Nghiên Cứu & Bình Luận
“Mây ngàn” hay “mây nhàn” - Đâu là nguyên lời nguyên ý của Nguyễn Du trong Truyện Kiều?
15:14 | 01/08/2022


ĐINH VĂN TUẤN

“Mây ngàn” hay “mây nhàn” - Đâu là nguyên lời nguyên ý của Nguyễn Du trong Truyện Kiều?
Ảnh: internet

Trong bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳 do nhà tàng bản Liễu Văn Đường khắc in năm 1866 (LVĐ 1866) - là bản Kiều cổ nhất còn lại đến nay - ở câu 2402: Biết đâu hạc nội mây  là đâu thì chữ thứ 6 đã được LVĐ 1866 khắc với tự dạng lạ , chữ này không có trong bất cứ tự điển chữ Hán và chữ Nôm nào và chắc chắc đây là một chữ bị khắc lỗi. Năm năm sau, bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳 cũng do nhà tàng bản Liễu Văn Đường khắc in năm 1871 (LVĐ 1871) đã khắc là chữ 岸 ngàn nhưng thật ra trước đó 1 năm ở bản Nôm Đoạn trường tân thanh 斷腸新聲1 do Nguyễn Hữu Lập chép tay vào năm 1870 (NHL 1870) đã chép là 岸 ngàn rồi, sau đến Đoạn trường tân thanh 斷腸新聲 của Tăng Hữu Ứng chép tay vào năm 18742, Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳 do nhà tàng bản Thịnh Mỹ Đường khắc in năm 1879,3 Đoạn trường tân thanh 斷腸新聲 của Kiều Oánh Mậu khắc in năm 19024 - bản này đã dựa vào một bản Kiều Huế lưu hành khoảng 1895 để làm bản chính - cũng là chữ 岸. Trương Vĩnh Ký5 và E. Nordemann6, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim7, Tản Đà8, Đào Duy Anh9… đều phiên âm là “ngàn”. Hầu như tất cả các bản Kiều chữ Nôm (chép tay hay khắc in) đều là chữ NGÀN 岸, chỉ trừ bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳 do Duy Minh Thị trùng san vào năm 1872 (DMT 1872)10 lại khắc chữ , Nguyễn Tài Cẩn là người đầu tiên đọc chữ này vào năm 200211 tuy ông nhìn nhận là chữ NHÀN 閒 nhưng vẫn hiệu đính là chữ NGÀN 岸. Sau đến Thế Anh12 đã khẳng định là NHÀN (閒=閑) vì đã dựa theo thành ngữ Hán là 閑雲野鶴(Nhàn vân dã hạc) hình dung người nhàn tản, không chịu câu thúc, không cầu danh lợi. Gần đây An Chi13 cũng tin và khẳng định đó là chữ NHÀN, không phải là chữ NGÀN. Nhân đây chúng tôi thấy cần phản biện ý kiến của Thế Anh, An Chi khi gần như khẳng định NHÀN là chữ gốc trong nguyên tác của Nguyễn Du. Trước hết cả 3 bản Kiều chữ Nôm (LVĐ 1866 - 1871, NHL 1870) xuất hiện trước DMT 1872 đều xác định là chữ NGÀN 岸 và hầu như mọi bản Kiều Nôm sau DMT 1872 đều chỉ là chữ 岸. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chữ  của LVĐ 1866 có khả năng là lỗi khắc in từ chữ ngàn (một ngàn) dùng giả tá cho ngàn (dãy núi). Lưu ý chữ  đã được NHL 1870 dùng theo nghĩa dãy, hàng cây ở câu 2033: Trời đông vừa rạng ngàn dâu. Có thể từ  (một ngàn) khiến Duy Minh Thị đã nhuận sắc lại ra chữ NHÀN (閒) theo kiến thức Hán văn của mình và đã bị thợ khắc Trung Quốc khắc thành chữ dị dạng . Tuy nhiên, xét văn mạch, ý tứ của tác giả Truyện Kiều qua cách dùng “hạc nội mây ngàn” để diễn ý về hành tung bất định của sư Giác Duyên qua tiểu đối: hạc nội/mây ngàn (chim hạc ở đồng nội, mây ở trên dãy núi). Từ ý “Biết đâu… nào đâu” ở câu này, cần phải ngầm hiểu: chim hạc bay đậu tùy thích ở đồng nội nên khó biết bóng dáng nơi đâu, mây bay tùy ý trên dãy núi nào biết về đâu. Cũng diễn tả tung tích vô định của Giác Duyên, ở câu 3232: Mây bay hạc lánh, biết là tìm đâu, Nguyễn Du đã dùng “Mây bay hạc lánh” (chứ không phải là Mây nhàn hạc lánh): mây bay (trên dãy núi) biết về nơi đâu (để tìm), chim hạc (ở đồng nội) lánh mình biết đậu chốn nào (để tìm). Trong bài thơ Ký Huyền Hư tử 寄玄虛子14 Nguyễn Du đã từng viết:“野鶴浮雲時一見”(Huynh như hạc nội mây bay, thỉnh thoảng mới gặp). Vậy “hạc nội mây ngàn” và “Mây bay hạc lánh” của Nguyễn Du đã diễn ý: chim hạc lánh mình ở đồng nội, mây bay trên ngàn. Đó là diễn tả hành tung vô định (không biết đi về nơi chốn nào) của sư Giác Duyên. Thế Anh và An Chi có thể chưa biết trong thư tịch Trung Quốc đã từng có cách diễn đạt Sơn vân dã hạc 山雲野鶴 (Mây trên núi, chim hạc ở đồng nội). Chúng tôi tìm thấy trong bộ bách khoa toàn thư đời Thanh xuất bản vào năm 1725 là Cổ kim đồ thư tập thành 古今圖書集成15 do Trần Mộng Lôi 陳夢雷 trứ tác, ở tập 185, quyển 106 có bài thơ Ngũ đài họa tiền vận 五臺和前韻 của Cao Huỳnh高滎, tác giả đã từng sử dụng “山雲野鶴” trong câu: 山雲野鶴自徘徊(Mây ngàn, hạc nội (biết tìm nơi đâu), chạnh lòng bồi hồi).

Như vậy, Nguyễn Du diễn ý “Hạc nội mây ngàn” ở câu 2402 là rất phù hợp với “野鶴浮雲” (Ký Huyền Hư tử), “山雲野鶴” (Ngũ đài họa tiền vận), còn riêng chữ NHÀN  của DMT 1872 chỉ nên xem là một dị bản do Duy Minh Thị nhuận sắc theo kiến thức Hán văn của mình chứ không phải là chữ gốc nguyên lời nguyên ý của Nguyễn Du.

Đ.V.T
(TCSH401/07-2022)

-------------------------------
1 Tờ bìa của NHL 1870, do thủ bản bị rách nát nên Đàm Quang Hưng đã phục chế lại nhưng đã bị Lê Thành Lân, Nguyễn Tuấn Cường nghi ngờ không đúng gốc, ở đây gọi tên Đoạn trường tân thanh theo sách của Nguyễn Quảng Tuân công bố trong Truyện Kiều - Bản Kinh đời Tự Đức 1870, (Phiên âm - khảo dị) Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2003. Bản Nôm kèm theo sách được chúng tôi sử dụng để tham khảo.
2 Bản Nôm THƯ 1874 dựa vào Đoạn trường tân thanh (viết tay vào năm Giáp Tuất (1874) đời vua Tự Đức). GS Đàm Quang Hưng phát hiện ở Huế. Nguyễn Hữu Vinh scan bản Nôm, nguồn: trangnhahoaihuong.com)
3 Nguyễn Du (阮攸). 金雲翹新傳. Kim Vân Kiều tân truyện 1879. Bibliothèque nationale de France. Département  des  Manuscrits.  Vietnamien  B  109.  Nguồn:  https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b100932276.r=kim%20v%C3%A2n%20ki%E1%BB%81u%20t%C3%A2n%20truy%E1%BB%87n?rk=21459;2
4 Bản Nôm KOM.1902 dựa vào Thơ văn chữ Nôm Nguyễn Du, Nguyễn Quảng Tuân, Tổng tập Văn học - Tập 12, Nxb. KHXH, H. 1996.
5 Trương Vĩnh Ký (1875), Poème Kim Vân Kiều truyện, Sai gon, Bản in Nhà nước.
26. 康熙字典, 上海古籍出版社,1997.
6 Edmond Nordemann, Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳, Nouvelle histoire de Kim, Vân, et Kiều (Poème populaire annamite), Mạc-đình-Tư, 1911, 4e éd.
Nguồn: https://archive.org/details/EdmondNordemann_1911_KimVanKieuTanTruyen
7 Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1927) Truyện Thúy Kiều, Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản. (In lần thứ hai, chữa lại rất kỹ và rất đúng với bản Nôm cổ).
8 Tản Đà (1941), Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Nxb. Tân Dân. Hà Nội.
9 Đào Duy Anh (1965), Văn bản Truyện Kiều in trong phần Phụ lục của Từ điển Truyện Kiều, Nxb. KHXH. 1974.
10 Bản Nôm DMT 1872 cũng dựa vào nguồn http://nomfoundation.org/nom-project/Tale-of-Kieu và sách Nguyễn Tài Cẩn (2002), Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872, Nxb. Đại học Quốc gia.
11 Nguyễn Tài Cẩn (2002), Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872, Nxb. Đại học Quốc gia.
12 Thế Anh, “Hạc nội mây ngàn” hay “Hạc nội mây nhàn”, nguồn: http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/ Hac-noi-may-ngan-hay-Hac-noi-may-nhan-1011.
13 An Chi (2020), Nguyễn Du - Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872, Phiên âm, chú giải và thảo luận, Nxb. Tổng hợp Thành phố HCM. Xem thêm An Chi, Lắt léo chữ nghĩa: Mây nhàn đã trở thành mây ngàn, nguồn: https:// thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-may-nhan-da-tro-thanh-may-ngan-post832239.html
14 Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán (2015), Nguyễn Du - Toàn tập, Tập 2, Thơ chữ Hán, Nxb. Văn học.
15 陳夢雷(1725), 古今圖書集成, 中華書局影印, nguồn: https://ctext.org/library.pl?if=gb&file=91571&page=1

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngoài thơ (25/05/2022)
Dư âm tiếng gà (06/05/2022)