Nghiên Cứu & Bình Luận
Tình thế của con người - tình thế của thơ
14:42 | 22/05/2023


TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

Tình thế của con người - tình thế của thơ
Nhà thơ Trương Đăng Dung bên mộ nhà thơ Hungary Holló András - Ảnh: tư liệu

… Thế giới vẫn không ngừng tiếng súng
đạn bắn vào con người trong chiến tranh
đạn bắn vào con người trong hòa bình
lớp lớp xương người làm cốt sắt
bê tông trái đất nặng nề quay.

Không có gì mới đâu, thi sĩ
mỗi ngày sống là một ngày thất vọng
từ Tây sang Đông
người sợ con người.

Hai mươi bốn năm rồi thêm một lần khóc bạn
giữa Châu Âu bất an
tôi ngửa mặt nhìn trời.

                        (Bên mộ một nhà thơ)
                                    Hungary, 17/08/2016

 

1. Tình thế của con người

Những câu thơ trên đây trích từ bài thơ Bên mộ một nhà thơ tôi viết cách đây sáu năm, in trong tập Em là nơi anh tị nạn vừa mới xuất bản. Tôi muốn bắt đầu bản tham luận bằng những câu thơ đó thay cho lời dẫn nhập.

Thế kỷ XX đã khép lại hơn hai thập niên. Một thế kỷ mà trí tuệ của con người cũng đã có lúc tỏ ra bất lực trước nhiều vấn đề của đời sống, có những lí giải về đời sống dường như chống lại đời sống. Một thế kỷ đối diện với nghèo đói, bạo lực, ô nhiễm môi trường và cô đơn tập thể trong sự bất khả kháng của con người đang trở thành trạng thái phổ biến của thế giới. Một thế kỷ mà trật tự thế giới luôn phải điều chỉnh trước những biến động chính trị và sự phân cực của các hệ thống quyền lực, nhưng con người vẫn bị lãng quên ngay trong chính những việc mà người ta thực hiện nhân danh lợi ích của con người, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Một thế kỷ mà loài người vẫn chưa tìm ra chìa khóa đích thực mở đường cho tiến bộ xã hội, và bản thân đời sống hiện đại, về một phương diện nào đó, vẫn chỉ là sự kéo dài của những giá trị thời Trung cổ, trong hình thức mới của nó mà thôi.

Sau tất cả những biến cố đã xảy ra, bước vào thế kỷ XXI, con người đang ở trong tình thế như thế nào? Con người có thể làm gì trong một thế giới mà đến nỗi đau cũng cũ? Con người có thể làm gì để vượt lên những ngộ nhận và giới hạn nhục nhã do chính con người tạo ra? Những ngộ nhận và giới hạn trong quan hệ giữa các quốc gia, tôn giáo và những cộng đồng người khác nhau, đã hủy hoại công cuộc làm người bình thường nhất. Những ngộ nhận và giới hạn trong các thành tựu khoa học, công nghệ và cách mà con người vận dụng chúng đang gây nên những hậu quả khôn lường ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Đến bao giờ thì tiến bộ của khoa học công nghệ có thể song hành với tiến bộ xã hội? Con người có thể hy vọng vào một viễn cảnh khi tiến bộ xã hội và tiến bộ khoa học, công nghệ nắm tay nhau cùng bước? Nhưng trên tất cả, một câu hỏi lớn, liên quan đến vấn đề cốt lõi nhất: Có gì bảo đảm để con người không bị hủy diệt bởi chính con người?

Với cái nhìn bao quát nhất, chúng ta có thể xem lịch sử của loài người là lịch sử của nỗi lo âu, sợ hãi. Thực ra, nỗi lo âu và sự tha hóa là những hiện tượng đi cùng với nhau, cùng tăng lên hoặc giảm đi trong quá trình lịch sử nhân loại. Xã hội loài người phát triển đồng thời với nỗi lo âu mới, sau nỗi lo sợ có nguồn gốc tự nhiên là nỗi lo sợ có nguồn gốc tôn giáo và bây giờ là nỗi lo sợ có nguồn gốc xã hội: Con người đi từ nỗi sợ thiên nhiên, sợ Thượng đế, đến sợ con người! Điều này gắn liền với sự phát triển của con người như thế nào thì chính khoa triết học lịch sử và khoa chính trị kinh tế học mác xít cũng đã hơn một lần chỉ rõ.

Không có gì có thể biện minh cho những tội ác mà con người gây ra cho nhau. Không có gì đáng tự hào khi một quốc gia nào đó hơn người với những vũ khí giết người hàng loạt, thậm chí đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Một quốc gia hùng mạnh và văn minh là quốc gia biết quan tâm đến số phận của con người ở trong tự do và số phận của tự do trong con người, đúng như N. A. Berdyaev từng nói. Ông đã nhận xét rất sâu sắc về sáng tác của Dostoyevsky: “Kẻ nào trong cơn tự tung tự tác của mình không biết đến ranh giới tự do của mình, thì kẻ đó sẽ đánh mất tự do, kẻ đó sẽ trở nên cuồng si một "ý tưởng" vốn dĩ sẽ nô dịch anh ta. Raskolnikov là như thế… Raskolnikov ý thức được sự bất lực hoàn toàn của mình, sự ti tiện của mình. Cuộc thử thách những giới hạn tự do và sự hùng mạnh của mình đã dẫn đến kết quả thật kinh hoàng. Raskolnikov đã tiêu diệt bản thân mình cùng với mụ già ti tiện và độc ác… Anh ta đã hiểu ra rằng thật dễ dàng giết chết một con người, rằng cái thí nghiệm ấy không quá khó, nhưng cũng đã hiểu ra rằng điều này chẳng hề đem lại chút sức mạnh nào, rằng điều này làm mất đi sức mạnh tinh thần của con người. Chẳng có gì "vĩ đại", chẳng có gì "phi thường" mang ý nghĩa thế giới đã xảy ra từ sự kiện Raskolnikov giết chết một mụ cho vay nặng lãi, anh ta bị đè bẹp bởi tính chất ti tiện của sự cố đã xảy ra… Dostoevsky đã vạch trần tính chất trá ngụy của những kì vọng làm siêu nhân. Phát hiện ra rằng ý tưởng trá ngụy siêu nhân làm tiêu vong con người… Tất cả những nỗ lực cố vươn tới sự hùng mạnh siêu nhân đều thật ti tiện và thảm hại, chúng đều kết thúc bằng sự sụp đổ của con người, rơi vào sự yếu đuối mất nhân tính.”1 Thế giới đang có bao nhiêu Raskolnikov với tham vọng vươn tới sự hùng mạnh siêu nhân kiểu đó? Nguy hiểm hơn, những Raskolnikov hiện tại có thể thể hiện sức mạnh siêu nhân bằng các nút bấm hạt nhân xách tay, rất nhẹ nhàng nhưng lại có khả năng hủy diệt sự sống của cả hành tinh.

Những nghệ sĩ lớn là những người nhạy cảm trước các vấn đề của tồn tại người. Sau Dostoyevsky, các sáng tác của Franz Kafka đã cho thấy nguyên nhân bị “lưu đày” và tình thế của con người trong thế giới hiện đại: Trong mê cung của những thiết chế quyền lực mờ ám và phi lý, được bày đặt ra như những cái bẫy, con người bị tước mất khả năng tìm hiểu và thiết lập quan hệ với thế giới một cách bình thường; vì con người không phải là chủ nhân, mà là nạn nhân của thế giới. Trong thế giới nghệ thuật của Kafka, đối với cái Tôi, thế giới trở nên xa lạ; đối với thế giới, cái Tôi trở nên xa lạ. Số phận của con người bị kết án là phải chết một cách cô đơn, thê thảm “như con chó”. Thế giới này là một thế giới bi hài, đúng như S. Kierkegaard từng nói. Bi, vì lẽ ra nó phải bị hủy diệt, hài, vì nó vẫn luôn còn đó!

2. Tình thế của thơ

Nếu tư duy tiền hiện đại đã khám phá những mối liên hệ bề mặt có thể cảm nhận được của thế giới thì tư duy hiện đại phát hiện ra rằng những mối liên kết bề mặt không phải do những quy tắc bề mặt cụ thể dẫn dắt, mà là do những hình thức ổn định, ẩn kín; những cấu trúc trừu tượng được xác lập một cách bài bản, chi phối. Tư duy hiện đại muốn nhìn ra phía sau cái bề mặt của sự vật, sự việc. Những phát hiện của Freud cho thấy có cái gì đó sâu lắng, không thể tiếp cận được nhưng lại luôn luôn hoạt động đằng sau ý thức của con người. Đó là cái vô thức không thể cảm nhận và đo đếm. Tư duy thơ hiện đại đã sử dụng một số cặp khái niệm mâu thuẫn rất đặc trưng như cái có thể nói ra và cái không thể nói ra; bí mật và công khai; bản chất và hiện tượng; chính thức và không chính thức; cái ngẫu nhiên chốc lát và sự tất yếu vĩnh hằng…

Như vậy, thơ không thể tiếp cận được bản chất của tồn tại người ở một bình diện duy nhất, bởi vì đời sống không chỉ có một bề mặt với các sự việc xảy ra tiếp nối nhau. Không thể tiếp cận các sự kiện của đời sống bằng quy luật nhân quả hay bằng sự quy chiếu nào đó qua sự mô tả mà chúng ta đã thấy ở hệ hình tư duy nghệ thuật tiền hiện đại, vì đời sống không chỉ có các sự việc xảy ra liên tục, được ẩn giấu nơi bề mặt. Thơ hiện đại luôn phải đối diện với mâu thuẫn giữa cái bên trong và cái bên ngoài; giữa tự do và thực tại; giữa ấn tượng và lí trí; giữa giới hạn và khát vọng. (Bài thơ Phục sinh của Thanh Tâm Tuyền là một ví dụ tiêu biểu thể hiện rất rõ điều này). Nhà thơ hiện đại muốn hiểu và xác lập chính mình thông qua tác phẩm, khám phá những bí ẩn của thế giới trong những bí ẩn của bản thân. Thơ đang ngày càng đi sâu khám phá cái tôi bản thể, khám phá thế giới bên ngoài qua thế giới bên trong cái tôi. Các nhà thơ nhận ra rằng, cần phải để cho tồn tại cá nhân trở thành cái phổ quát. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2020, Ủy ban giải Nobel đã vinh danh nữ thi sĩ người Mỹ, Louise Glück, với những sáng tác mà sự hiện hữu của cá nhân trở thành phổ quát. Vì chỉ như vậy thì thơ mới vượt lên những giới hạn của sự sáng tạo cũ và nói ra được điều gì đó về tình thế của tồn tại người. Bởi vì “Con người không thuộc về một trật tự khách quan, nó không ở trên bề mặt trái đất và trên bề mặt linh hồn của mình. Đời sống tinh thần được trả lại cho con người, nhưng là từ chiều sâu bên trong, đi qua bóng tối, đi qua thanh tẩy và địa ngục”2. Nhà thơ chỉ có thể nói ra một điều gì đó (chữ dùng của Berdyaev), nếu anh ta biết vượt lên những quy tắc thế tục che giấu sự trống rỗng nội tâm. Còn không thì anh ta chỉ nói về một điều gì đó bằng những mô tả, kể lể rì rầm, nhạt nhẽo. Như vậy, việc nói ra điều gì đó, luôn là phẩm chất quyết định sự sâu sắc của một sáng tạo nghệ thuật.

Chúng ta đều biết, văn học nói chung, thơ nói riêng không phát triển theo một tiến trình liên tục, bình yên với sự thay thế của các xu hướng sáng tác có đẳng cấp cao hơn vào vị trí của những xu hướng sáng tác thấp hơn, mà thực chất, đó là quá trình phá vỡ quyền bá chủ của các nguyên tắc và hình thức đã được chấp nhận và quy phạm hóa trong nghệ thuật. Chúng ta không nên chỉ nói về cái mới trong văn học với sự vượt trội của nó trước cái cũ. Cái mới không chỉ là phạm trù mỹ học, nó đồng thời là phạm trù lịch sử, nếu chúng ta ý thức được yếu tố lịch sử nào đã làm cho một hiện tượng văn học lạ trở thành cái mới, cũng như thiết chế văn hóa, xã hội nào đã kìm hãm hay ủng hộ nó. Bản chất của sự đổi mới văn học là sự điều chỉnh những chuẩn mực thẩm mỹ của một cộng đồng sáng tạo và tiếp nhận, thậm chí đó là sự phá vỡ những chuẩn mực thẩm mỹ của nhà văn, vì cái mới luôn là thước đo của chất lượng thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật. Và bản chất của chuẩn thẩm mỹ là nó phải bị phá vỡ, bị vượt lên, chính trong sự phá vỡ thường xuyên các chuẩn mực đã có mà văn học có được sức mạnh đổi mới liên tục.

Có một số giá trị được hình thành qua các giai đoạn lịch sử lớn của thơ đến nay đã trở nên bất ổn, muốn thay thế nhau. Và sự thay thế lẫn nhau giữa các giá trị này diễn ra đồng thời với việc xuất hiện những giá trị khác mới hơn. Quá trình này còn tùy thuộc vào thiên hướng và năng lực tiếp nhận của người đọc. Vai trò cá biệt của người tiếp nhận cũng gia tăng lên đáng kể. Người đọc trở thành yếu tố quan trọng của đời sống văn học. “Tất cả mọi tác phẩm, dù được sáng tạo theo thi pháp tất yếu nào cũng mở theo các kiểu đọc, mỗi kiểu đọc mang tới cho tác phẩm một đời sống mới từ một triển vọng nào đó theo thị hiếu cá nhân của người đọc” (Umberto Eco). Người đọc hiện đại một mình thực hiện sự hiểu văn bản văn học, điều mà trước đây một truyền thống cộng đồng hoặc một hệ tư tưởng giai cấp đảm bảo cho nó. Do đó, quá trình các văn bản văn học đi từ tình thế văn hóa - lịch sử này đến tình thế văn hóa - lịch sử khác là quá trình chúng có nghĩa mới, hoàn toàn xa lạ với chủ ý của người sáng tác và công chúng một thời. Không có phương thức nào để chúng ta nhận thức văn bản văn học “như là nó”, do tính không ổn định của văn bản khi được tiếp nhận. Mọi sự hiểu một văn bản nào đó đều là sự sáng tạo, là sự hiểu một cách khác, nó luôn tìm kiếm những khả năng mới để thay đổi văn bản trong khuôn khổ những khả năng đó.

Ngoài ra, có thể thấy từ nửa sau thế kỷ XIX, chức năng xã hội của văn học nghệ thuật đã có những thay đổi. Trong thực tế, quá trình này vẫn đang tiếp diễn. Nhìn từ sự hội nhập đời sống của các loại hình nghệ thuật, chúng ta thấy bên cạnh nhu cầu về thời gian tự do đang ngày một lan rộng ra nhiều thành phần xã hội, có một điều gì đó xảy ra từ bên trong, liên quan đến tinh thần tự giáo dưỡng ngày một gia tăng, thể hiện ngay cả trong các hoạt động giải trí. Thực chất đấy là nhu cầu tự cảm nhận của con người, nó muốn từ bỏ một cách âm thầm những gì nặng nề, đạo mạo, những áp lực công việc căng thẳng, sống chậm lại để có thể cảm nhận và tận hưởng cuộc sống được nhiều hơn. Đây là sự tìm kiếm một loại ấn tượng mới trong cảm thụ nghệ thuật nói chung. Chính vì thế, chưa bao giờ trên thế giới có một sự phân hóa sâu sắc giữa các tầng lớp trong xã hội trước các giá trị văn học như hiện nay, với các nhóm độc giả có thị hiếu thẩm mỹ khác nhau, lựa chọn và tiếp nhận các tác phẩm văn học cũng khác nhau. Chúng ta nên để cho mọi khuynh hướng sáng tác được thể hiện, cũng như cần chấp nhận sự xuất hiện của các nhóm độc giả với những nhu cầu về văn học nghệ thuật khác nhau. Các nhà thơ cần làm quen với thực tế là mỗi nhà thơ có một cộng đồng diễn giải riêng. Nhà thơ không lựa chọn được người đọc, mà người đọc lựa chọn nhà thơ.

Trở lên là những gì liên quan đến các thử thách và giới hạn mà thơ phải đối mặt trước tình thế của con người. Trong một thế giới đang được vận hành bởi sức mạnh của lợi ích với cơ chế thị trường và những tham vọng kinh tế ngắn và dài hạn, thơ không thể mang lại thu hoạch gì, có thể cầm nắm hoặc quy đổi.

Đơn giản chỉ vì thơ là thơ.

Xin miễn cho thơ sự thần thánh hóa, cấp cho nó những chức năng nhiệm vụ cao cả đến mức nó không thể và không bao giờ thực hiện được, để lôi kéo thơ vào mục đích xa lạ, làm sơ lược hóa thơ và sơ lược hóa con người.

Hãy cho thơ được cất tiếng nói về tồn tại người, theo cách của thơ. Nhà thơ Octavio Paz, Giải Nobel Văn học năm 1990, đã nói: “Mọi thi sĩ trong những khoảnh khắc thơ, dù dài dù ngắn, nếu thực là thi sĩ, đều nghe tiếng nói khác. Nó là tiếng của chính họ, của một người nào khác, của chẳng ai khác, chẳng của ai cả, và của tất cả mọi người… Chừng nào còn con người, chừng đó còn thi ca. Tương quan này, tuy nhiên, có thể bị phá vỡ. Sinh ra bằng trí tưởng tượng của con người, thơ có thể chết nếu trí tưởng tượng chết hoặc đồi truỵ. Nếu con người quên thơ, họ sẽ quên chính mình. Và sẽ trở về sự hỗn mang nguyên thủy.3

Hà Nội, 10/2022
T.Đ.D
(TCSH410/04-2023)

------------------------
1 N. A. Berdyaev: Thế giới quan của Dostoevsky (Nguyễn Văn Trọng dịch, giới thiệu, chú giải, Nxb. Tri Thức Hà Nội, 2017, tr.154, 157 và 158).
2 N. A. Berdyaev: Thế giới quan của Dostoevsky (Nguyễn Văn Trọng dịch, giới thiệu, chú giải, Nxb. Tri Thức Hà Nội, 2017, tr. 80).
3 Octavio Paz, Thơ văn và tiểu luận (Nguyễn Trung Đức chọn dịch, Nxb. Đà Nẵng, 1977, tr. 266, tr. 274)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng