Nghiên Cứu & Bình Luận
Nàng thơ và cuộc sống
08:35 | 06/12/2022

NGUYỄN KHẮC THẠCH

Thơ, Nàng thơ và Thi sĩ là điệp khúc tình yêu muôn thuở giữa 3 ngôi Trao-Nhận-Trả mà đấng hóa công đã ban tặng con người.

Nàng thơ và cuộc sống
Tranh của Lê Phổ - Ảnh: internet

Con số "bộ ba" ấy tương ứng với mối tương quan màu nhiệm Thiên chúa ba ngôi (Cha - Con - Thánh Thần) trong Ki tô giáo hoặc Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng) trong Phật giáo hay Tam tài (Thiên - Địa - Nhân) trong Kinh Dịch.

Nàng thơ chính là nguồn cảm xúc trinh nguyên, kì bí của Thi sĩ. Đó là cuộc ngẫu hôn đại ngộ cho đứa Con - Thơ - Tác Phẩm ra đời. Trong mối quan hệ "tay ba" này, thi sĩ bao giờ cũng đóng vai trò "khổ chủ”. Có thể có những khoảnh khắc của thực tại nào đấy, Thi sĩ sẽ cảm thấy như mình đồng nhất với Thơ và Nàng thơ, như hoà tan vào nhau trong một tâm trạng kỳ lạ bất sai biệt.

Nàng thơ là ai? Nàng từ đâu đến? Nàng đến với ai? Nàng vừa hư, vừa thực, vừa thiên thần vừa ác quỷ, vừa là nàng vừa không phải là nàng. Thế nhưng hầu như Thi sĩ nào cũng vậy, bên đời thơ của họ đều lấp ló một gương mặt Nàng thơ cụ thể. Cái cụ thể ấy, đôi khi, dấu ấn của nó cũng đậm bi lụy như một quan hệ của "cơ chế bạc mệnh". Trường hợp giữa Natalia và Puskin là một điển chứng. Natalia là con gái của dòng họ Gôntsarốp, nổi tiếng về nhan sắc tuyệt vời khiến cho người đương thời phải thán phục và cũng không thể không có những kẻ hờn ghen rắp tâm mưu hại. Phải chăng vì Nàng thơ mà Puskin đã phải trải qua nhiều lần đấu súng (27 lần trong đời ông) và cuối cùng phải lãnh cái chết để bảo vệ danh dự cho Nàng? Những bài thơ tình kiệt tác của Puskin dù bắt nguồn từ một cảm xúc nào, từ một địa chỉ nào ngoài Natalia hoặc trước đó là Elidaveta thì nó vẫn có một cái tên chung "Nàng thơ". Nàng thơ càng mong manh bao nhiêu với Thi sĩ thì nó càng làm cho tác phẩm thơ mang khát vọng vĩnh cửu bấy nhiêu. Natalia đến với Puskin trong tư cách song đôi vừa là vợ, vừa là Nàng thơ - một tư cách thật hi hữu. Nhưng có lẽ đó cũng là cái nút bi kịch với nhà thơ nói riêng và thi ca nói chung. Sau khi Puskin qua đời Natalia sống trong cô đơn, hờn tủi và đầy miệng tiếng. Người ta chỉ biết về Natalia như một con búp bê xinh đẹp, vô hồn, vô dụng buộc Puskin phải vắt kiệt sức mình làm lụng, kiếm tiền để phục dịch cho vợ. Cũng có những nhà thơ tài năng như Xvesaxva hoặc Akhmatova đầy mặc cảm, cay nghiệt miệt thị Natalia là đồ "nữ yêu Puskin" trong một số bài thơ của họ. Năm 1973, người ta tìm thấy 7 bức thư của Natalia (viết năm 1836) gửi cho anh em của mình xin tiền để giúp chồng vượt qua thiếu thốn, kham khổ và bận bịu bởi sự câu thúc cơm áo. Nhờ những bức thư đó, người ta đã giải oan cho nàng. Chính Puskin đã thổi linh hồn vào con "búp bê", Nàng thơ xấu số của mình. Còn Nàng thơ thì đã làm cho Puskin mụ đi không hề ý thức được sự thiên tài của mình.

Quan hệ giữa Thi sĩ và Nàng thơ và Thơ là quan hệ "tam hợp" của nhân duyên hội tụ. Nó từ một ra ba và tuy ba nhưng là một. Bởi thế, khi đối diện với Nàng thơ, không phải tâm hồn nào cũng trở nên thi sĩ. Mặc dù, về phương diện mỹ học, theo trường phái Kant thì cái đẹp không có trong sự vật, nó là tự thân của chủ thể "cái đẹp không ở trên đôi má hồng thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình" nhưng gặp Hegel thì nó được đảo ngược lại. Chắc ở đây chân lý thuộc về Hegel, cái đẹp tồn tại trong sự vật nhưng phải thông qua ý niệm của con người. Lẽ vậy, cái đẹp sẽ uổng phí biết bao nếu không được một lần hội ngộ...

Điều này, câu chuyện về Abutalip và nàng Khatimat vẫn còn đấy như một "điển cố hiện tiền". Sau khi rời bỏ nghề chăn cừu tẻ nhạt, Abutalip chuyển sang nghề hàn thiếc và có cơ hội đi đây đi đó. Tại một làng nọ, ông gặp một cô gái xinh đẹp có tên là Khatimat mang chiếc bình hỏng đến chữa. Ông đã phải lòng cô gái ngay từ buổi đầu gặp gỡ ấy rồi khao khát yêu đương và "càng uống càng khát" trong mối tình đơn phương, vô vọng. Sự kiện ấy diễn ra như một biến cố tâm linh trong đời Abutalip. Còn cô gái xinh đẹp dường như chê chàng hàn thiếc nghèo hèn và lấy người khác, rồi một người khác nữa làm chồng. Abutalip nhớ nàng, khổ đau nung nấu thành thơ, thành nhiều thơ. Có thể nói, nhờ sự phụ bạc của Khatimat mà Abutalip nổi tiếng về thơ rồi về hoạt động xã hội, rồi về cả những câu bất hủ: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác". Sau này, khi gặp lại nhà thơ, Khatimat có ý kể công "Nếu ngày ấy không có tôi đem bình đến cho ông chữa, thì bây giờ ông vẫn còn là ông thợ hàn thiếc ngồi ngoài chợ!". Abutalip vặn lại "Nếu quả thật quyền lực của chị nhiều đến thế, chị Khatimat ạ, thì tại sao chị không biến anh chồng thứ nhất rồi thứ hai của mình thành nhà thơ?".

Quả vậy, Abutalip đã nói đúng, không ai có đủ quyền lực, đủ khả năng biến người này hoặc người nọ thành nhà thơ nếu người đó không có tài, không tự mình trở thành nhà thơ.

Như trên đã đề cập, Nàng thơ nói chung là nguồn cảm hứng sáng tạo cho người thơ, nó không phân biệt đối tượng, giới tính. Do đó, có khi chính "Nàng" lại ở phái mày râu. Bài "Hai sắc hoa ti gôn" nổi tiếng của TTKH chẳng phải là cảm xúc từ một "Nàng thơ male" đó sao? Nhưng theo cách hiểu nôm na, thông thường thì nàng thơ vẫn được coi là độc quyền riêng của phái đẹp.

Thời chúng ta, thời ra ngõ gặp người đẹp, vào quán đụng nhà thơ mà sao quá hiếm hoi những bài thơ tình hay, chưa nói là thơ tình kiệt tác? Ôi! Phải chăng, nàng thơ đã chết? Không! Nàng thơ không chết. Nàng vẫn ẩn náu đâu đó trong mỗi chúng ta. Cuộc sống không có nàng thơ thì nó chẳng có ý nghĩa gì nữa. Người đẹp chưa hẳn đã là Nàng thơ. Người đẹp là thực còn Nàng thơ thì ảo. Người đẹp là cái đẹp vật chất, cái đẹp của cuộc sống. Nàng thơ là cái đẹp tinh thần, cái đẹp của nghệ thuật. Cái đẹp nghệ thuật bao giờ cũng cao hơn cái đẹp cuộc sống. Chính vì vậy, cuộc sống mới cần nghệ thuật và cũng chính vì vậy mà nghệ thuật không thể tồn tại với tư cách là sao chép cuộc sống. Điều này, họa sĩ nổi tiếng Pháp Phan-cô-nê đã nói thẳng thừng: "Nếu chỉ làm việc sao chép thì giữa sự vật và tác phẩm sẽ có một cái thừa". Nghệ thuật là niềm khát khao sáng tạo muôn đời của cuộc sống. Mặt nào đó, nghệ thuật cùng có cội rễ với tôn giáo, chúng đều bừng nở trong tuệ giác. Bởi vậy, những công trình nghệ thuật đầu tiên của loài người đều mang tính tôn giáo huyền bí, kỳ vĩ. Nàng thơ được coi như sợi dây chuyền sáng thế từ nghệ sĩ ra tác phẩm. Nàng thơ không chỉ đứng trong cái đẹp mà đứng trong cả sự đổ vỡ của cái đẹp. Nàng bênh vực nước mắt, nàng bênh vực nỗi buồn. Nàng thơ dị ứng với cuộc sống thực dụng, xa hoa, ích kỷ và giả trá nên nàng đang bị xua đuổi dần trước môi trường ngày càng một ô nhiễm sự giàu sang ô trọc.

Con người đã đưa ra những tiêu chí để khu biệt ranh giới giữa mình với loài vật như công cụ lao động, ngôn ngữ, sinh vật chính trị... nhưng xét cho cùng, những tiêu chí đó cũng là bản lề cho cả hai phía - hiểu theo một cách nào đó. Vậy cái đặc trưng để phân biệt giữa con người với loài vật, nếu cần người ta cũng có thể tính đến nhân tố Nàng thơ. Con người cần có Nàng thơ. Loài vật không cần Nàng thơ. Chính nhờ Nàng thơ mà con người sáng tạo ra nghệ thuật, sáng tạo ra một thế giới lý tưởng riêng cho mình khác với thế giới đang sống chung cùng loài vật. Hiểu theo nghĩa rộng thì Nàng thơ, đó là cuộc sống, là chất xúc tác để hoàn thiện nhân cách, là thước đo về tư chất và phẩm giá con người.

N.K.T
(TCSH84/02-1996)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng