Nghiên Cứu & Bình Luận
Phạm Quỳnh - Nhà phê bình bách khoa, khai sáng với thân phận thuộc địa
15:15 | 12/09/2022

TRẦN ĐÌNH SỬ

Phạm Quỳnh (1892 - 1945), biệt hiệu Thượng Chi, Hồng Nhân, quê ở xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Phạm Quỳnh - Nhà phê bình bách khoa, khai sáng với thân phận thuộc địa
Phạm Quỳnh - Ảnh: wiki

Ông trước hết là một nhà hoạt động văn hóa văn học nhiều mặt, có công giới thiệu, dịch thuật học thuật, tư tưởng, lịch sử, văn học Pháp vào Việt Nam trong buổi đầu hội nhập Á Âu. Nhưng khác với Hồ Thích ở Trung Quốc độc lập xuất hiện như một nhà cách mạng văn hóa, đứng trong chiến tuyến văn hóa mới, Phạm Quỳnh ở Việt Nam lúc ấy chỉ là một người dân thuộc địa, làm chủ bút cho tờ tạp chí do thực dân Pháp tài trợ, chỉ đạo, cho nên sự nghiệp văn học của ông trải qua một quá trình đánh giá từ không nhất trí đến dần dần nhận chân. Nếu ta đọc vào văn của ông thì sẽ thấy tấm lòng yêu nước kín đáo và xem ảnh hưởng của ông đối với văn học hiện đại thì sẽ thấy ông là nhân vật không thể thiếu trong bức tranh văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Ông là hậu duệ của một dòng họ nhiều đời nhà nho, thuở nhỏ mồ côi cha mẹ, nhà nghèo, được bà nội nuôi nấng, chăm học. 16 tuổi ông đỗ thủ khoa bằng Cao đẳng tiểu học trường Bưởi, và trường thông ngôn, tự học Hán học, được nhận vào làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, nơi có đủ các sách để cho ông tự học thành tài. Năm 20 tuổi ông đã viết bài cho Đông Dương tạp chí, năm 24 tuổi nhận làm chủ bút tạp chí Nam Phong (1917 - 1934). Hoạt động văn học của ông chủ yếu thực hiện trên tờ tạp chí này. Từ năm 1932 ông rút khỏi tạp chí để sang làm chính trị, lúc đầu là Bộ trưởng Bộ Học, sau sang Bộ Lại, rồi làm Ngự tiền Văn phòng cho vua Bảo Đại. Khi phụ trách tờ Nam Phong, ông đã viết một khối lượng lớn tác phẩm, sau in vào Nam Phong tùng thư (1929) và Thượng Chi văn tập (gồm 5 tập, 1943, tái bản 1962). Hầu hết tác phẩm của ông ngày nay đã được in lại1. Nhìn chung hoạt động của ông gồm hai phương diện: giới thiệu dịch thuật văn minh Pháp, văn minh phương Đông và góp phần gây dựng nền quốc văn mới. Văn của ông gồm dịch thuật, giới thiệu, khảo cứu, sáng tác, phê bình, tiểu luận, chính luận viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông dịch sách Phương pháp luận của Descartes, truyện của Maupassant, tản văn của Pascal, cách ngôn của Marc Aurèle, cách ngôn của Epictète, kịch Le Cid và Horace Corneille... Ông giới thiệu nhà văn Anatole France, Pierre Loti. Ông giới thiệu triết học là gì, triết học Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Auguste Comte. Ông khảo về đạo Phật, giới thiệu về Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử. Ông khảo về văn hóa, văn minh, lịch sử Đông Tây. Người ta thấy hầu như lĩnh vực nào ông cũng có để mắt đến. Qua khảo cứu, người ta thấy được tinh thần Pháp mang nội dung nhân đạo và tự do, sự quan tâm đến con người bình thường, và vì thế tư tưởng Pháp rất phù hợp với nhân loại. Ông là nhà dịch thuật thông thái, là học giả uyên bác, là nhà văn viết tản văn, du kí nổi tiếng, ông cũng là một nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học đầu tiên của nền văn học hiện đại.

Riêng đối với văn học Việt Nam, Phạm Quỳnh là người nhiệt thành cổ vũ cho quốc văn, hô hào văn quốc ngữ mới, tự rèn luyện mình để trở thành một cây bút văn xuôi tinh tế, nhuần nhị. Ông thấy rõ ý nghĩa của công cuộc xây dựng một nền quốc văn mới bằng chữ Quốc ngữ. Ông viết: “Văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta mới thoát được kiếp đi học mướn viết nhờ từ xưa đến nay vậy.” (Văn quốc ngữ - NP, số 2, 1917)2. Ông phản đối chủ trương lấy chữ Pháp mà thay cho chữ Quốc ngữ. Ông chủ trương không cắt đứt với nền học cũ, bảo lưu nho học và chữ nho, chủ trương sử dụng từ Hán Việt trong việc phiên dịch và cấu tạo từ ngữ mới (Chữ nho với văn quốc ngữ - NP, số 20, 1918). Ông đã nhận ra thực trạng sự thiếu vắng một nền quốc học ở ta, vì nước ta tuy có tiếng ham học, “nhưng cả nước chỉ như một cái trường lớn, mà thầy trò chỉ học mấy quyển sách giáo khoa cũ, già đời vẫn không thoát khỏi cái tư cách học trò”, “chưa hề thấy thoát cửa thầy mà lập nên môn hộ riêng. Không những thế, lại cũng thường không lọt ra ngoài vòng giáo khoa mà bước lên tới cõi học thuật nữa” (Bàn về quốc học - NP, số 163, 1931). Nhận xét này thật sâu sắc, bởi các cụ ta do đắm mình vào Hán học quá sâu và lâu, không hề có ý phân biệt ta với Hán, cho “chữ Hán là quốc ngữ”, “Hán học tức là quốc học” (Bàn về chánh học cùng thuyết). Đây là điều ta thua đứt Hàn Quốc và Nhật Bản. Phạm Quỳnh cũng thấy từ xưa ta “tuyệt nhiên chưa có văn học vấn.” Văn Nôm thì dùng để đạo tình, dùng về lối văn lí thuyết thì hầu như không từng thấy bao giờ.” (Quốc học với quốc văn - NP số 164, 1931) và đề xướng lối văn ấy để nâng cao địa vị học thuật nước nhà. Trong bài báo nói trên, ông cũng dè chừng, học Tây mà “đồng hóa theo Tây” thì “rút cục lại cũng chỉ thành một bản phóng mờ của nước Pháp”. Ngày nay đọc lại phải thấy nhận thức như vậy là đúng, vì nước ta chưa có ai lập thuyết gì, chưa có truyền thống tư duy lí thuyết. Ngày nay nhiều học giả vẫn cho rằng ta chỉ có nho giáo, chưa có nho học. Chúng ta chưa có nhà lí luận phê bình văn học nào khả dĩ được thế giới công nhận như người Nhật hay người Triều Tiên. Chính vì nhận thấy những chỗ yếu ấy mà hoạt động của ông nhằm vào việc bổ sung, lấp đầy và hô hào gây dựng nền quốc văn mới, học thuật mới. Ông phiên dịch, giới thiệu tư tưởng triết học Pháp, giới thiệu văn học Pháp, biên khảo về thể loại tiểu thuyết, như một thể loại mà văn học còn chưa được ý thức. Bàn về tiểu thuyết, ông bước đầu nói tới các yếu tố của nó như cốt truyện, nhân vật, hư cấu và cả điển hình mà ông gọi là “mô dạng” (types). Ông giới thiệu văn học Pháp, bởi một số nhà nho Việt không tin là Pháp có văn chương. Ông cũng giới thiệu và phê bình một số tiểu thuyết Pháp. Ông giới thiệu lối diễn kịch Pháp và phiên dịch kịch Pháp, trình bày các đặc điểm, các thể loại bi kịch và hài kịch (mà ông gọi là “hí kịch”); Ông nghiên cứu thơ, giới thiệu nhà văn tả thực Maupassant, giới thiệu thơ tượng trưng của Baudelaire. Ông giới thiệu cả triết học, mĩ học, dịch triết học và trình bày cả nghệ thuật diễn thuyết của phương Tây, một điều còn lạ lẫm với người Việt. Có thể nói so với văn hóa Việt Nam, nhìn vào văn hóa Pháp, cái gì ông thấy mới mẻ mà có ích cho người Việt ông đều muốn giới thiệu với người Việt. Ông cũng quan tâm đến các vấn đề của ngôn ngữ học, của Hán Nôm học. Điều đáng quý là ông nghiên cứu cẩn thận, không cẩu thả và trình bày gãy gọn, sáng rõ. Ông lại có công cổ động cho lối viết truyện ngắn, đoản thiên tiểu thuyết, vừa giới thiệu, vừa cổ võ, vừa đăng bài, vừa tổ chức thi sáng tác. Tất nhiên sự giới thiệu ấy chưa thể sâu sắc như sau này, nhưng có thể nói hoạt động giới thiệu, phiên dịch của ông có tính chất bách khoa và tính chất khai sáng. Điều quan trọng là cùng với Nam Phong, Phạm Quỳnh đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà trí thức có tài năng và tên tuổi lúc bấy giờ cùng đóng góp cho tạp chí, tạo cho nó một thanh thế.

Đối với văn học nước nhà ông chủ trương tồn cổ, phản đối phế bỏ Nho học, đề cao các tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều, sưu tập ca dao, tục ngữ Việt Nam, phê bình một số tác phẩm, tác giả Việt Nam đương thời như Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Nguyễn Trọng Thuật. Về phê bình văn học, công lao của ông là đã khơi  xướng, tổ chức phong trào nghiên cứu Truyện Kiều và bản thân ông đã viết công trình khảo cứu, phê bình đầu tiên. Trong bài Truyện Kiều (NP, số 30, 1919) dài 40 trang ông đã trình bày khá toàn diện về Truyện Kiều. Theo tóm tắt của Thanh Lãng, Phạm Quỳnh đã đề cao tác phẩm của Nguyễn Du ở 6 điểm sau: 1. Kiều là cuốn sách được tôn sùng hơn hết; 2. Kiều là cuốn sách cao thượng hơn hết; 3. Tác giả đáng được tôn thờ; 4. Tác giả và tác phẩm sẽ bất diệt; 5. Văn chương Truyện Kiều tài tình, kiệt tác nhất; 6. Nhân vật trong truyện sinh động như thật. Ngày nay ta thấy 6 điểm ấy, tuy có chỗ nói quá, song nói chung chẳng có gì sai. Phạm Quỳnh đã đưa vào phê bình văn học bốn phạm trù mới đối với phê bình văn học nước ta, vốn chỉ quen phê bình thơ - cội rễ tác phẩm, lịch sử tác giả, tâm lý nhân vật và văn chương tác phẩm. Về cội rễ, trước hết ông thuật lại cốt truyện Truyện Kiều. Ông chưa biết Kim Vân Kiều truyện của Thanh tâm tài nhân, mà chỉ nghe nói một Thanh tâm tài nhân lục nào đó. Ông lại so sánh Truyện Kiều với truyện của Dư Hoài trong Ngu sơ tân chí, cho nên có phần lạc đề, chưa hề thấy được sự khác biệt giữa truyện của Nguyễn Du và truyện của Tàu. Ông tìm hiểu tác giả qua tiểu sử ghi trong chính sử để tìm căn cứ mà cắt nghĩa tác phẩm. Ta hiểu tâm sự, tính cách và xem tác phẩm như là biểu hiện cho tâm sự đoạn trường đó. Đó là nguyên tắc phê bình thịnh hành từ Sainte - Beuve và Gustave Lanson. Về văn chương Truyện Kiều, Phạm Quỳnh chú ý tới lời và ý, sự khéo léo, điêu luyện. Phạm Quỳnh là người phát hiện ra yếu tố tả thực trong Truyện Kiều: “Văn chương ta vẫn có tiếng là không biết tả thực, hay chuộng những cảnh hoang đường huyền diệu. Văn chương Truyện Kiều thì không thế, chỗ nào nên tả thực rõ ra nét bút tả thực”. Ông lại dùng phạm trù tâm lý để xác nhận tính cách của nhân vật. Tâm lí đó gồm trong bốn chữ “phong tình mà tiết nghĩa”. Ông chỉ ra cô Kiều là “người đa tình, nhưng không đắm đuối vì tình, biết lấy nghĩa mà chế tình tức là trúng với lí tưởng của đạo Nho”. (Ai nhi bất dâm, chỉ hồ lễ nghĩa). Tính cách là tính cách Nho mà tinh thần là tinh thần Phật”. Cô là người “thích trung”, trung dung, là “người không đề kháng lại (tức là không phản kháng) số phận như truyện Tây”, mà biết “cam lòng mà chịu”, “phải chăng đến điều.” Qua một số điểm như thế ta thấy phương pháp phê bình thì hiện đại, nhưng nội dung phân tích chỉ thấy các nội dung tiêu cực, tầm thường. Chính vì nội dung tầm thường như vậy, cho nên khi bị Ngô Đức Kế công kích về nội dung Truyện Kiều, Phạm Quỳnh không thể trả lời được. Đáng chú ý là trong bài này Phạm Quỳnh đã đảo lộn thứ tự tam bất hủ của cổ nhân: Lập đức, lập công, lập ngôn, mà Viên Mai trong Tùy viên thi thoại đã nói một câu được Phan Bội Châu rất tâm đắc: “Lập thân tối hạ thị văn chương”, xem lập ngôn là tầm thường nhất. Nhưng ở đây Phạm Quỳnh đã nói ngược lại, lập ngôn là có giá trị nhất: “Cứ lịch sử đời xưa đời nay mà chứng, thời có lẽ cái trật tự ấy đảo ngược lại mới là phải, và ở đời này có lẽ lập ngôn là cái kế bất hủ hơn cả. Lập ngôn là gì, là đem cái lí tưởng rất cao của mình, cái cảm tình rất thiết tha của mình, đem cả tâm hồn tính tình mà chung đúc vào tiếng nói của nước mình, tiếng nói ấy phải kinh qua bao nhiêu đời mới thành, tất cũng phải di truyền bao nhiêu đời không mất, vậy thời tiếng nước còn là hồn mình còn, mà hồn mình còn là tiếng không mất, như thế thời lập ngôn chẳng là cái kế trường sinh bất diệt ở đời đó dư?” Ông có vẻ như không coi lập đức và lập công là việc có ý nghĩa quan trọng của đời người.

Trong bài diễn thuyết bằng quốc văn về Nguyễn Du, năm 1924, ông đề cao giá trị lập ngôn, thực chất là giá trị ngôn ngữ tiếng Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, coi đó là cái hương hỏa quan trọng nhất, coi Truyện Kiều là quốc hồn, quốc hoa, quốc túy, phúc âm, thánh thư của người Việt, hô to “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, đem sự tồn tại của tiếng nói mà thay thế cho sự độc lập của nước. Chính các tư tưởng của ông đã gây nên cuộc tranh luận văn học đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Người tranh luận với ông không chỉ là các cụ Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng đương thời, mà còn kéo dài tới các nhà nghiên cứu sau này những năm 50, 60 với rất nhiều ý kiến tranh luận như một “vụ án” của văn học sử. Đó là chưa kể việc so sánh Truyện Kiều với các danh tác Trung Hoa ở chỗ “kết cấu”, chứng tỏ ông chưa hiểu văn học Trung Hoa. Không thể nghiên cứu sâu vào Phạm Quỳnh mà bỏ qua cuộc tranh luận này.

Tuy có nhiều lệch lạc và sai lầm, nhưng cái đề xuất chăm lo cho quốc ngữ, quốc văn, gìn giữ tiếng nói của nòi giống lúc ấy cũng phù hợp với tâm lí của một lớp trí thức trong điều kiện thực tế bất đắc dĩ, là Pháp đã đặt xong nền đô hộ. Phạm Quỳnh cũng thể hiện một tấm lòng yêu nước, nhưng tiêu cực, cam chịu trong vòng thuộc Pháp. Phạm Quỳnh là người đánh thức và truyền cảm hứng nghiên cứu Truyện Kiều, yêu tiếng Việt cho cả một thế hệ nhà văn, khiến cho tác phẩm này được sự chú ý nghiên cứu suốt từ năm 1919 cho đến năm 1924, kéo dài mãi cho đến hôm nay, mặc dù nói cho đúng, Phạm Quỳnh đã hiểu Truyện Kiều theo quan niệm vừa mới vừa cũ. Ngoài ra, Phạm Quỳnh còn là người đầu tiên thực hành nghiên cứu văn học so sánh khi ông bàn về “thơ ta và thơ Tây”, “Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây.” Nói về Phạm Quỳnh còn phải nói về nội dung tạp chí mà ông phụ trách, ngoài các bài ông viết, còn là nơi sưu tập thơ văn cổ điển, đăng các thi thoại, đăng tác phẩm của các tác giả mới với các hình thức mới như thơ ca, truyện ngắn, du kí, phê bình, triết luận, học thuật có nội dung học vấn. Điểm khác biệt nhất của Nam Phong là đăng tải “văn học vấn”. Có thể nói Phạm Quỳnh là một nhà văn, nhà biên tập khởi đầu quan trọng của văn học hiện đại. Và với vai trò đó ông xứng đáng được tôn vinh là một người mở đường về quốc văn với khuynh hướng học vấn.

Phạm Quỳnh rõ ràng không tránh khỏi những chỗ giản đơn và sơ lược. Ông là người nhận thức được giá trị văn chương của Truyện Kiều, nhưng ông lại nâng Truyện Kiều lên mức quốc hồn, quốc hoa, quốc túy, lên phúc âm, thánh thư; nâng địa vị Truyện Kiều lên mức “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” khiến các vị chí sĩ phản ứng. Vẫn biết đó là thuật hùng biện, cách nói hùng hồn của người diễn thuyết, nhưng cũng có phần quá lời, mà sau này, trong sách Hoa Đường tùy bút ông tự nhận thấy mình “đã lãng mạn cho đến đem cả chủ nghĩa quốc gia căn cứ vào Truyện Kiều! Cho tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia.”3 ( Kiều với tôi). Ông yêu Truyện Kiều vì tự nhận mình là người “cùng hội cùng thuyền với cô Kiều”, có ngụ ý một chút tâm sự, ông làm việc cho Tây, nhưng tấm lòng vẫn luôn hướng về dân tộc như Kiều tuy ở lầu xanh mà lòng luôn hướng về Kim Trọng4. Khi bàn về quốc văn, ông đã đánh giá thấp văn Nôm. Phạm Quỳnh tất nhiên cũng có nhiều bất cập, mâu thuẫn khác. Một mặt ông đề cao Truyện Kiều như bằng chứng của tiếng Việt tuyệt vời, sâu sắc; nhưng mặt khác, ông lại coi tiếng Việt chỉ là “đứa anh hài” (trẻ con). Ông tỏ ra cấp tiến một số mặt, nhưng ông tỏ ra thủ cựu khi không chấp nhận được sức tưởng tượng phóng túng của Tản Đà, và nhất là sự biểu hiện cái tôi thành thực của nhà thơ. Ông viết: “Người ta, phi người cuồng, không ai trần truồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem cái thân thế mình mà làm chuyện cho người đời xem” (Mộng hay mị, NP, số 7, 1918). Điều này rất lạ, vì ông là người Tây học mà lại không biết nhu cầu biểu hiện của cá nhân, chủ nghĩa cá nhân, không thích chủ nghĩa lãng mạn. Những vấn đề này sẽ là chủ đề của thơ Mới và văn chương Tự lực văn đoàn sau này. Trong rất nhiều bài phát biểu, ông giới thiệu thơ ca và tiểu thuyết, đề cao Truyện Kiều lên hàng quốc hoa, quốc túy, thánh thư, nhưng so với văn học vấn, ông lại cho rằng văn thơ, tiểu thuyết chỉ là “văn chơi”, theo Phạm Duy Tốn thì “không đáng một đồng kẽm”, có ý hạ thấp giá trị của văn học, gây nên sự phản ứng của Thiếu Sơn trên Tiểu thuyết thứ bảy. Điều này cũng lạ, vì ông đã biết thế nào là mĩ học, tiểu thuyết, thi ca và giới thiệu lí thuyết về chúng. Ông muốn lưu giữ chữ nho, đạo nho phải chăng vì về chính trị ông còn có ý muốn tham chính, muốn duy trì chế độ quân chủ lập hiến. Một mặt ông chủ trương dùng chữ Nho trong quốc văn mới, nhưng không nên lạm dụng, nhưng mặt khác văn ông và đồng nghiệp Nam Phong dùng quá nhiều chữ Hán Việt, nhiều tổ hợp chữ Hán nặng nề khiến độc giả Nam Bộ phản ứng kịch liệt mà Thanh Lãng gọi là “vụ án” chữ Hán5. Tôi nghĩ các mâu thuẫn nêu trên phản ánh đúng một giai đoạn mở đầu còn ngổn ngang của nền văn hóa hiện đại và cũng phản ánh quan điểm thế giới quan của Phạm Quỳnh còn nhiều giới hạn, và cũng do chủ trương hòa hợp Đông Tây của ông tạo nên. Cái gì nên bỏ, cái gì nên giữ ở ông đang còn chưa rõ. Trên Tạp chí Nam Phong có mục “văn học”, nhưng chỉ đăng các bài phi văn học, như triết học, kinh tế, sử học; trong khi đó mục “văn học bình luận” thì đúng là đăng bài phê bình văn học; mục “văn uyển” thì chỉ đăng văn thơ cổ, chứng tỏ lúc này các khái niệm văn học còn mới cũ lẫn lộn. Các chỗ khiếm khuyết này không nhỏ, nhưng khó tránh và cũng không thể xóa đi giá trị và vai trò của ông ở buổi đầu văn học và học thuật nước nhà.


Tạp chí Nam Phong là công cụ văn hóa do thực dân Pháp lập ra để thực hiện mục tiêu thống trị của chúng, Phạm Quỳnh được mời làm chủ bút phần Quốc ngữ và phần tiếng Pháp, phần chữ Nho do Nguyễn Bá Trác làm chủ bút. Do đó hoạt động của Phạm Quỳnh ở đây thực chất là thi triển cái văn hóa chính trị, cái quyền lực mềm của Pháp. Nhưng cuộc tranh luận chung quanh ngôn luận của ông chủ Tạp chí Nam Phong chứng tỏ văn hóa không hề là lĩnh vực trung lập, bình lặng, thanh cao, phi chính trị, mà thấm nhuần tính chính trị. Mặt khác, trong giới nghiên cứu Phạm Quỳnh và Nam Phong cũng chia rẽ. Những người đánh giá từ góc nhìn văn hóa như Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng là một phía, còn phía kia là các nhà lí thuyết mác xít một thời và Nguyễn Văn Trung, nhìn theo góc độ chính trị, văn hóa chính trị. Nhìn từ quan hệ chính trị là rất đúng, không có gì thoát li chính trị trong thời hiện đại. Quan niệm phê bình của Nguyễn Văn Trung đúng đắn và sâu sắc, tư liệu ông tìm được có thể nói đầy đủ nhất, đáng tin cậy nhất, nhưng nếu tìm ra “chủ đích của Nam Phong” rồi từ đó mà kết luận mọi hoạt động của tạp chí đều là phản động, là vô giá trị thì liệu có rơi vào tuyệt đối hóa quá không?6. Đó là chưa kể các tài liệu mà Nguyễn Văn Trung tìm được chỉ giới hạn trong năm 1917, là năm mà tạp chí mới thành lập. Mà cho dù ông có tìm được thêm các tư liệu khác nữa thì cũng đều là loại tư liệu ngoại tại. Vấn đề là xem văn bản mà ông chủ trương nói lên điều gì? Thực dân Pháp sau khi chinh phục, “sứ mệnh khai hóa” lúc này đã có thay đổi. Theo Jules Harmand (1845-1921), chúng thực hiện “hai mô hình đồng hóa và hợp tác trong công cuộc chinh phục con tim dân bản xứ”. Đồng hóa, theo Albert Sarraut (1872-1962) là “nặn đắp nên, một cách kiên trì, diện mạo của một giống người mới” trong “thứ đất sét vô dạng của vô vàn những nhân tố nguyên thủy”, còn hợp tác là “Thay vì san phẳng truyền thống, văn hóa hay ngôn ngữ bản địa, kẻ chinh phục phải tôn trọng nền văn minh lâu đời độc đáo và khá phát triển” của các dân tộc Đông Dương, và chỉ nên giáo dục họ đủ để họ thoát ra khỏi tình trạng “trì trệ7. Từ đây mà có “Pháp Việt đề huề”, có việc các học giả, chính khách Pháp say mê văn học Việt Nam và dịch, giới thiệu chúng sang Pháp. Theo cách làm của Nam Phong ta thấy ở đây là mô hình “hợp tác”. Sự hợp tác này thực tế có mâu thuẫn với mục đích thống trị. Lợi dụng mô hình “hợp tác” này, Phạm Quỳnh đã đề cao nền văn minh bản địa, đồng thời với việc gia tăng tiếp xúc với văn minh Pháp, góp phần nhất định vào việc tồn cổ và hiện đại hóa quan niệm văn học. Giá trị quyền lực mềm của Nam Phong là thể hiện một thế giới quan tư sản của đế quốc Pháp. Đó là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia, là văn minh châu Âu, triết học duy lí, phương pháp khoa học, sự phát triển của các thể loại văn học mới, phong cách biểu đạt mới. Những điều ấy quả đã thể hiện sức mạnh và sức hấp dẫn của nước Pháp. Nhưng mặt khác đó cũng là cái đích hiện đại hóa của văn hóa Việt Nam. Chúng ta đồng tình sâu sắc với tư tưởng yêu nước chính trực của cụ Ngô Đức Kế, nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ giữ mãi cách nhìn nhận Truyện Kiều như cụ8? Theo như cụ thì phải vứt bỏ Truyện Kiều? Một sản phẩm văn hóa sẽ có rất nhiều ý nghĩa, phục vụ cho nhiều đối tượng, giống như cầu Long Biên, Nhà hát lớn, các trường đại học, trường mĩ thuật, trường trung cấp sư phạm và trung cấp canh nông đương thời. Giá trị khách quan của các sản phẩm văn hóa ấy không chỉ giới hạn trong mục đích của kẻ chủ trương. Và thực tế chúng đã góp phần đào tạo ra một thế hệ trí thức tinh hoa bản xứ của người Việt, và nhiều người trong số đó đã đứng lên tham gia hoạt động chống lại ách đô hộ của Pháp. Có thể Nam Phong đã phục vụ mục đích của người Pháp, nhưng nó cũng phục vụ đắc lực cho thế hệ trí thức mới. Vũ Ngọc Phan nhận định: “Nhiều người thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khuyết điểm của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông Tây”9. (Nhà văn hiện đại, quyển 1). Nam Phong đã giới thiệu nhiều về văn học nghệ thuật, mà thông điệp chủ yếu của nghệ thuật, theo Herbert Marcuse (1898-1979) bao giờ cũng là truyền đạt thể nghiệm của con người, trong đó có phần phê phán đời sống và phần khát vọng hướng về viễn cảnh giải phóng. Không có nghệ thuật dạy con người làm nô lệ. Phần lớn truyện, tiểu thuyết của ông đăng trên Nam Phong là truyện lãng mạn kiểu cũ, kể theo ngôi thứ nhất, dùng thể nhật kí (Tuyết hồng lệ sử), là thứ ít có trong văn học truyền thống, có tác động đến tiểu thuyết kể theo ngôi thứ nhất đương thời. Truyện hiện thực thể hiện xung đột cũ mới, tố cáo bất công, đạo đức suy đồi.

Theo lí thuyết diễn ngôn hiện đại, ai chỉ đạo và ai trả tiền là yếu tố bên ngoài. Vấn đề cần tìm hiểu là tiếng nói của Phạm Quỳnh lúc ấy là tiếng nói của ai? Ai là người có thể nói lên tiếng nói của người dân thuộc địa? Chống giặc bằng bạo lực chỉ là một tiếng nói. Theo Gayatri C. Spivac trong bài Người dưới đáy có thể lên tiếng được không? đã viết, dưới chế độ nam quyền, chỉ có người đàn ông nói về phụ nữ, hình tượng nữ do đàn ông kiến tạo; trong lịch sử văn hóa của nước thuộc địa, cũng là do nước thực dân viết với tư cách là kẻ khác. Như vậy thì dưới chế độ thực dân Pháp dân ta biết nói như thế nào? Ai là người kiến tạo văn hóa dân tộc trong tiến trình hiện đại hóa lúc này? Ngoài các tiếng nói cách mạng bí mật, tiếng nói công khai cũng rất có giá trị. Nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí cũng là một tiếng nói. Hiện đại hóa văn hóa, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân tộc, đề cao chủ nghĩa dân tộc cũng là một tiếng nói. Tiếng nói tư sản tiến bộ như của cụ Phan Châu Trinh có ý nghĩa quan trọng. Phạm Quỳnh giới thiệu tư tưởng Pháp, tuy ông không dám đề cao các tư tưởng tự do, dân chủ của phương Tây, không giới thiệu chủ nghĩa lãng mạn, cho nên gọi là khuynh hướng cải lương cũng đúng. Các cụ nghè yêu nước nhưng mang thế giới quan nho giáo cũ, đánh giá tài sản văn hóa dân tộc như Truyện Kiều theo nhãn quan cũ, xem Hán văn là quốc văn, xem chữ Hán là quốc ngữ là một điều đi ngược lại nhu cầu hiện đại hóa của văn hóa dân tộc. Đọc thêm các tiểu luận bằng tiếng Pháp của ông càng củng cố thêm các nhận thức đó10. Dù trong khuôn khổ của chế độ thuộc địa, tiếng nói của Phạm Quỳnh và Nam Phong vẫn là một tiếng nói tiến bộ, hiện đại nhất định. Năm 1932 Phạm Quỳnh rút khỏi Tạp chí Nam Phong và hai năm sau tạp chí này đóng cửa là rất đúng lúc, bởi vì một giai đoạn văn học mới của dân tộc 1932 - 1945 đã bắt đầu, vai trò của Phạm Quỳnh và Nam Phong đã kết thúc. Ông trở thành nhà “cựu học” và đối tượng phê bình của Báo Phong Hóa thuộc Tự lực văn đoàn.

2/2/2022
T.Đ.S
(TCSH402/08-2022)

---------------------------------
1 Phạm Quỳnh. Thượng Chi văn tập, Nxb. Hội Nhà văn - Nhã Nam, Hà Nội, 2018; Phạm Quỳnh, Luận giải văn học và triết học, Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, Nxb. Văn học, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2003; Phạm Quỳnh, Hoa Đường tùy bút, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011; Phạm Quỳnh. Mười ngày ở Huế, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001; Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932, nhiều người dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007.

2 Các trích dẫn ý kiến Phạm Quỳnh đều lấy ở các sách sau: Thượng Chi văn tập, 1 - 5 tập, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, 1962, Sài Gòn, tái bản lần thứ nhất; Phạm Quỳnh, Luận giải văn học và triết học, Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, Nxb. Văn học, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2003; Nguyễn Đức Thuận biên soạn, Văn phê bình, nghiên cứu, lí luận ngữ văn trên Tạp chí Nam Phong, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2020. Chúng tôi không ghi chú cụ thể.

3 Phạm Quỳnh, Hoa Đường tùy bút, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011, tr. 66.

4 Có thể tham khảo ý trong thư Phạm Quỳnh gửi cho Louis Marty, Giám đốc Chính trị vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương ngày 30/12/1933 theo tài liệu của gia đình: “Là một người ái quốc Việt Nam, tôi yêu nước tôi với tất cả tâm hồn tôi, thế mà người ta buộc tội tôi, bảo tôi là phản quốc, đã cộng tác với kẻ xâm lược và phụng sự chúng! Là thân hữu chân thành của nước Pháp, một đằng khác, người Pháp trách cứ tôi đã che đậy một tinh thần cực đoan chống Pháp dưới một bề ngoài thân Pháp!” Pháp du hành trình nhật kí, Ý Việt xuất bản tại Paris, 1997, tr. 7.

5 Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Nxb. Trình bày, Sài Gòn, 1966, tập 2, tr. 354.

6 Nguyễn Văn Trung, Chủ đích Nam Phong, Phê bình một quan điểm phê bình. Tài liệu dành riêng cho sinh viên Ban Văn Đại học Văn khoa Sư phạm, Sài Gòn, Trí Đăng, 1975; Nguyễn Văn Trung, Vụ án Truyện Kiều, Tài liệu tham khảo cho sinh viên Văn khoa sư phạm lớp Lí luận văn học, Sài Gòn, 1972.

7 Nguyễn Thụy Phương, Nguồn gốc luận thuyết của “sứ mệnh khai hóa”, Tạp chí Tia sáng, 2019.

8 Theo tóm tắt của Thanh Lãng, theo Ngô Đức Kế, Truyện Kiều có các khuyết điểm sau: 1. Tên sách vơ vẩn; 2. Sự tích tầm thường; 3. Tính tà dâm; 4. Đã bị cha ông lên án; 5. Kiều không thể là quốc hồn, quốc túy được.

9 Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, quyển nhất, Các nhà văn đi tiên phong. Trong Vũ Ngọc Phan tuyển tập, Tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 115.

10 Phạm Quỳnh, Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932, Nhiều người dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngoài thơ (25/05/2022)