Nghiên Cứu & Bình Luận
Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong nghệ thuật
14:36 | 12/01/2023

VŨ HIỆP

1.
Baudelaire viết: “Tính cá nhân, sự sở hữu bé nhỏ này, đã ăn mòn tính độc đáo tập thể... Tức là người nghệ sĩ đã giết chết hội họa”.

Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong nghệ thuật
"Cá chép" - Tranh Đông Hồ

2.
Chủ nghĩa cá nhân là  một thành quả to lớn trong lịch sử đấu tranh của loài người, để mỗi cá thể được hưởng những quyền sống cơ bản, được chứng tỏ và bảo vệ phẩm giá của mình, được tự lựa chọn cuộc sống của mình. Mỗi cá nhân có thể tự tích lũy và quản lý tài sản của mình,  tự lựa chọn lý tưởng sống, nghề nghiệp, bạn đời. Người nghệ sĩ được tự do sáng tạo theo cảm xúc và thế giới quan của riêng mình, không bị gò ép theo khuôn mẫu hay phục tùng quyền lực. Bản vị cá nhân là cơ sở quan trọng để tạo nên những tác giả khác biệt với trào lưu chung, khai phá những vùng đất nghệ thuật mới, xây dựng những cột mốc chưa từng xuất hiện trước đó.

Đôi khi, một vài cá nhân phi thường có thể mang đủ tính đại diện, làm rạng danh cho cả một nền nghệ thuật, ví dụ Henry Moore (điêu khắc) và Francis Bacon (hội họa) đối với nghệ thuật hiện đại Anh, hay Oscar Niermeyer (có thể thêm Paulo Mendes da Rocha) đối với kiến trúc hiện đại Brazil. Khi nói về nghệ thuật biểu diễn âm nhạc cổ điển Việt Nam, có lẽ thế giới chỉ biết đến Đặng Thái Sơn?

Một nền  nghệ  thuật dù nhỏ hay lớn  cũng  nên kể tên được  ít  nhất  một vài tác phẩm tiêu biểu để  dễ ghi nhớ, chẳng hạn như khách du lịch đi Paris phải “check-in” ở tháp Eiffel, đến Hà Nội phải thả lỏng mình bên Hồ Gươm. Làng Vũ Đại mà không có những cá nhân như Chí Phèo, Bá Kiến thì khó nhớ lắm.

3.
Đối ứng với chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa  tập  thể, đề cao giá trị chung của cộng đồng. Có người cảm thán rằng: “Nghệ thuật Việt Nam cũng đẹp đấy nhưng không có Angkor Wat như Campuchia!” Và câu trả lời có lẽ là: “Angkor Wat của Việt Nam chính là Việt Nam!” Lô-gíc này cũng giúp chúng ta đánh giá công bằng một số tác giả không có tác phẩm lớn nổi trội nhưng lại tạo dựng được “không khí chung” đặc sắc cho cả sự nghiệp. Ví dụ đối với Bùi Xuân Phái, tác phẩm dễ nhớ nhất, lớn nhất của ông chính là “Bùi Xuân Phái” (hoặc “phố Phái”).

Chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể đều có ưu điểm và nhược điểm. Chủ nghĩa cá nhân chú trọng tới những tâm sự nhỏ bé nhưng chân thật của những số phận bình thường; thúc đẩy nghệ thuật phát triển đa dạng, nhiều màu sắc như trăm hoa đua nở; xa hơn nữa ở các thiên tài là sự bứt phá khỏi những khuôn mẫu thẩm mỹ đã được xã hội quy ước, khám phá vũ trụ bao la của cái đẹp. Điểm yếu của nó là ít có tham vọng nói đến cái đại tự sự của thời cuộc và thời gian. Đặc biệt đối với những cộng đồng yếm thế, không có nền tảng mỹ học chắc chắn, tính cá nhân có thể dẫn tới sự suy yếu, tản mát, vừa khó có cá nhân đỉnh cao mà cũng không có tập thể vững vàng. Trong khi đó, nhược điểm của chủ nghĩa tập thể là tạo ra những quy thức, định kiến, ít nhiều cản trở sự sáng tạo đột phá. Ưu điểm của nó là hướng tới giá trị cộng đồng, những câu chuyện của xã hội, gợi lên huyền thoại chung của dân tộc, giống loài, được ẩn giấu nơi vô thức tập thể.

Cái thú vị nhất của chủ nghĩa tập thể trong nghệ thuật, như Baudelaire đã chỉ ra, đó là sự tồn tại ở bên trong nó “tính độc đáo tập thể”. Chúng ta nể phục Hokusai, nhưng sẽ ngưỡng mộ ông hơn bởi ngoài ông còn rất nhiều nghệ sĩ khác với những tác phẩm có chất lượng cùng đẳng cấp trong một sự độc đáo chung của tranh khắc gỗ Nhật Bản. Điều tương tự cũng xảy ra với Vermeer và tranh sinh hoạt Hà Lan thời kỳ Baroque, với Monet và nhóm các họa sĩ Ấn tượng ở Paris giữa thế kỷ 19, với Malevich và phong trào Tiên phong ở Nga đầu thế kỷ XX, với Nguyễn Gia Trí và hội họa sơn mài Việt Nam.

4.
Tính độc đáo tập thể không loại trừ tính đặc sắc cá nhân, nếu không nói nó là sức mạnh hậu thuẫn, yểm trợ cho tính cá nhân càng trở nên đặc sắc và đáng tin. Hội họa của Gauguin dù có kỳ lạ, gây choáng ngợp đến đâu thì người ta vẫn nhận ra mối liên hệ máu thịt với một truyền thống Pháp kể từ Poussin. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự khác biệt của Monet khi so sánh với các họa sĩ ấn tượng khác như Renoir, Pissarro, Sisley, hoặc cá tính sáng tạo của Koolhaas giữa các “kiến trúc sư ngôi sao” deconstructivism như Gehry, Hadid, Eisenman.

Tính độc đáo tập thể gợi lên suy nghĩ về các trào lưu, xu hướng, phong cách, những khái niệm trước hết rất cần thiết đối với nhà phê bình và công chúng, sau đó có thể đối với cả nghệ sĩ nữa. Nếu nghệ sĩ có cả “tên riêng” lẫn “tên chung”, thì sự nghiệp và tác phẩm của anh ta phải chăng sẽ “đủ vị” hơn là những người chỉ có hoặc “tên riêng” hoặc “tên chung”? Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đương đại thường không thích các xu hướng, phong cách nghệ thuật. Họ nghĩ rằng mỗi tác phẩm của họ là một sự “kết tinh đặc biệt”, có một không hai, không thuộc về khuynh hướng nào cả!?

Cá chép trông trăng - Tranh Hàng Trống

5.
Quay lại với truyền thống, trọng tập thể là một trong những tính cách của người Việt Nam, được thể hiện rõ nét trong văn hóa - nghệ thuật, ví dụ phương thức sản xuất, kinh doanh, sáng tạo theo làng nghề, vẫn được duy trì đến ngày hôm nay ở các địa phương. Còn ở Hà Nội, việc cả khu phố cùng kinh doanh một mặt hàng là khá phổ biến, đặc biệt ở khu phố cổ, “buôn có hội, bán có phường”. Ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nói về các địa danh làng nghề, ví dụ:

Chợ Chì bán xảo bán sàng,
Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay,
Đình Bảng bán ấm bán khay,
Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông.

Hay:

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng,
Vải tơ Nam Định, lụa làng Hà Đông.

Người xưa lại có câu “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” để nói về thế mạnh cũng như nét đặc sắc kiến trúc ở các vùng xung quanh Thăng Long - Hà Nội. Vùng Sơn Nam là nơi chiêm trũng, nhiều sông ngòi nên xây dựng nhiều cầu; vùng Kinh Bắc từng là cái nôi và trung tâm Phật giáo nên có nhiều ngôi chùa quy mô và đặc sắc; vùng Sơn Tây có nhiều làng nghề, kinh tế cộng đồng phát triển nên huy động được nguồn lực làng xã để dựng nhiều đình đẹp.

Ngày nay, liên quan đến mỹ nghệ, nghệ thuật, có làng sơn Hạ Thái, làng bạc vàng quỳ Kiêu Kỵ, làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thanh Hà, Bàu Trúc, tranh khắc gỗ Đông Hồ, Kim Hoàng, Sình, đồ thờ Sơn Đồng, đồ gỗ Đồng Kỵ, hoa cảnh Tân Quy Đông, dệt thổ cẩm Văn Giáo, tranh kiếng Bà Vệ... Theo thống kê mới đây, Việt Nam có gần 2000 làng nghề, tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi làng đều thờ tổ nghề của mình, thường cũng là thành hoàng. Làng nghề có hương ước, quy tắc hoạt động để các gia đình liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Làng nghề, một biểu hiện sinh động của tính độc đáo tập thể ở Việt Nam, đã chứng tỏ sức sống bền bỉ hàng trăm năm, bởi nó là một thiết chế tổng hợp xã hội - tín ngưỡng - thương mại - nghệ thuật. Tuy vậy, mỗi làng nghề đều cần những cá nhân nhạy bén, sáng tạo để thúc đẩy sự thay đổi sản phẩm phù hợp với thị hiếu thời cuộc. Không ít làng nghề đã biến mất bởi thiếu đi sự sáng tạo cá nhân. Tập thể tuy ổn định, bền vững nhưng dễ dẫn đến trì trệ, lối mòn. Còn cá nhân thì dễ sáng tạo, chủ động, nhưng nếu không có tập thể góp sức, đầu tư, thì dẫn tới manh mún, thiếu chắc chắn.

Ví dụ làng tranh Đông Hồ, một làng nghề đã vượt qua thử thách thời cuộc để duy trì đến ngày hôm nay, một phần bởi có những cá nhân mạnh dạn đổi mới cả về nghệ thuật lẫn phương thức kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Khi quan sát tính tập thể và cá nhân ở làng tranh Đông Hồ, Quang Việt và Đặng Thị Bích Ngân có phát hiện thú vị: “Lúc sơ khai có thể hoàn toàn khuyết danh, nhưng sau đó là nửa khuyết danh, vì có khả năng xác định được một số tên họ của những người làm tranh, để rồi bắt đầu có ghi rõ ràng danh tính của người sáng tác trên một số mẫu tranh mới vào nửa sau thế kỷ XX như Nguyễn Đăng Sần, Nguyễn Đăng Khiêm, Trần Nhật Tấn, Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế”.

6.
Tóm lại, sự hài hòa giữa tập thể với cá nhân vẫn là sách lược đúng đắn mà kinh nghiệm cha ông ta đã truyền lại, không chỉ đối với tổ chức làng nghề mà còn với cả nền kinh tế, nghệ thuật quốc gia. Mỗi nghệ sĩ và cả nền nghệ thuật đều được hưởng lợi nếu giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể.

V.H
(TCSH406/12-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng