Nghiên Cứu & Bình Luận
Đọc thơ là “đọc” hình tượng/ văn hóa
08:31 | 26/11/2021

PHẠM PHÚ PHONG    

(Nhân đọc “Thơ vua & Suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung)  

Một bộ óc thông minh có giá trị hơn một bộ óc chứa đầy chữ
                        (Montaigne)

Đọc thơ là “đọc” hình tượng/ văn hóa

Nguyễn Phước Hải Trung là người nhạy cảm và đa tài. Những lĩnh vực mà anh có can dự vào đều đem lại không ít những thành công đáng được ghi nhận: nhà thơ, nhà biên khảo, nhà biên kịch, nhà thư pháp Hán Nôm, họa sĩ, người thiết kế bìa sách được nhiều đồng nghiệp tin cậy... Chỉ tính riêng về nghiên cứu, biên khảo anh đã có các công trình như Thần kinh nhị thập cảnh - thơ vua Thiệu Trị (in chung, 1999), Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn (in chung, 2000), Chơi chữ Hán Nôm, những bài thơ độc đáo (2003), 700 năm thơ Huế (biên soạn phần Trung đại, 2008), Huế, tích xưa chuyện mới (in chung, 2008), Báu vật triều Nguyễn ở Việt Nam (in chung, xuất bản ở Seoul, Hàn Quốc, 2011), Huế xưa tìm lại (2016) và nay “tranh thủ mùa covid”, anh lại tiếp tục cho ra mắt độc giả công trình Thơ vua & Suy ngẫm vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2021. Đây là công trình dày 324 trang, gồm 23 bài nghiên cứu (kể cả bài phụ lục Thư pháp các Hoàng đế qua Châu bản) viết về thơ các vua nhà Nguyễn (trong đó, ngoài 4 bài viết về những chủ đề chung, có 13 bài về thơ vua Minh Mạng, 3 bài về Thiệu Trị, 3 bài về thơ vua Tự Đức, 1 bài về thơ vua Khải Định), thực chất là một cách đọc/ giải mã các ẩn số thơ của một triều đại lịch sử mang ý nghĩa văn hóa.

Hải Trung là người được đào tạo trường lớp tử tế. Anh tốt nghiệp cử nhân ngữ văn, thạc sĩ ngôn ngữ và tiến sĩ văn học. Cái vốn chữ Hán, chữ Nôm mà anh có được, mà theo tôi là đáng tin cậy, chủ yếu là do con đường tự học. Tự học, nhưng anh không dừng lại ở mức biết chữ, biết nghĩa, không chỉ biết đọc từng con chữ, mà còn thấu hiểu những gì diễn ra đằng sau từng con chữ, đó là “đọc” được thế giới hình tượng, nghĩa là đọc được cái tầng ngữ nghĩa của văn hóa. Đó không chỉ là một cách đọc mà còn là thao tác luận, thể hiện quan niệm chủ đạo được tác giả nhấn đi nhấn lại trong lời Khai từ của tập sách: “Đọc thơ vua trước tiên thấy được cái tình, cái ý của tiền nhân lưu gửi vào mai hậu (...). Đọc thơ thấy sự khát khao có được Trạng nguyên của vua Minh Mạng qua khoa cử để nhận thức lại (...). Đọc thơ và thấy giá trị nhân văn của đấng bậc hoàng đế trước nỗi thống khổ của người dân (...). Những bài thơ trong tập sách này dường như đã hiện lên một cách sinh động bóng hình của lịch sử, tham chiếu thêm vào kiến văn và sử liệu để cùng suy ngẫm về chân giá trị” [1, tr.12]. Làm được điều ấy không chỉ thể hiện sự am hiểu tường tận về mặt chữ nghĩa mà còn là tìm ra được con đường tiếp cận đối tượng một cách năng động và chuẩn xác. Như trong Thay lời tựa, có tựa đề là Thơ vua và tiếp nhận thẩm mỹ, Hồ Thế Hà cũng nhấn đi nhấn lại nhiều lần là, Hải Trung đã sử dụng một “phương pháp tiếp cận được tuân thủ nhất quán là phương pháp phê bình văn bản học” [tr.6]. Đó hẳn nhiên là điều có lý, khi tác giả lấy khoa học về văn bản làm trọng tâm. Nhưng xét cho cùng, đối với văn học thành văn không có phương pháp nghiên cứu nào trong khoa ngữ văn học, lại có thể bỏ qua văn bản tác phẩm, nhất là đối với thi pháp học, một bộ môn khoa học hầu như lấy văn bản tác phẩm làm căn cứ duy nhất để khám phá khách thể tinh thần. Văn bản học là một chuyên ngành của ngữ văn học, chuyên nghiên cứu văn bản tác phẩm văn học thành văn. Chuyên gia hàng đầu về văn bản học (cả lý thuyết lẫn thực hành) ở nước ta là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng: “Văn bản học gắn bó hữu cơ với văn học sử và lý luận văn học, huy động các bộ môn hỗ trợ như sử học, tiểu sử học, cổ tự học, thi học, phong cách học. Nhiệm vụ chính của văn bản học là nghiên cứu lịch sử văn bản tác phẩm văn học, từ khi còn là bản thảo, các dạng văn bản trong các lần công bố (xuất bản), các nguồn gốc của văn bản, xác định niên đại, xác định các đặc tính của văn bản...” [2, tr.1937]. Vì vậy, không chỉ có “phương pháp văn bản học”, mà Hải Trung đã dựa trên những cứ liệu chắc chắn về văn bản, để vận dụng các phương pháp nghiên cứu một cách năng động, linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, từng trường hợp; đánh thức nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng lâu nay đã được mặc nhiên chấp nhận, tưởng như không có gì cần bàn luận thêm nữa, qua sự lần ngược tận gốc nhiều nguồn tài liệu, soi sáng dưới nhiều góc độ, bỗng bừng thức nhiều nội dung mỹ cảm mới, đầy tính phát hiện.

Trước hết, đọc Hải Trung, người ta mới nhận ra rằng, các vua Nguyễn đều giỏi thơ văn, ham mê đọc sách và đều được đào tạo trong cung cấm một cách nghiêm cẩn. Cố nhiên, với triết lý giáo dục đã tồn tại hàng mấy trăm năm của cha ông ta là “Tiên học lễ, hậu học văn”, thì chữ văn đó không chỉ có nghĩa là văn chương. Khái niệm văn học (tương đương với hàm nghĩa từ literature trong tiếng Anh) xuất hiện ở các nước phương Đông, trong đó có nước ta, “chỉ mới có lịch sử trên dưới một trăm năm nay” [3, tr.257]. Trước đó, văn học không chỉ là thơ, văn, văn chương mà trong đó còn có cả Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu (sách nghiên cứu về chính trị, lễ nghi, âm nhạc, triết học, lịch sử),... Vào thời thịnh trị, mỗi người trước khi kế vị ngôi vua đều được đào tạo một cách chu đáo, nhưng hầu như các vua Nguyễn đều có tâm hồn thi sĩ: “Trong lịch sử văn chương thời Nguyễn, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều là những tác giả lớn với rất nhiều trước tác. Theo thống kê của Viện Hán Nôm, trong 63 năm (từ 1820 đến 1883), các hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã “ngự chế” 15.097 bài thơ văn dài ngắn khác nhau, được chép trong 25 tên sách, đóng thành 82 tập với 25.196 trang chữ Hán Nôm. Trong đó, tổng số lượng thơ của ba vị vua này thống kê được đã lên đến khoảng 12.000 bài (vua Minh Mạng có khoảng 4.200 bài, vua Thiệu Trị có khoảng 3.200 bài, vua Tự Đức có khoảng 4.600 bài). Đó là một số lượng trước tác cực kỳ lớn, thực sự đã tạo nên một kỷ lục thi ca trong lịch sử văn chương Việt Nam” [tr.10-11]

“Lịch sử nói chung phán xét những gì đã qua, nhưng lịch sử nghệ thuật phán xét những gì còn lại” [4]. Hành trạng cuộc đời và đóng góp của một vị vua, hãy để lịch sử phán xét, và thực tế đã được lịch sử phán xét, đúng hay sai xin để cho các nhà sử học. Riêng tác giả Hải Trung “những lúc rảnh rỗi” thường đọc thơ để mà suy ngẫm, và “suy xét những gì còn lại”. Quả là, bên trong con người chính trị, người đứng đầu một đất nước, đã từng được soi nhìn và đóng băng với bao nhiêu định kiến, may mắn thay, họ vẫn còn có một con người khác - người có tâm hồn một thi nhân và tài năng nghệ thuật, để tạo nên tất cả những gì còn lại. Các vua đọc sách nhiều và có tài thơ, điều này là sự “đòi hỏi” của thời đại bấy giờ (thi ca là một phần của văn chương khoa cử, nhằm tuyển chọn nhân tài), nhờ có am hiểu văn chương, mới thấu suốt thi thư, lễ nhạc để điều hành triều chính; thấu cảm được hồn cốt của tiền nhân và tâm hồn thi sĩ, mà trở nên người nhân hậu, nhân văn biết quan tâm đến đời sống muôn dân. Sáng tác thơ không chỉ là diễn ngôn của thú ngâm vịnh để vui chơi, mà mỗi người đều có quan niệm nghệ thuật khác nhau, nhưng có điểm chung là ở đây, các vua đều phủ nhận ý định sáng tạo nghệ thuật, không “muốn đua đẹp tranh hay với các văn nhân mặc khách” mà chủ yếu làm thơ là nói những điều “mình tự dạy mình về đạo kính trời yêu dân, so sánh lúc tạnh lúc mưa để xem thời tiết” (Minh Mạng); làm thơ để nói cái “ở trong bụng là chí, nói ra là thơ, thơ để tả tính tình, chính giáo hóa, là lòng của trời đất đó” (Thiệu Trị); hoặc chỉ làm thơ “nhân có cảm hứng phát ra, ngôn từ thì quan hệ về chính sự văn giáo rất nhiều mà lời hoa mỹ thì rất ít. Tự mình làm ra tự mình xem lấy, mờ mịt không hiểu có tốt hay không, vậy đâu dám nói là có thể truyền để đời sau” (Tự Đức). Vậy mà, cũng có một hậu duệ trực hệ của hoàng tộc đời sau (Hải Trung là trực hệ đời thứ sáu vua Minh Mạng) đọc một cách nghiền ngẫm và tìm thấy Lý tưởng triều đại qua hiện tượng sử dụng nhiều chữ “nhật” trong thơ, Khát vọng tìm được Trạng nguyên qua bài thơ của vua Minh Mạng ban cho sĩ tử, Thơ vua về lễ Tiến xuân - một điển lễ trọng nông, Thơ vua viết về lễ Ban sóc, Qua thơ, nói chuyện đọc sách của các hoàng đế... Chỉ cần lướt qua tựa đề các bài viết, cũng có thể nhận ra tác giả Hải Trung đã đọc được trong câu chữ của người xưa, không chỉ nói về thời tiết lúc tạnh lúc mưa, hay chỉ là những cảm hứng “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” mà còn có cả “đạo kính trời yêu dân”, tâm huyết với đất nước, với thời cuộc và thiên nhiên, cây cỏ, trong tư thế luôn tự răn mình: “Đạo vua phải lắng nghe/ Luôn phân biệt tà chính/ Tin dùng lẽ thẳng ngay/ Chớ nghe lời xu nịnh/ Kẻ gian lo nhà mình/ Người trung chăm triều chính” (Vua Minh Mạng tự răn mình qua bài thơ “Tự huấn”). Tác giả còn dẫn ra rằng, trong kho tàng thơ trung đại “có thể tìm thấy những hình sắc cá nhân nổi lên khá rõ qua các bài thơ có cùng chung chủ đề với các kiểu tự thuật, tự thán, tự trào, tự vấn (như thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, v.v.). Nhưng kiểu tự huấn (tự răn) trong thơ trung đại khá hiếm” (tr.13). Người trung và kẻ xấu thời nào cũng có, nên càng quý hơn là thần thái và nội dung mỹ cảm của bài thơ, cho đến nay trải qua thời gian gần ngót hai trăm năm, vẫn chưa hết tính thời sự, vẫn còn nóng hổi những lời nhắn nhủ trong vùng sinh quyển của thời đại, là bài học đáng quan tâm đối với người mang những trọng trách với đất nước, nhân dân. Nơi khác, khi Đọc chùm thơ về vịnh bốn mùa, bổ khuyết một bài thơ bị mất ở cổ diềm điện Thái Hòa, tác giả không chỉ huy động vốn kiến văn sâu rộng trong thư tịch cổ, trong đó có cả Kinh Thi, Kinh Dịch... mà còn khẳng định được rằng “cho đến nay, vua Minh Mạng là tác giả làm thơ về đề tài thời tiết nhiều nhất Việt Nam” [tr.132], lại còn có thể nhận ra tấm lòng của nhà vua - thi sĩ, hồn cốt của một con người vừa có tài thao lược, vừa “có thể thấy được tinh thần kính trời, yêu dân chăm lo chính sự của nhà vua. Những điều mà chính sử đã từng nêu, thêm được minh chứng qua thế giới tâm hồn, thể hiện trong nghệ thuật ngôn từ” [tr.144]. Trên cương vị là người đứng đầu triều đại phong kiến, vua Minh Mạng được coi một trong những người điều hành chính sự tốt nhất. Điều ấy không chỉ đã được khẳng định trong chính sử, mà còn được nhiều người tôn vinh khi đề cập đến triều Nguyễn. Ngay cả đối với một người nước ngoài như Marcel Goultier, biên tập viên thuộc Ban Dân sự Đông Dương thời ấy, sau này đã bỏ công sức viết hẳn một cuốn sách dày hơn 220 trang về chân dung nhân vật lịch sử Vua Minh Mạng, đã tỏ ra khâm phục nhà vua trong điều hành chính sự: “Việc Minh Mạng đặt nhiều chú tâm vào ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong hệ thống hành chính quan lại đã gây nên nhiều ngạc nhiên cho người đương thời. Quả vậy, hoàng đế đích thân điều khiển quốc gia, và khi đọc những biên niên sử chính thống của triều đình ta có thể hình dung ra ông đã điều tiết sinh hoạt của thần dân với mức độ sáng suốt tỉ mỉ thế nào” [5, tr.24].

Không chỉ đối với vua Minh Mạng, mà còn đối với cả triều Nguyễn, ngoài việc chăm lo triều chính, sự ổn định xã hội, các vua còn phải quan tâm đến nền kinh tế trọng nông, đặt cái ăn hàng ngày của muôn dân lên hàng đầu trở thành tâm thức hành động của nhà vua, bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước thuở gầy dựng cơ đồ của cha ông: “Suy cho cùng, cùng với lễ Tịch điền, lễ Tiến xuân được tổ chức trên tinh thần nhân văn, điều ấy thể hiện những ước mơ chính đáng về một cuộc sống vật chất đầy đủ của năm mới, hơn nữa đó còn phản ánh được một dạng nghi lễ có màu sắc tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt ngày xưa, khi mà nền kinh tế quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp lúa nước. Trên hết, những sự kiện đó luôn gắn với văn chương của các hoàng đế, lễ tiết nào cũng có ngự chế thi ca với một bút lực đầy cảm xúc” (Thơ vua về lễ Tiến xuân - một điển lễ trọng nông, tr.120). Sau vua Minh Mạng, các vua khác cũng có nhiều di sản thơ ca để lại, được tác giả nghiên cứu một cách công phu và cẩn trọng, phân tích, lý giải và đưa ra nhiều luận điểm mới mẻ, không chỉ phác thảo nên hình tượng chủ thể của những thi nhân đầy ám gợi, mà còn soi tỏ chân dung những hoàng đế luôn chăm lo cho dân, cho nước, cho nhân đức và nghiệp đế vương của tiên tổ, gắn liền với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, trong đó ít nhiều có sự bất lực trước thời cuộc... Là “hoàng đế Thiệu Trị nổi tiếng là người hay chữ và chăm đọc sách (...) Thơ làm lúc đọc sách của vua Thiệu Trị thường để luận bình về triết lý, về ích lợi của việc đọc và quan trọng luôn ý thức được về tầm quan trọng của sách và kiến thức nhằm không ngừng tu dưỡng, rèn luyện” [tr.218]. Là vua Tự Đức, “một ông vua thi sĩ, dung dị và chừng mực, mộc mạc và sâu sắc” mà trong thơ luôn có “sự thống hợp của tam giáo trong tư tưởng, góp phần nâng chủ nghĩa nhân văn của tác giả lên một tầm cao mới mà từ trước tới nay chúng ta chỉ tiếp cận được ở một số phương diện cụ thể, chưa mang tính đa diện” (Tinh thần tam giáo đồng nguyên qua bài “Mạn ca” của vua Tự Đức, tr.274). Hoặc ngay cả với một người lâu nay đã “đóng đinh” trên bức tường của lịch sử là ông vua mất/ bán nước như Khải Định, khi nghe tin dân tình các tỉnh Nam Trung bộ bị đói kém do lũ lụt thiên tai (tháng 8/1919) vẫn lo lắng, không yên: “Được mùa dân thịnh, nước càng yên/ Hạn, lũ cớ sao tiếp nối liền/ Chạnh nghĩ nhà nông mùa vụ kém/ Bàn suông chính sự chẳng no thêm...” (Mưa lũ khác thường lo dân đói kém)... Thơ của vua cũng là nỗi lòng của một thi nhân, không chỉ thấm đẫm tinh thần nhân văn, ấm áp tình cảm đối với con người, lấp lánh nội dung mỹ cảm, mà còn là tinh thần, tư tưởng, đời sống nội tâm, khi bất chợt, khi bừng thức, có cả ý nghĩa triết lý mang cảm quan, thần thái của triết học phương Đông.

Cách đọc của Hải Trung còn thể hiện đậm đặc phẩm chất văn hóa tranh luận. Bởi lẽ, tranh luận, phản biện, lật lại vấn đề, đối với anh không phải để tranh hơn thua, thắng bại, mà là thể hiện thái độ tôn trọng, kế thừa thành tựu của người đi trước để bổ khuyết, đính chính và tiếp cận chân lý một cách minh bạch, tùy theo mức độ tin cậy của những khám phá mới phát hiện. Cả kế thừa và trao đổi, tranh biện lại những người đi trước (phần lớn đều là những học giả/ tác giả thời danh như Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Phan Quang, Huỳnh Công Bá, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Tường Lịch, Nguyễn Đắc Xuân...), với một thái độ khiêm tốn, học hỏi, có dẫn chứng tài liệu đầy đủ để làm luận cứ và luận giải, giải bày một cách cảm thông mang tính lịch sử - cụ thể và có sức thuyết phục. Lâu nay, nhiều ý kiến vẫn lặp đi lặp lại rằng, nhà Nguyễn từ thuở vua Gia Long đã chủ trương tứ không, hoặc ngũ không, rằng không lập Tể tướng, không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, không phong tước Vương cho người ngoại tộc, không lấy Trạng nguyên, nhưng bằng những minh chứng khó bắt bẻ từ trong sử sách, và qua bài thơ Khẩu hiệu khuyến Hội thí sĩ của vua Minh Mạng, nhằm kêu gọi khích lệ sĩ tử kỳ thi Hội năm 1838, tác giả cho rằng “có thể khẳng định vua Gia Long và triều Nguyễn không ban hành lệ không lấy Trạng nguyên qua khoa cử như nhiều người vẫn nghĩ” [tr.71]. Bài thơ Quốc sử di biên lâu nay vẫn cho là của vua Thành Thái, hoặc vua Tự Đức, tác giả chứng minh với đầy đủ cứ liệu rằng người sáng tác bài thơ đầy tâm trạng này là vua Minh Mạng (Từ “Quốc sử di biên” minh định lại tác giả của một bài thơ). Hoặc có quá nhiều tôn vinh như một “huyền thoại” về chiếc nghiên mực được phong tước Tức mặc hầu, thậm chí còn được coi là quốc bảo, tác giả chứng minh đó chỉ là tên gọi của chiếc nghiên mực mà thôi! (Nhân đọc một bài thơ khắc trên nghiên mực của vua Thiệu Trị nói về “huyền thoại” nghiên mực Tức mặc hầu). Thậm chí, có khi thông qua cách đọc giàu trữ lượng tri thức văn hóa - lịch sử của tác giả, đã bổ khuyết cho những gì mà thời gian và chiến tranh cướp mất, làm “cơ sở để phục hồi ô thơ đã mất này khi tiến hành trùng tu điện Thái Hòa trong thời gian sắp tới” [139], đó là bài Hà xứ xuân sinh tảo, một trong 23 bài thơ vịnh tứ thời của vua Minh Mạng...

Muốn đồng ý hay bác bỏ một vấn đề không phải khó, khi có được trong tay nguồn sử liệu chắc chắn. Nhưng văn hóa tranh luận đòi hỏi một thái độ ở một tầm vóc cao hơn, bên cạnh sử liệu còn phải có một kiến văn sâu rộng, để vận dụng các tri thức văn hóa - lịch sử, diễn ngôn, lập luận làm sao để thuyết phục được người đọc, đòi hỏi phải có tài năng, đó là khả năng xâm nhập, cảm thụ tác phẩm, thậm chí đọc được tâm hồn của tác giả, thấu cảm và hình dung được tâm trạng của người sáng tạo. Tác phẩm nghệ thuật không chỉ tồn tại như một chỉnh thể, mà còn có thể trở thành một sinh thể khi tri ngộ được với một người đọc tri đắc, tri âm. Người biết đọc, là từ một chỉnh thể tìm thấy được sự toàn vẹn của một sinh thể, nghĩa là không chỉ đọc chữ mà là đọc được cái “hồn” của chữ. Ở đây không chỉ đòi hỏi trí tuệ và tư duy logic của một nhà khoa học, mà còn cần thiết phải có một tâm hồn nghệ sĩ và tư duy hình tượng để đồng cảm, tương tri. Hải Trung là người có được những phẩm chất ấy, để có thể hành nghiệp trên con đường văn chương chữ nghĩa lắm phù du và chẳng có bến bờ. Lại nữa, vấn đề của khoa văn học là “đường đi không đến”. Cũng có vài hiện tượng, vấn đề anh nêu ra rồi bỏ ngỏ, chưa thể có kết luận cuối cùng. Mà trong khoa học làm gì có kết luận cuối cùng. Chân lý tuyệt đối chỉ là tổng số của những chân lý tương đối. Vì vậy, ở đời “trường giang sóng sau xô sóng trước” là lẽ đương nhiên. Những luận bàn của Hải Trung có vẻ có lý hơn, tiếp cận chân lý rõ hơn là nhờ anh kế thừa được những thành tựu (thậm chí cả những sai lầm) của người đi trước, điều đó chứng tỏ khoa học ngày càng có nhiều thành tựu trên con đường vận động, phát triển gắn liền với từng thời đại lịch sử. Thành tựu mỗi thời mỗi khác. Những gì anh có được là sản phẩm của thời sau đổi mới, của thiên niên kỷ mới. Nếu tính tuổi đời, nhà nghiên cứu về văn học triều Nguyễn của chúng ta năm nay vừa tròn năm mươi tuổi. Nhưng vẫn là nhà nghiên cứu trẻ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống thi thư, Hải Trung “đánh đu” với văn chương nghệ thuật từ rất sớm, nhưng đối với nghiên cứu, biên khảo anh vẫn là tác giả trẻ, bởi vì anh mới bắt đầu công việc này trên dưới hai mươi năm. Đối với sáng tạo nghệ thuật, đôi khi chỉ cần một cuốn sách, một bài thơ có thể sống mãi với thời gian, nhưng đối với người nghiên cứu hai mươi năm chưa là gì hết. Hơn nữa, anh vẫn trẻ vì vùng thẩm mỹ mà anh quan tâm là văn chương trung đại “già cỗi”, trong khi xu hướng hiện nay, kể cả những người đã cập kê vào tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn cắm đầu chạy theo chủ nghĩa hậu hiện đại, thậm chí là hậu-hậu-hiện-đại mang tính chất thời thượng cao xa.

Tôi nghĩ, còn bao điều để nói về cách đọc thơ vua của Hải Trung. Và, tất nhiên, không phải tất cả mọi điều đều hoàn hảo. Bên cạnh vốn kiến văn sâu rộng, khả năng tự dịch thơ chữ Hán một cách tương đối thành công, công trình này còn một vài lỗi nhỏ, không đáng kể nhưng vẫn phải nêu cho lần tái bản sau. Đó là lối trình bày của Hải Trung đôi khi còn hơi rườm, chưa tinh lọc một cách súc tích, một vài trích dẫn có sự so le (chẳng hạn, quan niệm về thơ của vua Tự Đức ở trang 11 và trang 264...), có thể là do tự dịch đưa đến cách diễn giải khác nhau, nhưng ít nhiều gây bất an cho người đọc. Là cứ phải nói vậy, nhưng sự dài dòng của anh lại hợp “tạng” tôi, một người chỉ biết chữ, chỉ đủ vốn từ để đọc văn chương hiện đại, nhưng khi cầm đến công trình này, tôi bị cuốn hút từ trang đầu cho đến trang cuối.

Là con cháu trong hoàng tộc, lại là người nghiên cứu văn học trung đại, vùng vùng văn của Hải Trung là văn chương triều Nguyễn. Hơn hai mươi năm, kể từ tác phẩm đầu tay Thần kinh nhị thập cảnh - thơ vua Thiệu Trị (in chung, 1999) đến nay, anh kiên trì theo đuổi và tập trung bút lực cho một vùng sinh quyển ngày càng được nhiều người quan tâm. Nhưng từ xuất thân và năng lực chuyên môn, cùng với vốn chữ nghĩa Hán Nôm, có lẽ anh đang và sẽ là “người suy ngẫm khả tín” về một di sản đồ sộ của cha ông vốn bị khuất lấp lâu nay, bởi những định kiến nằm bên ngoài văn học. Tôi tin rằng, những gì anh đã làm được chỉ là mới bắt đầu, như là một cơn mưa đầu mùa có nhiều những tia chớp.

P.P.P    
(TCSH392/10-2021)

------------------------------------
[1] Nguyễn Phước Hải Trung (2021), Thơ vua & Suy ngẫm, Nxb. Văn học. Những trích dẫn chỉ đánh số trang, là trích từ công trình này.
[2] Lại Nguyên Ân (2004), mục từ Văn bản học, trong Tự điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới.
[3] Đoàn Lê Giang (2019), Sự ra đời của từ “văn học” và quan niệm về văn học của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, in trong Những cuộc hội ngộ của văn chương thế giới, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
[4] Thái Bá Vân (1986), “Tiếp xúc với tác phẩm”, tạp chí Sông Hương, số 19.
[5] Marcel Goultier (1935), Vua Minh Mạng, bản dịch Đỗ Hữu Thạnh, Công ty sách Omega và Nxb. Hà Nội, 2021.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng