ra tổ chức một trào lưu văn chương trên cái nền của đời sống báo chí, nhằm khai phóng cho những tư tưởng có ý nghĩa khai sáng đời sống xã hội. Tú Mở - Hồ Trọng Hiếu, người bạn từ thuở Nhất Linh mới bắt đầu đi làm ở Sở Tài chính Đông Dương và đã trở thành một trong những thành viên sáng lập của văn đoàn Tự Lực, kể lại rằng: “Ở Pháp độ hai năm, anh về nước với mảnh bằng cử nhân khoa học. Tôi lấy làm lạ: anh muốn trở thành nhà văn sao lại đi học lấy bằng cách trí? Hỏi anh, anh nói rằng, anh sang Pháp chủ yếu là nghiên cứu nghề báo để khi về sẽ mở một tờ báo thể tài mới, khác hẳn các báo. Còn cái bằng cử nhân khoa học? Chỉ là cái cứu cánh để phòng xa, nếu làm báo thất bại sẽ ra làm giáo sư cũng tốt” [7, tr.16]. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, cũng có nhiều trường hợp sang Pháp học tập nghề làm báo, trở về mong cải tiến nền báo chí nước nhà và đã đem lại những thành quả đáng ghi nhận, như Nguyễn Văn Vĩnh (sang Pháp 1906), hoặc nhóm Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn, Đào Trinh Nhất (sang Pháp1927), nhưng hầu như chỉ đơn thuần là báo chí thôi. Nhất Linh không chỉ dừng lại ở báo chí, mà còn xuất bản, sáng tác văn học, nhất là tổ chức một trào lưu văn học phát triển theo hướng hiện đại. Hơn ai hết, ông ý thức được rằng, nền văn chương hiện đại là văn chương tân văn/ thông tấn, nó phải được phát triển trên cái nền của đời sống báo chí hiện đại.

Vì vậy, trong những ngày sống tại Pháp, ngoài việc học khoa học, Nguyễn Tường Tam chuyên tâm nghiên cứu văn học nghệ thuật phương Tây, rồi cách tổ chức chức một tờ báo, từ công tác tòa soạn, sắp xếp bài vở, đến việc thiết kế, trình bày từng trang báo, kể cả việc thăm dò thị hiếu, nhu cầu của công chúng. Các tờ báo thống trị đời sống thông tin tinh thần của công chúng Pháp thời bấy giờ như La Nouvelle Revue Francaise, La Revue des Deux-Mondes, La Vie Intelleectuelle... đều được ông tìm đọc và để tâm nghiên cứu. Ông nhận ra rằng, tính chất hoạt kê, trào phúng là món ăn tinh thần phù hợp với thị hiếu của nhiều người. Quả vậy, sau khi tiếp thu Phong a chưa lâu, rồi cả Ngày nay (tuy có nghiêm chỉnh hơn) sau đó, đã thổi một cơn lốc mạnh mẽ làm lung lay đời sống tinh thần nhiều tầng lớp xã hội. Từ những thói hư tật xấu trong đời sống hằng ngày cần phải góp ý, đến cả những người đạo cao đức trọng như trí thức, chức sắc, rồi những chính sách sai lầm của nhà nước thuộc địa, đều bị kịch liệt lên án. Vu Gia, người đã viết một bộ sách 8 cuốn về chân dung tám thành viên trong nhóm Tự Lực văn đoàn, đã dẫn lời nhà văn Võ Hồng cho rằng: “Dưới sự lèo lái của Nhất Linh, báo Phong a đúng là quả bom nổ giữa làng báo. Họ công kích phê phán tuốt tuột không chừa một nhà cầm quyền nào: Toàn quyền Brévié, Thống sứ Châtel, Khâm sứ Graffeuil, Đốc lý Virgitti, vua Bảo Đại, Thượng thư Phạm Quỳnh, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu...” [8, tr.67].

Sau khi đã có cơ quan ngôn luận, Nhất Linh lo đến việc hình thành tổ chức, tìm kiếm nhân sự, xây dựng tôn chỉ mục đích và phương hướng hoạt động. Tự Lực văn đoàn được thành lập “trên nguyên tắc làm ăn dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà; tổ chức không quá mười người nên không phải xin phép nhà nước, không cần có văn bản điều lệ; lấy lòng tin nhau làm cốt, chỉ nêu ra trong nội bộ mục đích tôn chỉ, anh em tự nguyện tự giác tuân theo” [9, tr.26]. Ngoài những người nòng cốt, ngay từ đầu đã chung tay lo tờ Phong hóa là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mở, thành viên chính thức của Tự Lực văn đoàn - được chọn lựa hết sức kỹ lưỡng - còn có thêm Thế Lữ, Trần Tiêu, Xuân Diệu và một đội ngũ cộng tác viên là những tên tuổi thời danh, cự phách thời bấy giờ như Huy Cận, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Trọng Lang và các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Tô Ngọc Vân... Gắn kết các thành viên trong văn phái với nhau, chi phối phương châm hành động và tư tưởng nghệ thuật được tuân thủ từ đầu đến cuối, bởi một tôn chỉ mục đích gồm 10 điều có tính nhất quán và tương đối chặt chẽ, được công bố công khai như sau: “1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi. Mục đích để làm giàu văn sản trong nước / 2. Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn lên / 3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân / 4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối thật có tính cách An Nam / 5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ / 6. Ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước nhà mà có tính chất bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái / 7. Trọng tự do cá nhân / 8. Làm cho người ta biết về những hạn chế của đạo Khổng / 9. Đem phương pháp khoa học phương Tây ứng dụng vào văn chương An Nam / 10. Theo một trong chín điều trên đây cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác” [10]. Nếu đọc kỹ toàn bộ sáng tác của Tự Lực văn đoàn, nhất là của Nhất Linh, hầu như đều tuân thủ nghiêm ngặt những điều trên. Trong công trình chân dung văn học Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Vu Gia đã xác định cho người đọc nhận thức một cách tường minh, những nội dung mỹ cảm, giá trị tư tưởng và nghệ thuật từng tác phẩm của Nhất Linh, là sự xuyên thấm một cách nhuần nhuyễn và biểu hiện một cách sinh động những điều khoản mà tôn chỉ mục đích văn phái đã đề ra.

Tác phẩm viết ra, trước khi được nhà xuất bản Đời nay in thành sách, hầu hết đều được in trên Phong a hoặc Ngày nay, kể cả tiểu thuyết. Sau những tiểu thuyết tân văn/ dài kỳ đăng báo, những feuilleton có tính chất thăm dò như Hương phong nguyệt của Lê Hoàng Mưu (khởi đăng Nông Cổ n đàm từ 20/7/1912), Kim thời d sử của Biến Ngũ Nhi (khởi đăng Công luận o tháng 10/1917), Kim Cầu của Đạm Phương (khởi đăng Trung Bắc n n từ 25/5/1923)... đến hàng loạt các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn in trên Phong hóa như Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa (cùng đăng năm 1933), Đoạn tuyệt (đăng 1934), Đi y (đăng 1935), Lạnh lùng (đăng 1936), Đôi bạn (đăng 1938), Bướm trắng (đăng 1939)... đã đưa feuilleton trở thành thể văn thông tấn, giữ vai trò chủ lực trên các trang báo, không chỉ ở các tờ báo của Tự Lực văn đoàn mà còn ở nhiều tờ báo khác thời bấy giờ, trở thành động lực thúc đẩy cho sự bùng nổ và phát triển của tiểu thuyết hiện đại. Ngoài tiểu thuyết, các thể n mới khác như thơ, kịch, truyện ngắn, truyện vừa, các tiểu loại ký và thơ trào phúng cũng khởi sắc và có những thành tựu đáng ghi nhận. Các tác giả trong văn phái đều là những người thời danh, có tài năng, tâm huyết và có nhiều tác phẩm đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc. Nếu trên hệ quy chiếu xem văn chương là một hình thái ý thức xã hội, thì tuy họ mang ý thức hệ tư sản và lập trường cải lương tư sản ở thời điểm bấy giờ, nên ở một số tác phẩm tất yếu không thể tránh khỏi một vài hạn chế do cảm quan xã hội và lịch sử, nhưng nhìn chung, sáng tác của họ trong khoản tám năm (từ 1932 đến 1940) có nhiều thành tựu về cách tân thể loại, nhiều giá trị ưu việt so với văn chương còn đậm chất nhà nho, thời mở đầu của văn chương quốc ngữ.

Lịch sử đã vận động và phát triển có nhiều khúc quanh/ ngã rẽ, nên số phận của các hiện tượng văn chương cũng có sự định giá khác nhau, tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau. Nhất là đối với một hiện tượng phức tạp như Tự Lực văn đoàn, càng không thể là một ngoại lệ. Đã có vài chục công trình của các chuyên gia văn học đánh giá về hiện tượng văn học này, trong đó chủ yếu là do định kiến về chính trị nên nhận diện và phủ định, phê phán, thậm chí có lúc còn phủ nhận hoàn toàn hoặc lên án gay gắt. Là một số phận văn chương “truân chuyên” không mấy suôn sẻ, cần phải có một cái nhìn lịch sử để trả lại công bằng cho một hiện tượng văn học sử. F.Engels từng cho rằng: “Lịch sử không bao giờ có thể đạt tới sự tận cùng hoàn toàn trong trạng thái lý tưởng hoàn thiện của loài người; một xã hội hoàn thiện, một nhà nước hoàn thiện, đó là những cái chỉ có thể tồn tại trong tưởng tượng mà thôi” [11, tr.363]. Gần đây, Phan Trọng Thưởng (cùng với Nguyễn Cừ), sau gần bảy mươi năm, đã có công sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu Văn chương Tự Lực văn đoàn và có nhận định khái quát tương đối khách quan như sau: “Về mặt nội dung tư tưởng, các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống giáo điều phong kiến, chống các hủ tục. Cùng với ý thức đả kích những kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội là tinh thần cảm thông với những nỗi khổ cực, sự lam lũ bần cùng của người lao động; tinh thần đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo bình đẳng, bác ái của thời kỳ Mặt trận Dân chủ/ Về mặt nghệ thuật, văn chương Tự Lực văn đoàn có những đóng góp lớn cho sự phát triển theo hướng hiện đại của thể loại tiểu thuyết, đưa văn học Việt Nam gia nhập tiến trình chung của văn học thế giới; bước đầu xây dựng một ngôn ngữ văn chương trong sáng, giản dị, giàu sức biểu cảm. Cùng với văn chương lãng mạn và thơ mới, văn chương Tự Lực văn đoàn góp phần hình thành một quan niệm văn học mới, mà với nó, cái tôi cá nhân được đề cao như một trong số những phẩm chất cách tân của văn chương thời kỳ này” [12, tr.11-12].

Một hoạt động hỗ trợ, động viên, nhằm thúc đẩy sáng tác, không chỉ nội bộ các thành viên trong văn phái, mà cho nền văn học cả nước, đó là tổ chức Giải thưởng văn chương Tự Lực văn đoàn, được xét trao hai năm một lần vào các năm 1935, 1937, 1939. Đây không phải giải thưởng các cuộc thi của các hội tao đàn trước đây, hoặc của các tờ báo, mà là giải thưởng định kỳ đầu tiên trong lịch sử văn học và duy nhất đến thời điểm này. Ban Giám khảo gồm Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mở, Thế Lữ. Một số tác phẩm của các tác giả tên tuổi thời bấy giờ, không phải là thành viên của văn phái, nhưng vẫn được trao giải thưởng như Ba của Đỗ Đức Thu, Diễm dương trang của Phan Văn Dật (1935); Kim tiền của Vi Huyền Đắc, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính (1937); Làm lẽ của Mạnh Phú Tư, Rạng đông của Trần Mai Ninh, Bức tranh quê của Anh Thơ, Nghẹn ngào của Tế Hanh (1939)...

Đốc thúc sáng tạo trên cơ sở đổi mới và cách tân thể loại, công bố và in ấn tác phẩm, Tự Lực văn đoàn còn làm công tác xã hội, công tác từ thiện thông qua Hội Ánh sáng. Hội đã thu hút đông đảo các trí thức lớn đương thời như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Như Tiếp... tham gia và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Ông Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (từ 1946 đến 1960), kể rằng, ông “tham gia Hội Ánh sáng do báo Ngày nay khởi xướng để chống nạn nhà ổ chuột, tối tăm, thiếu vệ sinh. Là một trong ba Chủ tịch Hội (hai Chủ tịch kia là Nguyễn Tường Tam, Tôn Thất Bình). Hội xây dựng được khu nhà Ánh sáng tại bãi Phúc Xá, cạnh sông Hồng làm kiểu mẫu. Hai kiến trúc sư của Hội là Nguyễn Cao Luyện (sau này là Thứ trưởng Bộ Kiến trúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Hoàng Như Tiếp đã sáng tạo kiểu nhà Ánh sáng, tranh tre, nứa lá, sau này có ứng dụng ở chiến khu Việt Bắc” [13, tr.4-5]. Đó là tiếng nói của người đã trực tiếp tham gia Hội Ánh sáng. Cùng sự kiện trên, với một nhà chuyên môn như kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khách quan hơn khi nhớ lại: “Trong những năm 1936 - 1939, hòa với phong trào Mặt trận Bình dân đấu tranh đòi quyền dân chủ do Đảng lãnh đạo, phòng kiến trúc Luyện - Tiếp - Đức đã đưa ra kiểu nhà Ánh sáng bền chắc, rẻ tiền, văn minh, hợp vệ sinh phục vụ nhân dân lao động nghèo ở bãi Phúc Xá, Hà Nội. Công trình xây dựng thể nghiệm vừa hoàn tất đã được dư luận đồng tình và báo chí thời đó giới thiệu rộng rãi, gây tiếng vang lớn ở trong nước và một số nước châu Phi” [14]. Trước đây, theo quan điểm giai cấp và thực tế xã hội thời chiến, cuộc sống của mọi người tương đối ngang nhau, nên đã có thời chúng ta coi thường công tác xã hội/ từ thiện, lên án thói “rũ lòng thương” có tính chất tư sản. Ngày nay, khi xã hội đã đẩy quá xa ranh giới giàu nghèo và phân hóa một cách sâu sắc, lại thấy cảm phục và ngưỡng vọng một cách đồng cảm và biết ơn đối với những người có thiện tâm giúp đỡ những số phận không may...

Tác giả bên mộ vợ chồng nhà văn Nhất Linh ở nghĩa trang Cao Đài, Hội An, Quảng Nam

Tất nhiên, thời kỳ này Tự Lực văn đoàn không phải là văn phái duy nhất, nhưng đây là tổ chức hoạt động có tính quy cũ, nhiều mặt và đạt hiệu quả thiết thực không thể phủ nhận. Gần sáu mươi năm sau, nhìn lại, Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “Nhóm Tự Lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại” [15, tr.74]. Trương Chính, người đã từng chọn Nhất Linh là một trong mười ba nhà văn để nhìn nhận Dưới mắt tôi (1939), sáu mươi năm sau nhìn lại, vẫn giữ một cái nhìn định vị có tính nhất quán: “Có thể nói trong vòng tám năm, từ 1932 đến 1940, Tự Lực văn đoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai; sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tư sản và tiểu tư sản thành thị, điều đó không ai phủ nhận được, mà người đứng đầu là Nhất Linh, tức Nguyễn Tường Tam, viết văn hay đã đành, lại là người có óc tổ chức, có nhiều sáng kiến; những người ghét ông cũng phải phục, muốn bắt chước cũng không bắt chước được. Nói gì thì nói, nhóm Tự Lực văn đoàn của ông có một vai trò rất lớn trong sự phát triển văn học của ta những năm ba mươi” [16, tr.69].

2. Trước khi sang Pháp “học nghề”, với bút danh Nguyễn Tường Tam, Nhất Linh đã có tiểu thuyết đầu tay Nho phong (1925) và đã nhận được “lời khen tặng dành cho những tác phẩm xuất sắc” [17, tr.523] từ Hội Khai trí tiến đức và tạp chí Nam Phong trong cuộc thi thơ văn hằng năm. Nhưng sau này khi tỉnh táo nhìn lại, Nhất Linh vẫn thừa nhận rằng: “Tôi bị ảnh hưởng tai hại của sự học ở nhà trường, của văn chương Pháp và của văn chương Tàu hay ta hồi ấy (quãng 1922 - 1930); tôi thích những câu đọc lên nghe êm tai, nhịp nhàng đăng đối (nhưng trống rỗng) thành thử tôi chỉ cốt viết ra những câu như thế và cho ngay là truyện của tôi hay” [18, tr.12]. Có thể nhận ra tiểu thuyết của Nhất Linh sáng tác trong trào lưu văn đoàn Tự Lực không hoàn toàn thuộc phạm trù chủ nghĩa lãng mạn, mà có nhiều tác phẩm mang giá trị hiện thực rất lớn, đó là tiểu thuyết luận đề/ tâm lý (Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Bướm trắng...), đã đưa tên tuổi Nhất Linh trở thành người tiên phong trong việc cách tân tiểu thuyết những năm ba mươi của thế kỷ XX. Dứt bỏ những ràng buộc “tai hại của sự học ở nhà trường” trước đây, ông xác định rằng: “Viết luận đề tiểu thuyết nghĩa là viết tiểu thuyết để nêu lên một lý thuyết, để tán dương tuyên truyền một cái gì tác giả cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa” [19, tr.17]. Một quan niệm nghệ thuật rõ ràng và rành mạch, sẽ nung nấu cảm thức sáng tạo và đưa đến một thi pháp nghệ thuật tương thích.

Sau hai tiểu thuyết viết chung với Khái Hưng, nằm trong phạm trù của chủ nghĩa lãng mạn nhưng ít nhiều mang hơi hướng của triết học hiện sinh, là Gánh hàng hoa Đời mưa gió, tiểu thuyết được ấn hành đầu tiên ký tên Nhất Linh là Đoạn tuyệt mở đầu tiểu loại tiểu thuyết mà trong Nhà văn hiện đại (5 tập, 1942 - 1945) Vũ Ngọc Phan gọi là tiểu thuyết luận đề. Câu chuyện về cuộc đời của Loan, một cô gái có tư tưởng mới, thích tự do cá nhân, từng học ở trường Cao đẳng Sư phạm, đem lòng yêu Dũng, một người cùng chí hướng. Nhưng nàng bị cha mẹ ép gã cho Thân, con bà phán Lợi giàu có, để trừ món nợ ba ngàn đồng do làm ăn thua lỗ. Tuy không yêu Thân, nhưng vì thương cha mẹ nên nàng đành thuận theo. Những ngày tháng làm dâu của Loan là những tháng ngày liên tục xảy ra xung đột giữa lối sống và quan niệm của nàng dâu và tất cả mọi thành viên trong đại gia đình phong kiến nhà chồng. Một bên là Loan, bên kia là bà phán, Thân, cô Bích em chồng,... thậm chí với cả Tuất, người vợ Thân lấy sau khi con của Loan bị chết do bệnh tật không được chạy chữa mà đưa thầy về cúng bái trừ tà. Mâu thuẫn dẫn đến đỉnh điểm là cái chết của Thân, khi mẹ con bà phán đánh đập Loan, không may Thân ngã vào con dao rọc giấy Loan đang cầm trên tay. Không phải đợi đến cuối cùng Loan được xử trắng án, ta mới thấy tác giả là người lên án cái cũ/ chế độ đại gia đình phong kiến và đấu tranh, bênh vực cho cái mới/ cuộc sống tự do cá nhân và nhân phẩm con người; mà ngay từ mở đầu tiểu thuyết, khi Loan bước vào làm dâu gia đình bà phán, cô “vờ như vô ý lấy chân hất đỗ cái hỏa lò”, trong buổi lễ tơ hồng cô “thản nhiên ngồi ngang hàng với Thân”... là đã bắt đầu một cuộc chiến, trong lòng người đọc đã dựng nên một phiên tòa, một sự phán xét xuyên suốt các sự kiện, các va chạm từ đầu đến cuối, và lương tâm đã âm thầm lên tiếng bênh vực cho Loan, cho lẽ phải ở đời. Vu Gia cho rằng: “Đoạn tuyệt là cuốn tiểu luận đề đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, và là cuốn tiểu thuyết mà Nhất Linh muốn đem đến cho người đọc thời bấy giờ thấy được tiếng Việt cũng đủ khả năng diễn đạt mọi ngóc ngách tình cảm của con người, thấy được đâu là cái mới cái cũ, đâu là tiến bộ văn minh, đâu là lạc hậu lỗi thời” [20, tr.153]. Sau khi Đoạn tuyệt phát hành, được sự chào đón nồng nhiệt của bạn đọc, Nhất Linh chưa hết hứng khởi, nên sau khi hoàn thành tiểu thuyết Lạnh lùng, ông tiếp tục lần ngược lại thời gian trước của câu chuyện Loan và Dũng qua tiểu thuyết Đôi bạn. Cuốn tiểu thuyết có tính chất “tiền Đoạn tuyệt” này nhằm biểu hiện mối tình thầm kín của Loan - Dũng, lý giải rõ hơn việc dấn thân vào con đường gió bụi của Dũng, đồng thời khẳng định vai trò và bản lĩnh mạnh mẽ của những người phụ nữ như Phương, Hà, Loan... với lòng tự hào rằng: “Đàn bà chúng tôi cũng có người hơn đàn ông”. Ngoài ý nghĩa xã hội, tiểu thuyết này còn thể hiện rõ khuynh hướng tiểu thuyết tâm lý, là “biện chứng pháp tâm hồn” và là một bản tình ca giàu nhạc điệu và thơ mộng.

Tiểu thuyết đậm chất luận đề thứ hai là Lạnh lùng, nạn nhân của chế độ cũ cũng là người phụ nữ đáng thương như Loan. Nhung một người đàn bà trẻ tuổi, xinh đẹp, góa chồng đã ba năm, biết bao người đàn ông săn đón, nhưng nàng không dám nghĩ đến việc tái giá vì luân lý, đạo đức, danh dự... Rồi nàng yêu Nghĩa, người thầy giáo trẻ dạy tư trong nhà nàng, một tình yêu nồng nàn, đằm thắm mà trước đây nàng chưa hề có với chồng nàng. Bao nhiêu lần hẹn hò, bao cuộc gặp gỡ, bao lần dự định bỏ nhà theo Nghĩa, thậm chí đã có lần nàng cương quyết tuyên bố với bà Nghè, mẹ nàng rằng “Con có quyền đi lấy chồng”... Nhưng rồi trước sự khóc lóc và nài ép của mẹ, Nhung lại đành bỏ ý định ra đi, bế con trở về nhà chồng, sống mỏi mòn cùng tháng năm, mỗi ngày nhìn ngắm bức hoành phi treo trong nhà có bốn chữ vàng “tiết hạnh khả phong”, để cho mối tình vụng trộm với Nghĩa ngày một nhạt phai và trôi vào quên lãng. Ngay khi mới được ấn hành, Lạnh lùng đã gây xôn xao dư luận trong đời sống văn học, được các nhà phê bình văn học đương thời quan tâm. Nguyễn Lương Ngọc cho rằng Nhất Linh “muốn đánh đổ một quan niệm mà hoài bảo một quan niệm khác (...) tự gánh vác cái trọng trách của một nhà cải tạo xã hội (...) ông đã là một nhà cách mệnh” [22]; Trần Thanh Mại thì khâm phục “cái văn tài uyển mạnh mẽ như rắc những chiếc bùa mê (...) Toàn quyển đã là một kiệt tác của ông Nhất Linh, của làng tiểu thuyết Việt Nam, về tài quan sát, phân tích và hành văn” [23]...

Đoạn tuyệt Lạnh lùng là hai tiểu thuyết luận đề, nhằm đấu tranh cho quyền sống của con người, cho hạnh phúc cá nhân chống lại những tập tục cổ hủ. Tác giả đề cao tự do cá nhân, không chỉ miêu tả con người với tư cách cá nhân như đã ít nhiều từng xuất hiện trong văn học trung đại trước đây, mà cá nhân còn được ý thức một cách đầy đủ có ý nghĩa nhân vị. Các nhân vật trung tâm như Loan, Nhung là những người phụ nữ có ý thức đầy đủ về mình, khi rơi vào tình trạng bế tắc, họ không đi vào đường cùng ngõ cụt, mà tỉnh táo khôn ngoan đủ lý trí để soi xét mọi điều, đủ nghị lực để phấn đấu, đủ nhẫn nại để chịu đựng những nỗi thống khổ, nhưng không hề cam chịu mà tìm mọi cách để vượt qua. Nhung không trải qua những xung đột trực diện đầy kịch tính như Loan, nhưng lại chịu đựng những xung đột âm thầm mà dữ dội trong tâm hồn, giằng xé giữa một bên là hạnh phúc đích thực của đời người, một bên là những ràng buộc khắc nghiệt đến mức phi lý của lễ giáo. Thái độ chọn lựa cuối cùng của Nhung là phải “lạnh lùng” chấp nhận số phận và hoàn cảnh như để thét lên một lời than oán, tố cáo mạnh mẽ tính chất phi lý, trái tự nhiên của lễ giáo phong kiến. Tuy về nội dung “phạm vi bao quát xã hội chưa rộng bằng Đoạn tuyệt, nhưng với Lạnh lùng, nghệ thuật tiểu thuyết của Nhất Linh đã được nâng lên một bậc: tác giả đã bước đầu kết hợp được tiểu thuyết luận đề và tiểu thuyết tâm lý. Sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết chính là ở những chi tiết miêu tả và phân tích tâm lý tinh tế, sắc sảo” [24, tr.450]. Bởi vậy, người ta thường cho rằng nhà tiểu thuyết trước hết phải là nhà phân tích tâm lý, biết khám phá và trình bày những quy luật tâm hồn của con người. Đương thời, tác giả của Nhà văn hiện đại, khẳng định một cách đầy dự báo: “Đến nay, trong loại tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết của Nhất Linh vẫn là những tiểu thuyết chiếm địa vị cao hơn cả. Nhưng tiểu thuyết của ông đã không chịu ở yên cái địa vị ấy... Rồi không biết tiểu thuyết của Nhất Linh sẽ còn đi đến những loại gì nữa, vì xem ra loại nào tác giả cũng muốn sở trường” [25, tr.837]. Và, vì vậy, Nhất Linh không chỉ có tiểu thuyết luận đề.

Thật ra, nếu tính về thời gian sáng tác, tiểu thuyết đầu tiên ký tên Nhất Linh là Nắng thu, được ông viết từ năm 1934 nhưng đến năm 1942 mới được nhà xuất bản Đời nay ấn hành. Đây là một trong những tiểu thuyết của văn đoàn Tự Lực đề cao tình yêu và hôn nhân tự do, khẳng định ý thức cá nhân của con người, phản ánh sự trong sáng, lạc quan trong những sáng tác giai đoạn đầu của văn phái; đồng thời cũng thể hiện tính chất lãng mạn, giàu chất thơ trong tiểu thuyết thời kỳ đầu của Nhất Linh. Phong là một thanh niên con nhà dòng dõi, giàu có đã bước qua địa vị của mình để yêu và lấy Trâm, một cô gái mồ côi, con nuôi của người dì, nghèo và câm. Mối tình cũng trải qua nhiều lận đận, trắc trở, hiểu lầm, chia lìa, rồi đoàn viên, được thể hiện một cách hồn nhiên, lãng mạn, trong sáng và đã khẳng định được bút lực của nhà tiểu thuyết với khả năng phân tích tâm lý sắc nét. Ở đây, người đọc có thể gặp lại hình tượng quyết đoán, khẳng định quyền tự do cá nhân của người phụ nữ vươn dậy chống lại những tập tục cổ hủ của Loan, những giằng xé trong tâm trạng bất lực của Nhung, nhưng rắn rỏi và quyết liệt hơn, Trâm không hề nhắm mắt đưa chân, phó thác cuộc đời của mình cho số phận, mà tự quyết định cuộc đời mình bằng cách bỏ nhà ra đi và vẫn giữ tình yêu nồng nàn, chung thủy với Phong. Tất nhiên, là cuốn tiểu thuyết sáng tác đầu tiên sau khi thành lập văn đoàn, nên Nắng thu không tránh khỏi những hạn chế về giá trị hiện thực, cốt truyện giản đơn, thi pháp nghệ thuật chưa cao.

Ngoài tiểu thuyết Nắng thu ấn hành chậm, ông còn có tiểu thuyết phóng sự trào phúng Đi Tây, kể lại những điều mắt thấy tai nghe ở xứ người trong một chuyến đi ba tháng của nhân vật “tôi” có tên là Lãng Du, đăng báo Phong hóa năm 1935, đến năm 1952 mới được nhà xuất bản Phượng Giang ấn hành. Đây chỉ là một thiên phóng sự dài kỳ (in thành sách dài 114 trang) thể hiện tài quan sát, bút lực linh hoạt, hóm hỉnh một cách tinh tế của nhà tiểu thuyết.

Đỉnh cao về tiểu thuyết tâm lý của Tự Lực văn đoàn và của Nhất Linh là Bướm trắng. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông trong thời kỳ hưng thịnh của văn đoàn. Trương là sinh viên trường Luật, khi bác sĩ phát hiện ra chàng bị bệnh phổi và suy tim, Trương vô cùng chán nản khi biết mình “sống để chờ cái chết”. Trương quyết định bỏ học, sống theo triết lý mới mang màu sắc hiện sinh: “sống cho chán chường”, “nếm đủ hết khoái lạc ở đời”... Chàng yêu Thu nhưng rồi rời bỏ nàng để đắm mình trong rượu, gái, thuốc phiện và cờ bạc. Trong đêm đen của cuộc sống sa đọa, đã diễn ra sự dằn vặt, đau khổ, tự vấn lương tâm trong tuyệt vọng đến tận cùng. Để có tiền ăn chơi, Trương về quê bán cả nhà cửa, ruộng vườn, phần hương hỏa mẹ cha để lại. Rồi trong một lần theo đuổi một cuộc cá cược đua ngựa, Trương đã biển thủ quỹ công số tiền hơn bốn trăm ngàn đồng của hãng nơi Trương làm việc. Chàng đi đầu thú và bị phạt bốn tháng tù. Sau thời gian ở tù, Trương không chết mà còn lành bệnh, khỏe mạnh. Sợ cuộc sống ở thành thị sẽ làm tiêu tán chút lương tâm còn lại của mình, nên Trương bỏ về quê, sống bên Nhan, người con gái quê đã thầm yêu chàng từ lâu và chàng cũng có những lần xúc động khi nghĩ đến hoặc gặp gỡ Nhan. Khác với các tiểu thuyết luận đề mang đậm nội dung chính trị - xã hội, Lạnh lùng là một tiểu thuyết tâm lý viết về bi kịch của một trí thức trẻ, sống trong thời điểm xã hội tranh tối tranh sáng của lối sống Âu hóa đang từng bước định hình. Thành công nổi bậc và đặc sắc của Nhất Linh trên con đường hiện đại hóa tiểu thuyết không phải ở nội dung mỹ cảm được phản ánh mà là ở nghệ thuật biểu hiện. Với một cảm quan tinh tế trong nghệ thuật phân tích tâm lý sắc sảo, tác giả đã thể hiện cuộc chiến âm thầm và quyết liệt, những xung đột và giằng xé dữ dội trong tâm hồn nhân vật, dao động trên các mặt đối cực: giả dối và chân thành, ích kỷ và nhân hậu, thấp hèn và cao thượng. Nỗi đau trong cõi người của Trương không dừng lại ở sự cô đơn, mà cao hơn, đó là nỗi cô độc. Trương không cô đơn, vì chàng sống trong nhiều mối quan hệ xã hội, được nhiều người phụ nữ như Thu, Mùi, Phương, Nhan quan tâm, yêu mến. Nhưng Trương vẫn luôn ở trạng thái cô độc vì không ai hiểu mình. Một kiểu dạng trí thức “con người thừa” trong xã hội đang nhanh chóng đổi thay theo hướng Âu Tây. Ngòi bút phân tích tâm lý lão luyện của Nhất Linh đã thành công khi thể hiện một cách tinh tế những trạng thái tâm lý éo le, khuất khúc của con người. Tác giả không chỉ thể hiện trên bề mặt của ý thức mà luồng xuống bề sâu, khai thác cả sự vận động của tiềm thức kết tủa tận đáy tâm hồn. Có thể khẳng định “Bướm trắng là một bước tiến của tiểu thuyết Nhất Linh và tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn” [26, tr.71].

Tiếc rằng, sau đó Nhất Linh lao vào công tác xã hội với hoạt động của Hội Ánh sáng, rồi lại dốc tâm sức cho những hoạt động chính trị, bỏ dở sự nghiệp văn chương. Trước đây, cũng có lúc ông giao công việc lại cho anh em (như khoảng năm 1937, ông giao báo Ngày nay cho Khái Hưng làm giám đốc, Thạch Lam làm chủ bút) để rảnh tay viết tiểu thuyết. Vậy mà, sau Bướm trắng, tiểu thuyết Sống của ông chỉ đăng được mấy lỳ trên báo Ngày nay, vừa hết chương I, qua chương II, mới đăng một kỳ trên Ngày nay số 47 (ngày 21 Fév 1937) rồi ngưng hẳn. Tiểu thuyết Con đường sáng khởi đăng trên Ngày nay số 142 (ngày 24 Dec 1938) được mấy kỳ rồi để lại cho Hoàng Đạo viết tiếp, dưới bút danh Nhị Linh. Trong lịch sử văn học nước ta, phần lớn những trí thức từ bỏ con đường chính trị, theo đuổi sự nghiệp văn chương, văn hóa thường có được sự thành công (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Đào Duy Anh...). Nhưng nếu đi theo chiều ngược lại, ít nhiều đều phải nhận lấy hậu quả thất bại... Nhất Linh không phải là trường hợp ngoại lệ. Bằng chứng hiển nhiên là, sau khi từ giả vũ đài chính trị, những năm sống ngay thẳng, ương ngạnh ở miền Nam, ông trở lại với con đường sáng tác văn chương, cũng cho ra đời hàng loạt tác phẩm như Xóm cầu mới (1958), Dòng sông Thanh Thủy (3 tập, 1961), Mối tình chân (1961), Thương chồng (1961) nhưng đều không có đóng góp gì mới về cả nội dung mỹ cảm lẫn thi pháp nghệ thuật. Vẫn chứa đựng nhiều phẩm chất tài hoa, văn phong trong sáng, giàu nhạc điệu và chất thơ, nhưng cảm thức sáng tạo thiếu hồn cốt thời trước, đọc vẫn thấy thiếu đi sự nồng nàn hơi thở của đời sống và nỗi đam mê cố hữu của nghệ thuật. Giữa ý nghĩ và hành động của Nhất Linh đôi khi không trùng khớp với nhau. Trong Chân dung Nhất Linh, Tường Hùng kể rằng: “Nhất Linh vẫn thường nói văn hóa có sức mạnh thay đổi lâu bền hơn chính trị. Làm chính trị có ích trong một thời, làm văn hóa - nếu thành công - sẽ còn lại mãi mãi” [27, tr.132]. Gần cuối đời, khi được người con trai là Nguyễn Tường Thiết, hỏi về việc làm nào trong đời làm ông hãnh diện nhất, Nhất Linh cười trả lời rằng; “Thật ra thì chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu (thông thường, nhiều gia đình ở Quảng Nam trước đây con cái gọi cha mẹ là cậu mợ - PPP) làm cho đến nơi đến chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự Lực văn đoàn. Đến bây giờ cậu vẫn thiết tha về vấn đề này nhất. Chuyện chính trị nhiều khi cái không khí nó bắt buộc mình phải tham gia, như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra giúp nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì khác. Nhiều khi người ta bị đẩy tới guồng máy hoạt động một cách rất giản dị đến nỗi chính họ cũng không ngờ tới sự quan trọng của việc họ làm, rồi như bánh xe ăn khớp nhau, họ bị đẩy vào vòng trách nhiệm” [28, tr.67].

3. Cả cuộc đời Nhất Linh là một quá trình nỗ lực và miệt mài phấn đấu, luôn trong trạng thái hành động và khát khao đổi mới. Cha làm thông phán, nhưng ở xa tận bên Sầm Nưa (Lào); lại mất sớm (năm 1918, năm ấy Nhất Linh mới 12 tuổi); để lại người vợ 37 tuổi phải tần tảo nuôi 7 đứa con ăn học. Năm 13 tuổi cậu bé Nguyễn Tường Tam đỗ đầu kỳ thi tiểu học tại Cẩm Giàng, nhưng nhà nghèo, với gánh hàng xén của người mẹ trẻ không đủ sức nuôi đàn con ăn học, nên Nguyễn Tường Tam đành phải nghỉ để hai anh học tiếp. Hai năm sau, hai người anh đỗ đạt, có việc làm, quay lại giúp đỡ gia đình, ông mới thi vào trường Bảo hộ (Hà Nội) để học tiếp. Nhờ đỗ cao, ông được nhận 50% học bổng. Nhưng đến xong năm thứ hai, ban thành chung, ông lại bỏ học, khai tăng một tuổi ra học trường tư, cho nhanh hơn. Chỉ một năm sau, ông thi đỗ đầu bằng thành chung (1923). Lại không đủ tuổi thi vào Cao đẳng Đông Dương, Nguyễn Tường Tam xin vào làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương (Hà Nội), để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Từ đây, ông bắt đầu tham gia viết báo, bài viết đầu tay là Mấy lời bình luận về văn chương truyện Kiều đăng tạp chí Nam Phong và bắt tay vào viết tiểu thuyết Nho phong. Năm 1925, ông nghỉ nghề cạo giấy, xin thi vào học ban Y khoa và lấy vợ, một người phụ nữ giỏi kinh doanh buôn bán, nuôi chồng ăn học. Chỉ một thời gian ngắn, ông bỏ ngành Y, thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lại bỏ Mỹ thuật Đông Dương, sang Pháp học và chỉ hai năm sau, ông trở về với tấm bằng Cử nhân khoa học cùng vốn tự học về nghề làm báo, viết văn; và trở thành “trong số các nhà văn ở thời kỳ trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông là một trong những người học cao nhất, một trong những người am hiểu văn hóa Pháp, và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật của Pháp và phương Tây vào việc đổi mới văn học Việt Nam” [29, tr.206]. Đó là sự học.

Còn về việc làm, đối với Nhất Linh cũng là một quá trình nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ: mười chín tuổi in tiểu thuyết đầu tay Nho phong (1925), hai  sáu  tuổi  đứng  ra  làm  chủ  báo  Phong  hóa  (1932),  và  năm  sau,  đứng  ra thành lập Tự Lực văn đoàn và nhà xuất bản Đời nay, từ đó trở thành người hoạt động văn chương, báo chí và là một cây bút cự phách trong văn giới, viết được nhiều thể tài báo chí và văn học, làm cả phần trình bày và vẽ tranh minh họa cho các trang báo... Nếu nhìn sang lĩnh vực chính trị, chưa đầy bốn mươi tuổi (1945), ông đã làm Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; và với cương vị ấy, ông đã từng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Hoàng Minh Giám tham dự cuộc hội kiến với đại diện phía Pháp là tướng Leclerc và cao ủy D’Argenlieu trên chiến hạm Emile Berlin đậu tại vịnh Hạ Long ngày 24/3/1946; rồi sau đó ông thay mặt cho Chính phủ, làm Trưởng phái đoàn tham dự Hội nghị với Pháp tại Đà Lạt ngày 17/4/1946 [30]. Ngay cả trong hội nghị, ông vẫn phát biểu bằng tiếng Việt, để cho Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Văn Huyên phiên dịch, dù người Pháp cho rằng ông “vô ơn, ăn mòn răng” trên đất Pháp mà không chịu nói tiếng Pháp, ông vẫn giữ gìn quốc thể, phát ngôn bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy là con người nhiệt thành, rắn rỏi, nhưng ông không thấy được sức mạnh của nhân dân, bản chất con người trí thức trong ông lại ngại bạo lực, loay hoay tìm đường nhưng không nhận ra quy luật phát triển của lịch sử, đưa đến thái độ ngây thơ về chính trị. Có lẽ, thái độ ngại bạo lực, chủ trương đấu tranh nghị trường kéo ông gần với tư tưởng của Phan Châu Trinh. Theo Tú Mỡ, Nhất Linh không hề ghét bỏ gì những người đảng viên cộng sản, ngược lại còn khâm phục là đằng khác: “Tôi còn nhớ, anh Tam, sau khi ở trại tập trung (nhà tù - PPP) Sơn La về có nói với tôi: Chung sống một thời gian trong “căng” với mấy anh đảng viên cộng sản, mới biết họ giỏi, có tinh thần cao, bất khuất, gan dạ, đồng tâm nhất trí, và dù gian khổ đến đâu vẫn lạc quan... Vậy thì tại sao các anh không thể là bạn chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản” [32, tr.47]. Và, đây là lời giải thích của con người mang bản lĩnh văn hóa nhưng bản chất vẫn yếu đuối của người trí thức: “Việt Minh là cộng sản. Họ chủ trương giành chính quyền bằng súng, sẽ gây ra chiến tranh chết chóc và tàn phá. Vả lại Mỹ sẽ chống cộng. Mỹ vừa giàu vừa mạnh. Ta đi với một đảng thân Mỹ rất có lợi, ta sẽ đấu bằng chính trị. Mỹ nó chả cần cướp nước để cai trị như Tây. Ta đi với Mỹ, để cho nó buôn bán với ta, đem tiền của mở mang kỹ nghệ, nó có lợi mà ta cũng có lợi” [33, tr.41]. Thì ra, cũng như nhiều người sống vào điểm lịch sử ấy, ông vẫn mơ hồ và ảo tưởng về chính trị. Thực tế, cục diện lịch sử ở miền Nam sau năm 1954, đã chứng minh điều đó; đồng thời, có lẽ cũng đã đánh tan mọi ảo vọng của Nhất Linh, đẩy ông đến bờ vực của cái chết không tránh khỏi. Những năm cuối đời sống ở miền Nam, tuy tuyên bố từ giả vũ đài chính trị, trở lại với con đường sáng tạo văn chương, nhưng món nợ của một chính khách vẫn ít nhiều còn níu kéo, khiến ông không thể rũ áo rửa tay, dẫn đến cái chết bằng tự vẫn ngày 7/7/1963. Trong những nhà văn có tên tuổi ở nước ta, sau Phạm Duy Khiêm, có lẽ ông là người thứ hai chọn cái chết bằng tự vẫn. Lý do tìm đến cái chết của ông nằm ngoài văn chương. Do nghi ông có tham gia vào vụ đảo chính bất thành ngày 11/11/1960, nên Tòa án Quân sự của chính quyền Ngô Đình Diệm gọi ông ra tòa để xét xử. Vào buổi chiều trước ngày ra hầu tòa, ông chọn thái độ im lặng mãi mãi, chỉ gửi lại mấy chữ cuối cùng viết vào mảnh giấy, bỏ trong túi áo. Theo Nguyễn Tường Thiết, con trai ông, là người đưa ông vào bệnh viện chiều hôm ấy kể rằng: “Tôi thò vào túi áo ngủ của cha tôi lấy ra một tờ giấy mà lúc ở nhà tôi không kịp xem. Trên vuông kẻ ô, cha tôi để lại những hàng chữ cuối cùng trong đời ông. Đọc xong, gần như vô ý thức, miệng tôi cứ lặp đi lặp lại mãi một câu: đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả” [34, tr.419].

Về con người, Nhất Linh là người có cuộc sống giản dị, bình dân và mẫu mực về đạo đức xã hội. Đó là chân dung con “người cao nhưng gầy, mặt dài má lép, chút râu trên mép, đôi mắt to nhưng ra vẻ mệt nhọc hay chán chường. Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chạc trong buổi xã giao hội họp với kẻ chức trách, hoặc phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không  làm  thẹn  chức  vụ  Bộ  trưởng  Ngoại  giao  và  chủ  tịch  phái  đoàn  Việt Nam” [35, tr.221]. Là người con hiếu thảo đối với cha mẹ, người cha, người chồng  hết  lòng  vì  vợ  con.  Theo  bà  Nguyễn  Thị  Thế,  thuở  nhỏ  ông  thường giúp mẹ giã vừng, khi múc vừng ra, còn tiếc, lấy cơm trộn vào cối, rồi vét ra ăn nên trong nhà đặt cho biệt hiệu là “Tam cối”. Mở đầu tập truyện ngắn Thương chồng (1961), ông ghi lời đề tặng: “Kính tặng mẹ, để kỷ niệm những ngày nghèo khó ở Cẩm Giàng, mẹ phải thức khuya dậy sớm, đi cân gạo để nuôi chúng con ăn học” [36, tr.9]. Điều này chứng tỏ anh em nhà văn dòng họ Nguyễn Tường không phải đến với văn chương từ một gia đình tư sản giàu có, để “rũ lòng thương” đối với những người bình dân nghèo khó, như nhiều người nhầm tưởng. Cũng cần phải nói thêm, thật khó mà hình dung trong một gia đình nghèo khó, có bảy anh chị em, trừ người con gái ít học theo quan niệm thời đó, còn lại sáu người con trai đều học hành thành đạt [37] và đều ít nhiều có tham gia hoạt động sáng tác văn chương, trong đó có ba người thành danh và đứng ra thành lập một văn phái để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử văn học dân tộc. Họ thừa hưởng được ý chí, tính tự lập từ người cha và khả năng đảm đang, tảo tần nuôi dạy từ người mẹ.

Nhất Linh còn là một bản lĩnh văn hóa và nhân cách trí thức mẫu mực, sống bình dị, trong sạch. Theo Vu Gia, thời trước cách mạng, bà Phạm Thị Nguyên vợ của Nhất Linh là người giỏi kinh doanh, “có nhiều cổ phần ở nhiều hiệu buôn lớn từ Bắc tới Nam. Có nơi, vốn cổ phần của bà chiếm những 1/3, như ở hãng Chấn Hòa Hưng (Hội An, Quảng Nam) hồi năm 1943. Nhờ vậy, bà đủ tiền nuôi chồng, nuôi em, nuôi con, nuôi cháu” [38, tr.20]. Chi tiết này, cùng với việc sau này các con cháu đều lập nghiệp ở các đô thị miền Nam, kể cả hai người con của Thạch Lam là Nguyễn Tường Nhung và Nguyễn Tường Giang, chứng tỏ tuy trưởng thành trên đất Bắc, nhưng họ vẫn giữ mối dây liên lạc, ràng buộc với làng quê bản quán, tiên tổ ông bà. Đồng thời, cũng dễ thấy rằng, công việc kinh doanh buôn bán của người phụ nữ giỏi dang này, là nhằm để kiếm tiền nuôi chồng con ăn học, và dốc lòng cho sự nghiệp mà họ yêu thích chứ không phải để làm giàu. “Đến ngày nhắm mắt xuôi tay, về đời sống vật chất, Nhất Linh vẫn chưa có cho mình ngôi nhà (vẫn ở nhà thuê - số 39 Công trường chợ An Đông, Sài Gòn) chưa có một chiếc xe để làm phương tiện đi lại cho riêng mình. Nói chung, Nhất Linh không có gì ngoài vợ con, anh em, bè bạn và những tác phẩm để lại cho đời. Với bạn bè, Nhất Linh sống có nghĩa có tình, hết lòng vì anh em, luôn khuyến khích, động viên anh em làm việc, nhất là có “cặp mắt xanh” nhìn được cái mạnh cái yếu của từng người và không hề nói lấy lòng một ai” [39, tr.366-367]. Trong số những nhà văn thời danh vì yêu mến văn đoàn, hoặc báo Phong hóa, Ngày nay mà quần tụ như Tản Đà, Phan Khôi, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Thanh Tịnh, Anh Thơ, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư,... trong đó, tập thể văn đoàn đã phát hiện ra các tài năng như Nguyên Hồng, Tế Hanh, Anh Thơ, Đỗ Đức Thu, còn riêng với Nhất Linh, không có “cặp mắt xanh” của ông thì không có những tên tuổi lẫy lừng như Tú Mở, Khái Hưng và Thế Lữ.

“Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu” (Phú Quang). Không ai đỗ lỗi cho lịch sử. Nhưng lịch sử có những khúc quành mà con người không thể lường trước mọi điều. Con người vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa làm ra lịch sử. Nhưng cũng có những người sinh bất phùng thời, trở thành chiếc lá mỏng manh chìm trong cơn bão dữ của lịch sử. Với cái nhìn lịch sử - cụ thể, để kết thúc bài viết này xin dẫn lại ý kiến của Tú Mở nhận định về cái tổ chức văn học mà Nhất Linh đã khởi xướng, lãnh đạo, được ông coi là “việc làm vừa lòng nhất” cho đến cuối đời: “Tự Lực văn đoàn có những ước mơ tốt đẹp. Những điều mà đoàn hô hào cải tạo xã hội, cải thiện dân gian, cải cách nông thôn, đoàn muốn làm mà không làm nổi vì tài lực có hạn, thì nay nhân dân ta đã làm được gấp nghìn gấp vạn, nhờ có sự lãnh đạo anh minh của Đảng ta và Hồ Chủ tịch, thực là ngoài sức tưởng tượng của chúng ta (...) Kể về công, anh em đã thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là làm giàu thêm văn sản trong nước, đã có một đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn khác ra đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận. Đường lối “dân tộc, khoa học, đại chúng” mà Đảng ta nêu lên trong Đề cương văn hóa, Tự Lực văn đoàn đã thực hành từ trước. Quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”, tuy trên giấy trắng mực đen đoàn không nêu trong tôn chỉ, nhưng trong thực tế, anh em đã hành động theo quan điểm đó” [40, tr.45]. Huống là, với riêng Nhất Linh, còn có một gia sản văn học khả dĩ có thể coi là tương đối đồ sộ, không phải chỉ ở số lượng mà còn ở chất lượng, ở sự cách tân đổi mới về thi pháp. Nhà tiểu thuyết mới của chúng ta không chỉ có tiểu thuyết luận đề (Đoạn tuyệt, Lạnh lùng), mà còn có tiểu thuyết tâm lý (Bướm trắng, Đôi bạn, Đời mưa gió) và tiểu thuyết lãng mạn (Nho phong, Nắng thu, Gánh hàng hoa...), với lối dẫn truyện tự nhiên và linh hoạt, ngôn từ trong sáng và hiện đại, cho đến nay đã trải qua hơn ba phần tư thế kỷ, đọc lại vẫn thấy văn chương ông thuộc về thời đại chúng ta.

P.P.P
(TCSH377/07-2020)

 

_________________

[1] Vương Trí Nhàn (1995) “Hội nhập như một lẽ đương nhiên”, báo Phụ nữ Tp Hồ Chí Minh, số 65, ngày 26/8/1995.
[2] Lê Thị Hồng Thủy (1993), Sự cách tân tiểu thuyết của Nhất Linh những năm 30 của thế kỷ XX, khóa luận tốt nghiệp ngành Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế.
[3] Phong Lê (2005), Văn học Việt Nam hiện đại-nghĩ tiếp… Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[4] Hoàng Lại Giang (2006), Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1887 - 2000, tập 2, quyển 1, Nxb. Tp Hồ Chí Minh và Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
[5] Nguyễn Hoành Khung (1989), Lời giới thiệu “Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945”, Nxb. Khoa học xã hội.
[6, 7, 32, 33, 41] Tú Mỡ (1993), Tiếng cười Tú Mỡ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[8, 9, 20, 38, 39] Vu Gia (1995), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Nxb. Văn hóa.
[10] Theo báo Phong hóa số 101 ngày 8/6/1934.
[11] Tuyển tập Mác-Ănghen, tập 6, Nxb. Sự thật, 1984.
[12] Phan Trọng Thưởng (1995), Văn chương Tự Lực văn đoàn (3 tập), Nxb. Văn học.
[13] Vũ Đình Hòe (1994), Hồi ký Vũ Đình Hòe, tập 1, Nxb. Văn hóa.
[14] Theo báo Nhân dân, ngày 31/10/1987 tr.3.
[15] “Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn”, Tạp chí Sông Hương, số 37, tháng 4/1989.
[16] Trương Chính (1993), Tiểu luận phê bình, Nxb. Văn học.
[17] Nguyễn Phương Chi - Đặng Thị Hảo (2004), Tự điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế giới.
[18,19] Nhất Linh (1961), Viết và đọc tiểu thuyết, Nxb. Đời nay.
[21] Trương Chính (1939), Dưới mắt tôi, Nxb. Đời nay.
[22] Theo báo Tinh hoa, số 3, ngày 27 Mars 1937.
[23] Theo báo Sông Hương, số 32, ngày 27 Mars 1937.
[24,26] Lê Dục Tú (2006), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục.
[25] Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại (2 tập), tập 2, Nxb. Khoa học xã hội tái bản.
[27, 28] Nhiều tác giả (1966), Chân dung Nhất Linh, Văn xb.
[29] Introduction à la littérature Vietnamienne, Édition G.P Maisonneuve et Larose, Paris 1969.
[30] Phái đoàn gồm có Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quân ủy hội làm Phó đoàn kiêm Trưởng ban quân sự; Vũ Văn Hiền, Tổng thư ký phái đoàn; Hoàng Xuân Hãn, Trưởng ban chính trị; Trịnh Văn Bính, Trưởng ban kinh tế và tài chính; Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng ban văn hóa, và các thành viên Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch (sau Hồ Hữu Tường thay), Bùi Công Trừng, Cù Huy Cận, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Luyện.
[31] Dẫn theo Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb. Giáo dục.
[34] Dẫn theo Vu Gia (1995), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, sđd.
[35] Hoàng Xuân Hãn (1971), Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, tập san Sử Địa số 22-24.
[36] Nhất Linh (1961), Thương chồng, Nxb. Đời nay, Sài Gòn.
[39] Nguyễn Tường Thụy (kỹ sư, Giám đốc Bưu điện, từng làm cố vấn phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị sơ bộ với Pháp tại Đà Lạt 1946), Nguyễn Tường Cẩm (kỹ sư Canh nông), Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Bách (bác sĩ).
[40] Tô Hoài (1992), Cát bụi chân ai, Nxb. Hội Nhà văn.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Kafka (03/07/2020)